Thừa Thiên – Huế: Chàng thủ khoa nuôi ước mơ từ thùng kem bán dạo của bố

Thứ Tư, 07/09/2011, 11:15
Mẹ mất sớm nên mọi công việc từ bếp núc đến ruộng đồng đều do một tay em cáng đáng. Trong khi người bố thân yêu của em rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường bán kem dạo để kiếm tiền nuôi gia đình. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng em đã trở thành thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Huế, ngành Sư phạm Toán với số điểm 26,5. Chàng thủ khoa giàu nghị lực đó tên Nguyễn Đắc Hiếu, cựu học sinh lớp 12/3 Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế).

Thùng kem dạo của bố và hành trình thắp sáng ước mơ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nằm tận sâu trong cái xóm nhỏ ở tổ 2, khu vực 1, phường An Đông (TP Huế), thấu hiểu được nỗi lòng của người bố luôn hết mực vì con cái, mặc dù gia cảnh hết sức thiếu thốn nhưng Hiếu không ngừng nỗ lực và phấn đấu học tốt. Sau thời gian học ở trường, Hiếu trở về nhà lo toan mọi việc. Suốt gần 10 năm qua, hình ảnh cậu bé hằng ngày nấu cơm, quét dọn nhà cửa, giặt giũ, đón em, cắt cỏ và chăm sóc 2.500m2 ruộng tại cái xóm nhỏ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với bà con nơi đây.

Ông Nguyễn Đắc Đề, người bố thân yêu của Hiếu, chia sẻ: “Mẹ Hiếu mất khi Hiếu mới học lớp 6. Kể từ ngày mẹ Hiếu ra đi, mọi công việc gia đình do một tay em cáng đáng. Nhà khó khăn là vậy, nhưng hai anh em Hiếu đã ý thức được nỗi vất vả của bố nó và gia cảnh nên đứa nào cũng học giỏi, chăm ngoan và rất hiếu thảo. Nhìn mấy đứa con toàn tâm, toàn ý với gia đình như thế tôi cũng thấy ấm lòng, hạnh phúc hơn”.

Bằng nghị lực vượt khó, niềm tin yêu vào cuộc sống, Hiếu luôn không ngừng nỗ lực học giỏi để chinh phục ước mơ và thắp sáng tri thức. Vì em hiểu chỉ có con đường học vấn càng cao thì mới hi vọng sau này thoát được cái cảnh nghèo và giảm bớt gánh nặng cho người bố “một nắng hai sương” lao tâm khổ tứ trên khắp mọi nẻo đường từ làng quê đến thành phố với thùng kem dạo vào mùa nắng và xe kẹo kéo vào mùa mưa.

Hiếu tâm sự: “Hằng ngày nhìn thấy cảnh bố rong ruổi gần trăm cây số mưu sinh với thùng kem dạo với lời mời gọi thân quen em không cầm được lòng. Có hôm bố vào tận trong trường em để bán kem, bạn bè biết vậy nhiều lúc trêu em. Tụi nó còn hỏi: Bố Hiếu bán kem dạo à! Em trả lời: Thế bán kem dạo có sao không bạn! Kiếm tiền từ chính công sức mình đổ ra có gì phải hổ thẹn với ai đâu. Nói xong, em lủi thủi vào lớp ngồi khóc vì thấy thương bố mình nhiều hơn”.

Hiếu phụ giúp bố bán kem dạo.

Vượt dốc tìm con chữ và ước mơ trở thành thầy giáo giỏi

14 cây số! Đó là quãng đường đi và về suốt 3 năm học thời phổ thông dưới mái trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế). Bất kể ngày nắng hay mưa Hiếu vẫn luôn đến trường đều đặn không một ngày chậm trễ. Ông Đề, người bố yêu quý của Hiếu, kể lại: “Con đường làng với bao dốc đá, lầy lội tại quê nghèo này đã gắn bó với Hiếu trong hành trình thắp sáng tri thức suốt 12 năm qua. Những hôm trời mưa là quần áo, sách vở Hiếu ướt sũng. Nhưng hôm sau Hiếu vẫn cố gắng để đến trường!

Mùa nắng sau giờ đến lớp về nhà mồ hôi nhễ nhại, mệt lả. Nhưng Hiếu lại gạt nỗi mệt nhọc để rồi vội vã vào bếp nấu cơm tươm tất. Thấy con khổ tôi cũng xót lắm! Nhưng vì hoàn cảnh mình khó khăn nên tôi luôn động viên các con phải cố gắng. Tin Hiếu đỗ đại học tôi mừng lắm! Nhưng rồi lại lo, không biết Hiếu đỗ đại học rồi lấy tiền mô cho em nó đi học”. Nói xong, ông Đề rưng rưng nước mắt.

Ngày nhận được tin Hiếu đỗ 2 trường Đại học Y Dược (25,5 điểm) và thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Huế với ngành Sư phạm Toán (26,5 điểm), cái xóm nhỏ nằm dọc ven con đê tổ 2, khu vực 1, phường An Đông như có hội. Tất cả mọi người trong xóm ai cũng nức lòng, cảm phục trước tinh thần vượt khó của Hiếu.

Cô Hoàng Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12/3, Trường THPT Hai Bà Trưng, vui mừng nói: “Suốt 3 năm học tập ở trường, Hiếu đều tham gia tích cực các hoạt động trường, lớp tổ chức. Trong lớp, Hiếu là một học sinh chăm ngoan, học giỏi, hay giúp đỡ bạn bè. Ngày nhận được tin em Hiếu đỗ thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Huế, thầy cô trong trường ai cũng vui, tự hào về Hiếu. Chúng tôi rất cảm phục về sự nghị lực, lòng quyết tâm của em vượt lên hoàn cảnh và chính em là tấm gương sáng cho các bạn trong lớp noi theo”.

Trong giây phút chia tay em Hiếu đầy cảm động, Hiếu nắm lấy tay tôi và thầm nói: “Thế là ước mơ của em đã trở thành hiện thực rồi anh ạ! Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em sẽ theo học ngành Sư phạm Toán để giảm bớt gánh nặng cho bố. Đó cũng là ước mơ mà em ấp ủ lâu nay (!)”.

Chúng tôi thầm nguyện ước những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Hiếu. Cũng qua bài viết này, hy vọng rằng các nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa sẽ đồng hành và tiếp sức cho Hiếu để hành trình thắp sáng ước mơ trở thành một nhà giáo giỏi của em sớm thành hiện thực

Quang Trung
.
.
.