Tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón làm việc nghĩa

Thứ Tư, 07/09/2011, 14:42

Từ trung tâm huyện miền núi Tân Sơn (Phú Thọ) đến Đèo Cón mất chừng nửa giờ đồng hồ. Lên đến đỉnh Đèo Cón - ngã ba giáp ranh giữa ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Sơn La, tai chúng tôi ù đặc vì sự chênh lệch độ cao. Đèo Cón giờ đã được tu sửa, mặt đường trải nhựa phẳng lỳ, nhiều đoạn cua tay áo đã được nắn, chỉnh rồi lắp đặt thêm hệ thống rào chắn nhưng không phải vì thế mà tại nạn giao thông (TNGT) giảm đi.

Cứu một người phúc đẳng hà sa

Chẳng kể đâu xa vào ngày 27/7, tại đoạn đường này vừa xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không có sự cứu giúp kịp thời của các thành viên tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón, anh Trần Ngọc Thủy (trú tại Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã không thể qua khỏi. Anh Hà Văn Nhướng, tổ trưởng nhớ lại: Khoảng 10h,  anh Nhướng nghe tin trên Đèo Cón xảy ra vụ tai nạn, chiếc xe môtô do nạn nhân Thủy điều khiển, vào đoạn đường cua bất ngờ gặp chiếc xe cẩu bị mất phanh đã đổ nhào.

Cú va chạm quá mạnh khiến nạn nhân bị rơi xuống rãnh nước sâu hàng mét, nằm bất động, bị gạch và đất đá vùi lấp. Chiếc xe cẩu cũng đổ nhào, nằm chênh vênh trên vách đá, chỉ cần một lực tác động nhẹ có thể lăn xuống vực sâu thăm thẳm. Khi các thành viên tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón xuống được rãnh nước, thì anh Thủy chỉ còn thoi thóp thở, tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Rãnh nước nằm cheo leo lưng chừng núi, những trận mưa lớn đã khiến nước bên trong đầy ắp, rêu phong bám chặt quanh bờ, chỉ cần sơ sểnh là có thể tuột xuống. Chỉ với các phương tiện rất đơn giản là những thanh gỗ, vài sợi dây thừng, các thành viên tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón đã đưa được nạn nhân lên mặt đường. Họ vội sơ cứu cho anh Thủy, rồi vẫy một chiếc xe ôtô đi ngang qua đường, đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tân Phú. Lúc này, người bị TNGT đã bị gãy toàn bộ phần xương đùi, máu mất nhiều nên đã ngất lịm…

Trong suốt thời gian ấy, anh Nhướng luôn túc trực bên giường bệnh, lo lắng dõi theo sự an nguy của anh Thủy. Chỉ đến khi biết người bị nạn đã qua được giai đoạn nguy hiểm, anh Nhướng mới trở về nhà. Lúc này, các thành viên của tổ vẫn đang xoay trần, kéo chiếc xe cẩu lên dốc, giữa trưa hè oi ả, mồ hôi của họ rịn ra như tắm…

Nói về sự "ra đời" của tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón, anh Nhướng bùi ngùi: Thu Cúc là xã miền núi của huyện Tân Sơn, ngã ba của ba tỉnh, nơi có 4 dân tộc Kinh, Mường, Dao và Mông sinh sống. QL32 B từ trung tâm xã đi huyện Phù Yên (Sơn La), đoạn đường 9km, đèo dốc cao, vực thẳm, taluy âm có nơi sâu đến hàng trăm mét, nhiều đoạn đường nắn cung khúc khuỷu, độ dốc 10%... trở thành nỗi kinh hoàng của không ít cánh lái xe đường dài. Trên đoạn đường này thường xảy ra các vụ TNGT thương tâm.

