Nhà báo Hữu Thọ:

"Tôi hy vọng đại hội tới sẽ tạo được bước tiến mới"

Thứ Ba, 21/06/2005, 09:54

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và chuẩn bị cho Đại hội Nhà báo lần thứ VIII sắp tới, nhà báo Hữu Thọ đã nói lên một vài suy nghĩ của mình.

Trước hết phải khẳng định, việc ra đời Chỉ thị 37 CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng về “Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) trong thời kỳ đổi mới” đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với HNBVN, đồng thời khẳng định vị thế quan trọng của HNBVN trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội là điều tôi rất mừng. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với Hội Nhà báo (HNB) chúng ta. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hành lang pháp lý, còn HNB các cấp có tạo được sự tin cậy đối với lãnh đạo các địa phương, các bộ, ban, ngành, với các hội viên, nhà báo hay không là tùy thuộc vào sức vươn lên của chính HNB.

Đối với Đảng, Bác Hồ đã từng nói đại ý: Không phải cứ dán cái nhãn Cộng sản là người ta tin cậy. Nghĩa là không phải chúng ta cứ “giơ” Chỉ thị 37 ra là người ta phải tôn trọng, quan tâm. Điều tôi lo là anh em ngộ nhận rằng Chỉ thị 37 như là một “phép bùa” nên đi đâu cũng “giơ” ra. Cũng nên nhớ, bên cạnh việc khẳng định vị trí của HNB, Chỉ thị cũng nhắc nhở phải nâng cao chất lượng của HNB. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng hoạt động, có những đóng góp thiết thực với các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành. Nếu người ta tin cậy, thấy hoạt động của HNB là cần thiết, có chất lượng thì lãnh đạo các tỉnh, thành, các bộ, ban, ngành sẽ có những chính sách quan tâm rộng rãi hơn cả Chỉ thị 37. Thậm chí, người ta quan tâm kể cả khi chưa có Chỉ thị ấy.

Thực tế, tôi thấy lãnh đạo nhiều địa phương đã quan tâm đến HNB cấp cơ sở trước khi có Chỉ thị 37 vì họ thấy sự cần thiết, lợi ích thiết thực mà HNB đã mang lại cho phong trào ở địa phương.

PV: Vậy theo ông, để có được sự tin cậy và quan tâm của các địa phương, các bộ, ban, ngành, HNB sẽ phải làm gì trong thời gian tới?

Nhà báo Hữu Thọ: Thứ nhất, phải xác định rõ chức năng của HNB thì mới nâng cao được hiệu quả hoạt động. HNB tham gia vào việc lãnh đạo và quản lý báo chí với tư cách là tham mưu chứ HNB không thể làm thay và cũng không thể làm nổi  chức năng lãnh đạo báo chí của Đảng (cơ quan giúp Đảng là Ban TT-VHTW) và quản lý Nhà nước (cơ quan giúp Nhà nước là Bộ VH-TT). HNB phải đặt đúng chức năng của mình mà theo tôi chủ yếu là có 2 chức năng quan trọng cần phải được làm tốt. Một là, giáo dục, bồi dưỡng cho hội viên để họ giữ vững ngòi bút, trở thành người làm báo chân chính, thực hiện tốt chức năng của mình. Hai là, hoan nghênh những người viết tốt, những người làm báo trung thực, góp phần đấu tranh với những hành vi tiêu cực và bảo vệ những nhà báo chân chính, hoạt động đúng pháp luật mà bị trù dập, thậm chí bị ngăn cản hành nghề.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội thì những ai tâm huyết với Hội hãy tham gia, chứ còn tham gia chỉ để lấy danh thì Hội sẽ suy yếu. Phải lựa chọn những người có tâm huyết và có điều kiện để tham gia công tác Hội thì mới phát huy được sức mạnh của Hội.

Thứ ba, HNB là một tổ chức mang tính chất tự nguyện nên hoạt động Hội cần phải dân chủ, xây dựng không khí đầm ấm, sự đồng thuận của hội viên, của xã hội.

PV: Quy định đạo đức nhà báo sẽ là một trong 3 văn kiện quan trọng thông qua Đại hội VIII HNB sắp tới. Bên cạnh sự điều chỉnh của pháp luật, việc ra đời quy định này là cần thiết và góp phần giúp các nhà báo hoàn thành sứ mệnh của mình tốt hơn, thưa ông?

Nhà báo Hữu Thọ: Quy định về đạo đức nhà báo là quy định nhắc nhở nhà báo những điều nên làm và những điều không nên làm. Theo tôi, với nhà báo nên tìm mọi cách cùng nhau bảo ban, khuyến khích những việc được làm, ngăn ngừa việc làm sai thay vì răn đe. Bởi vì khi động cơ của nhà báo thiếu trong sáng thì răn đe kiểu này, họ lại làm kiểu khác. Hội không phải là một trường học và cũng không phải là một chi bộ. Các nhà báo đã có 2 "ông quản” là Giám đốc Sở VH-TT và Trưởng ban TT-VH. Giờ lại thêm một "ông dạy bảo" nữa thì hội viên sẽ quay lưng. Đừng quan niệm làm công tác Hội có uy quyền như Tổng biên tập hay Trưởng ban TT-VH thì không làm được.

PV: Hiện có nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động của HNB thì người làm công tác Hội nên chuyên trách thay vì kiêm nhiệm như lâu nay. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Nhà báo Hữu Thọ: Tôi thấy đây là một ý kiến chính đáng nhưng cần phải có những điều kiện thì mới thực hiện được. Thực ra kiêm nhiệm cũng có cái hay của kiêm nhiệm, chuyên trách cũng có cái hay của chuyên trách. Theo tôi, người đứng đầu HNB chuyên trách thì có nhiều thời gian chuyên tâm xây dựng Hội nhưng không nhất thiết phải là chuyên trách. Bởi lẽ, khi là kiêm nhiệm, người đứng đầu ấy đang hoạt động ở một tờ báo có uy tín trong xã hội là cầu gắn bó HNB với những vấn đề thời sự của nghề nghiệp. Vấn đề là ở chỗ khi kiêm nhiệm, tức là khoác 2 “cái áo”, thì khoác cái áo nào anh phải nói theo đúng cương vị đó, chứ khoác áo lẫn thì rất nguy hiểm. Anh nhân danh lãnh đạo HNB mà góp ý với người ta như lãnh đạo Bộ VH-TT hay Ban TT-VH là không được. Nếu người đứng đầu mà kiêm nhiệm thì cũng là một điều tốt, nhưng đồng thời có khi không kiêm nhiệm thì ông ấy lại có nhiều thời gian để làm công tác Hội. Nhưng trong số những người lãnh đạo của HNB thì vẫn phải có người chuyên trách chứ không phải tất cả đều kiêm nhiệm.

PV: Ông kỳ vọng gì ở Đại hội VIII HNBVN sắp tới?

Nhà báo Hữu Thọ: Mong muốn thì mong muốn nhiều, còn đạt được hay không lại là việc của những người trúng cử làm. Nói chung, mỗi một kỳ Đại hội là một bước tiến trong sự phát triển HNBVN. Tôi hy vọng Đại hội tới sẽ tạo được bước tiến mới.

PV: Xin cảm ơn ông

Việt Hoa - Ngọc Lành
.
.
.