Từ Biển Hồ, trăn trở cho châu thổ Cửu Long

Trăn trở không… biên giới

Thứ Năm, 29/06/2017, 08:07
Khi nhìn nhiều du khách ngồi ăn món cá nướng vừa được bắt lên từ Biển Hồ, chúng tôi nghĩ nhiều về sự bù đắp bằng cách phát triển thủy sản nuôi do nguồn thủy sản tự nhiên giảm, đến ngày không xa không còn đáp ứng được nhu cầu.Tuy nhiên, thực tế tại ĐBSCL cho thấy thủy sản nuôi ngày càng đòi hỏi vốn đầu tư cao, người nghèo khó với tới. Hơn nữa, ngoài cám từ thóc, nguồn thức ăn cho cá nuôi còn rất phụ thuộc vào nguồn cá nước ngọt tự nhiên và cá tạp ở biển.


Ít người biết, để sản xuất được khoảng 1,2 triệu tấn cá tra, mỗi năm ĐBSCL cần đến có 1,4 triệu tấn cá tạp biển làm thức ăn. Khi các đập thủy điện Mê Kông được xây dựng, lượng dinh dưỡng (khoảng 16.000 tấn) theo phù sa sông Mê Kông (khoảng 100 triệu tấn) mang ra vùng biển ĐBSCL giảm dẫn đến suy giảm năng suất thủy sản biển của vùng này (với sản lượng hiện khoảng 726.000 tấn) và vì vậy suy giảm nguồn cá tạp. Đó là chưa nói đến tính ưu việt không thể thay thế khi thủy sản tự nhiên là nguồn thức ăn của các loài hoang dã...

Mới chuyện cá đã là vậy. Ngay sau những ngày lênh đênh trên Biển Hồ và di chuyển lên vùng có các dự án lấy, chuyển nước của Thái Lan; khu vực đập Don Sahong (Lào), chúng tôi đã vượt chặng đường hàng trăm km trở lại Phnôm Pênh, và gặp được Senglong Youk ngay sau anh vừa kết thúc chuyến công tác.

Senglong Youk là điều phối viên tổ chức Tonle Sap Waterkeepers (TSW), thành viên đầu tiên và duy nhất của khu vực Đông Nam Á tham gia vào tổ chức Liên minh những người bảo vệ nước thế giới.

Thách thức cho dân nghèo

Có mặt và làm việc tại Tonle Sap từ cách đây 20 năm, Senglong Youk cho biết TSW như cầu nối giữa các nhà tài trợ với khoảng 42 vùng bảo tồn cá trên Biển Hồ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ 2015, hoạt động của TSW gắn với khẩu hiệu “Hành động vì một nguồn nước uống được, bơi được, sử dụng được”.

Rừng ngập quanh Biển Hồ có thể sẽ bị xóa sổ nếu mực nước tại đây luôn biến động.

Từ góc nhìn của công việc tham gia quản trị nguồn nước Biển Hồ, Senglong Youk cho biết hồ thiên nhiên này đang đối mặt với thách thức ô nhiễm từ máy móc của các tàu thuyền và từ con người.

Điều mà chuyên gia này băn khoăn hơn chính là mực nước Biển Hồ vài năm trở lại đây thay đổi, cụ thể là nước vào hồ không mạnh mẽ từ đầu tháng 6 như mọi năm, thậm chí phải tới đầu tháng 8, và bắt đầu chảy ngược không phải cuối tháng 10 đầu tháng 11 mà sớm hơn cả tháng.

“Đấy là thách thức rất lớn cho người dân ở hồ. Họ phụ thuộc vào dòng nước, nước rút là họ phải đi theo. Đất sau khi ngập nước sẽ trở thành bùn lầy, không thể làm gì trên đó. Họ cũng không có đủ nước để giong thuyền đánh cá và phải ở nhà. Nước cạn, năm ngoái độ sâu trung bình chỉ hơn một mét vào mùa khô, một số vùng bảo vệ cá ngay gần bờ trở nên cạn trơ, nước rút nhanh rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực tới việc bảo tồn cá”.

Senglong Youk kể Biển Hồ phía tỉnh Kampong Thom, do nước quá cạn nên dẫn tới 2 nguy cơ là vòi rồng mang đất đá đến chôn vùi cá. Năm 2015, TSW ghi nhận có tới 2 lần như thế, mỗi lần làm chết cả trăm tấn cá. Tiếp đến là biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ, nước sẽ nóng theo.

Năm 2016, chỉ một khu vực ở Battambang đã chết hơn trăm tấn cá vì nhiệt độ cao làm nước nóng. Nước cạn cũng khiến loài cá hô gần như tuyệt chủng; nhiều cá khác cũng chết do thiếu ôxi. Đúng như những gì Senglong Youk ghi nhận trước khi chúng tôi đến Biển Hồ, những biến động về nước nơi đây đều ảnh hưởng tới sinh kế của người dân, nhất là dân nghèo.

Chúng tôi nghe kể do không có tích lũy, muốn mua xuồng máy, dụng cụ đánh cá, dân nghèo phải vay nhưng ngân hàng từ chối do họ  không có tài sản thế chấp. Và “cò” ngân hàng xuất hiện. Nhiều người dân đã phải chấp nhận lãi suất cắt cổ (có khi 7-15, thậm chí 20% mỗi tháng). Chưa hết, ngư dân còn phải bán cá giá thấp cho đội “cò” này...

