Tình người trên đỉnh Cấm Sơn

Thứ Hai, 24/12/2007, 12:30
Chuyến đi đầy vất vả, chúng tôi phải trải qua 3 lần lên, xuống xe và cuốc bộ gần 3 giờ đồng hồ mới đến được nơi có câu chuyện cổ tích thế kỷ XXI. Nơi ấy là Vồ Mồ Côi, thuộc đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Một câu chuyện về người đàn ông chưa vợ cùng mẹ già có đến 12 người con, lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất vừa tròn tháng…

Thấy chúng tôi, 2 đứa trẻ chừng năm sáu tuổi, gọi ba í ới: "Ba ơi, có khách kiếm kìa". Một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi vui vẻ bước ra, anh là Út Bông, tên thật là Nguyễn Tấn Bông (46 tuổi, quê ở Ô Môn, Cần Thơ) lên đây lập nghiệp đã hơn 16 năm.

Từ sự tình cờ

Khởi sự đến vùng đất này với gia đình anh hết sức tình cờ, anh kể: Trong một lần anh và mẹ, bà Võ Thị Ba (70 tuổi) đi viếng chùa, vãn cảnh núi bỗng cảm thấy yêu mến vùng Cấm Sơn một cách lạ thường. Lân la hỏi có ai bán đất, mẹ anh sẽ mua dựng nhà để sống khi tuổi về già.

Trò chuyện cùng những người dân địa phương mới hay đất ở đây rất rẻ, người bán thì nhiều, người muốn mua như bà hầu như không có. Về Cần Thơ, gom tiền dành dụm, anh cùng mẹ lên núi Cấm sinh sống luôn từ ấy.

Và chuyện có con nuôi bắt đầu từ một ngày hè năm 2001, chị Thúy, người em họ anh Bông trong lúc nuôi em dâu sinh tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ thấy một phụ nữ trẻ, bụng mang dạ chửa mà không người thân thích. Hỏi nguồn cơn, được biết chị tên N., đã trót yêu lầm một gã sở khanh, khi biết người yêu mang bầu hơn 4 tháng, hắn đã quất ngựa truy phong, bỏ lại người yêu cùng đứa con trong bụng.

Nhà nghèo, lại bị cho là chửa hoang, gia đình, bà con lối xóm khinh rẻ, đến ngày sinh nở, chị lặng lẽ một mình đến bệnh viện mà trong người chỉ có vài chục nghìn đồng. Thấy vậy, chị Thúy gọi cho bà Ba hay, hai mẹ con bà Ba động lòng trắc ẩn về Cần Thơ giúp người khốn khó.

Và cậu bé Nguyễn Sơn Ngọc về làm con nuôi của anh Bông, cháu nội bà Ba từ dạo ấy. Mến tay, mến chân lại muốn cho thằng Ngọc có em, thế là bà Ba nhờ Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ nếu có những hoàn cảnh như cháu Ngọc thì cho bà biết.

Và khi Ngọc vừa tròn tuổi thì bệnh viện báo tin có một hoàn cảnh éo le khác có khả năng bỏ rơi con. Được biết, người mẹ trẻ ấy còn tuổi vị thành niên, cô bị một gã đã có vợ lừa tình rồi mang thai.

Được sự giúp đỡ của bà Ba, cô lên bàn sinh, nhưng đây cũng lại là ca sinh khó phải mổ cứu mẹ, bỏ con. Ca mổ thành công, người mẹ được cứu sống, nhưng thật bất ngờ nhịp tim đứa bé vẫn đập.

Khi các y, bác sĩ khám bệnh, biết được em đã mắc phải chứng huyết tràn phổi. Được hấp điện, đút ống thở, sau 20 ngày chăm sóc đặc biệt, em bình phục, còn người mẹ ruột và bà ngoại đã bỏ đi biệt tăm.

Thế là bà nội Ba cùng cha Bông có đứa con nuôi thứ hai. Cũng những hoàn cảnh như thế, Nguyễn Sơn Hương, Cẩm Như, Sơn Tự, Sơn Giàu, Sơn Tiên, Sơn Tịnh, Sơn Thành, Sơn Tiền, Sơn Nhã, Sơn Minh lần lượt về vùng Thiên Cấm Sơn ấy.

Giữa chốn đại ngàn của vùng Thiên Cấm Sơn, 12 đứa trẻ lần lượt về sống cùng cha Bông và bà nội Ba đầy bất ngờ như thế. "Nhiều đêm nằm, tôi suy nghĩ mãi không hiểu sao mình có thể nuôi cùng lúc mười mấy đứa trẻ được thế này. Nhìn chúng trắng trẻo, xinh xắn, tôi không thể tin rằng tất cả đều ra đời từ những mối tình vụng trộm, những vụ lừa tình và từ những cô gái mại dâm…" - anh Bông tâm sự.

