Trở về sau 45 năm được công nhận liệt sỹ

Thứ Hai, 15/08/2011, 15:00
Chuyện hi hữu người chết 45 năm lại đường hoàng trở về. Đằng sau câu chuyện về một liệt sỹ trở về sau 45 năm gia đình nhận giấy báo tử là câu chuyện về cả một thế hệ đã chiến đấu hi sinh tất cả cho sự độc lập thống nhất của tổ quốc.

Ngày ấy mang theo lòng nhiệt huyết và tinh thần yêu nước của tuổi trẻ, bà ra đi theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng. Vì sự nghiệt ngã của chiến tranh mà bà phải rời bỏ quê hương, đã 45 năm, ai cũng tưởng bà đã hy sinh, ảnh bà đã được hương khói trên bàn thờ, tên tuổi bà đã được khắc vào bia tưởng niệm, Tổ quốc đã ghi công bà... Hôm nay, mang theo tình yêu và nỗi day dứt vì thương nhớ quê hương, ngày 6/8 vừa qua, tại thôn 3, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc (63 tuổi, hiện đang trú Tiền Giang) bỗng dưng tìm về lại được nơi quê cha đất tổ.

Một thời oanh liệt của nữ bộ đội

Cả tuần vừa qua, chuyện về cô Ngọc lan tỏa khắp huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ngày 12/8, chúng tôi đến UBND huyện tìm hiểu câu chuyện ly kỳ này. Có mặt tại Phòng Thương binh - Xã hội huyện Phú Ninh, được ông Trần Hưng Hoàng, Trưởng phòng Thương binh - Xã hội huyện khẳng định với phóng viên, chuyện liệt sĩ trở về sau gần 45 năm lưu lạc có thật 100%.

Để cho chúng tôi tin tưởng hơn, ông Hoàng cùng ông Nguyễn Khắc Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Vinh dẫn chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Vận (thôn 3, xã Tam Vinh), gặp người phụ nữ cách đây mấy ngày còn là một "liệt sĩ".

Bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết: Bà sinh tại xã Kỳ Thịnh, huyện Tam Kỳ cũ nay là thôn 3, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh. Năm 1964, khi mới hơn 16 tuổi, bà đã trốn ba mẹ để tham gia lực lượng du kích xã Kỳ Quý. Năm 1966, tại căn cứ Ao Lầy, xã Tam Vinh, trong một trận đánh oanh liệt bà bị trúng pháo kích của địch và bị thương nặng nên mọi người cứ tưởng bà đã hi sinh trong trận pháo kích không còn xác.

Do tính bảo mật nên bà được cán bộ điều động về Trung đội 2, Đại đội 4, thuộc đơn vị cơ động khu V làm cán bộ y tế, bà nhớ đi cùng bà thời đó có cô Bảy Đác (cô Ngọc chỉ nhớ được nấy) vừa chiến đấu vừa làm y tá phục vụ chiến trường. Tiếp đến ngày 16/8/1967, trong lúc đơn vị bà tập kích vào Pleiku, tỉnh Gia Lai, bà đã bị thương do bom.

Đồng đội khiêng bà vượt qua lửa đạn về điều trị tại bệnh xá Quân khu 5 đóng tại huyện Trà My, Quảng Nam. Tuy qua cơn nguy hiểm nhưng bà đã vĩnh viễn mất đi một lá phổi bên trái và bị nhiều mảnh đạn găm vào cổ phía bên trái.

Bà Ngọc kể tiếp: Sau khi sức khỏe ổn định bà đã quyết tâm xin được trở lại chiến trường cũ vào cuối năm 1969, tại đây bà đã quen  và kết duyên cùng ông Bùi Văn Bé Hùng (nay là thương binh) trú quê Cai Lậy, Tiền Giang. Từ đây hai vợ chồng bà đã trải qua những năm tháng đạn bom ác liệt nhất của chiến trường Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ.

"Hai vợ chồng tôi sát cánh bên nhau cùng đơn vị chiến đấu cho đến ngày giải phóng Sài Gòn vào 30/4/1975. Đến năm 1982, vết thương cũ tái phát, lúc tỉnh, lúc mê nên tôi xin nghỉ việc về quê chồng ở huyện Cái Bè, Tiền Giang sinh sống cho đến bây giờ với 5 mặt con" - bà Ngọc nói.

Bà con hàng xóm đến chia vui khi bà Ngọc được đoàn tụ với gia đình sau 45 năm lưu lạc.

Ngày đoàn tụ đẫm nước mắt

Ông Nguyễn Văn Vận, em ruột bà Ngọc, cho biết: "Từ sau ngày giải phóng, cứ đến ngày 5/11 hằng năm là gia đình tổ chức đám giỗ cho chị, thế mà đã 36 năm thờ cúng chị rồi. Sáng hôm 6/8 thấy hai người xách valy tìm vô nhà, tôi cứ tưởng là khách lạ đi hỏi thăm ai. Ai ngờ mới bước vào nhà, chị Ngọc nhìn tấm ảnh của ba mẹ trên bàn thờ, chị oà khóc. Sau đó chị thấy tấm ảnh của mình để cạnh bên cùng cái bằng liệt sĩ mang tên Nguyễn Thị Ngọc. Lúc đó tôi không tin là chị của mình còn sống. Bởi sau ngày giải phóng, gia đình nhận được giấy báo tử, chị đã hy sinh không tìm được xác. Đến năm 1997 gia đình mới khai báo, sau đó đến năm 2001 Nhà nước mới công nhận liệt sĩ cho chị, đến giờ tôi cùng gia đình không ai tin nổi đây là chuyện có thật 100%".

Phủi bụi trên tấm bằng liệt sĩ ghi tên mình, bà bảo âu đó cũng là do sự nghiệt ngã của chiến tranh... Ngoài được Nhà nước công nhận là liệt sĩ ra, bà Nguyễn Thị Ngọc vẫn được khắc ghi trên tấm bia nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh. Bà cùng chúng tôi ra nghĩa trang, bà lần tìm tên mình trên tấm bia đá và bật khóc.

Ông Nguyễn Ý Chí, nguyên cán bộ Công an khu 5, người đã tiễn chân bà ra Bắc nhớ lại: "Lần đó tôi bảo chị sau ngày giải phóng nếu còn sống thì cố về quê tìm lại gia đình bằng mọi cách, chứ không gia đình ở nhà ngóng tin lắm. Sau giải phóng, tôi cũng đã nhiều lần đi tìm hài cốt của chị Ngọc, nhưng vô vọng. Ai ngờ hôm nay chị sống và trở về quê nhà, chúng tôi vô cùng mừng!".

Từ đây ngôi nhà nhỏ nằm giữa bốn bề ruộng đồng đầy ắp những tiếng cười của người thân, bạn bè, cô bác hàng xóm đến chia vui cùng với người "phụ nữ bộ đội" được công nhận liệt sĩ trở về sau 45 năm lưu lạc. Một niềm vui khó tả đang mang đến với vùng đất một thời "oanh liệt", nhưng có một trái tim sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc của một nữ thủ lĩnh.

Ông Trần Hưng Hoàng, Trưởng phòng Thương binh xã hội huyện Phú Ninh cho biết, sau giải phóng gia đình bà Ngọc làm hồ sơ liệt sĩ, đến năm 2001, Nhà nước mới chính thức công nhận liệt sĩ cho bà Nguyễn Thị Ngọc. Hiện giờ sự việc như thế này, trước mắt chúng tôi sẽ báo cáo lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam để rút lại bằng liệt sĩ của bà Ngọc, sau đó đề xuất chế độ thương binh cho bà.

An Khang
.
.
.