Trại David Sài Gòn trước thềm chiến thắng

Thứ Sáu, 29/04/2005, 07:39
9h ngày 30/4/1975, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn hạ lệnh cho Ban Chính trị đem cờ xuống Đội vệ binh, Đội trưởng vệ binh sẽ phân công người lên cắm cờ trên đỉnh tháp nước Trại Davis. Đấy chính là lá cờ phấp phới bay sớm nhất trên thành phố Sài Gòn.

Theo Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973, hàng tuần, phía Mỹ vẫn bố trí một chuyến bay chở đại biểu phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra làm việc tại Hà Nội. Nhưng từ ngày quân chủ lực của ta tiến xuống cực Nam Trung Bộ, phía Mỹ viện cớ lý do kỹ thuật cắt các chuyến bay Tân Sơn Nhất - Gia Lâm - Tân Sơn Nhất.

Ngày 23/4/1975, Thượng tá Nguyễn Đôn Tự (bây giờ là Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự), Trưởng phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) trong tổ liên hợp quân sự bốn bên yêu cầu phía Mỹ bố trí một chuyến bay Tân Sơn Nhất - Gia Lâm - Tân Sơn Nhất để đại diện của phái đoàn quân sự ta ra làm việc ở Hà Nội vào ngày 25/4/1975.

Lúc đó, chính quyền Sài Gòn cũng muốn cử tướng Phan Hòa Hiệp, người từng là Trưởng phái đoàn quân đội Sài Gòn trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên, lúc ấy vừa chuyển sang làm Bộ trưởng Thông tin chính quyền Sài Gòn, ra Hà Nội gặp đại diện Chính phủ ta bàn chuyện thương lượng hòng vớt vát chút vốn chính trị cho cái gọi là "nội các" vừa ra đời sau khi Nguyễn Văn Thiệu bỏ chạy ra nước ngoài.

7h ngày 25/4/1975, Phan Hòa Hiệp gọi điện sang Trại Davis với lời lẽ hết sức thân mật: "Anh Tự ơi, chuyến bay C130 anh sắp ra Hà Nội, chúng tôi đã thu xếp xong rồi. Tôi sẽ cùng đi với anh. Mong anh vui lòng chấp nhận. Tôi sẽ trực tiếp gặp đại diện Chính phủ VNDCCH ngay tại sân bay Gia Lâm, không cần thủ tục ngoại giao gì cả".

10h ngày 25/4/1975, Thượng tá Nguyễn Đôn Tự báo cho Phan Hòa Hiệp: "Chính phủ chúng tôi có ý kiến các ông nên gặp Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phái đoàn Quân giải phóng. Đại diện của Chính phủ chúng tôi không có công việc gì phải bàn với các ông".

Phan Hòa Hiệp khẩn khoản đề nghị Thượng tá Nguyễn Đôn Tự khi ra Hà Nội hãy báo cáo việc này với Chính phủ. Nếu Chính phủ VNDCCH chấp nhận, Phan Hòa Hiệp sẽ bố trí một chuyến bay ra Hà Nội vào sáng hôm sau.

Khác với mọi lần, hôm đó, máy bay C130 cứ lượn trôn ốc tăng dần độ cao trên vùng trời Sài Gòn làm Thượng tá Nguyễn Đôn Tự thấy người nôn nao, choáng váng.

Viên phi công Mỹ vội giải thích cho Thượng tá Nguyễn Đôn Tự: "Các sư đoàn chính quy của các ông đã áp sát thành phố Sài Gòn rồi. Các đơn vị phòng không của các ông còn được trang bị SAM 2 và cả SAM 7 "vác vai". Chúng tôi buộc phải lấy độ cao ngay trên vùng trời Sài Gòn để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, mong ông thông cảm".

Các sĩ quan và chiến sĩ trong Trại Davis đều hiểu chuyến C130 này là chuyến bay cuối cùng và những ngày sắp tới sẽ là những ngày quyết liệt nhất nên ai có gì quý giá đều gửi Thượng tá Nguyễn Đôn Tự chuyển về cho gia đình ở Hà Nội.

