Tổng cục trưởng Tình báo nước CHDC Đức: Tôi là người lính của cách mạng!

Chủ Nhật, 12/02/2012, 14:34
“Người đàn ông không lộ diện” suốt 33 năm trời ấy đã xuất hiện trước một đám đông quần chúng gồm hàng chục vạn người trên quảng trường Alexander (Berlin), vào sáng sớm 4/11/1989. Ấy là cuộc biểu tình khá rầm rộ, nhưng rất trật tự. Không có cảnh sát. Tôi hòa trong dòng người để được nghe các nhân vật khác nhau phát biểu ý kiến.

Họ là nghệ sĩ, luật sư, giáo sư, mục sư, nhà văn… Cộng hòa Dân chủ Đức vào mùa thu năm ấy đang đứng trước những thử thách dữ dội: Trung ương Đảng, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng… từ chức tập thể dưới sức ép từ cơ sở. Các bài phát biểu đòi hỏi những yêu sách công khai như “tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do biểu tình”, “đổi mới dân chủ”… Gregor Gysi đã cảm ơn Tổng Bí thư Trung ương Đảng xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Egon Kremz đã tránh cho đất nước những giải pháp bạo lực…

Đến lượt Thượng tướng Markus Wolf - nguyên Tổng cục trưởng Tình báo của CHDC Đức từ ngày đầu tiên lên phát biểu. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông - một người cao lớn, chững chạc. Vừa nghe ông nói, từ đám quần chúng đông đảo nổi lên hàng loạt tiếng huýt sáo. Nhưng ông vẫn bình tĩnh và yêu cầu mọi người phân biệt khi phán xét Bộ An ninh quốc gia (Stasi) thì phải công bằng, không nên đánh đồng loạt cán bộ đó ai cũng là kẻ bung xung của chế độ…

Nhớ lại sự xuất hiện này, Markus Wolf cho biết: ông vất vả mãi mới diễn thuyết xong. Cổ ông khô rát. Ông chỉ nghe thấy những tiếng huýt sáo… Nhưng, tôi cũng nhớ: khi ông bước xuống, nữ văn hào Christa Wolf đã ôm hôn ông, một số người khác bắt tay và chúc mừng… Ông hiểu rằng, ngày 4/11 đó chính là thời cơ bản lề của quá trình “bước ngoặt” (Wende), không thể đảo ngược được. Nhưng, diễn biến của nó chưa mang tính chất chống Chủ nghĩa xã hội như vài tuần lễ sau.

Markus Wolf đã nói trong một cuộc phỏng vấn: “Với 33 năm kinh nghiệm trong cương vị cấp tướng của Bộ An ninh quốc gia, tôi không muốn cuộc bùng nổ của quần chúng sẽ kết thúc bằng cuộc tắm máu như ở một số nước. Gánh lấy trách nhiệm chính trị, có lẽ đóng góp vào việc tránh cho tình huống bi thảm như thế nổ ra, hoặc ít nhất cũng ngăn cản nó đừng xảy ra”.

Suốt mùa thu năm ấy, ông xuất hiện rất nhiều trong các cuộc phỏng vấn, hội nghị bàn tròn, trên báo chí. Và ông viết sách. Nhiều cuốn sách của ông như: “Trò chơi trên sân thiên hạ”, “Theo nhiệm vụ từ chính mình”, “Bạn bè không chết”, “Bộ tam mã” (Troika), “Người đàn ông không lộ diện”… được đón đọc và tái bản nhiều lần.

Đọc và nghe, có thể hình dung khá rõ nét về những bước đường đời cùng những hoạt động của ông từ buổi đầu đến với cách mạng.

Trước hết, phải nói ông là con nhà nòi, xuất thân trong một gia đình khá đặc biệt. Cha mẹ ông là Đảng viên cộng sản từ năm 1928, từng đương đầu với các cuộc khủng bố ác liệt của chủ nghĩa phát xít, lênh đênh trên những cuộc lưu vong đầy gian khổ. Cha của ông, bác sĩ Friedrich Wolf, đồng thời là một nhà văn, nhà viết kịch ưu tú, có một vị trí to lớn trong văn học cách mạng Đức. Ông là vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của CHDC Đức tại Ba Lan, đồng thời với con trai ông – Markus Wolf – giữ vị trí Tham tán thứ nhất tại Sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức ở Liên Xô.

Anh trai của Markus Wolf là Konrad Wolf, nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng, trong nhiều năm là Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật nước CHDC Đức. Bản thân tôi có đôi lần được tiếp xúc, trò chuyện với Konrad Wolf – đó là khi tôi đề nghị ông kể lại quá trình thực hiện bộ phim “Bầu trời chia cắt” (Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Christa Wolf) và khi ông tình cờ gặp tôi ở khu hồ Grünau, nhân đó hỏi chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu - một trong ba nghệ sĩ lớn của Việt Nam được xem xét để tôn vinh là Viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa Dân chủ Đức (Xuân Diệu, Lưu Hữu Phước và Trần Văn Cẩn).

