Kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2008):

Trận đánh đầu tiên của Bộ đội tên lửa Việt Nam

Thứ Hai, 15/12/2008, 08:33
Tháng 2/1965, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Liên Xô Kosygin tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đạt được thỏa thuận về việc Liên Xô viện trợ vũ khí tên lửa phòng không và cử đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam huấn luyện bộ đội tên lửa. Với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã ra quân đánh thắng trận đầu...

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân loại tiến bộ, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc.

Tháng 2/1965, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Liên Xô Kosygin tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đạt được thỏa thuận về việc Liên Xô viện trợ vũ khí tên lửa phòng không và cử đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam huấn luyện bộ đội tên lửa. Với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã ra quân đánh thắng trận đầu...

Trung tuần tháng 4/1965, những chuyên gia Liên Xô đầu tiên cùng với khí tài tên lửa phòng không có mặt ở Hà Nội, sau hành trình đường sắt Liên Xô - Trung Quốc - Việt Nam. Tại khu vực đồn điền Mỏ Chén (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội) hình thành một trung tâm huấn luyện vũ khí tên lửa. Các chuyên gia Liên Xô khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ huấn luyện kỹ thuật cho bộ đội Việt Nam.

Với tinh thần khẩn trương nắm bắt kỹ thuật và sử dụng thành thạo vũ khí mới, các chuyên gia và học viên đã làm việc cật lực: hằng ngày dậy từ 5h sáng; lên lớp từ 6h đến 12h; sau 16h thời tiết mùa hè đã bớt oi ả, lên lớp tiếp đến 19h; buổi tối tự huấn luyện từ 20h đến 22h. Với cường độ như vậy, cùng với yêu cầu cấp bách của chiến trường, chương trình huấn luyện dự tính trong 4 tháng được rút xuống còn 2,5 tháng...

Ngày 1/5/1965, tại Mỏ Chén đã diễn ra Lễ công bố quyết định thành lập Trung đoàn 236 - Trung đoàn tên lửa phòng không (TLPK) đầu tiên của Việt Nam. Tại buổi Lễ lịch sử này, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu: "Ông cha ta đánh giặc bằng gậy tre, giáo mác, súng trường đều thắng giặc. Bây giờ ta có vũ khí hiện đại... Mọi thứ vũ khí, kĩ thuật hiện đại, quân đội các nước anh em học được, sử dụng được thì Quân đội nhân dân Việt Nam cũng nhất định học được, sử dụng được và sẽ sử dụng giỏi".

Trung tuần tháng 6/1965, Quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn trực tiếp báo cáo kết quả huấn luyện chiến đấu lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng phổ biến ý định của Quân ủy Trung ương là khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sáng tạo trong học tập, nhanh chóng nắm bắt, làm chủ kĩ thuật, vũ khí, khí tài để ra quân đánh thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: "Cần quán triệt tốt phương châm xây dựng để chiến đấu, huấn luyện phải gắn liền với chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện".

Trận đánh đầu tiên của Bộ đội tên lửa được thực hiện bởi Trung đoàn Tên lửa phòng không 236. Lần ra quân đánh trận đầu, lực lượng trực tiếp chiến đấu gồm: Sở Chỉ huy Trung đoàn, các tiểu đoàn hỏa lực (D63 và D64), Tiểu đoàn kỹ thuật sản xuất đạn tên lửa (D65). Sở Chỉ huy Trung đoàn và các tiểu đoàn hoả lực 63, 64 triển khai chiến đấu trên cùng một địa bàn huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, cách nhau vài km. Toàn bộ cơ quan tham mưu chính trị, hậu cần, kỹ thuật của Trung đoàn đều được huy động vào trận đánh đầu tiên rất quan trọng này. 

Bộ Tư lệnh Quân chủng tổ chức Sở Chỉ huy tiền phương bên cạnh Sở Chỉ huy Trung đoàn 236, tại thôn Phù Thiên, huyện Bất Bạt (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính và Phó Tư lệnh Đỗ Đức Kiên trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy trận đánh. Giúp việc cho Bộ Tư lệnh Quân chủng có Tham mưu phó phụ trách tên lửa Nguyễn Quang Tuyến, Tham mưu phó phụ trách pháo phòng không Lê Văn Thiêm... Các chuyên gia Liên Xô luôn tận tình giúp đỡ và trực tiếp tham gia chiến đấu để bảo đảm chắc thắng 100% trận đầu ra quân của Bộ đội tên lửa Việt Nam.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. Từ vị chỉ huy cao nhất đến chiến sĩ đều hồi hộp chờ thời cơ khai hỏa. Và thời khắc lịch sử đã điểm vào ngày 24/7/1965. Đại tá Quách Hải Lượng, một trong những nhân chứng ngày lịch sử này, khi đó là Thượng uý, Đội trưởng phiên dịch của Trung đoàn 236 nhớ lại: Hôm đó là một ngày trời rất đẹp. Sau thời gian dài căng thẳng chờ địch đến, chúng tôi bỗng trải qua cảm giác nhẹ nhõm, bình thản và rất tự tin...

