Thượng tướng Lê Thế Tiệm và những kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Năm, 10/10/2013, 08:48
“Đại tướng nêu gương đức độ, thương yêu đồng chí, đồng bào, lập công lớn nhưng nói về thành tích chỉ nhận mình như giọt nước giữa biển... Từ tấm gương Đại tướng giúp nhiều người ngộ ra, thức tỉnh ra để làm việc thiện, có ý nghĩa hơn với cộng đồng. Trong lúc chúng ta đang nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 thì việc phát động phong trào học tập, nêu gương dũng, liêm, nhân, nghĩa của Đại tướng có ý nghĩa rất lớn lao. Nếu như thừa nhận lý thuyết chỉ là màu xám, khó nhớ, khó thuộc thì tấm gương Đại tướng là hiện thực sinh động để mỗi chúng ta tự nhìn nhận lại mình, soi mình để phấn đấu tốt hơn".

Trong bộ lễ phục CAND, sáng 8/10, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an cùng gia đình tới ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội thắp hương, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đứng lặng rất lâu trước bàn thờ Đại tướng rồi bước ra khu vườn rợp bóng cây, trầm tư thả những dòng cảm xúc sâu lắng, linh thiêng…

“Gia đình tôi đến đây từ sáng sớm, xếp hàng ngay ngắn cùng đồng bào từ phố Hoàng Diệu. Dẫu biết sinh, lão, bệnh, tử đã là quy luật muôn đời nay không ai thể chống lại, nhưng sự ra đi nào cũng để lại mất mát, thương đau. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng lừng danh sống trong lòng dân, sự ra đi của ông đã chạm vào cõi thức và lay động tự đáy lòng hàng triệu triệu đồng bào”…

Ngày trước, tôi gặp Thượng tướng Lê Thế Tiệm với những bài trả lời phỏng vấn sắc sảo về vụ án nóng do ông “cầm trịch”. Còn bây giờ, qua chuyện kể giữa Thượng tướng Lê Thế Tiệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi hiểu thêm những giá trị sâu xa mà ông đã lĩnh hội từ tư tưởng nhân văn của Đại tướng để vận dụng nó trong thực tiễn công tác.

- Thưa Thượng tướng, ngày trước, hàng triệu đồng bào không thể kìm nén nỗi đau khi Bác Hồ vĩnh viễn đi xa. Giờ bối cảnh ấy tái hiện phần nào khi chứng kiến đồng bào không quản ngại thời gian, khoảng cách địa lý, trở về Thủ đô, xếp hàng bùi ngùi vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại phố Hoàng Diệu...  

- Tôi nhớ hồi ở miền Nam khi hay tin Bác Hồ mất, lúc đó quân Mỹ còn tràn ngập, cuộc chiến đang giai đoạn khốc liệt nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vẫn trang nghiêm làm lễ tưởng niệm Bác Hồ.

Lúc đó, cán bộ, chiến sĩ An ninh ở chiến trường như chúng tôi vô cùng đau thương, dù điều kiện địch lùng sục gắt gao vẫn tìm cách tưởng niệm Bác một cách thành kính nhất. Trong vòng vây của địch, nhiều người vẫn bí mật lập bàn thờ, dùng các lớp vải đen, vải trắng để tang Bác. Cũng chính tình cảm sắt son đó đã thúc giục đồng bào, chiến sĩ vượt lên đau thương, quyết tâm cao nhất đánh đuổi giặc Mỹ và đi đến thắng lợi cuối cùng. 

Hôm nay, tôi thực sự xúc động khi chứng kiến tình cảm của nhân dân với Đại tướng, từ cụ già, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu chiến binh, cán bộ, viên chức, công nông, tiểu thương đến học sinh, sinh viên, các cháu thiếu nhi… đến viếng Đại tướng với ý thức, tình cảm tự đáy lòng. Điều đó thể hiện tình cảm sâu đậm của người dân với Đại tướng huyền thoại, có thể nói rằng tình cảm đó chỉ sau Bác Hồ. 

