Trở thành tỷ phú cá hồi từ những thất bại

Chủ Nhật, 03/05/2009, 11:01
"Tại sao anh lại chọn cá hồi mà không phải là hướng đi khác" - tôi hỏi. Trần Yên lắc đầu: "Cơ may đến với mình đúng lúc khó khăn, có việc là mình làm mà phải làm hết sức mình". Chưa bao giờ trong đầu người đàn ông này lại nghĩ mình có thể trở thành một tỷ phú cá hồi mà đơn giản chỉ là một việc làm mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân.
>> Chuyện về những người tù trở về

Trần Yên kể, trong một lần đi Sa Pa mua bò giống, chiếc xe của anh bất ngờ bị hỏng ngang đường. Hai vợ chồng anh phải ghé vào quán nước bên đường và được nghe người chủ quán kể chuyện người dân nơi đây đã làm giàu từ con cá hồi. Thông tin ấy đã hút hồn Trần Yên. Anh chợt nhận thấy đặc điểm tự nhiên ở khu vực này giống với nơi mình đang sinh sống.

Sau chuyến đi, anh đã chủ động tìm đến Trung tâm Nghiên cứu thuộc Viện Nuôi trồng Thủy sản Trung ương 1 tại Sa Pa để học tập cách chăn nuôi. Được giúp đỡ vốn từ trung tâm, anh đã thử nuôi 500 con cá hồi đầu tiên. Mẻ cá đầu tiên gặp phải biết bao khó khăn. Cả nhà thay nhau thức đêm canh chừng bể cá trong suốt thời gian dài nuôi cá. Sau 5 tháng, gia đình anh bán thu lãi trên 34 triệu đồng.

Trần Yên giải thích: "Cá hồi là loại cá chỉ ưa nước động đồng thời cần nguồn ôxy cực kỳ lớn. Cá hồi thích hợp với khí hậu ôn đới từ 12 đến 16 độ. Nếu nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao cá cũng khó có thể phát triển đựơc. Lưng chừng đèo Hoàng Liên Sơn với những điều kiện đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho Lai Châu xem ra rất phù hợp với sinh trưởng của cá hồi".

Nghĩ là làm, để có vốn tiếp tục đầu tư và mở rộng việc nuôi cá hồi, Trần Yên phải vay tiền mua cá hồi giống từ Phần Lan. Tuy nhiên, đúng ngày 23 Tết năm 2006 là lần tỷ phú cá hồi Trần Yên gặp thất bại đầu tiên. Chỉ sau một đêm, bể nuôi cá hồi của gia đình anh đã trắng xóa bởi cá chết. Nguyên nhân chính là do nền bể bị sụt khiến nước không chảy và dẫn đến gần 4 tấn cá hồi "ra đi".

Tết năm đó, cả gia đình mất ăn mất ngủ tìm cách bán tống bán tháo cá hồi với giá 30.000/kg. Trần Yên xót xa đến chảy cả nước mắt cùng máu cá. Nhưng, "mình không chịu tìm tòi, lường trước những tai nạn thì thất bại là đương nhiên. Quan trọng là nghiệm ra thêm nhiều bài học trong phát triển cá hồi", Trần Yên tâm sự. Anh tự động viên mình: "Nghèo thì lâu chứ giàu thì mấy".

Cũng phải nói thêm, tại thời điểm đó, những người dám thử nghiệm nuôi cá hồi tại Lai Châu chỉ có một mình Trần Yên. Chính vì vậy, tất cả kinh nghiệm mà Trần Yên có được chỉ thuần túy trên sách vở nên thất bại là điều khó tránh khỏi.

Đến tận bể cá, nhìn những chú cá hồi tròn lẳn đang tung tăng bơi lội trong bể nuôi cá hồi của Trần Yên được thiết kế theo mô hình ruộng bậc thang lạ mắt, không ai biết rằng để con cá hồi phát triển được như thế là cả một sự  dám nghĩ dám làm của anh. Sau thất bại, lặn lội đi các địa phương khác, tự bỏ tiền túi để sang Trung Quốc và Nhật Bản để tìm hiểu về công nghệ nuôi cá hồi của nước bạn cũng như đọc thêm sách vở để tìm hiểu cách nuôi cá sao cho hiệu quả, Trần Yên đã có những quyết định rất kịp thời.

