Trở lại vùng voi Tiên Phước

Thứ Năm, 21/04/2005, 10:36

Voi dữ tấn công làm 2 người chết, 5 người bị thương khiến hàng trăm hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu ở vùng Tiên Phước, Bắc Trà My (Quảng Nam) đang phải sống  trong tình trạng vừa sản xuất vừa sợ... voi.

Đã hơn hai năm trôi qua kể từ ngày anh Lê Thành Trung, người thôn 5, xã Tiên Ngọc, Tiên Phước, Quảng Nam bị voi quật chết nhưng chị Trương Thị Thủy - vợ anh, vẫn còn bàng hoàng, đau xót.

Ký ức kinh hoàng

Chị kể: “Đó là đêm 3/4/2003, trời rất tối, vợ chồng tôi vừa mắc mùng lên giường nằm thì nghe thấy tiếng động bồm bộp, thình thịch. Lúc đầu chồng tôi cứ tưởng trâu nhà ai đi lạc nên xách đèn pin ra xem. Đi được chừng 10 bước thì anh kêu thất thanh: “Làng nước ơi, ông Bồ về!”. Rồi thốt nhiên, tiếng kêu bỗng ngưng bặt. Biết có sự cố, tôi mới tay cầm thau nhôm, tay cầm thanh củi đập ầm ĩ để xua voi. Đến lúc dân làng đổ xô ra thì anh Trung đã nằm trên vũng máu, quanh đó những dấu chân voi to như cái chậu còn in hằn...”.

Anh Trung đột ngột ra đi, bỏ lại cho chị Thủy 9 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi. Chị Thủy phải làm quần quật tối ngày để nuôi 10 miệng ăn. Họa hoằn lắm, mẹ con chị mới được một chút thức ăn tươi, còn lại là cứ  trường kỳ cơm - rau - muối mà vẫn đứt bữa. 9 đứa con của chị Thủy vì hoàn cảnh nghèo khó, chỉ có 5 đứa được đi học.

Một cái chết thương tâm nữa cũng do voi gây ra ở huyện Tiên Phước. Đó là cái chết của anh Nguyễn Tấn Sơn, người thôn 5, xã Tiên Hiệp, diễn ra chỉ cách cái chết của anh Lê Thành Trung có 6 tháng.

“Buổi sớm ngày 10/4/2003, trước khi anh Sơn đi thả trâu ở khu vực gần trại trồng cây trên núi Nà Bầu, tôi chuẩn bị cho anh nắm cơm muối vừng để ăn trưa. Khoảng 4 giờ chiều, con nghé của nhà lại tách đàn chạy đi đâu mất. Lo quá, chồng tôi mới cùng anh Lương Văn Sáu, người cùng quê, bổ đi tìm nghé trong bìa rừng. Anh Sơn đi trước, anh Sáu đi sau. Mải mê tìm một hồi thì gặp “ông Bồ”. Vì quá bất ngờ và sợ hãi nên anh Sơn chỉ chạy được chừng 4-5 bước thì bị “ông Bồ” dùng vòi quật ngã ngay tại chỗ. Anh Sáu may mắn thoát chết, chạy về làng báo tin, dân làng bổ đi cứu anh Sơn nhưng đã muộn...”. Chị Tý, vợ anh, vừa kể. Những giọt nước mắt mặn mòi  cứ tuôn chảy trên khuôn mặt hốc hác, sạm đen của chị.

Anh Sơn mất đi để lại đứa con 7 tuổi, người mẹ già trên 60 tuổi và người vợ trẻ suốt ngày oặt oẹo vì bệnh bướu cổ, viêm đại tràng đến nỗi không cầm nổi cày, cuốc  làm ruộng. Hiện cả nhà 3 nhân khẩu chỉ sống bằng cái quán nghèo, treo toòng teng mấy phong kẹo xanh đỏ, dăm ba chai nước mắm, gói mì, bánh xà phòng rẻ tiền của chị Tý. Mỗi ngày cái quán ấy đem lại cho gia đình chị 4-5.000 đồng tiền lãi, chia bình quân chưa được 2.000 đồng/người.

Tấn công cả lực lượng kiểm lâm

Từ năm 1997 về trước, đàn voi tại Tiên Phước, bắc Trà My, Quế Sơn thường phá hoại hoa màu của dân nhưng thiệt hại không lớn, người ta chỉ xua đuổi nó bằng chiêng, trống, thanh la là được. Thế nhưng, kể từ năm 2003 trở lại đây, số vụ voi tấn công người ngày càng nhiều, đặc biệt là vào thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, trong đó có 2 vụ chết người, 1 vụ bị trọng thương. Vậy nguyên nhân do đâu?

