Thừa Thiên - Huế: Xuân về bên phá Tam Giang

Thứ Sáu, 30/01/2009, 09:44
Xuân về bên phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế), thăm những khu tái định cư mới, những căn nhà mới, tươi vui, nghe cuộc sống mới đang đổi thay với không ít hộ dân thủy diện đón cái Tết đầu tiên ở trên bờ…

Họ là những hộ dân thủy diện, sống lênh đênh trên phá Tam Giang, làm nghề theo đuôi con cá - thuyền đậu bến nào là sống ở đó, khó khăn, thiếu thốn đủ bề, lại luôn chịu sự đe dọa của thiên tai, bão lụt. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ dân thủy diện được cấp đất, hỗ trợ làm nhà cửa trên bờ,… chấm dứt đời lênh đênh trên phá Tam Giang từng là nỗi ám ảnh của bao thế hệ như câu ca xưa: "Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Xuân về bên phá Tam Giang, thăm những khu tái định cư mới, những căn nhà mới, tươi vui, nghe cuộc sống mới đang đổi thay với không ít hộ dân thủy diện đón cái Tết đầu tiên ở trên bờ…

Cuộc sống mới bên phá Tam Giang

Quảng Điền là huyện có tỷ lệ hộ cư dân thủy diện chiếm khá lớn, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Phước và Quảng Phú. Thực hiện chủ trương đưa các hộ cư dân thủy diện sống lênh đênh trên mặt nước lên bờ để ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho con em của các hộ dân được học hành, trong năm 2008, huyện Quảng Điền đã khởi công xây dựng các khu tái định cư thôn Quán Hoà (Quảng Thành) với 30 hộ, Phước Lập (Quảng Phước) 23 hộ, Mỹ Ốn (Quảng An) 19 hộ, Hà Công (Quảng Lợi) 22 hộ, Mỹ Thạnh (Quảng Lợi) 9 hộ, Trung Làng (Quảng Thái) 27 hộ và vạn Hạ Lang (Quảng Phú) 30 hộ.

Năm 2008 cũng đã đưa được 152 hộ dân thủy diện sống lênh đênh trên phá Tam Giang vào định cư trên đất liền để ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội. Bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 14,5 triệu đồng và 150-200m2 đất để xây nhà. Nhiều hộ gia đình liền bắt tay vào việc xây dựng nhà cửa, nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang đưa vào sử dụng và vui tươi đón cái Tết đầu tiên trên đất liền. Cuộc sống của người dân ở các khu định cư mới dần dần ổn định và có những thay đổi đáng kể, các hộ gia đình đều có điện, nước sử dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, con em của họ đều được đến trường…

Đồng thời chính quyền địa phương còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho người dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân có sự kết hợp giữa nông - ngư nghiệp.

Bằng những biện pháp như vậy trong những năm qua các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Quảng Điền đã vận động hơn 450 hộ cư dân thủy diện lênh đênh trên mặt nước vào định cư ổn định trên bờ. Đến nay toàn huyện chỉ còn lại 30 hộ chưa có nhà ở, và các hộ này cũng sẽ được đưa lên bờ định cư, ổn định cuộc sống trong năm 2009 này.

Và đã có những người đầu tiên vào đại học

Những năm 1985, 1986, những hộ dân sống thủy diện trên phá Tam Giang đầu tiên lên bờ, lập nên làng mới là làng ngư Mỹ Thạnh ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền. Năm 1996, hàng trăm hộ dân thủy diện di cư lên và thêm một đợt nữa vào năm 2003, làng ngư mới Mỹ Thạnh đến nay có 150 hộ dân với 870 nhân khẩu. Năm 2003, Tổ chức CRS (Mỹ) đầu tư 800 triệu đồng xây dựng 40 căn nhà tại làng ngư Mỹ Thạnh định cư cho 40 hộ dân thủy diện. Sau 6 năm, 40 hộ ngư dân lênh đênh trên mặt nước ngày nào giờ đã ổn định cuộc sống trên bờ và con em của họ được học hành.

Cuộc sống mới thay đổi, không niềm vui nào lớn nhất khi đã có những người con đầu tiên ở vạn chài ngư Mỹ Thạnh này vào Đại học, đó là Phan Văn Quy (25 tuổi) vừa tốt nghiệp trường ĐH Nông lâm - Huế năm 2008, hiện đang chờ việc làm, tiếp đó là Trần Văn Quý (22 tuổi), hiện đang là sinh viên năm thứ 4, ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Thủy sản Nha Trang... Đến nay, vạn chài Ngư Mỹ Thạnh đã có 4 học sinh đỗ Đại học, 8 em đỗ Cao đẳng và 7 em khác đang theo học các trường Trung học chuyên nghiệp.

Lên bờ định cư năm 1985, gia đình anh Nguyễn Hối và chị Hà Thị Đằm có 2 con gái là Nguyễn Thị Phượng - thi đậu vào Trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên - Huế năm 2007 và Nguyễn Thị Hằng thi đậu vào Trường ĐH Nông lâm Huế năm 2008, được xem là gia đình điển hình ở vạn chài ven phá Tam Giang này.

Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thế nhưng nghĩ đến bản thân hai vợ chồng đều mù chữ do trước đây sống lênh đênh trên phá không được học hành, nên quyết tâm cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Trong vạn chài hiện có 7 em đang học THPT, 15 em đang học THCS và hàng chục em đang học Tiểu học, Mầm non. Bên cạnh đó, những em lớn tuổi, học hết lớp 12 và lớp 9 không đi học văn hóa tiếp, được quan tâm, cho đi học nghề gò hàn, xây dựng, các nghề đào tạo miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn…

Viết Nam
.
.
.