Trai nghiện về quê kiếm vợ

Thứ Tư, 25/05/2005, 09:56

Trai lớn thì dựng vợ, gái lớn thì gả chồng, ai cũng mong con cái mình được sung túc. Những suy nghĩ giản đơn muốn gả con cái cho nhà khá giả sang giàu, hay về chốn thị thành đã khiến không ít gia đình ở các làng quê rơi vào cảnh "ván đã đóng thuyền" khi phát hiện ra "ông" rể quý của mình là trai phố... "nghẹo".

Hiện nay, ở một số nơi, xuất hiện những gã trai có "lý lịch" từ thành phố về sống cùng với họ hàng, cô bác. Tìm hiểu kỹ mới biết, những ông bố, bà mẹ của các chàng trai này đang tìm cách ly gián các cậu quý tử của mình với đám bạn bè ăn chơi, hư hỏng, phá gia chi tử ở thành phố. Không ít trong số ấy về quê theo diện... cai nghiện ma túy. Nhờ cái "mác" thành phố và đá đưa cái lưỡi tài tình, galăng, không ít chàng đã "cưa đổ" những cô gái thôn quê xinh đẹp, hiền lành, rồi "điệu" cha mẹ về cưới hỏi. Bi kịch của những cô gái trước cạm bẫy thị thành có thể xảy ra cả ở cái nơi tưởng rằng an toàn nhất.

Tôi về quê đúng vào dịp ăn hỏi cô thôn nữ Nguyễn Thị Quỳnh D. Chồng D. là một thanh niên gày gò, đen nhẻm, mắt trắng... khiến tôi có một thoáng ái ngại. Nhưng rồi những lời chúc mừng cho D. lấy được chồng ở tận quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), từ nay trở thành "dâu thành phố", khiến tôi cũng vui lây vì quê mình có thêm một người thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.

Đùng một cái, cả làng lại xôn xao khi nghe tin chị Nguyễn Thị Quỳnh D. bị... "ết". Chồng D. đích thị là một con nghiện ma tuý nặng, ở Hà Nội không còn chỗ dung thân nên bố mẹ anh ta phải đánh đường "gửi" anh này về quê. Đầu tiên là để cai nghiện, thứ nữa... kiếm một cô vợ xem có đứng đầu đứng số hay không. Chẳng những vẫn chứng nào tật nấy, anh ta còn mang trong mình loại virus chết người rồi truyền sang cho vợ. Có lẽ quá đau khổ, từ lâu Quỳnh D. không dám về thăm nhà nữa. Bố mẹ gọi điện về nhà chồng thì người nhà cho biết, D. đã bỏ đi đâu không rõ. Nước mắt vắn dài, nhưng bố mẹ D. cũng chẳng biết tìm cô ở đâu.

Tương tự, cách đây ít lâu, trong một chuyến đi công tác, tôi đã đến thăm mẹ con chị Nguyễn Thị Y. Y. là một cô gái ở vùng quê nghèo (xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mới đây còn rất trẻ trung xinh đẹp, hồn nhiên. Sau một thời gian lên xe hoa về nhà chồng ở thị trấn huyện, tự nhiên thấy chồng lăn đùng ra... chết vì AIDS, để lại một đứa con thơ. Đau lòng hơn khi cô gái ấy biết thêm rằng, chồng và gia đình chồng đã biết sự thật là con mình có HIV, nhưng vẫn cố tình cho lấy cô về làm vợ... Người làng nói rằng, có lẽ vì cái mác "dân phố" của chồng Y., đã khiến cô và gia đình xiêu lòng. Có biết đâu bi kịch đã đổ xuống đầu khi cô còn quá trẻ. Không chịu được cảnh ngày ngày nhìn lên bàn thờ khói nhang nghi ngút, hiện Y. đã để con lại cho nhà chồng và bỏ đi đâu không ai biết.

