PGS.TS Nguyễn Lân Cường và ca khúc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Vị tướng của lòng dân":

Tiếng lòng người dân Việt với Đại tướng

Thứ Bảy, 11/01/2014, 11:04
Đó là những ngày đặc biệt của Hà Nội khi những dòng người dài tiếp nối nhau từ các ngả đường hướng về nhà số 30 Hoàng Diệu (nơi ở của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp) rồi xếp hàng dài chầm chậm nhích từng  bước chân về Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) để tiễn biệt Đại tướng.

Lẫn trong dòng người ấy, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã cảm nhận được nhịp đập thổn thức của triệu con tim tiếc thương vị tướng huyền thoại. Trở về nhà trong đêm muộn 12/10/2013 (đêm cuối cùng tổ chức lễ Quốc tang), Nguyễn Lân Cường đã thốt lên tiếng lòng của người dân cả nước với Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ca khúc "Vị tướng của Lòng Dân"…

Không lâu sau ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, TS Nguyễn Lân Cường khoe với tôi: "Mình chuẩn bị thu âm một bài hát về Đại tướng. Viết thì rất nhanh nhưng trăn trở, chau chuốt mãi với sự góp ý của một số đồng nghiệp khó tính nên đến giờ mới thu âm được. Mà này, ca sĩ Trọng Tấn và nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi đã nhận lời giúp mình rồi đấy. Trọng Tấn hát cùng tốp nữ Hanoi Harmony, Phạm Ngọc Khôi đệm Piano…" -  vị Tiến sĩ, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam cười rổn rảng qua điện thoại và hứa sẽ tặng tôi một đĩa CD khi bài hát đã được thu âm hoàn chỉnh.

Nguyễn Lân Cường là thứ nam của Giáo sư Nguyễn Lân, một người bạn và đồng nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi họ cùng dạy học tại trường Tư thục Thăng Long (Hà Nội) những năm 1930. Từ đấy, mối thâm tình giữa hai gia đình trí thức nổi tiếng được duy trì và Nguyễn Lân Cường đã nhiều dịp được gặp Đại tướng, trong đó có những lần Đại tướng đến nhà riêng thăm Giáo sư Nguyễn Lân. "Tôi là bề con cháu, nhưng xưng hô thì tôi trân trọng gọi chú Văn là Đại tướng, xưng là em. Với phu nhân của Đại tướng (bà Đặng Bích Hà), vì chúng tôi cùng cơ quan Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nên tôi thân mật gọi bằng chị, xưng em" - TS Nguyễn Lân Cường bồi hồi kể lại căn duyên mối quan hệ giữa hai gia đình và những kỉ niệm khó quên với Đại tướng qua những lần gặp ở cả trong và ngoài nước.

PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bản nhạc gốc bài hát “Vị tướng của lòng dân” và một số tư liệu liên quan.

TS Nguyễn Lân Cường trân trọng: Ông là một nhân cách lớn, một trí thức lịch lãm. Ông luôn chú ý lắng nghe, không bao giờ cắt lời người khác. Khi người đối thoại đã trình bày xong, ông mới trao đổi, hỏi và đưa ra ý kiến của mình… Tôi nhớ sau khi hoàn thành việc tu bổ, bảo quản nhục thân hai vị thiền sư ở chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội), tôi đến thăm gia đình Đại tướng. Đại tướng rất quan tâm, hỏi kĩ một số vấn đề khảo cổ, trong đó có việc tu bổ nhục thân hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường… Nghe tôi trình bày và xem những hình ảnh về kết quả tu bổ, Đại tướng khen ngợi: "Cường đã làm được một việc rất có ý nghĩa không chỉ với Phật giáo mà với cả lịch sử. Trước đây, tôi đã từng đến thăm chùa Đậu, chiêm ngưỡng nhục thân hai vị thiền sư… Chúng ta phải có nghĩa vụ bảo vệ những di sản ấy".

Một kỉ niệm khó quên nữa. Năm 1988 khi tôi đang là thực tập sinh ở Liên Xô cùng bạn Nguyễn Hoàng Kim, đang làm nghiên cứu sinh ở Moskva. Kim cười vui lắm, thông báo: "Anh Cường ơi, chú Văn và cô Hà đang ở nhà khách Trung ương. Anh đến thăm cô chú và chụp giúp em vài bức ảnh". Tôi liền tới ngay Nhà khách Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thăm Đại tướng và chụp ảnh Đại tướng với một số du học sinh đang có mặt. Chụp một lúc, Đại tướng bảo: "Cường vào đây chụp với mình"; thế là tôi đưa máy cho Kim và đứng bên Đại tướng để Kim bấm máy. Đó là bức ảnh tôi làm bìa cho đĩa CD bài hát "Vị tướng của lòng dân" vừa thu xong, TS Cường hãnh diện khoe.

