Thượng tọa Chau Sơn Hy giúp đồng bào Khmer xóa đói, giảm nghèo

Thứ Tư, 19/12/2007, 16:53
Ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang có khoảng 300 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu là đồng bào Khmer. Để giúp bà con thoát khỏi cái nghèo, sư Chau Sơn Hy đã mời cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn về hướng dẫn kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Từ thị trấn Tri Tôn, chạy vòng vèo trên con đường bao quanh những cánh đồng lúa và hàng cây thốt nốt, tôi tìm đến chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) nơi Thượng tọa Chau Sơn Hy trụ trì. "Đang làm cỏ cho mấy luống bắp, thấy sắp nhỏ nói có khách đến thăm, tưởng ai thì ra là nhà báo…" - sư Chau Sơn Hy hồ hởi.

Từ lâu núi Sà Lôn như một vị thần che chở cho người dân nơi đây, nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Hơn mười năm về trước, triền núi Sà Lôn còn hoang vu, đầy cây gai, cỏ dại và tre nứa mọc um tùm. Mùa mưa thì ngập nước, mùa khô thì cằn cỗi trơ ra toàn đá. Người dân trong ấp không biết phải làm gì để thay đổi tập quán canh tác.

Trước cảnh khó khăn của bà con mình với đất đai đầy rẫy quanh ấp mà cứ đói nghèo nên bao đêm sư Sơn Hy thức trắng tìm cách xóa đói, giảm nghèo cho bà con mình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, sư Sơn Hy quyết định đào hồ tích nước để dành sử dụng cho mùa khô.

Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau sư cả cho mời tất cả môn đệ, tăng ni phật tử trong ấp lại bàn bạc đào hồ trên triền núi Sà Lôn để bà con có nước sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu.

Một hồ nước diện tích 500m2 được hoàn thành. Đó là công sức và mồ hôi hơn 3 tháng ròng bà con ấp Sà Lôn cùng với các sư chùa Sà Lôn vật lộn dưới cái nắng gay gắt của vùng Bảy Núi để đào từng mét đất, nạy từng tảng đá…

Bà con trong ấp chỉ cần băng qua con dốc nhỏ lấy nước mà không còn phải đi cả cây số lấy nước ở kênh về nữa. Tuy nhiên, mùa khô lại kéo dài đến nửa năm, còn hồ chứa chỉ đủ nước cho bà con trong ấp dùng 3 tháng là đáy hồ trơ đá, khô cong không còn lấy một giọt.

Không còn cách nào khác, sư Sơn Hy lại bắt tay cùng mọi người trong ấp xây dựng tiếp một hồ mới gấp đôi hồ cũ chứa trên 4.000m3 khối nước. Giờ thì cả 2 hồ chứa đã đủ dùng cho cả ấp sinh hoạt trong mùa khô.

Năm 2000, sau một thời gian nghiên cứu địa hình triền dốc của núi Sà Lôn, sư Chau Sơn Hy cùng các môn đệ của mình thực hiện một công trình tưởng chừng chỉ có thể thực hiện bằng máy móc, đó là san bằng triền núi để trồng cây ăn trái.

Hơn 20.000m3 đất đá được san lấp tạo thành một mặt bằng 2 hécta ngay sau lưng chùa. Những loại cây ăn trái nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi… được sư Sơn Hy cùng các môn đệ đến Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre,… mua về để trồng.

Giờ đây trên 100 cây bưởi Năm Roi, 500 cây xoài cát Hòa Lộc, trong đó có 200 cây do UBND huyện Tri Tôn tặng đã cho trái xum xuê trên mảnh đất mà trước đây chỉ có cỏ dại mọc được. Ngoài ra, sư cả Sơn Hy còn trồng trên 1.000 gốc ổi và gần 200 gốc bưởi hồng Thái Lan nay đã cho thu hoạch trái.

"Ban đầu, thấy sư trồng cây ăn trái trên đất núi, bà con trong ấp không ai tin là cây có thể sống được và cho trái. Nhưng qua 2 năm, thấy những cây ổi, xoài, bưởi mà chùa Sà Lôn thu hoạch đem biếu cho bà con thì ai cũng tin và rục rịch đến nhờ sư hướng dẫn cách cải tạo đất để lập vườn" - Trưởng ấp Sà Lôn, anh Chau Kuôn nói.

Để giúp bà con am tường cách thức cải tạo đất, lập vườn, cách trồng và chăm sóc cây ăn trái, sư Sơn Hy mời cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn về chùa rồi tập hợp bà con đến nghe, học hỏi các kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình, cách làm của sư Sơn Hy, hiện nay toàn ấp Sà Lôn có gần 40 hộ dân đã cải tạo đất hoang, vườn tạp thành vườn cây ăn trái và đang cho thu hoạch. Từ đó thu nhập của các hộ gia đình được đảm bảo, nhiều hộ đã có tiền dành dụm để mua sắm các đồ dùng sinh hoạt trong nhà như tivi, đầu đĩa…

Bên cạnh đó, thời gian qua nhờ Chương trình 135 của Chính phủ, đồng bào Khmer ấp Sà Lôn đã có giếng khoan nước sạch, hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng hoàn chỉnh, nhà nào cũng nuôi từ 2 con bò trở lên. Những cánh đồng trước đây chỉ trồng lúa rẫy năng suất thấp được bà con chuyển sang trồng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao để xuất khẩu.

Dưới tán cây ăn trái, sư Sơn Hy phân thành những mảnh vườn cho các hộ dân khó khăn trong ấp trồng rau màu như đậu, ớt, hành, cải, cà tím… để bà con vừa có thêm thu nhập, vừa giữ ẩm cho cây.

Bên cạnh việc sử dụng tiết kiệm 2 hồ chứa nước cho mùa khô, sư Sơn Hy còn khoan giếng dùng máy bơm bơm trực tiếp lên vườn để tưới cây. Ngoài việc giúp bà con phổ biến cách thức làm kinh tế, sư cả Sơn Hy còn vận động bà con xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan, cưới hỏi nặng lễ…

Được biết, từ nhiều năm qua, ấp Sà Lôn không có trường hợp khiếu kiện vượt cấp, không có người qua lại biên giới trái phép, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của sư cả Sơn Hy.

Lo cho đời và lo cho đạo, sư Chau Sơn Hy đã được tấn phong giáo phẩm Thượng tọa - Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang, được tặng nhiều bằng, giấy khen của các ban, ngành trong tỉnh, trong đó có giấy khen của Công an tỉnh An Giang về "Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ"

Nam Thơ
.
.
.