Trận đánh cuối cùng của Cụm điệp báo A10 qua hồi ức Thiếu tướng Huỳnh Huề

Thứ Bảy, 27/04/2013, 20:10
Sau 38 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, người Cụm phó A10 năm xưa đã trở thành người anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Huỳnh Huề. Trải qua nhiều cương vị, giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong lực lượng Công an, thế nhưng, ngồi kể lại những ngày tham gia Cụm điệp báo A10, vị tướng lĩnh đã dạn dày trận mạc vẫn không khỏi bồi hồi xúc động.

Ngày 30/4/1975, lá cờ của mặt trận giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, điều khiến kẻ địch bất ngờ không chỉ là các cuộc tấn công ồ ạt vào các cửa ngõ Sài Gòn mà từ trước đó rất lâu, vòng vây đã được siết chặt ngay bên trong phủ Tổng thống.

Hàng loạt các cơ quan trọng yếu: Văn phòng phủ Thủ tướng, Dinh Hoa Lan của Tổng thống Dương Văn Minh, Trung tâm Bưu điện Sài Gòn, Trung tâm Khai thác tài liệu hỗn hợp thuộc Phòng 7, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng Hòa đều có sự hiện diện và hoạt động ráo riết của các điệp viên Cụm điệp báo A10 trực thuộc Ban An ninh Sài Gòn – Gia Định (An ninh T4) do đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định làm Trưởng ban.

Nguyên Cụm phó A10, Thiếu tướng Huỳnh Huề (Ba Hoàng), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị - Tổng cục An ninh II, Bộ Công an nhớ lại: Trước khi tiến vào Sài Gòn, từ tháng 3/1975, ông đã được triệu tập về căn cứ nhận chỉ đạo của An ninh T4. Cụm điệp báo A10, An ninh T4, trong đó có Cụm phó Ba Hoàng và các cơ sở đã được gây dựng có nhiệm vụ bám sát Dinh Hoa Lan của Dương Văn Minh, tiếp cận các lực lượng chính trị, vận động chính trị kêu gọi thực hiện Hiệp định Paris đồng thời nắm cho được lực lượng chính trị ủng hộ Dương Văn Minh.

Theo nhận định, đây là lực lượng chính trị ít nhiều có tinh thần dân tộc và “chủ hòa” nên có thể tác động để hạn chế tối đa sự đổ máu khi quân giải phóng tiến về Sài Gòn, đồng thời góp phần giữ được Sài Gòn không đổ nát sau chiến tranh. Như vậy, sau bao năm chờ đợi, thời cơ đã đến, mừng nhưng cũng rất lo...

Thực ra, từ tháng 9/1972, Cụm điệp báo A10 được thành lập, do đồng chí Nguyễn Minh Trí (Mười Thắng) làm Cụm trưởng, 3 Cụm phó gồm: Huỳnh Huề (Ba Hoàng), Trần Thiếu Bảo (Hai Phương), Nguyễn Hữu Khánh Duy (Năm Quang), sau này có thêm Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt). Cụm điệp báo A10 có nhiệm vụ xây dựng màng lưới cơ sở với nhiệm vụ “leo cao chui sâu” trong lòng địch, thu thập tin tức, phục vụ công tác phản gián, tình báo chiến lược và tấn công chính trị. Ngay sau đó, hàng loạt các cơ sở lần lượt được gây dựng trong các vị trí “nhạy cảm” của chính quyền Sài Gòn.

Thiếu tướng Huỳnh Huề bên đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Trưởng ban An ninh T4 cùng một số đồng đội trong Cụm điệp báo A10.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cụm phó Ba Hoàng, kỹ sư Ngô Văn Dũng (Ba Hùng) đã thâm nhập vào Văn phòng phủ Thủ tướng (bộ phận đặc trách về kinh tế), được bố trí làm trợ lý Phó Thủ tướng. Vị trí thuận lợi kết hợp với sự mưu trí của bản thân, Ba Hùng đã lấy được rất nhiều tài liệu quan trọng về tình hình kinh tế, quốc phòng của chế độ Sài Gòn. Các kỹ sư Lương Mạnh Dũng (tức Ba Cường), Bùi Sáu (Ba Linh), Lê Ngọc Sáu cũng được Ba Hoàng hướng vào Công ty Điện tử Harrisr Comparation. Thực ra, đây là Trung tâm Khai thác tài liệu hỗn hợp thuộc phòng 7, Nha kỹ thuật, Bộ Tổng tham mưu quân Ngụy, đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Thâm nhập thành công vào Trung tâm, các cơ sở điệp báo không những vẽ được sơ đồ tổ chức, nhiệm vụ chuyên môn chuyển thông tin chiến trường miền Nam về Mỹ dưới vỏ bọc Công ty Điện tử Harrisr Comparation mà còn nắm được nhiều kế hoạch quan trọng về âm mưu chiến lược Mỹ đối với Việt Nam, báo cáo lên cấp trên, góp phần giúp cấp trên phân tích tình hình chiến sự, có kế hoạch đối phó kịp thời với các âm mưu, hoạt động của địch. Mạng lưới của A10 còn tỏa ra nhiều địa chỉ quan trọng khác: Tại Trung tâm Bưu điện Sài Gòn cũng đã có Phạm Văn Lộc (Ba Sinh). Dinh Hoa Lan của Tổng thống Dương Văn Minh đã có nhóm của Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) và 1 số cơ sở ngoại vi...

