Tìm thấy 2 chiếc máy bay mất tích trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Thứ Sáu, 29/07/2005, 15:36

Từ lá thư của một cựu chiến binh mà Quân chủng Phòng không - Không quân đã tìm ra 2 chiếc máy bay mất tích trong chiến dịch Mậu Thân đầu năm 1968 và một phần thi hài tổ lái được mai táng tại A Lưới (Thừa Thiên-Huế).

Địa điểm 2 chiếc máy bay rơi chỉ cách Huyện đội hiện nay hơn 10 km, cách đường Hồ Chí Minh mới 4 km về phía đông nhưng vì nhiều lý do nên đã ở đây gần 40 năm để rồi những bộ phận cuối cùng được người dân vô tư đào bới, cưa xẻ đem đi... bán sắt vụn.

Một ngày đầu tháng 6, Quân chủng Phòng không - Không quân nhận được một bức thư đề gửi đồng chí “Tư lệnh trưởng”. Bức thư trên của ông Lại Văn Vượng ở 91, Mê Linh, quận Lê Chân, (Tp. Hải Phòng). Ông Vượng nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 324 - Quân đoàn 2, đã có thời gian dài tham gia chiến đấu ở tây Thừa Thiên - Huế.

Ông Vượng cho biết, trong chuyến về thăm lại chiến trường xưa hồi tháng 5/2005 ở vùng A Lưới (một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế sát biên giới Việt - Lào) ông đã tình cờ biết được câu chuyện về một chiếc máy bay rất có khả năng là của ta bị rơi trên khu rừng gần xã Hồng Thượng. Theo bà con dân tộc Pa Cô kể lại thì thời điểm máy bay rơi khoảng năm 1965-1966, xác tổ bay đã được một số đồng bào dân tộc chôn cất trên khu rừng đó. Ông Vượng cũng cho biết, hiện nay tại nhà của ông Nguyễn Xuân Toàn ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, còn giữ được một số hiện vật của chiếc máy bay nói trên. Riêng mấy ngôi mộ thì mấy chục năm qua nó vẫn ở chỗ cũ giữa khu rừng hoang lạnh, chưa được ai đến hỏi, cũng không đoàn quy tập nào đến tìm và bốc đi. Ông Vượng cũng cẩn thận chụp một số kiểu ảnh bằng chiếc máy tự động của mình, khi trở về ông đã làm ảnh và gửi 5 chiếc kèm theo lá thư để thêm căn cứ, trong đó có bức ảnh ông Toàn đứng bên mảnh cánh máy bay tại nhà.

Làm lễ trước lúc khai quật mộ.

Ông cho biết thêm, đoàn MIA của Mỹ (chuyên tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh VN) đã tới đây tìm kiếm, ông Toàn đã đưa họ đến nơi máy bay rơi, những người Mỹ có xem xét nhưng không “quan tâm” gì đến chiếc máy bay cũng như tổ lái đã được chôn cất. Ông Vượng cho rằng, rất có thể đây là máy bay của ta bị gặp nạn trong chiến tranh mà chưa ai biết.

Từ bức thư của ông Vượng, Quân chủng Phòng không – Không quân đã cử cán bộ đi khảo sát, xác minh và kết quả là không chỉ tìm ra 1 mà những 2 chiếc máy bay bị mất tích khi làm nhiệm vụ cách đây gần 40 năm.

Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, thực hiện hiệp đồng chiến đấu, chi viện cho chiến trường, BTL Phòng không - Không quân đã tổ chức một số chuyến bay tiếp tế lương thực, vũ khí cho Trị Thiên - Huế. Cụ thể, từ ngày 7 đến ngày 12/2/1968 đã liên tục tổ chức hàng chục chuyến bay, trung bình mỗi chiếc mang hơn 2 tấn hàng. Việc hiệp đồng với Trị Thiên - Huế được xác định bằng việc đốt lửa vào ban đêm để máy bay nhận biết địa điểm mà thả hàng. Thực hiện nhiệm vụ này đối với các tổ bay thấp quả là rất nguy hiểm, phải bay trong vùng kiểm soát của địch để tránh rađa phát hiện thì rất dễ xảy ra tai nạn như va vào núi hoặc gặp phải hỏa lực phòng không, nhưng anh em tổ bay vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, họ coi những chuyến bay đó như những chuyến bay cảm tử. Và cuối cùng thì 4 chuyến bay cùng 32 chiến sĩ đã có đi mà không trở về.