Ngay ở Hà Nội, cơ quan có trách nhiệm cũng điện cho chị Phương Mai - vợ Thượng tá Nguyễn Đôn Tự biết tin. Sáng sớm, một side-car cắm cờ công vụ chở chị Phương Mai sang Gia Lâm. Bao nhiêu công việc dồn dập trong một thời gian ngắn ra sân bay Gia Lâm, Thượng tá Nguyễn Đôn Tự phải giải quyết bằng hết.

Mãi lúc sắp lên máy bay, Thượng tá Nguyễn Đôn Tự chỉ kịp bàn giao những kỷ vật bạn bè trong Trại Davis gửi về cho gia đình. Cơ quan chính trị ngoài này đã bố trí một gian nhà hạnh phúc để những sĩ quan ở trong Trại Davis ra gặp vợ con nhưng Thượng tá Nguyễn Đôn Tự chỉ gặp Phương Mai ở ngay phòng làm việc và chỉ còn đủ thời gian nói với vợ bốn tiếng: "Em gắng nuôi con".

Trước khi bước lên máy bay, Thượng tá Nguyễn Đôn Tự nhận được một cú điện thoại từ trong Bộ Tổng tham mưu căn dặn: đêm nay các cánh quân của bộ đội chủ lực sẽ tiến đánh Sài Gòn, anh em trong Trại Davis chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Trong chuyến bay C130 ấy, ngoài lương thực, thực phẩm bổ sung đậm đà hương vị quê hương, Điện ảnh Quân đội còn gửi vào cho tổ chiếu phim của Trại Davis 5 tập phim "Giải phóng châu Âu".

Do phía Mỹ đơn phương ngừng một số chuyến bay nên lâu lắm tổ chiếu phim không được cung cấp phim mới, buổi chiếu nào không chiếu "Trần Quốc Toản ra quân" lại chiếu "Vợ chồng anh Lực" đến mức mỗi lần ra sân chiếu bóng, anh em thường nói đùa đi xem Trần Quốc Toản "lại" ra quân. Vì thế, 5 tập "Giải phóng châu Âu" được tổ chiếu phim coi như trận mưa rào giữa ngày đại hạn...

Ngay đêm hôm đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch điện cho hai phái đoàn quân sự của ta trong Trại Davis biết sẽ phái một đơn vị đặc công vào đón toàn bộ sĩ quan và chiến sĩ của ta ra một vùng an toàn.

Lãnh đạo hai phái đoàn quân sự của ta đã hội ý và thấy rằng, hai phái đoàn quân sự Ba Lan và Hungary trong ủy ban quốc tế đã cùng chúng ta chia cay sẻ đắng, chia ngọt sẻ bùi, đã giúp chúng ta rất nhiều trong công việc thăm dò ý đồ cũng như hoạt động của địch, nay đến lúc tình hình đang như ngàn cân treo sợi tóc, chúng ta không thể bỏ rơi bạn. Lãnh đạo của hai phái đoàn đã điện cho Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết tâm ở lại Trại Davis, chấp nhận tình huống xấu nhất.--PageBreak--

Bộ Tư lệnh chiến dịch lại điện cho Thành ủy Sài Gòn huy động một số cơ sở binh vận của ta vốn là sĩ quan và binh lính Sài Gòn tìm cách liên lạc với gia đình ở trong khu gia binh quanh Trại Davis vận động gia đình hỗ trợ anh em ta cho sĩ quan và chiến sĩ trong hai phái đoàn kiên cường đấu tranh chống âm mưu tàn bạo của địch...

Buổi trưa 29/4/1975, một đoàn khách do ông Nguyễn Văn Diệp làm Trưởng đoàn đến phòng trực ban của phái đoàn quân sự ta xin gặp lãnh đạo phái đoàn để bàn việc bàn giao chính quyền. Ông Diệp tự giới thiệu là phái viên của Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn, lãnh đạo phái đoàn ta không tiếp, chỉ cử một cán bộ đem theo bản tuyên bố của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngày 26/4/1975 kêu gọi quân đội Sài Gòn hạ vũ khí để bớt đổ máu và bớt thiệt hại cho nhân dân.

Vào khoảng 14h30' ngày 29/4/1975, đoàn khách thứ hai gồm Giáo sư Châu Tâm Luân (vừa được ông Dương Văn Minh cử làm Tổng trưởng) và linh mục Chân Tín đến xin gặp lãnh đạo phái đoàn của ta. Bên ta không tiếp, chỉ cử một trưởng ban thông tấn báo chí chuyển cho đoàn khách bản tuyên bố ngày 26/4/1975.