Có thể nói, quá trình "thai nghén" ca khúc "Vị tướng của lòng dân" diễn ra trong 9 ngày dằng dặc đau thương của toàn dân tộc Việt Nam sau khi Đại tướng từ trần ở tuổi ngoại bách niên. Chiều 4/10/2013, Đại tướng ra đi gặp Bác Hồ và các vị tiền bối; tại Hà Nội, từ chiều 5, đặc biệt là từ 6/10, hàng vạn người dân khắp mọi miền đất nước đã đến nhà riêng của Đại tướng để tưởng nhớ ông.

Trong 3 ngày Quốc tang, những dòng người dài hàng cây số kiên trì chờ đến lượt vào viếng, tiễn biệt Đại tướng. Trên đường phố Hà Nội rất nhiều người bật khóc, từ vị cựu binh đến em nhỏ, từ chiến sĩ bộ đội, công an đang làm nhiệm vụ cũng không kìm được lòng mình. Có những người sụp lạy trước bức chân dung Đại tướng được kết hoa đặt ngay trên đường phố… Muôn triệu trái tim đều tỏ lòng tiếc thương vô hạn vị Đại tướng huyền thoại. Nguyễn Lân Cường đã thấm đẫm những tình cảm thiêng liêng ấy khi ông có mặt trong dòng người đang thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp, vĩnh cửu…

Đêm muộn 12-10-2013, Nguyễn Lân Cường trở về nhà và những nốt nhạc đầu tiên cứ hiện dần lên đúng như những gì vừa cảm nhận được. Ông vừa lau nước mắt vừa viết đến gần sáng thì hoàn thành bản nhạc và ca từ. Nhan đề bài hát lúc đầu là "Đại tướng của nhân dân", sau được sửa thành "Vị tướng của lòng dân"… Nguyễn Lân Cường kể: Đoạn đầu bài hát, tôi diễn tả như tiếng nấc nghẹn ngào, những bước chân đi chầm chậm; đoạn giữa bỗng cất cao như nhịp hành khúc của cuộc trường chinh; đoạn cuối như một lời tâm sự khi người con ưu tú đã về với đất Mẹ Tổ quốc, Mẹ quê hương Quảng Bình.

Sau khi xin ý kiến một số nhạc sĩ uy tín, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đã thu âm bài hát và tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đĩa CD và bản nhạc nháp viết tay. Bài hát được đón nhận và đánh giá là một trong những tác phẩm thành công về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. PGS.TS khảo cổ học, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường bày tỏ: "Con tim mình rung động nên mình viết được như vậy. Hơn nữa, mình từng được gặp và có những kỉ niệm đẹp với Đại tướng và gia đình Đại tướng nên mình có cảm xúc để viết. Bài hát này là một lời tri ân, một nén nhang nhân 100 ngày Đại tướng đi xa. Hiện mình đang chọn lựa một số ca khúc viết về Đại tướng làm một CD tặng gia đình Đại tướng và khu tưởng niệm Đại tướng ở Quảng Bình".

Ca từ bài "Vị tướng của lòng dân"

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và TS Nguyễn Lân Cường tại Liên Xô năm 1988. Ảnh: Hoàng Kim.

Tôi bước đi giữa dòng người đêm ấy, lặng lẽ âm thầm/ Tôi đã như không còn nước mắt để khóc như các mẹ các em/ Vị Tướng ngày nào từng chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu/ Hôm nay đã ra đi về với quê hương/ Chợt thấy dòng người trong đêm ấy/ Tôi thấy hai chữ ngọt ngào "lòng dân" đáng quý biết bao nhiêu/ Anh chiến binh năm nào còn đây đang khóc như các chị các anh…/ Anh nằm đây nghe sóng biển rì rào/ Anh về đây nghe câu hò khoan Lệ Thủy năm xưa à ơi.../ Nghe thông reo như lời Mẹ ru à ơi.../Vị Tướng của lòng dân...

Trần Duy Hiển
.
.
.