Sau khi sự việc xảy ra, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đánh công văn gửi đi khắp các đơn vị, tỉnh thành đề nghị phối hợp tìm kiếm và thông báo giúp mong tìm ra tung tích những chiếc máy bay mất tích nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng, không có một hồi âm. Các đồng chí tham gia các tổ bay đã được công nhận là liệt sĩ nhưng chẳng hề biết đích xác hy sinh ở đâu. Gần 40 năm nay, người thân của các liệt sĩ vẫn sống trong niềm khắc khoải.

Sau khi nhận được bức thư trên, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức kiểm tra hồ sơ lưu, lần lại lịch sử và nhận định, nếu đúng như thông tin cung cấp thì rất có khả năng đó chính là một trong 4 chiếc máy bay IL-14 mất tích đầu năm 1968. Ngay sau đó, Quân chủng đã thông báo và phối hợp cùng Đoàn bay 919 - là đơn vị chủ quản của những tổ bay mất tích năm 1968 nay thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để đi vào A Lưới để xác minh sự việc.

Sau hai lần đi lại, tìm đến địa điểm máy bay rơi và khu rừng anh em đã được chôn cất cũng như làm việc với cơ quan chức năng địa phương, ngày 11/7/2005, đoàn công tác đặc biệt của Quân chủng Phòng không - Không quân và Đoàn bay 919 đã lên đường vào Thừa Thiên - Huế để tiến hành tìm kiếm một số hiện vật và đưa hài cốt các liệt sĩ về đơn vị.--PageBreak--

Những người dân đã trực tiếp tham gia mai táng tổ bay năm 1968 nay đều đã mất. Rất may mắn là ông Nguyễn Xuân Toàn - dân tộc Pa Cô -người chứng kiến việc chôn cất và tham gia trong việc tìm thu gom hài cốt nay vẫn còn và sinh sống trên địa bàn.

Ông Toàn nhớ lại: “lúc đó khoảng 7 giờ tối tôi thấy một chiếc máy bay bay từ hướng thành phố Huế lên, một lúc sau một tiếng nổ rất lớn vang lên trong cánh rừng, sau đó những mảnh xác máy bay bắn tung toé văng ra tận nơi gia đình tôi ở”. Nhà ông Toàn khi đó sơ tán vào rừng, ở ngay gần nơi xảy ra sự việc. Sau đó ông cùng với một số người trong làng đã tìm đến hiện trường thấy mảnh xác máy bay văng mỗi nơi một ít, một số vũ khí như súng K54, AK và nhiều nhất là lựu đạn còn nguyên cả hòm. Sáng hôm sau, mọi người tìm kiếm thấy một số bộ phận cơ thể rơi rải rác. Và ông còn nhớ một mảng tóc có màu hung và hơi dài. Sau đó ông Toàn cùng với một người tên là Bo Hiêng và một số người khác đã tổ chức mai táng những gì tìm thấy, có cả cán bộ của huyện đội chứng kiến.

Ngày đó, ông Nguyễn Xuân Toàn đã mang một số hiện vật từ máy bay về dùng trong gia đình, trong đó có khẩu K54 được xác định là của tổ bay (sau này ông Toàn làm xã đội trưởng xã Hồng Thượng) khi nghỉ công tác ông mới bàn giao lại, hiện nay khẩu súng này cũng đã thất lạc.

Tại hiện trường vụ việc, gần 40 năm trôi qua, mọi thứ phần lớn đã bị xoá nhoà nhưng những gì còn lại cũng đủ để khẳng định chắc chắn đó là 1 trong 4 chiếc IL-14 bị mất tích. Địa điểm máy bay rơi là một sườn núi cao, độ dốc lớn nên các bộ phận của máy bay cũng phân tán rất rộng: dưới khe suối là nơi “dừng chân” của phần động cơ, đạn cối; rải rác từ trên đỉnh xuống khe suối là các mảnh dù để thả hàng nay vẫn chưa bị phân huỷ; những mảnh nhựa có chữ tiếng Nga, một quả lựu đạn chày còn sót lại. Chiếc lốp máy bay thì đồng bào dân tộc đã cắt về làm dép cao su, chỉ còn lại một ít cao su sát vành sắt. Sâu dưới lòng khe là hai chiếc “huyệt” còn mới do những người tìm phế liệu đào lấy động cơ để bán còn để lại miệng hố rộng hoác.