Vào khoảng 17h30' cùng ngày, một chiếc xe cắm cờ chính quyền Sài Gòn dừng bánh trước cổng Trại Davis. Một đoàn người ăn mặc chỉnh tề bước vào phòng trực ban đề nghị được vào gặp lãnh đạo phái đoàn ta.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đang trực chỉ huy, Đại tá Võ Đông Giang và Thượng tá Nguyễn Đôn Tự được cử ra tiếp vì thấy các vị khách đã vượt qua chặng đường nhiều nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu. Ba người khách tự giới thiệu: Giáo sư Châu Tâm Luân, linh mục Chân Tín và luật sư Trần Ngọc Liễn do ông Dương Văn Minh cử đến.

Đại tá Võ Đông Giang thẳng thắn trả lời không thể tiếp họ với danh nghĩa phái viên của ông Dương Văn Minh nhưng thấy cả ba vị khách đều là người của lực lượng thứ ba đã từ lâu đối lập với chính quyền độc tài Nguyễn Văn Thiệu, bây giờ họ không nề nguy hiểm đến Trại Davis lần thứ hai nên Đại tá đồng ý tiếp họ với danh nghĩa cá nhân.

Ba vị khách chấp nhận và đề nghị tiến hành một cuộc thương lượng nhằm tránh đổ máu và thiệt hại về vật chất. Đại tá Võ Đông Giang trả lời ngay: "Chậm quá rồi! Bây giờ chỉ còn một con đường là đầu hàng vô điều kiện"...

Vào khoảng 21h, các vị khách xin phép ra về. Đúng lúc đó, vô tuyến điện (VTĐ) của Trại Davis nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh cho các trận địa pháo chuẩn bị bắn vào các mục tiêu quan trọng trong nội thành Sài Gòn.

Để đảm bảo an toàn cho ba vị khách và cũng để ba vị khách không hiểu nhầm là phe cách mạng kiếm cớ lưu họ lại trong Trại Davis, ta cũng nêu ý kiến nếu các vị khách muốn về, chúng ta sẽ cử một đơn vị vệ binh đi theo yểm trợ. Sau mấy phút bàn bạc, ba vị khách đồng ý ở lại.

Sáng hôm sau, ngày 30/4/1975, trận pháo kích vào thành phố Sài Gòn vừa kết thúc, chúng ta mời ba vị khách bữa cơm chia tay và tặng mỗi vị khách hai chai rượu Lúa Mới và một gói lương khô.

6h sáng 30/4/1975, VTĐ của Trại Davis lại bắt được sóng của pháo binh chiến dịch thông báo sắp tiến hành một đợt bắn cấp tập nhằm yểm trợ cho các cánh quân tiến đánh Sài Gòn, thời gian kéo dài từ 7h - 8h.

Cơn bão lửa vừa ập xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bọn lính gác trên 13 trạm vây quanh Trại Davis, bọn lính dù, bọn lính thiết giáp, bọn biệt động quân mất hồn bạt vía đã tháo mũ, tháo giày, cởi phăng bộ đồ trận, vứt súng chạy tràn con đường trước cổng Trại Davis.

10h ngày 30/4/1975, sĩ quan và chiến sĩ Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) và sau đó Trung đoàn trưởng E9, Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn 10 tiếp tục đến thăm hai phái đoàn quân sự của ta trong Trại Davis. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6 vượt Trường Sơn vào trong này đánh giặc, cán bộ, chiến sĩ hai phái đoàn quân sự đi máy bay vào Trại Davis, cái vòng tròn khép kín ấy đã được kết thúc ở Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất.

11h30' ngày 30/4/1975, toàn bộ chiến sĩ hai phái đoàn trong Trại Davis ngồi quanh máy thu thanh nghe lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh.

Đến chiều 30/4/1975, Thượng tá Nguyễn Đôn Tự đã lái xe chở một số sĩ quan đi thăm ủy ban quốc tế. Phái đoàn quân sự Hungary và phái đoàn quân sự Ba Lan vẫn an toàn và mạnh khỏe, còn phái đoàn quân sự Iran và phái đoàn quân sự Indonesia đã nhanh chân leo lên máy bay Mỹ chở người di tản, rời Sài Gòn

Vũ Bão
.
.
.