Thực trạng tận diệt thủy sản trên sông Lô
- 2 ghe gỗ dùng xung điện tận diệt thuỷ sản
- Tiếp tục bắt giữ hàng loạt ghe khai thác tận diệt thủy sản
- Bắt giữ nhiều ghe cào gắn xung điện tận diệt thủy sản
Trời mờ sáng, theo chân đồng nghiệp người địa phương đi chợ cá sớm ven sông Lô thấy rất nhiều mẻ cá đánh đêm được dỡ xuống từ thuyền chài. Trong số này, đặc biệt là những mẻ cá nhỏ mắt lồi ra, bụng vỡ nát. Trả lời cho thắc mắc, một chủ hàng đáp: “Cá con đánh kích chịu không được nên nổ bụng; bao năm nay vẫn thế, người ta ăn không có vấn đề gì đâu”.
Trong 2 đợt thả cá tái tạo nguồn thủy sản trên sông Lô năm 2016 cộng với một số đợt quy mô nhỏ vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã đưa vào nguồn nước hơn 80 ngàn cá thể các loại, gồm loài có giá trị cao như cá chiên, bống, lăng và loài truyền thống như cá mè, trôi… Với số lượng lớn như vậy sẽ bổ sung cho khu vực sông Lô đoạn chảy qua TP Tuyên Quang một nguồn cá dồi dào.
Nhưng cùng với các loài cá tự nhiên, số cá mang nhiệm vụ tái tạo này thường “tận số” sớm. Thông tin từ Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, bà Nguyễn Thị Vĩnh An cho biết: “Cá cứ thả xuống là bị đánh phần lớn bởi nhiều hộ dân sử dụng kích điện. Người dân nhắm bắt cá lớn rồi theo đó làm chết rất nhiều cá giống nhỏ gây thiệt hại về lâu dài. Chỉ cần nguồn cá ấy giữ được trong một khoảng thời gian ngắn thôi thì giá trị đã có thể tăng thêm rất nhiều rồi”.
Một thuyền chài dùng vợt kích điện bắt cá trên sông Lô. |
Bà An cho biết thêm, hiện tại trên địa bàn tỉnh Chi cục Thủy sản đang kết hợp cùng nhiều đơn vị triển khai các hoạt động tái tạo nguồn thủy sản trên vùng sông, hồ, lòng hồ thủy điện của địa phương. Nhưng vì “khó khăn cố hữu” như đã đề cập phía trên khiến việc thực hiện những chương trình này không thể đạt mục đích.
Nữ Chi cục trưởng chia sẻ với giọng đầy tiếc nuối, việc bảo vệ nguồn cá sông, thả cá tái tạo mục đích là dành cho bà con, cuối cùng cũng là hướng tới người dân để tạo một con sông mang lại giá trị lớn từ cá. Tuy vậy, vừa đưa cá xuống nước hôm trước, sớm hôm sau ra chợ ven sông đã thấy chính đợt cá ấy được bày bán. Nhìn những con cá dù lớn hay nhỏ cứ dính điện cũng đều bị bắt cả; cá nhỏ quá có khi người ta đem cho… lợn, bà không khỏi xót xa.
Việc đánh cá bằng kích điện trên các vùng sông nước tỉnh Tuyên Quang diễn ra lâu năm, mặc dù đã có những biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở và lập biên bản thu giữ các phương tiện đánh kích nhưng một thời gian lại trở về như cũ.
Trực tiếp tìm hiểu về tác hại, ảnh hưởng của việc đánh kích tới nguồn thủy sản; chúng tôi được giới thiệu tới nhà ông Nguyễn Quang Đắc, chủ một bè cá. Lên căn nhà nổi, vợ ông Đắc nói ông đi vắng nên muốn gặp thì phải đợi. Tiện đó bà nhắc chuyện, vừa qua khu này có nhiều đợt cá chết “xóa sổ Nam Tào”, cả chết bệnh lẫn chết vì đánh kích.