Ngồi ghế Chỉ huy trưởng là Đại tá Sưgankốp, Quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn ngồi sát bên cạnh, liền đó là Chính ủy Phạm Đăng Ty. Lực lượng Sĩ quan trực ban rất hùng hậu: Trưởng ban Tác chiến E, Thượng uý Nguyễn Đức Định; Phó ban Tác chiến, Thượng úy Bùi Biếng; Đội trưởng phiên dịch tiếng Nga, Thượng úy Quách Hải Lượng; sĩ quan trinh sát, Thượng uý Đào Xuân Chiểu; có đầy đủ các sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kĩ thuật, thông tin, báo vụ, tiêu đồ, điện thoại viên. Ở các tiểu đoàn hoả lực: kíp chiến đấu D63 có Trung tá D trưởng Magiaép; Đại úy D trưởng Nguyễn Văn Thân; kíp chiến đấu D64 có Thiếu tá Ylinức; Đại úy Nguyễn Văn Ninh...

Khoảng 15h15', cả Sở Chỉ huy Trung đoàn 236 như bừng tỉnh sau tiếng hô to của Thượng úy Đào Xuân Chiểu: phát hiện máy bay địch đang bay vào khu vực mục tiêu. Báo động, tất cả vào cấp 1 sẵn sàng chiến đấu...

Đại tá Sưgankốp cầm chặt ống nghe nói, trực tiếp liên lạc và ra các khẩu lệnh chiến đấu... Thượng úy Lượng dịch theo, giọng to rõ ràng. Đúng 15h25', có 2 tiếng nổ xé trời, Tiểu đoàn hoả lực 63 đã phóng 2 quả đạn gián cách 6 giây. Thiếu tá Nhẫn hỏi Lượng: "Thế nào rồi, Lượng"? "Phóng rồi còn gì, anh ạ! D63 đấy". Liền sau đó lại có 2 tiếng nổ lớn của 2 quả đạn do tiểu đoàn 64 bắn tiếp.

Đúng lúc này Đại tá Sưgankốp đã nhận được báo cáo của Trung tá Magiaép: đã tiêu diệt mục tiêu, toạ độ... Các tham số toạ độ mục tiêu rơi được nhanh chóng đánh dấu lên bản tiêu đồ. Vị trí chính xác máy bay rơi là ranh giới hai huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ). Đây chính là chiếc máy bay thứ 400 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Vị trí rơi chính xác của chiếc máy bay này thuộc xã Võ Miếu, (Thanh Sơn, Phú Thọ); bộ đội và dân quân địa phương đã bắt sống giặc lái là Đại uý Ri-sớc Pôn-cơn nhảy dù xuống một cánh rừng.

Giờ phút ấy vui sướng đến tột cùng. Ngay sau đó, Tư lệnh Phùng Thế Tài và các anh Lê Văn Tri (Cục phó Cục Tác chiến), Nguyễn Quang Tuyến giao nhiệm vụ cho chúng tôi đến ngay chỗ máy bay rơi và dặn: "Phải xách đuôi máy bay về!". Tôi đáp: "Báo cáo Tư lệnh, tôi chỉ đủ sức cầm cái nhãn của nó mà thôi"...

Tuy đã nắm được toạ độ máy bay rơi qua tiêu đồ, nhưng chúng tôi vẫn cho xe rẽ vào trận địa tiểu đoàn 63 để hỏi thêm Trung tá Magiaép và Đại úy Nguyễn Văn Thân. Cả tiểu đoàn đang hoan hỉ trước chiến thắng giòn giã. Vừa gặp gỡ, mọi người ôm chầm lấy nhau; thật sự vui sướng về chiến công vừa lập được.

Chúng tôi lên đường nhằm hướng chiếc máy bay rơi. Cuối cùng, nhờ người dân chỉ dẫn, chúng tôi  đã đến đích. Có một anh nông dân trung niên đốt đuốc đưa chúng tôi đến tận một sườn đồi xa nhà, thuộc khu vực xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn.

Đây rồi! Chiếc F4 nằm soải, chúc đầu xuống chân đồi, bom đạn, tên lửa còn nguyên, chúng chưa kịp gây tội ác và các khối lượng tàn phá giết chóc kia cũng chưa kịp nổ. Không mất nhiều thời gian, chúng tôi cậy được chiếc nhãn trên thân máy bay và lập tức trở về đơn vị.

Hôm sau, tại Sở chỉ huy Trung đoàn 236, tôi đã nộp nhãn hiệu chiếc máy bay F4 cho Thượng tá Nguyễn Quang Tuyến trong tiếng vỗ tay của đồng đội và các chuyên gia Liên Xô. Hiện nay, tại khu vực chiếc máy bay F4 này bị bắn rơi, chính quyền địa phương đã cho dựng một tấm bia lưu niệm ghi dấu chiến thắng đầu tiên của Bộ đội tên lửa Việt Nam

Trần Duy Hiển
.
.
.