- Được biết, khi đang làm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), ông đã có những kỷ niệm đậm sâu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

- Tôi vinh dự được gặp Đại tướng lần đầu tiên vào năm 1987. Khi đó, tôi 37 tuổi, là Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Giữa năm 1987, đồng chí Võ Nguyên Giáp khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng tới thăm, làm việc với tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tôi cùng anh em Công an bảo vệ Đại tướng đi thăm nhiều mô hình kinh tế mới tại địa phương như Xí nghiệp Dệt công tư hợp doanh Hòa Khánh và một số công ty, xí nghiệp nổi bật khác.

Sau đó, Đại tướng nói chuyện với Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Đại tướng vui mừng nhận thấy những đổi thay tại địa phương, nhất là sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, những mô hình mới, hiệu quả, có tính đột phá. Lúc bấy giờ, đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI nên những mô hình sản xuất, kinh doanh như vậy chỉ mới xuất hiện lẻ tẻ ở một số địa phương mà Quảng Nam – Đà Nẵng là một trong các địa phương tiên phong.

Từ việc thăm, kiểm tra thực tế mô hình sản xuất mới, trong phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng nhấn mạnh: “Làm kinh tế cũng như quân sự, phải dựa vào dân, học hỏi ở dân, ở cơ sở”. Để làm rõ thêm ý này, Đại tướng kể hai câu chuyện rất sâu sắc, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn mà tôi còn nhớ mãi…

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Đảng ủy CATW thăm, chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng (25/8/2008). (Ảnh: Duy Hiển).

- Câu chuyện thứ nhất…

- Đại tướng kể rằng, thời kỳ chống Pháp, trong những năm đầu, ta thành lập một số tiểu đoàn, đơn vị chủ lực nhưng khi đọ sức với quân Pháp đều gặp tổn thất lớn, tình thế rất gay go. Trong lúc đang lúng túng thì tại Hải Phòng đã xuất hiện cách đánh mới, đó là chia quân chủ lực ra nhiều tổ, đội khác nhau rồi mỗi tổ, đội tự triển khai cách đánh riêng, vừa đánh vừa bảo toàn lực lượng, tiêu hao sinh lực địch.

Từ thực tiễn đó, Đại tướng cho đánh giá, đúc rút kinh nghiệm và phổ biến rộng trên toàn quốc. Kết quả, quân ta đã làm quân Pháp điên đảo, chịu thiệt hại lớn. “Học thuyết quân sự không trên trời rơi xuống, nó được đúc rút từ thực tiễn mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định.

- Còn dấu ấn trong câu chuyện thứ hai?

- Đại tướng kể, khi Mỹ đưa máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, phía ta gặp rất nhiều khó khăn. Dù pháo tầm cao có, tên lửa tầm trung có, thấp thì có đại liên nhưng khi Mỹ cho máy bay áp sát mặt đất dội bom thì các vũ khí, phương án tác chiến trên của ta gặp thách thức, chịu tổn thất lớn.

Trong lúc đang lúng túng thì tại Thanh Hóa xuất hiện cách đánh mới: cho dùng súng tiểu liên, súng trường bắn giặc lái. Cách đánh này được Đại tướng cho đánh giá, đúc rút kinh nghiệm ngay và sau đó triển khai trên toàn miền Bắc. Kết quả đã tạo thành thế trận thiên la địa võng, gây tổn thất lớn cho đối phương. “Đây cũng là kinh nghiệm từ nhân dân mà ra chứ không phải từ Trung ương “dội” xuống”, Đại tướng đúc kết.

Cũng tại buổi làm việc hôm đó, tôi đã báo cáo Đại tướng tình hình giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương. Nghe xong, Đại tướng biểu dương, ghi nhận và căn dặn, Công an phải tạo mọi điều kiện để giúp dân cải thiện đời sống, yên tâm lao động sản xuất, chứ không phải chỉ nhằm cấm đoán, ngăn sông cấm chợ. “Dân bức xúc, lại đói kém thì an ninh, trật tự không thể ổn định”, Đại tướng chỉ rõ.

- Từ căn dặn của Đại tướng trong bài học bám sát thực tiễn, trên cương vị Giám đốc Công an tỉnh khi đó, ông đã vận dụng để có sáng kiến gì đáng chú ý?