Trước hết phải khẳng định một cách thẳng thắn là do con người thu hẹp diện tích rừng. Trước đây, đàn voi ở bắc Trà My, Tiên Phước thường sống biệt lập trong diện tích đất lâm nghiệp rộng khoảng 26.000 ha ở Quế Lâm. Thế nhưng gần đây, sự tác động của con người như làm nương rẫy, khai thác lâm sản, khoáng sản đã lấn vào  những vùng rừng thuộc khu sinh tồn của voi. Một nguyên nhân nữa là khi voi rừng ra kiếm ăn ở vùng nguyên liệu dứa trên 100 ha tại xã Tiên Lãnh, người dân ở đây đã dùng cả... thuốc nổ để xua đuổi chúng khiến voi càng ngày càng hung dữ, liều lĩnh tấn công con người, thậm chí tấn công  luôn cả lực lượng kiểm lâm bảo vệ voi. Trường hợp của anh Lê Quang Kim, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Sơn bị voi tấn công là một ví dụ.--PageBreak--

Theo lời kể của anh Kim, 5 giờ ngày 2/8/2003, anh cùng đồng đội đi Nam Giang. Tổ Kiểm lâm gồm 8 người do anh  dẫn đầu băng rừng đi được chừng 15km thì phát hiện những dấu chân voi, rồi thấy 8 con voi đã xuống suối vầy nước, chỉ còn 2 con trên bờ. Đột nhiên con voi mẹ trong đàn bỗng rời suối quay ngoắt lại tìm con. Bình thường, voi tương đối hiền lành, thế nhưng bản năng bảo vệ con bỗng khiến voi mẹ hung dữ khác thường. Đánh hơi thấy mùi mồ hôi người, con voi mẹ vừa gầm rú ầm ĩ, vừa đạp cây rừng băng băng chạy tới. Anh em trong đội đã nhanh chân chạy xa, riêng anh Kim lánh vào một gốc cây. Con voi mẹ chạy qua chỗ anh Kim. Anh tưởng thế là thoát. Nhưng nó vẫn khịt khịt tìm hơi người. Thấy anh Kim, trong cơn cuồng loạn, voi mẹ đã dùng vòi quật khiến anh bị chấn thương cột sống, tê liệt hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống, tỉ lệ thương tật 91%. Chữa trị cả năm trời hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mà anh Lê Quang Kim vẫn chưa hồi phục được sức khỏe.

Mối hiểm họa vẫn ở phía trước

Trước tình hình voi tấn công người gia tăng, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn số 359 TB-UB do đích thân đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh ký về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn voi. Song, tinh thần chủ yếu của những công điện, thông báo ấy vẫn chỉ là tìm cách xua đuổi, phòng tránh bằng cách di dời các hộ dân ra khỏi vùng giáp ranh. Thế nhưng hiện tại vẫn chỉ có 2 hộ ở Tiên Ngọc (Tiên Phước) và 32 hộ ở Nà Lau (Quế Sơn) được nằm trong diện di dời, vẫn còn hàng trăm hộ với vài trăm nhân khẩu ở Quảng Nam nằm trong  vùng hoạt động của voi. Và, chuyện voi xâm phạm vùng dân cư rồi vào tận bờ giậu ăn chuối, ăn mía hay ra đường nhựa ở Tiên Hiệp để rong chơi và tàn phá hoa màu ngày một nhiều hơn. Những người dân ở những xã trên luôn luôn phải sống trong tâm trạng lo sợ, căng thẳng.

Vậy giải quyết vấn đề voi tấn công người và tàn phá hoa màu như thế nào? Theo ông Huỳnh Ngọc Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tiên Phước, ở Quảng Nam, phương án di dời đàn voi đi nơi khác là không khả thi (thực tế, vụ di chuyển đàn voi ở rừng Tánh Linh mấy năm trước rầm rộ, tốn kém là thế mà vẫn cơ bản thất bại vì voi bị chết đến phân nửa - PV). Vì vậy, việc trước mắt cần làm là phải di dời các hộ dân sinh sống trong vùng voi dữ đến nơi an toàn. Tuy vậy, đây vẫn là giải pháp tình thế, về lâu dài theo ông Tân, Nhà nước nên có chính sách đầu tư khoanh vùng khu vực hành lang bảo vệ voi và tiến hành xây dựng kế hoạch sử dụng đất rừng có sự tham gia của dân. Trên cơ sở đó, giao đất cho nhân dân trồng rừng, cải thiện đời sống của nhân dân, giảm bớt áp lực khai thác đất, rừng ở khu vực có voi sinh sống và tuyên truyền, vận động người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ rừng, thành lập khu bảo tồn voi để quản lý theo quy chế rừng đặc dụng...

Để bảo vệ đàn voi, hiện Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã xây dựng và đề xuất Quỹ bảo tồn cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ tài trợ kinh phí thực hiện chương trình bảo tồn voi ở Quảng Nam và tiến hành xây dựng khu du lịch sinh thái  ở trung tâm vùng rừng có voi... Thế nhưng, từ nay đến khi dự án đó đi vào thực tế và phát huy tác dụng thì hàng ngàn người dân Quảng Nam thuộc Tiên Phước, bắc Trà My và Quế Sơn vẫn phải tự bảo vệ tài sản, tính mạng của mình bằng những  trang bị thô sơ. Mong sao, các cấp chính quyền và ngành kiểm lâm địa phương tiếp tục quan tâm đối với họ để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng voi tấn công người và  tàn phá hoa màu, nhà cửa. Và, nếu gia đình nào bị voi tấn công gây thiệt hại về người và của, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần hỗ trợ vật chất và động viên các gia đình bị thiên tai tàn phá

Đoài Xứ
.
.
.