Những câu chuyện đau lòng như thế này không chỉ xảy đến với những cô gái thôn quê hiền lành, ít va chạm xã hội, mà ngay cả những cô gái có trình độ học vấn cao cũng vẫn gặp phải. Trần Thị Tố Ng., quê ở Hà Nam tốt nghiệp Trường Đại học Dân lập Đông Đô, cũng không thể ngờ mình lại có một cuộc hôn nhân kết thúc bi thảm đến thế. Ng. đã có người yêu, nhưng sau khi ra trường, cạy cục mãi vẫn không xin được việc ở Hà Nội, Ng. quyết định chia tay người yêu để về quê lập nghiệp. Vốn có chút nhan sắc, nên Ng. được rất nhiều chàng trai săn đón, nhưng cô lại ưng cái anh chàng có vóc dáng mảnh khảnh người ở thị xã Phủ Lý. Đám cưới diễn ra chóng vánh vào đầu năm 2004 và cuối năm, cô vui mừng biết mình có thai. Cùng lúc ấy, Ng. cũng hay tin chồng mình nghiện ma túy. Cú sốc ấy khiến cô gục ngã và đi đến quyết định phá bỏ cái thai cô đang mang trong mình, rồi đoạn tình với người chồng đã lừa dối cô. Với một người con gái, có lẽ không còn đau khổ, mất mát nào lớn hơn thế. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, không tìm hiểu kỹ đối tượng, mà các cô đã phải trả giá bằng cả cuộc đời đầy đau khổ của mình.

Tôi ngồi viết những dòng này khi vừa nghe tin, có hai cô gái trẻ mà tôi biết mới lên xe hoa cùng 2 anh... nghiện. Một cô về nhà chồng ở huyện Đông Anh, một cô về thành phố Hải Phòng. Cả 2 chàng rể nghiện kia đều vô công rồi nghề, nhưng gia đình các cô gái trên đều rất lấy làm tự hào vì con mình lấy được "người thành phố". Khi được hỏi: "Cô chú có biết anh ta bị nghiện không?", thì nhận được câu trả lời rất "vui vẻ" là: "Cháu nó cai được rồi". Họ đâu biết rằng, từ khi các con nghiện về quê để "cai", bầu không khí vốn yên ả ở làng quê cũng bị xáo trộn. Hiện tượng mất trộm, mất cắp xảy ra thường xuyên. Nhỏ là một đàn gà hay con chó, lớn thì cái tivi hoặc vài trăm ngàn gia chủ cất hớ hênh trong tủ. Dăm bảy thanh niên nghiện được "gửi" từ thành phố về, không biết bằng cách nào, đã tập hợp nhau lại để chia sẻ nỗi niềm và chúng vẫn mua được thuốc để hút, hít. Có những nơi, theo nguồn tin của nhân dân là đã xuất hiện tình trạng mua bán ma túy nhỏ lẻ.

Nhưng đáng buồn là, bản thân các cô gái và gia đình lại không biết chuyện này (hoặc biết mà vẫn bỏ qua). Vì thế, những anh chàng "phố nghiện" không thể có một cuộc đời khác, nếu không từ bỏ ma túy, thậm chí chuyện lấy vợ là không tưởng, thì lại dễ dàng lấy được một cô gái nông thôn trong trắng, khỏe mạnh, nhưng lại thiếu hiểu biết về những tệ nạn xã hội đang hoành hành. Chỉ đến khi những cảnh tượng đau lòng xảy ra, tỉnh lại sau giấc mộng thị thành, hy vọng làm lại một cuộc đời lành lặn, với các cô gái trên là một điều quá khó.

Những bậc làm cha làm mẹ và những cô gái thôn quê đang ở tuổi cập kê, hãy khôn ngoan, tỉnh táo và cảnh giác trước những cám dỗ, những cạm bẫy vẫn đang rình rập ngay ở những chốn được xem là bình yên nhất

Nguyệt Hà
.
.
.