Tiếng đàn người khiếm thị vượt lên tật nguyền

Thứ Hai, 06/04/2009, 11:47
Ở thị trấn Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang, ai cũng biết ông Nguyễn Khắc Hải, bởi tuy ông là người khiếm thị, nhưng tiếng đàn violon của ông đã vang lên suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần đáng kể trong phong trào: "Tiếng hát át tiếng bom" những năm chiến tranh ác liệt ở địa phương.

Năm lên 4 tuổi, không may mắc phải căn bệnh đậu mùa, lúc đó do chưa có thuốc đặc trị, nên căn bệnh quái ác đã vĩnh viễn cướp đi ánh sáng đôi mắt cuộc đời ông. Ông buồn chán và tuyệt vọng trong bóng tối. Thương em, năm 1960, người anh cả Nguyễn Khắc Hồng đã tìm mua cho ông cây đàn violon sau chuyến công tác ở Hải Phòng để động viên ông vui sống. Từ đó, ông đã quyết tâm tập đàn để tìm lại niềm tin và ánh sáng.

Ông đã tự tìm đến những người biết nhạc để học hỏi và tự mày mò học nhạc, học hát qua các chương trình dạy hát của Đài Tiếng nói Việt Nam. Qua 3 năm miệt mài học tập, ông đã sử dụng thành thạo cây đàn violon và đệm cho mọi người cùng hát nhiều bài hát truyền thống bằng những nốt nhạc trong trí nhớ và trái tim mình.

Sau ngày mồng 5/8/1964, giặc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt, phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" nổi lên khắp nơi, ông Hải đã trở thành "Hạt giống đỏ" của phong trào, góp phần tích cực động viên thanh niên trai tráng lên đường tòng quân giết giặc, cùng với người ở lại hậu phương thi đua lao động sản xuất với tinh thần "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Mặc dù khiếm thị, nhưng "trời phú" cho ông một trí thông minh cùng lòng kiên nhẫn, nên hằng ngày ông thường nhanh chóng học thuộc nhạc và lời các bài hát mới trong chương trình dạy hát của Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi đem các bài hát mới học được dạy cho học sinh, thanh, thiếu niên trong các nhà trường và mọi người cùng hát.

Nhờ vậy mà phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương thị trấn Bố Hạ đã phát triển sôi nổi, rộng khắp, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và tỉnh, huyện. "Hữu xạ tự nhiên hương", nhiều cơ quan, đoàn thể, nông trường, xí nghiệp, trường học, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Thế... biết được tiếng đàn, tiếng hát của ông đã đón ông tới dạy hát hoặc đệm đàn cho các chương trình hội diễn, hoặc giao lưu liên hoan văn nghệ quần chúng.

Không những tích cực vào việc nhân rộng phong trào, ông còn nhiều lần cùng anh chị em trong đội văn nghệ ra tận trận địa pháo để phục vụ đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ trực chiến, đi bộ hàng chục cây số tới trung tâm huyện để phục vụ các nhiệm vụ chính trị lớn của huyện.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tiếng đàn của ông vẫn tiếp tục vang lên, gieo vào lòng mọi người niềm tin yêu cuộc sống. Không những chỉ sử dụng thành thạo cây đàn violon, mà ông còn tự học và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác...

Giờ đây, tuy đã ngoài 70 tuổi, gia đình còn rất khó khăn nhưng ông vẫn tiếp tục hướng dẫn các bà, các chị trong đội văn nghệ Người cao tuổi thị trấn Bố Hạ tập đàn, tập hát. Cách đây mấy năm ông còn được nhận Huy chương bạc trong hội diễn văn nghệ "Tiếng hát từ trái tim" tại Thủ đô Hà Nội.

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng luôn vang lên tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười. Tấm gương vượt lên tật nguyền cùng với tiếng đàn, tiếng hát của người khiếm thị tàn nhưng không phế như ông đã để lại trong lòng người dân địa phương sự mến phục và lòng kính trọng.

Với tôi, ông Hải không chỉ là một tấm gương sáng vượt lên số phận, mà ông còn là một người thầy cho tôi bài học về lòng kiên trì và là người thầy đã giúp tôi nhận biết những nốt nhạc đầu tiên, đem lại biết bao niềm vui trong cuộc sống

Trần Thị Mây Lai
.
.
.