Còn nhớ năm 2001, Đèo Cón xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe khách tuyến Thái Bình và Điện Biên. Vụ tai nạn đã làm 6 người cùng tử vong. Khi ấy, ông Hà Xuân Chích, Trưởng Công an xã cùng ông Nguyễn Ngọc Mạo, Phó trưởng Công an xã nảy ý định thành lập tổ cứu hộ, cứu nạn, lực lượng này sẽ cùng Ban Công an xã có thông tin nhanh nhất để cứu người, trông coi tài sản cho người bị nạn.

Vậy là tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón được thành lập từ đó, anh Nhướng được bầu làm tổ trưởng. Ban đầu, tổ cứu hộ chỉ có 6 người, sau đó tăng lên 7 người vào năm 2002 và đến thời điểm này có 9 người.

Lần giở cuốn sổ A4 đã ngả màu, được ghi chép cẩn thận, các thành viên của tổ chia sẻ: Từ năm 2001 đến nay, tổ cứu hộ cứu nạn Đèo Cón đã cứu hộ 27 vụ TNGT, trong đó cứu sống được 27 người. 6 tháng đầu năm 2011, xảy ra 3 vụ TNGT trên Đèo Cón đều được tổ cứu hộ cứu sống, tài sản của người bị hại trên xe ôtô cũng được an toàn.

Một buổi sinh hoạt của tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón.

Làm việc nghĩa mà không cần trả ơn

Từng tham gia cứu nạn nhiều vụ, song để lại ấn tượng nhất có lẽ là vụ TNGT xảy ra lúc 9h20' ngày 20/10/2009. Chiếc xe ôtô BKS 19L-5929 do anh Đỗ Thanh Hải điều khiển đi từ hướng Phù Yên sang Thu Cúc, đã bất ngờ đâm vào xe ôtô BKS 29X-5522 do anh Đỗ Đức Mạnh điều khiển, khiến cả hai xe bị hư hỏng nặng... Tình huống lúc đó thật vô cùng nguy hiểm, hai chiếc nằm lưng chừng núi, chỉ cần một lực tác động, các anh cũng có thể bị rơi xuống vực sâu.

Song nhìn thấy cảnh ngộ đáng thương của hai lái xe, các anh Nhướng, Tính, Phượng… chẳng thể cầm lòng. Họ dòng dây, thay nhau đưa từng người lái xe lên bờ, nhiều người chứng kiến cảnh tượng ấy cũng thót tim. Trong vụ này, nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời, 2 người lái xe đã được cứu sống.   

Song không phải lúc nào chúng tôi cũng được ủng hộ, có những kẻ ác ý còn bảo rằng "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", anh Nhướng chia sẻ. Nhưng các thành viên trong tổ tự quản đều hiểu rằng, đó là việc làm tình nghĩa, họ không bao giờ tính toán.

Có những người sau khi được cứu sống đã quay trở lại cảm ơn các anh. Song cũng có người vì đường sá xa xôi, hay vì một lý do nào đó không bao giờ quay trở lại. Thế nhưng họ vẫn ngày ngày làm công việc lặng thầm của mình. Ngoài việc cứu giúp người còn đảm bảo an toàn tài sản cho họ.

Trong những lần cứu hộ, cứu nạn, các anh đã không ít lần gặp hiểm nguy: Mười năm, các thành viên tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón đã cứu sống được rất nhiều người, có những người họ nhớ tên, có những người chẳng biết là ai, nhưng ngày ngày họ vẫn làm việc nghĩa. Khi tham gia vào tổ, họ không nhận được một đồng tiền công, nhưng vẫn cảm thấy an lòng vì "Cứu một người phúc đẳng hà sa".

Chia tay với chúng tôi trong một buổi chiều tà, khi sương đêm bắt đầu lan tỏa, các thành viên của tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón chỉ có mơ ước thật giản dị: Đã không ít lần, họ rơi nước mắt, khi nhìn thấy cái chết mà đành phải bất lực vì chẳng thể làm được gì… Chúng tôi chỉ mong có được một cái kích, một chiếc xe máy phân khối lớn để có thể đưa người bị nạn đi cấp cứu kịp thời, để không có những cái chết thương tâm xảy ra

Xuân Mai
.
.
.