Trốn sang Trung Quốc lao động trái phép: Quả đắng từ lời hứa đường mật

Thứ Tư, 21/09/2016, 10:11
“Thân tàn ma dại” trở về từ vùng đất hứa, nhiều lao động ở vùng núi cao Yên Bái còn phải sống trong những ngày tháng cơ cực vì nợ nần chồng chất.

Thế nhưng, ảo tưởng từ miền đất hứa vẫn được các đối tượng phạm tội gieo rắc đến đồng bào dân tộc, khiến nhiều người bỏ trốn khỏi nhà những mong tìm cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng tiền đâu không thấy, họ bị bắt, trả về Việt Nam với món nợ vay mượn đưa cho “cò” lao động không biết khi nào trả nổi. Trốn sang Trung Quốc để lao động trái phép đang là vấn đề nhức nhối ở vùng cao Yên Bái.

Trong ngôi nhà thấp lè tè, nóng nực ở thôn Khe Cọ, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, chị Tăng Thị Vượng vẫn chưa quên những ngày tháng khổ cực khi đi lao động chui ở Trung Quốc. Dù chỉ có 3 tháng lao động ngắn ngủi nhưng nỗi ám ảnh vẫn khiến nhiều đêm chị bừng tỉnh giấc. 

Vào đầu năm 2014, chị Vượng được một phụ nữ đến làm quen và vẽ ra cho chị một viễn cảnh tươi sáng về cuộc sống đổi đời ở đất khách. Người này nói với chị, phía Trung Quốc đang rất thiếu nhân công, việc lại nhàn hạ, lương cao từ 7-8 triệu đồng/tháng, nếu không đi thì rất đáng tiếc. 

Ban đầu chị còn do dự, nhưng nghĩ đến mức lương cao nên đã rủ thêm 6 phụ nữ cùng thôn đi làm ăn. Không có tiền, chị Vượng phải đi vay nặng lãi gần 10 triệu đồng gọi là phí môi giới để đưa cho người phụ nữ kia. 

Lực lượng Công an vận động người dân không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động thuê.

Ở Tân Nguyên, ngoài nương rẫy, giỏi lắm thu nhập làm thêm của những phụ nữ này cũng chưa đầy 1 triệu đồng mỗi tháng, thế mà chỉ qua cột mốc biên giới, mỗi tháng họ kiếm được gần chục triệu đồng, họ chỉ đi vài ba năm là có một khoản tiền lớn mang về. Nghĩ tới đó, 7 người phụ nữ đã không ngần ngại ôm quần áo vào một đêm rằm tháng 3-2014 vượt rừng trốn sang Trung Quốc với giấc mộng đổi đời.  

Nhưng chỉ một giờ sau khi đặt chân đến “vùng đất hứa”, họ bị đưa vào làm việc ở một xưởng đồ chơi đến khi gần kiệt sức mới được nghỉ. Sáng sớm hôm sau họ đã thức giấc bởi tiếng quát lớn, vội vàng đến xưởng làm việc cho tới 22h. Sau một tuần tăng ca tới đêm, bị chủ xưởng đối xử tàn tệ, chỉ cho ăn cơm, không có thức ăn khiến họ tan tành giấc mộng. 

Nhận ra bộ mặt thật của những “hào quang” mà môi giới lao động dụ dỗ thì đã quá muộn. Bị đối xử tệ bạc, lao động cực nhọc trong môi trường độc hại, các chị đã không chịu được và quyết tâm bỏ trốn. 

Không biết tiếng, không thuộc đường, sau một hồi trốn chui lủi, họ bị Công an Trung Quốc bắt giữ và trao trả về Việt Nam. “Đi làm 3 tháng thì chỉ được trả lương 1 tháng. Về lại gánh một cục nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, 2 năm rồi không biết khi nào trả nổi”, chị Vượng rầu rĩ cho biết.

Chị Vượng vẫn còn may mắn vì đã trốn thoát khỏi chủ Trung Quốc, nhiều lao động ở Yên Bái bị thương tật khi trở về, có người đến nay vẫn mất tích, có người chết tại xưởng lao động. 

Cháu Lèo Thị Y, 16 tuổi, ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu đi Trung Quốc làm thuê đã hơn một năm chưa về. Từ khi cháu Y đi đến nay mới gọi điện về nhà một lần, trong điện thoại cháu khóc rất nhiều. Gia đình không biết cháu đang ở chỗ nào của Trung Quốc, cũng không nhận được tin tức gì của cháu. 

Đại tá Bùi Đức Ly, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Yên Bái cho biết, đã có 2 trường hợp sang Trung Quốc lao động chết do bị bệnh. Chị Hoàng Thị Xuân ở xã Tân Hợp, huyện Văn Yên sang Trung Quốc lao động hơn 1 năm, khi chết gia đình không hề hay biết. Đến khi nhận được tin thì chị đã bị hỏa táng, yêu cầu người nhà sang nhận tro cốt. Gia đình chị quá khó khăn nên phải nhờ tới chính quyền địa phương. Hơn nữa, có lao động sang Trung Quốc bị tai nạn, bị chủ đánh đập đến “thân tàn ma dại”.

Tính đến nay, Yên Bái đã có 2.700 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, nhiều nhất là huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình. Năm 2015, Yên Bái phát hiện có gần 400 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. 

Đại tá Bùi Đức Ly cho biết: 

“Các đối tượng “cò” dùng thủ đoạn tiếp cận với người dân, đưa ra mức lương cao từ 4-5 triệu đồng/tháng khiến họ tin là thật. Giai đoạn đầu chủ trả công sòng phẳng để thu hút lao động. Thậm chí, có người được chúng trả lương về xây nhà khiến người dân tin tưởng. 

Nhưng sang tới nơi mới vỡ mộng, chủ không trả lương theo tháng, mà để dồn và giữ lại. Nhiều trường hợp bị chủ xù nợ kiểu hẹn trả theo quý, nhưng đến thời gian chuẩn bị trả lương thì báo Công an Trung Quốc. Công an vào kiểm tra người lao động không có giấy tờ, bị bắt giữ, đẩy đuổi về Việt Nam”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lao động Việt Nam trốn sang Trung Quốc chủ yếu làm việc trong các xưởng sản xuất đồ chơi, thu hoạch mía, chuối. Tiền môi giới cho một lao động sang Trung Quốc từ 4-5 triệu đồng, đa số là đi vay nặng lãi hoặc cầm ruộng đi cắm như trường hợp ở xã Phù Nham, Thanh Lương, huyện Văn Chấn. Tuy nhiên, sang tới Trung Quốc, họ bị bóc lột sức lao động, làm việc từ 10-12 tiếng/ngày, bị đối xử hà khắc và ăn uống kham khổ khiến nhiều người kiệt sức. 

Theo cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái thì đơn vị đã khởi tố 2 vụ với 3 đối tượng là Lại Đức Thuận và Triệu Tôn Nhất, cùng trú tại xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên; Hứa Văn Lành, trú tại xã Phan Thanh, huyện Lục Yên về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Đại tá Bùi Đức Ly cho biết, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thuê đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, để người dân không tiếp tục bị lừa bởi “miếng bánh vẽ” thì chính quyền các xã, huyện ở Yên Bái cần phải mở các lớp tuyên truyền về thủ đoạn cũng như hậu quả của việc xuất cảnh trái phép để người dân được tiếp cận thông tin, nắm rõ âm mưu của kẻ xấu và nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị mắc lừa kẻ môi giới.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.