Là con, là em của những nhân vật xuất sắc, Markus Wolf cũng có một sự nghiệp khá phong phú: từng là nhà báo, nhà ngoại giao, nhà văn, nhưng đáng nói nhất là cương vị của Tổng cục trưởng Tình báo từ ngày đầu thành lập Tổng cục này. Khi kết thúc trọng trách của vị chỉ huy tình báo, ông đã được tặng thưởng Huân chương “Karl Marx” - huân chương cao quí nhất của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ.

Kể từ thời niên thiếu, Markus Wolf đã có sự gắn bó với nước Nga Xô-viết, quê hương của Cách mạng tháng Mười. Năm 1933, sau khi Hitler lên cầm quyền ở Đức, gia đình ông (gồm bố mẹ và mấy anh chị em ông) đã di cư sang Mockva. Tại đây, sau khi tốt nghiệp trung học, ông vào học trường hàng không, rồi sau đó được cử đi đào tạo khóa huấn luyện hoạt động bí mật do Quốc tế Cộng sản tổ chức. Tiếp đó, ông làm bình luận viên cho Đài Phát thanh Liên Xô và Đức, từng làm phóng viên của Đài Phát thanh Berlin đưa tin và bình luận về phiên tòa Nuerenberg xử tội những tên trùm phát xít.

Là vị tổng chỉ huy của ngót 4.000 điệp viên, Markus Wolf cho biết: Trong hoạt động tình báo của mình, ông đã gắn bó với các đồng nghiệp Xô – Viết. Ông nói: “Nói không hề phóng đại chút nào, quan hệ giữa chúng tôi đã là quan hệ đối tác thân thiện. Điều này thể hiện ở tất cả các cấp, từ các nhân viên bình thường đến lãnh đạo… Giữa chúng tôi đã có một sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng với nhau, vì lợi ích của cả hai bên. Chúng tôi ý thức rất rõ rằng, chúng tôi cung cấp thông tin cho đồng minh chính yếu của mình, quốc gia gánh vác phần lớn nhất trong mọi trách nhiệm và mọi chi phí cho việc bảo vệ liên minh chung…”.

Markus Wolf đã có những ấn tượng tốt đẹp nhất về các nhà lãnh đạo KGB, đặc biệt là Yuri Andropov. Ông nói: “Tôi luôn luôn rất kính trọng Yuri Andropov”…

Cơ quan tình báo của Cộng hòa Dân chủ Đức cũng có quan hệ hợp tác hữu ích với các đồng nghiệp hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa, có công lao lớn trong việc xây dựng cơ sở ban đầu cho tình báo Cuba cũng như một số nước ở thế giới thứ ba, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật tình báo. Markus Wolf quan niệm ngay từ buổi đầu hoạt động của mình về chủ nghĩa quốc tế và coi những điệp viên của mình là những “trinh sát của hòa bình”, “có lý tưởng chiến đấu nhằm bảo vệ hòa bình”.

Về bản thân mình, hơn một lần ông khẳng định: “Tôi là người lính của cách mạng!”. Trả lời phỏng vấn của tạp chí “Spiegel” (Tấm gương), ông nói: “Tôi không thể nói, tôi tự hào về những gì mình làm. Nhưng tôi nghĩ mình không sống một cuộc đời vô ích. Lâu lâu tôi gặp lại những người “bạn cũ”, và dẫu rằng họ còn ngồi tù và bị xử tệ hơn tôi nhiều lắm, nhưng tất cả chúng tôi không có cảm giác xấu hổ về cuộc đời hoạt động tình báo của mình. Đơn giản là vì chúng tôi hoạt động cho một mục đích tốt đẹp”. Ông gọi các phiên tòa xét xử mình và đồng nghiệp là “Phiên tòa của những người chiến thắng”.

Tháng 11/2006 – 17 năm sau cái ngày tôi nhìn thấy ông và nghe ông nói trên quảng trường Alexander – tôi được tin ông qua đời ở tuổi 83. Không quen biết ông trực tiếp, nhưng qua hàng loạt cuốn sách, bài báo ông viết và người ta viết về ông, tôi đặc biệt kính trọng ông ở niềm tin bất diệt về lý tưởng của những người cộng sản.

Trong các tác phẩm để lại của mình, vị tổng chỉ huy tình báo Markus Wolf đã đề cập toàn bộ các sự kiện bề nổi cũng như bề chìm ở CHDC Đức qua 40 năm xây dựng và phát triển. Là người đã gắn bó với nước này từ thuở ấu thơ, lại có 10 năm làm phóng viên thông tấn ở đó, tôi như cùng ông sống lại với từng trang sử của CHDC Đức, mảnh đất mà ông và tôi đều mến yêu.

Hơn thế nữa, tôi như được ông lý giải mọi ngọn nguồn, mọi nguyên cớ của từng sự việc, từng con người trong lịch sử, những thành công và thất bại. Cái lớn nhất đọng lại qua cái nhìn sắc bén, sáng rõ của ông đã củng cố trong tôi niềm tin yêu ở nhân dân, ở lý tưởng cao đẹp mà cả loài người hướng tới: Chủ nghĩa xã hội

Trần Đương (nguyên PV TTXVN tại Berlin)
.
.
.