- Nhiều chuyện vận dụng sinh động, nhưng có thể kể việc sau: Trên cương vị Giám đốc Công an tỉnh, tôi tham mưu UBND tỉnh xóa bỏ việc cấp giấy phép hành nghề trên biển cho người dân (trước đây, do sợ tàu bè vượt biên nên ta quy định hành nghề trên biển phải có giấy phép).

Giấy phép sau đó được bãi bỏ, người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. Cho nên, tôi thấm nhuần bài học từ Đại tướng là phải bám thực tiễn, phải gần gũi cuộc sống nhân dân để đề ra chủ trương, chính sách, chứ không phải tự “vẽ” ra chính sách rồi áp đặt vào thực tiễn.

- Được trực tiếp gặp và báo cáo công tác với Đại tướng khi mới 37 tuổi, đó là vinh dự không nhiều người có. Những chỉ giáo quan trọng đó đã được Thượng tướng thấm nhuần như thế nào trong suốt quá trình công tác sau này?

- Tôi tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi. Hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà, dù chưa được gặp, tôi đã có niềm tin vời vợi về Đại tướng và đó là động lực giúp tôi phấn đấu không ngừng, nhất là lúc gặp khó khăn, thách thức.

Sống sót sau chiến tranh, trở về tiếp quản Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1975, tôi tiếp tục trải nghiệm trên cương vị mới. Khi là Giám đốc Công an tỉnh, được gặp gỡ, nắm tay và nghe Đại tướng dặn dò, chỉ bảo, tôi xúc động, tự hào và tự nhủ mình phải nỗ lực học tập, thấm nhuần.

- Còn trên cương vị Thứ trưởng Bộ Công an?

- Khi làm Thứ trưởng Bộ Công an, tôi cũng nhiều lần cùng đoàn của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ đến chúc Tết, chúc thọ Đại tướng. Dấu ấn sâu sắc là, năm 2005, đoàn của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ chúc thọ Đại tướng tròn 95 tuổi.

Khi đó, dẫu tuổi cao nhưng Đại tướng vẫn minh mẫn. Sau khi nghe báo cáo vắn tắt về tình hình an ninh, trật tự, Đại tướng khen ngợi lực lượng Công an đã góp phần to lớn để đất nước ổn định, phát triển. Đoạn nói về tình hình tội phạm, Đại tướng căn dặn, phải lấy việc phòng ngừa, không để phát sinh tội phạm, việc bắt bớ, giam giữ phải tuân thủ pháp luật. Trong điều tra phải làm thật kỹ, không được bắt oan, sai.

- Cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là minh chứng ngời sáng về tài năng, đức độ. Thưa Thượng tướng, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay?

- Tôi cho rằng, từ tấm gương Đại tướng có ý nghĩa thức tỉnh mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị nào, công việc gì cũng phải có đức hy sinh, cống hiến cho nhân dân. Khi được nhân dân ghi nhận, tin yêu thì đó là tài sản vô giá.

Đại tướng nêu gương đức độ, thương yêu đồng chí, đồng bào, lập công lớn nhưng nói về thành tích chỉ nhận mình như giọt nước giữa biển. Đại tướng sống cuộc đời đạm bạc, không giàu tiền bạc nhưng giàu lòng nhân văn và chính tư tưởng nhân văn của Đại tướng thực sự là giá trị cao cả cần được tổng kết để học tập, nêu gương, nhất là đối với lực lượng vũ trang.

Từ tấm gương Đại tướng giúp nhiều người ngộ ra, thức tỉnh ra để làm việc thiện, có ý nghĩa hơn với cộng đồng. Trong lúc chúng ta đang nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 thì việc phát động phong trào học tập, nêu gương dũng, liêm, nhân, nghĩa của Đại tướng có ý nghĩa rất lớn lao. Nếu như thừa nhận lý thuyết chỉ là màu xám, khó nhớ, khó thuộc thì tấm gương Đại tướng là hiện thực sinh động để mỗi chúng ta tự nhìn nhận lại mình, soi mình để phấn đấu tốt hơn.

- Xin cảm ơn Thượng tướng!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.