Thảm họa kép từ… “túi cá”

Senglong Youk cho biết chưa kể đến biến đổi khí hậu, mới chuyện phát triển thủy điện từ phía thượng nguồn đã là thảm họa rất nghiêm trọng. “Nói tới thủy sản thì chúng ta không thể quên rừng ngập. Rừng ngập cần nước trong 6 tháng và không cần nước trong 6 tháng.

Dòng nước thay đổi, ví như chỉ cần thời gian ngập thành 7 hoặc 8 tháng là rừng ngập sẽ chết. Hoặc khi đập xả nước, dòng nước lên nhanh, nước tràn vào gây ngập hơn mức cần thiết là rừng ngập cũng chết. Đấy là vấn đề rất lớn. Tiếp nữa là cá di cư.

Nên nhớ rằng, cá khác với người, người có thể sinh đẻ ở bất cứ đâu khi đến kỳ hạn, còn cá mà không tìm được nơi thì chúng không đẻ và sẽ chết. Tiếp nữa là vấn đề nước cho nông nghiệp, ĐBSCL của các bạn chắc chắn bị ảnh hưởng. Rồi cả phù sa trầm tích, chất lượng nguồn nước cũng rất quan trọng”, Senglong Youk nói.

Một vấn đề quan trọng nữa – theo Senglong Youk, chính là cơ chế nguồn nước. “Hiện gần như chưa có cơ chế nào cả do vậy chuyện giữ, xả nước, khi nào, bao nhiêu, ai giám sát là hợp lý đều là mối bận tâm, nhất là đối với các khu vực phía hạ lưu, trong đó có Việt Nam. Nếu người ta chỉ nặng về vấn đề lợi nhuận, không quan tâm gì tới cộng đồng lưu vực hạ nguồn, thì sao?”, Senglong Youk băn khoăn.

Tonle Sap được coi là trái tim của Campuchia, hiện có khoảng nửa triệu dân sinh sống xung quanh nhưng hiện nay có rất nhiều hoạt động như trồng cao su, trồng lúa, phát triển du lịch. Nhắc đến những hoạt động này, điều phối viên của TSW cho rằng đấy cũng là thách thức lớn.

Nghiên cứu của Trường ĐH quốc gia Úc vào năm 2014, cho biết càng nhiều hoạt động phát triển ở Tonle Sap, hồ càng nhanh bị bồi lắng. Senglong Youk băn khoăn trước việc lối canh tác của những người giàu đang ngày đêm đe dọa đến sự tồn tại của khoảng 647.000ha rừng ngập quanh Tonle Sap.

“Họ chiếm đất, chặt rừng ngập đem bán. Nhiều chủ doanh nghiệp vào rừng mặc sức đốn, chặt. Tiếp đến là nạn cháy rừng. Khi đàn gia súc bị lạc vào rừng ngập, họ sẵn sàng đốt rừng để tìm. Thế là thảm họa xảy ra”, Senglong Youk lo ngại.

Khi chúng tôi nhắc đến dự định biến “sông thành hồ” với mục đích chủ yếu là để giữ nước trong mùa khô tại Biển Hồ từ mức 1-1,5m như hiện nay lên 2-2,5m, Senglong Youk khẳng định rằng “đây là dự tính không tốt”.

“Chúng ta cần dòng chảy tự do. Nếu có dự án nào đó chặn dòng tất nhiên sẽ tác động tới Tonle Sap. Xây đập tất nhiên sẽ có hồ chứa hoặc biến một phần sông thành hồ chứa, rồi sẽ phải tích nước, dĩ nhiên nước từ dòng Tonle Sap sẽ bị lấy để tích, hồ sẽ không còn đủ nước hoặc chí ít một phần sông Tonle Sap sẽ hết nước”, Senglong Youk nói.

Hiện có rất nhiều dự án phát triển quanh Biển Hồ được Trung Quốc cấp vốn đầu tư, chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai?, Senglong Youk chia sẻ trước thắc mắc của chúng tôi rằng là một điều phối viên của TSW như anh, rất khó để tìm hiểu.

“Chính phủ mời các nhà đầu tư, hầu hết đến từ Trung Quốc. Khi chúng tôi định làm gì đó liên quan tới dự án, họ sẽ nói: Này, chúng tôi là khách được mời tới. Có gì thì đi nói với chính phủ các anh. Và trường hợp thủy điện Hạ Sê San 2 là thế!”, Senglong Youk kể.

Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Thanapon Piman, Ban nghiên cứu về nước - Viện môi trường Stockholm (SEI, Thụy Điển) cho biết, do sản xuất mỗi năm hơn 100 triệu tấn lúa, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng của thế giới nên lưu vực sông Mê Kông được xem là “vựa lúa” của châu Á.

Tuy nhiên, do là ngành tiêu thụ nước lớn nhất trong Hạ lưu vực Mê Kông, chiếm đến 90-95% tổng lượng nước khai thác và khoảng 41,8 tỉ m3 nước ngọt hàng năm nên nhu cầu về nước cho phát triển nông nghiệp ở Campuchia, Lào và Thái Lan dự báo sẽ tăng nhanh trong tương lai, không chỉ gây gia tăng cạnh tranh về sử dụng và khan hiếm nước mà dẫn đến sự suy thoái đất...

Thái Bình
.
.
.