Xác định thức ăn cũng là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển cá hồi, anh đã tự tìm nguồn thức ăn cho cá hồi nhập từ Tập đoàn Fec-ting (Hà Lan) bằng cách bỏ tiền mua vé máy bay mời chuyên gia về tận nơi khảo sát thị trường. Nếu ký kết được hợp đồng mua thức ăn, anh sẽ được hoàn lại tiền vé máy bay và nhận đơn đặt hàng.

Không những vậy, anh còn thuê cả chuyên gia Trung Quốc, Nhật Bản sang tư vấn cách nuôi cá sao cho hiệu quả. Chẳng thế mà, sản lượng cá hồi trong năm 2007 của trang trại Trần Yên đã đạt 40 tấn, giá trung bình từ 200.000 đồng - 250.000 đồng/kg, giá cá hồi trong các siêu thị lên đến 300.000 đồng/kg.

Hiện nay, trang trại của Trần Yên gồm có 3 khu bể nuôi cá hồi, diện tích mặt nước khoảng 10.000m2. Năm 2008, sản lượng đã lên gấp đôi với hơn 80 tấn. Toàn bộ số cá hồi giống nay không phải nhập từ Phần Lan mà trang trại của Trần Yên đã có thể ấp trứng. Anh còn đang nuôi thử nghiệm cá tầm có xuất xứ từ Ukraina, có hình dáng gần giống như cá mập nhưng nhỏ hơn, giá trị kinh tế của cá tầm gấp đôi cá hồi.

Mô hình nuôi cá hồi ruộng bậc thang của Trần Yên (Ảnh: PV).

Từ những kết quả bước đầu, được sự động viên, chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong những lần về thăm cơ sở của anh, năm 2008, Trần Yên đã đứng ra thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Lai Châu với mong muốn phát triển kinh tế một cách chuyên nghiệp hóa kết hợp "bốn nhà" theo như mục tiêu đề ra tại Hội nghị: "Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp" nhằm tìm một hướng đi vững chắc cho con cá hồi. Nhưng ít ai nhớ đến chức danh Giám đốc của Trần Yên.

Mỗi khi nhắc đến Trần Yên là người ta lại nghĩ đến một tỷ phú cá hồi vùng cao với các sản phẩm cá hồi được phân phối khắp thị trường Việt Nam. Nhiều người nói, lên Lai Châu mà không được thưởng thức món cháo cá hồi nóng hổi, béo ngậy của cửa hàng Trần Yên thì chưa phải là lên Lai Châu.

Hiện nay, cá hồi do cơ sở của doanh nghiệp anh nuôi có thể chế biến thành 8 món, trong đó có 3 món rất được mọi người ưa thích tại Việt Nam là món gỏi cá hồi, cá hồi hun khói và cháo cá hồi rất giàu dinh dưỡng.

Trò chuyện với Trần Yên, chúng tôi càng nhận thấy sự sáng tạo và tìm ra những lối đi mới không ngừng của người đàn ông với vóc dáng nhỏ bé. Có người sẽ tự bằng lòng với những gì mình đã có nhưng Trần Yên thì không phải thế.

Theo kế hoạch tới đây, Trần Yên sẽ mang con cá hồi chào hàng ở Nhật Bản và xây dựng thêm xưởng chế biến các sản phẩm từ cá hồi như xúc xích. Để đạt được mục đích này, Trần Yên tự tin khoe với chúng tôi: "Đến thời điểm này, con cá hồi đạt đầy đủ chất lượng yêu cầu quốc tế từ nguồn nước cho đến nguồn thức ăn cũng như cá giống".

Đặc biệt, khi diện tích mặt nước được tận dụng để nuôi cá hồi cũng đã đến một giới hạn nhất định, Trần Yên đã nghĩ đến những việc phát triển cá hồi bằng cách nâng cao sản lượng nuôi thả trên diện tích mặt nước. Việc nuôi dưỡng cá hồi hoàn toàn tự nhiên nên sản lượng mới chỉ đạt khoảng 15kg - 20kg/m2 bể. Trần Yên đang cho xây dựng hai bể nuôi cá hồi mới rộng hơn 70m2, áp dụng kỹ thuật máy móc hiện đại nước ngoài trung bình sẽ cho sản lượng khoảng 15 tấn cá trên một bể. Sản lượng cá hồi thu hoạch năm 2007 đạt 40 tấn. Theo anh thì năm 2010, sản lượng cá hồi có thể thu hoạch từ trang trại nhà mình sẽ lên đến con số 100 tấn.