Lời ru… nước mắt

Những ngày đầu nuôi Sơn Ngọc hết sức khốn khó, kinh nghiệm nuôi trẻ nhỏ với anh Bông chỉ là con số không. Đường xá lên xuống núi vô cùng hiểm trở, vậy mà cứ 3, 4 ngày anh lại phải xuống núi một lần mua về nào sữa, nào tã, rồi thuốc men… thôi thì đủ thứ.

Khi Ngọc thôi nôi, thì đầy tháng thằng Thanh, thằng Hương… cứ thế liên tục. Nhìn những thiên thần ấy cùng tiếng bập bẹ, nụ cười trẻ thơ của chúng đã khiến hai mẹ con anh Bông quên đi cái mệt. Và có lẽ những đứa trẻ không may này hiểu được tình cảm của cha và bà dành cho mình nên cũng ít ốm đau, khóc nhè.

Bà Ba kể: "Nuôi tụi nhỏ nhiều lúc muốn đứt hơi luôn, đứa khóc đói sữa, đứa muốn đi tè,… mà tui thì chỉ có một mình, thằng Bông còn phải đi rẫy, nhớ lại không hiểu sao mình vượt qua được. Có lúc cả thằng Ngọc, Thanh, Tự, và con Như cùng khóc, tui với thằng Bông thức trắng. Mấy chú thử nghĩ, nhà người ta nuôi có một hai đứa con đã cực, tụi tui một lèo 12 đứa sát tuổi nhau, chịu sao thấu…".

Rồi hát ru lũ trẻ, bà Ba phải hát liên tục sao cho tất cả đều ngủ mới thôi. Chứ còn một đứa chưa ngủ quậy thì tất cả cùng thức khó lòng dỗ hết được. Đó là cái cực mà vui của hai mẹ con anh Bông trải qua ròng rã 7 năm qua.

Nhưng chuyện buồn và đau khổ nhất chính là trường hợp Nguyễn Sơn Thành. Vừa mới chào đời Thành đã mắc phải chứng não úng thủy. Bệnh viện lại điện cho mẹ con bà Ba. Và bà cũng động lòng đem Thành về chạy chữa. Bà Ba nhớ lại: "Không lẽ thấy nó bệnh tật mà không nhận, đã nuôi được ngần ấy đứa, thêm một đứa cũng chẳng sao".

Từ Bệnh viện Nhi đồng I, Trung tâm Hòa Hảo chỗ nào Thành cũng được đưa đến chạy chữa. Việc chạy chữa tốn ngót 20 triệu đồng hai mẹ con dành dụm và bán cả số vàng chuẩn bị đám cưới anh Bông. Anh Bông tâm sự: "Những lúc đút sữa cho thằng Thành, nó khóc dữ lắm. Tui với má cũng đau khổ, giọt ngắn giọt dài theo thằng nhỏ". 

Ấn tượng ngày về…

Chúng tôi cùng sinh hoạt với gia đình anh Bông, bà Ba một ngày. Đó là một ngày không thể nào quên. Sơn Tiền vừa biết đi chập chững khắp nhà, ai gặp cũng cười, làm quen mọi thứ. Sơn Ngọc, Sơn Giàu tỏ ra lém lỉnh, luôn giúp cha làm mọi việc trong nhà.

Trò chuyện cùng anh Bông, chúng tôi được biết anh dự tính năm sau sẽ cho 5 đứa lớn xuống trường Dòng ở Cần Thơ học, 6 đứa còn lại anh tiếp tục chăm sóc ở trên núi. Anh bảo: "Mình thương, nuôi tụi nhỏ mà để tụi nó dốt là có tội gấp trăm, gấp ngàn lần. Tất cả các cháu, tui đều ghi lại lai lịch của chúng. Đợi khi nào tụi nhỏ lớn khôn, mình sẽ đưa cho chúng, đứa nào muốn tìm mẹ cho tìm, đứa nào muốn sống cùng tui, tui nuôi tiếp".

Sáng hôm sau, chia tay đại gia đình bà Ba, giữa tiếng gió vi vút của núi rừng, chúng tôi ấn tượng mãi với câu nói của anh Nguyễn Tấn Bông: "Nói thật, tui mà có thêm một đứa con, tức xã hội có thêm một chuyện tình bất trắc, một đứa trẻ bị bỏ rơi khỏi tình yêu thương của cha mẹ. Không hiểu sao họ lại làm như thế?". Câu hỏi của anh làm chúng tôi chẳng nói nên lời…

Nam Thơ – N.Hưng
.
.
.