Nguyễn Văn Hải, một thanh niên dân tộc Pa Cô thuộc xã Phú Vinh kể, tháng trước chính anh đã đào chiếc tuốc-bin này cùng với mấy chục quả đạn, tất cả được hơn hai tạ đi bán cho hàng đồng nát được hơn hai trăm ngàn đồng. Theo chỉ dẫn của Hải, chúng tôi tìm đến một điểm thu mua phế liệu nằm trên địa bàn trị trấn A Lưới, quả nhiên đã thấy một số bộ phận của máy bay. Ông Lê Xuân Đức nhận ra một phần động cơ và bộ điều tốc của máy bay IL-14 nằm lẫn trong đám sắt vụn đủ chủng loại.

Về nguyên nhân máy bay rơi, theo nhận định của đoàn công tác thì chắc chắn đã bị trúng đạn bởi trên mảnh cánh dài 2,4 mét, rộng 0,8 mét tại gia đình ông Toàn, anh Lương Hữu Thuận - nguyên là một nhân viên kỹ thuật của loại máy bay này - tìm được tất cả 13 vết đạn. Tuy nhiên, việc xác định đây là tổ bay nào thì rất khó bởi các nhân chứng không nhớ ngày tháng diễn ra sự việc. Ông Lê Xuân Đức, trưởng đoàn tìm kiếm thuộc Đoàn bay 919, nguyên là một học viên phi công tham gia chiến đấu năm 1968 cùng các phi công trong 4 tổ bay trước ngày họ mất tích cho rằng, căn cứ vào lời kể và một số hiện vật tìm được thì rất có thể đây là chiếc máy bay IL-14 mang số hiệu 506 do phi công Phạm Kế lái chính, xuất kích lúc 17 giờ ngày 7/2/1968, vì xung quanh khu vực máy bay rơi còn nhiều mảng dù lớn để thả hàng nằm rải rác nay vẫn chưa bị phân hủy (tổ của anh Kế có nhiệm vụ thả dù hàng hóa, vũ khí), và quan trọng hơn, trong tổ bay này có anh Nguyễn Văn Tê đầu bị hói nên anh thường để tóc dài rồi vuốt lên che phần hói đi nên khá khớp với lời kể của nhân chứng, còn màu tóc thì thực tế cho thấy trong những vụ tai nạn máy bay tóc bị đổi màu là chuyện thường, có vụ phi công tóc đen nhánh nhưng khi thu hồi thi hài nhiều mảng đã trở nên bạc trắng.

Trong khi làm việc với xã đội Phú Vinh, địa bàn có chiếc máy bay rơi, vô tình chúng tôi được xã đội trưởng Hồ Chính Bảy cho biết còn một chiếc máy bay nữa, cũng giống chiếc mà đoàn công tác đang tìm, rơi cách đó khoảng 3 km. Quá bất ngờ trước thông tin trên, đoàn công tác đã chia thành hai nhóm, một nhóm cùng ông Toàn và các thanh niên địa phương vào tìm hài cốt tổ bay của chiếc thứ nhất, còn cử hai đồng chí đi theo anh Bảy tìm đến địa điểm có chiếc máy bay đã nói. Tuy nhiên, cũng giống như chiếc thứ nhất, tại hiện trường chỉ còn lại một số quả đạn cối và những mảnh nhựa, mảnh, gỗ phíp nhỏ, còn những gì có thể bán sắt vụn được người dân đã mang đi sạch. Căn cứ vào những hiện vật tìm được có thể khẳng định chắc chắn đây chính là một chiếc IL-14 nữa mất tích trong chiến dịch Mậu Thân.--PageBreak--

Khi về Hà Nội chúng tôi đã tìm gặp một số cựu chiến binh không quân của các tổ bay IL-14 tham gia chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân và trở về an toàn. Ông Lê Ngọc Chuyền, nguyên là cơ giới trên không của tổ bay xuất kích lúc 16 giờ 50 phút, ngày 7/2/1968 (trước tổ của phi công Phạm Kế 10 phút) cho biết: Ngày 7/2 có tất cả 6 chiếc IL-14 xuất kích, trong đó 3 chiếc mang vũ khí có nhiệm vụ tấn công đồn Mang Cá ở Huế, còn 3 chiếc mang hàng tiếp tế cho chiến trường. Tổ của ông Chuyền nằm trong nhóm đi hạ đồn Mang Cá do phi công Hoàng Liên lái chính. Theo kế hoạch, những chiếc IL-14 bay dọc biên giới Việt Lào, đến sông Sêpôn thì rẽ ra hướng biển rồi vòng vào Huế hạ thấp độ cao. Vì thời tiết xấu, nhóm đánh đồn Mang Cá không tìm thấy mục tiêu, 2 trong 3 chiếc đã bay trở ra cửa biển Cửa Việt (Quảng Trị) và bắn chìm một tàu chiến của địch, bắn hai tàu khác bị thương rồi về sân bay Gia Lâm hạ cánh an toàn; còn chiếc của ông Chuyền trên đường quay về thì bị bắn thủng thùng xăng, phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá).