Không giấu giếm kinh nghiệm nuôi cá, Trần Yên đã được các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn tìm đến nhờ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá như Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Nhìn trang trại cá hồi ở nơi lưng chừng đèo Hoàng Liên Sơn, không ai nghĩ rằng, mấy năm trước, đây chỉ là một khu vực đất đai cằn cỗi.

Hiện nay, với hai trang trại cá hồi, hai nhà hàng cá hồi tại thị xã Lai Châu và TP Điện Biên, Trần Yên được biết đến như một tỷ phú cá hồi. Chưa dừng lại ở đây, Trần Yên còn phát triển thêm 2 trang trại nuôi gia súc, tò, thảo quả, đào, táo… Hiện nay, anh có khoảng 1.000ha rừng và được đánh giá là khu rừng non đẹp nhất vùng.

Trở lại bản Làng Mô, từ người già đến người trẻ đều thấm thía cái công sức mà Trần Yên đã bỏ ra. Bản Làng Mô giờ đây nhiều gia đình đã có nhà mái ngói, có cây đỗ trọng, đào, mận để phát triển kinh tế. Đặc biệt, bản Làng Mô còn giữ lại được cả cánh rừng thông trên 10 tuổi, xanh mướt và đứng dưới chân đồi không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi Trần Yên rằng anh có học qua trường lớp nào đào tạo về lâm nghiệp, thủy sản hay kinh tế gì không mà sao làm kinh tế giỏi thế? Trần Yên lắc đầu: "Tôi chỉ mới được học qua lớp quản lý nhà nước về kinh tế. Nhưng, thực tế tôi không được thực hành. Vì vậy, hầu như tất cả những kiến thức tôi thu lượm về phát triển kinh tế đều là do kinh nghiệm trong cuộc sống, bắt đầu từ chính những thất bại".

Rất nhiều người bạn lên Lai Châu cùng thời với anh đã phải trở về quê vì không chịu được sự khắc nghiệt của mảnh đất này. Theo Trần Yên, cái nghèo không phải là bài toán nan giải. Điều quan trọng là ở quyết tâm của con người. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", "Ươm chồi non trên sỏi đá", cái cách thành công của Trần Yên vẫn luôn là bài học dành cho rất nhiều bạn trẻ trên hành trang đi tìm chân trời lập nghiệp cho mình. Thất bại chưa phải là đã chấm hết mà điều quan trọng chính là ta tự soi lại mình trong thất bại để rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng.

Với những đóng góp của mình cho sự phát triển kinh tế ở địa phương, ngày 22/8/2008, Trần Yên đã vinh dự đại diện cho tỉnh Lai Châu tham gia Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 3 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công tác ở Lai Châu đã từng đến thăm trang trại nuôi cá hồi của Trần Yên. Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng, Trần Yên đã bày tỏ ước nguyện giúp bà con dân tộc làm giàu ngay chính trên mảnh đất của mình bằng một loại cây có hiệu quả kinh tế không thua kém gì nuôi cá hồi. Đó là trồng cây Jatropha, hay còn được gọi là cây cọc rào, một loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất cằn cỗi, đất sỏi đá và không dễ cháy, đặc biệt là thu hoạch lâu năm. Mỗi hécta cây cọc rào thu được khoảng 10 tấn hạt, ép ra được từ 3,4 tấn dầu sinh học. Giá mỗi tấn dầu theo giá hiện tại là khoảng 700USD. Rất mừng là dự án trồng cây cọc rào của Trần Yên đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát phê duyệt và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hết sức ủng hộ.

Để có được thành công như ngày hôm nay, Trần Yên luôn biết ơn Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự giúp đỡ của các cấp chính quyền đã tạo điều kiện để Trần Yên có nghị lực mạnh mẽ về ngày mai tươi sáng, vững vàng hơn những kiến thức về pháp luật và các chính sách về kinh tế của Đảng và Nhà nước. Mơ ước mở rộng ra thị trường quốc tế cho con cá hồi "Made in Hoang Lien Son" chắc chắn sẽ không còn xa vời với người đàn ông đầy bản lĩnh và sáng tạo này

Lưu Vinh - Nguyễn Hương
.
.
.