Trái tim nhân ái của một sư cô

Thứ Năm, 16/12/2004, 07:10

Như bao đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh, tuổi thơ của sư cô Minh Tánh không mấy may mắn: lọt lòng mẹ đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Cha cô là một cán bộ cách mạng bị bom Mỹ giết hại trong lúc cùng đồng đội phá vòng vây của địch. Cô bé mồ côi nhiều đêm khóc ròng khi vòng tay người mẹ không đủ sức che chở.

Vào một đêm mưa rét, khi tròn 13 tuổi, cô thấy người con trai cạnh nhà, mồ côi cả cha lẫn mẹ, thất thểu trên phố bán bánh mì dạo để kiếm sống. Từ đó, cô canh cánh trong lòng rằng mình phải làm được một điều có ích cho đời.

Sáu năm sau, cô trốn nhà đi tu nhưng không phải để nương thân ở chốn cửa Phật mà để có điều kiện làm từ thiện. Việc làm đầu tiên của cô là hằng đêm đi cáng thương binh tại địa điểm cột cờ Phu Văn Lâu - Huế. Những năm 1970 - 1972, cô không ít lần cùng bộ đội vượt hàng trăm cây số từ Thừa Thiên - Huế ra Quảng Trị, đến những nơi bộ đội đóng quân để chăm sóc cho thương binh.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, sư cô Minh Tánh tình nguyện làm việc ở Bệnh viện Trung ương Huế với nhiệm vụ giữ kho tài sản, phân phát chăn màn cho bệnh nhân. Với tấm lòng của một nhân viên bệnh viện và lòng từ bi của một sư cô, mùa đông, cô Minh Tánh thường cấp thêm chăn màn cho bệnh nhân để họ không phải chịu rét. Cô tâm sự: "Chăm sóc bệnh nhân phải như mẹ hiền. Cấp thêm một vài thứ để bệnh nhân mau chóng lành bệnh là điều nên làm!".

Năm 1995, cô Minh Tánh nghỉ hưu. Hàng tháng, cô dành dụm tiền lương của mình để thăm và phát quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, hội người mù...

Trong gần 10 năm qua, cô nhận nuôi dưỡng 300 người già neo đơn, giúp hàng trăm hộ dân là đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, Tà Ôi ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế xây dựng nhà cửa, đào giếng nước, phát triển kinh tế.

Năm 2001, sư cô Minh Tánh mở các lớp mẫu giáo tình thương, lớp học vi tính và học nghề dành cho trẻ mồ côi. Đến nay, đã có 55 em được cô liên hệ việc làm ở Tp. HCM. Sau cơn lũ lịch sử ở miền Trung năm 1999, trong một lần phân phát tiền, gạo... cho bà con ở xã Thủy Biều, Tp. Huế, sư cô đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh 223 đứa trẻ tật nguyền. Cô quyết tâm quyên góp tiền của để xây dựng lớp học tình thương cho các em. Giữa năm 2001, ngôi trường trị giá gần nửa tỉ đồng được xây dựng tại xã Thủy Biều, Tp. Huế đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Gần 3 năm nay, ngôi trường ấy đã sưởi ấm cho không ít mảnh đời bất hạnh. Hiện tại, 65 em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, dị tật bẩm sinh, nhiễm chất độc da cam... phần lớn là con em của các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dạy tại trường. Cô cho biết, điều quan trọng nhất là làm thế nào để các em không còn mặc cảm số phận, có khả năng hòa nhập cộng đồng.

Năm nay, sư cô Minh Tánh đã 60 tuổi. Cô nói: "Tôi đang dồn hết tâm nguyện đào tạo những đệ tử có tâm đức để sau này khi tôi qua đời, các lớp học được duy trì, những đứa trẻ cơ nhỡ, mồ côi, tật nguyền có nơi nương tựa...". Lẫn trong tiếng chuông chùa êm ả, tôi thấy có biết bao tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ đang học đọc, học nói...  

Phan Thanh
.
.
.