Ông Nguyễn Bình Sen, nguyên là cơ giới trên không và ông Nguyễn Văn Sửu, nguyên là lái phụ của 1  trong nhóm 3 chiếc có nhiệm vụ thả hàng (cùng tổ của phi công Phạm Kế) thì nhớ lại: Tổ của các ông do phi công Võ Minh Chung lái chính, khi vào đến Quảng Trị, đến địa điểm giao ước đã nhận thấy 3 đống lửa ám hiệu của quân ta và tiến hành thả hàng. Thả hàng hoá, vũ khí xong, tổ bay của các ông còn liên lạc với tổ của phi công Phạm Kế một lần, khi tổ của Phạm Kế phát mật khẩu “bán hàng chưa” ông đã trả lời “bán rồi”. Sau đó chỉ có tổ của các ông trở về sân bay Gia Lâm, lần liên lạc ấy đã thành lần gặp gỡ cuối cùng giữa ông và những người đồng đội trong tổ bay. Sáng hôm sau các ông biết tin Đoàn 559 điện ra thông báo đã nhận được hàng do chiếc máy bay của ông thả, còn hai chiếc cùng nhóm được biết một chiếc về đến Đô Lương (Nghệ An) thì bị hạm đội 7 của Mỹ bắn rơi trên đất Lào, còn một chiếc không thấy trở về và cũng không có tin tức gì. Những ngày sau đó còn có nhiều tổ bay IL-14 nữa cất cánh vào Trị Thiên-Huế. Kết thúc chiến dịch Mậu Thân,  tất cả có 4 chiếc IL-14 không trở về và cũng không có tin tức gì cho đến nay.

Tại lễ truy điệu các liệt sĩ được tổ chức tại Đoàn bay 919, ông Phạm Đình Đạt, nguyên là diễn viên múa đoàn văn công Quân khu Trị Thiên-Huế, nay sống tại phường Nhân Chính (Hà Nội) cho chúng tôi biết, trong một đợt đi biểu diễn phục vụ mặt trận phía Bắc Huế trong chiến dịch Mậu Thân, chính ông và hai người nữa cũng được giao nhiệm vụ đốt lửa làm hiệu để máy bay thả hàng. Tối hôm đó các ông đã đốt một đống lửa to, mãi không thấy máy bay đến nên lại dập đi, rồi lại đốt, rồi lại dập, tất cả đến 3 lần mà chẳng thấy máy bay đâu, đến 11 giờ đêm thì mọi người nản quá không đốt nữa.

Trở lại với chiếc máy bay đã tìm ra địa điểm rơi và nơi chôn cất thi hài các liệt sĩ. Ông Nguyễn Xuân Toàn đã dẫn đoàn công tác đến vị trí mai táng. Sau khi làm các thủ tục, đoàn tìm kiếm tiến hành đào, khoảng 20 phút sau đã tìm được một bọc ni lông gói tròn nằm sâu cách mặt đất khoảng 70 cm. Ông Toàn xác nhận đây chính là bọc mà ông cùng với những người dân chôn cất khi xưa. Cả đoàn công tác cùng đứng nghiêm cúi đầu mặc niệm.

Việc tìm ra vị trí rơi cũng như nơi hi sinh của các liệt sĩ trong hai tổ bay đã giải tỏa được bao nỗi niềm của gia đình, người thân các liệt sĩ. Tuy nhiên còn tổ bay thứ 2, mặc dù đã tìm được nơi máy bay rơi nhưng việc xác định mộ chí của các liệt sĩ thì trở nên bế tắc vì không có cơ sở nào để tìm kiếm. Đoàn công tác đành trở về với hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp được những người được chứng kiến sự việc. Rất mong qua bài báo này ai đó có biết sự việc trên thì liên lạc về Quân chủng Phòng không - Không quân (171, đường Trường Chinh, HN) hoặc Đoàn bay 919 (118, Nguyễn Sơn, Gia Lâm, HN) để phần mộ các liệt sĩ được đưa về quê hương

Nguyễn Xuân Thuỷ
.
.
.