Rất nhiều “lõm” chính trị khác cũng được Cụm phó Ba Hoàng xây dựng thành công ở khu vực Bảy Hiền (Tân Bình”, ấp Tây 2 Phú Nhuận, duy trì hoạt động đến tận ngày cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trở lại sự kiện ngày 30/4, Thiếu tướng Huỳnh Huề kể rằng, khí thế tiến công đã sục sôi từ rất nhiều ngày trước đó. Các ngày 28, 29/4, tại hàng loạt các “lõm” chính trị, cờ mặt trận giải phóng được may gấp rút, chuyển về tập trung, sẵn sàng chờ đợi phút giây tỏa ra mọi ngõ ngách, tung bay trên phố. Mọi người hồi hộp dõi theo từng tin tức chiến sự qua chiếc radio nhỏ.

Sáng sớm 30/4, khi các cánh quân vẫn ở bên kia cầu Rạch Chiếc thì tại các “lõm” chính trị này, các cơ sở đồng loạt nổi dậy. Cờ mặt trận tung bay khắp phố. Từ 6-7h sáng, Ba Hoàng cùng đồng đội hướng thẳng về trung tâm thành phố, dừng xe trước Trung tâm Bưu điện, sát Nhà thờ Đức Bà, đối diện Dinh Độc Lập để quan sát tình hình. Trong phòng kỹ thuật của Trung tâm Bưu điện, Ba Sinh cũng đã ngồi chờ cùng đồng nghiệp. Nhận định tình hình địch đang hoang mang tột độ, Cụm phó Ba Hoàng chỉ thị Ba Sinh tìm lý do cắt toàn bộ các đường dây điện đàm, vô hiệu hóa toàn bộ đường liên lạc Trung tâm Bưu điện Sài Gòn.

Cùng thời điểm này, bầu không khí căng thẳng bao trùm Dinh Độc Lập. Toàn bộ các cơ sở của Cụm điệp báo A10 trong tư thế sẵn sàng. Khi chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cùng với giáo sư Huỳnh Văn Tòng (đều là cơ sở của A10) đã túc trực bên trong, dẫn đường ngay cho Bùi Quang Thận (một trong những người ngồi trên xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập) treo cờ cách mạng trên dinh. Sau đó, cũng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và nhà báo Kỳ Nhân (PV ảnh Hãng Thông tấn AP, cơ sở của A10) cùng với bộ đội tháp tùng Dương Văn Minh đến tận Đài phát thanh, sắp xếp để Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa buông súng đầu hàng.

Đài phát thanh bỏ ngỏ, máy móc còn nhưng người đã chạy hết. Kỳ Nhân phải chạy về “làng báo chí” (ở Thảo Điền, quận 2 hiện nay) gọi thêm 2 kỹ thuật viên của đài gồm Trần Tự Lập, Đinh Trọng Liêm để mở máy. Lời kêu gọi của Dương Văn Minh được phát đi. Trên đường phố Sài Gòn, binh lính ngụy vừa vứt súng, lột quân phục chạy tán loạn. Tại Văn phòng Phó Thủ tướng, lá cờ cách mạng do Ngô Văn Dũng (Ba Hùng) treo lên đã tung bay phấp phới. Anh còn kêu gọi các nhân viên trong văn phòng giữ gìn tài liệu cẩn thận để bàn giao cho quân quản Sài Gòn Gia Định...

Sau 38 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, người Cụm phó A10 năm xưa đã trở thành người anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Huỳnh Huề. Trải qua nhiều cương vị, giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong lực lượng Công an, thế nhưng, ngồi kể lại những ngày tham gia Cụm điệp báo A10, vị tướng lĩnh đã dạn dày trận mạc vẫn không khỏi bồi hồi xúc động.

Ông bảo rằng, đó là những tháng ngày gian nan, đối mặt với vô vàn hiểm nguy nhưng rất đỗi tự hào. 38 năm đã trôi qua, nhưng năm nào cũng thế, cứ đến gần ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam, ký ức về một thời hào hùng, về một thành phố rực rỡ cờ hoa ngày giải phóng lại ùa về. Với ông, quá khứ giúp trui rèn bản lĩnh và cũng là động lực để luôn luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong mọi cương vị được giao, góp phần bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân

Ngọc Nguyễn
.
.
.