Chừng một giờ sau, chiếc thuyền máy nhỏ của ông Đắc từ phía thượng nguồn chạy về. Cùng con trai mới đi lặn để vớt chiếc tàu cát bị chìm phía mạn trên, ông nói thành quả cả ngày lặn hụp chỉ được độc… một thanh sắt.
Đề cập tới việc dùng kích điện đánh cá, anh Nguyễn Văn Cường, con trai ông Đắc đang lắc nước khỏi chiếc mặt nạ - đồ nghề khi lặn; lên tiếng: “Đến bây giờ hầu như hộ nào làm nghề cá trên sông này cũng đều có bộ kích điện trong nhà. Đêm xuống là lên xuồng ngược lên phía mạn trên, ra xa lồng cá nhà mình rồi đánh. Nuôi cá là nghề chính nhưng đánh kích mới mang lại thu nhập “tươi”, nhờ việc ấy mới sống được”.
Anh Cường mô tả, bộ kích điện thường cấu tạo từ một bình ắc quy 12V gắn với bộ phận kích lên 220V hoặc hơn; gắn với thanh tre dài, đầu điện ra kết thành hình vợt. Khi đưa xuống nước sẽ lấy mạng của cá và nguy cơ lấy cả… mạng người nếu bất cẩn.
Nhiều nhà đánh kích điện làm cá to “đơ”, cá bé thì chết rồi vợt bằng lưới mắt nhỏ, cộng thêm đặt lồng bát quái khiến cá bằng ngón tay út cũng không thoát. Vẫn biết chỉ cần ngưng toàn bộ việc đánh bắt kiểu tận thu, tận diệt khoảng một tháng thôi là con sông này đầy cá, nhưng vì khó khăn nên nhiều hộ vẫn làm...
“Muốn người dân không kích điện nữa thì hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn để làm thêm những thứ khác chứ như bây giờ thì không đủ sống đâu”, anh Cường tâm sự. Vì cuộc sống khó khăn nên gần như tất cả những người sống bằng nghề cá ở đây vẫn cứ phải khoác “đồ nghề” khi đêm xuống, để đến sáng trở về biết đâu có thêm được đồng nào hay đồng đó.
Thả mắt theo con nước, anh Cường nói, giai đoạn nuôi cá đã nhiều nguy cơ, khi con cá đủ lớn cũng đau đầu trong việc tìm đầu ra. Các loại truyền thống như cá trôi, trắm, chép ra chợ mọi người còn quen mua vì giá ở mức bình thường. Chứ các giống lăng, bống, nheo kén người mua vì giá cao gấp rưỡi, gấp đôi; còn giống chiên giá tới nửa triệu một cân thì chỉ xác định là cung cấp cho nhà hàng, khách sạn.
Nhưng sức mua thời điểm hiện tại kém, một tuần chỉ bán được một, hai con. Năm trước có thương lái Trung Quốc sang mua tất cả lồng hơn 2 tạ rưỡi được 200 triệu; tính công, chi phí thức ăn, thuốc men cả thời gian nuôi là lỗ nhưng cũng vẫn phải bán để thu tiền về.
Đưa những ý kiến của người dân trao đổi lại với bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, bà An cho biết, những vấn đề của người dân được ghi nhận từ nhiều năm qua và đến nay vẫn đang tìm cách khắc phục. Hiện tại, khó khăn lớn là chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản suy giảm do tác động của các nhà máy; tác động bồi lắng tại hồ thủy lợi, dòng chảy cạn kiệt ảnh hưởng xấu đến nguồn nước cung cấp cho nuôi trồng. Những nguy cơ này kéo dài phát sinh dịch bệnh diện rộng và làm diện tích nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp. Bên cạnh đó, kinh phí nhân rộng mô hình nuôi cá hạn chế. Việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều vướng mắc. |