"Tiêu điều" vì cây tiêu

Thứ Bảy, 19/08/2006, 08:09

Từ đầu năm 2003 đến nay, tiêu liên tục rớt giá, khô hạn và sâu bệnh đã làm diện tích vườn tiêu ở Thanh Lương giảm sút, chỉ còn gần 200ha. Nhiều hộ dân còn vay ngân hàng, khó có điều kiện trả nợ.

Đưa chúng tôi đi xem vài chục nọc tiêu còn sót lại trong vườn, anh Nguyễn Hữu Tài ở ấp 4, xã Thanh Lương chua xót kể: "Thấy trồng cây tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2002, tôi cùng một số bà con ở đây vay vốn ngân hàng, mua nọc, mua giống để trồng.

Tôi vay ngân hàng 60 triệu. Bao năm chăm sóc, chờ đợi, khi cho thu hoạch, giá tiêu từ 30-40 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 13-15 ngàn đồng/kg. Tiêu rớt giá lại hạn hán, sâu bệnh nên vườn tiêu của tôi từ 2.600 nọc nay chỉ còn chưa đầy 30 nọc. Ngoài nợ gốc, mỗi tháng tôi phải trả lãi cho ngân hàng 450-500 ngàn đồng. Không đủ tiền mua gạo, đồ ăn hàng ngày, làm gì có để trả được tiền cho ngân hàng đây".

Ông Lê Đình Miền - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lương cho biết: "Toàn xã có 3.012 hộ, có tới 3.008 hộ trồng tiêu, vay của ngân hàng trên 40 tỷ đồng. Vì tiêu rớt giá, nắng hạn và sâu bệnh nên chết gần hết. Ngày ngày, vừa lo toan cuộc sống, vừa chắt chiu trả lãi cho ngân hàng quả là chuyện khó. Nhiều hộ dân, tiền lãi hàng tháng còn không có chứ đừng nói gì trả vốn gốc. Hiện nay, tiêu đang có chiều hướng lên giá trở lại, khoảng 30.000 đồng/kg song nhiều bà con ở Thanh Lương vừa đã hết vốn vừa lo sợ nếu đầu tư tiếp, tiêu lại rớt giá thì… chết!

Phải tự xoay xở, vượt qua khó khăn

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở tổ 10, ấp Thanh Hải có 0,3ha đất. Do chịu khó đầu tư nên 700 nọc tiêu của gia đình ông đủ nuôi cả 5 miệng ăn trong nhà. Khi giá tiêu cao, ông Thành mạnh dạn vay thêm ngân hàng 30 triệu đồng trồng thêm 500 nọc tiêu. Nay thì vườn tiêu của ông Thành chỉ còn lại nọc vì hạn hán và sâu bệnh đã làm dây tiêu chết hết. Ông Thành nhổ nọc tiêu bán, lấy vốn trồng điều và trồng xen các loại cây lương thực ngắn ngày.

Gặp chúng tôi, ông Thành cho biết: "Tôi trồng điều và xen cây lương thực ngắn ngày vừa có thêm thu nhập lại vừa có việc làm. Toàn bộ sinh hoạt của gia đình tôi đều dựa vào đồng lương của 6 đứa con đang làm việc tại các KCN ở Bình Dương, Bình Phước. Về lâu dài, chắc chắn tôi phải cải tạo lại vườn tiêu nhưng nay thì chưa được vì không có vốn".

Bà Lê Thị Anh ở tổ 11, ấp Thanh Hải có hơn 1ha đất. Sau "sự cố" về cây tiêu, gia đình bà Anh chuyển sang trồng bắp, trồng cỏ để nuôi bò. Từ 2 con bò giống ban đầu, nay gia đình bà đã có đàn bò 11 con.

Đi một vòng các hộ dân ở xã Thanh Lương, cây tiêu ở đây đã gần hết song thay vào đó là những vườn điều, những ruộng bắp, bí đao, bí đỏ, những vườn nghệ… không ai để đất trống nhưng cũng không ai dám chắc nếu chỉ thâm canh những loại cây này, đến bao giờ người dân Thanh Lương mới trả được nợ ngân hàng và hết lao đao, khốn khó.

Đâu là giải pháp

Kinh nghiệm cho thấy việc trồng độc canh một loại cây không phải là giải pháp tốt nhất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho từng hộ gia đình. Bài toán lấy ngắn nuôi dài, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi có lẽ đang là suy nghĩ đúng của Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Thanh Lương - nhất là trong thời điểm hiện nay.

Ông Lê Đình Miền - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lương khẳng định: "Mặc dù giá tiêu đã tăng trở lại, song kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ trồng toàn bộ tiêu như những năm trước, khi tiêu rớt giá, nắng hạn và sâu bệnh làm tiêu chết hàng loạt thì đời sống sẽ hết sức khó khăn. Chúng tôi khuyến khích người dân phục hồi lại vườn tiêu song phải quan tâm trồng thêm cây lương thực, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Về số tiền nợ ngân hàng, chúng tôi kiến nghị ngân hàng xem xét có thể giảm nợ, giảm lãi suất đối với một số hộ dân đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ có điều kiện ổn định cuộc sống"

Anh Ngọc
.
.
.