Thừa Thiên - Huế: Sao la thành mồi nhậu

Thứ Sáu, 07/01/2011, 16:00
Trong thực tế, nạn săn bắn và buôn bán thịt thú rừng vẫn diễn ra tràn lan tại nhiều nơi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, sát nách khu bảo tồn sao la, hằng ngày người dân vẫn ngang nhiên bày bán thịt thú rừng. Ai dám chắc trong số thịt thú rừng đó không có thịt sao la?

Cách đây 18 năm, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã phát hiện ra dấu vết sao la ở Vũ Quang, Hà Tĩnh. Ngay tại thời điểm phát hiện, sao la đã là một loài thú hiếm với số lượng quần thể rất nhỏ.

Khoảng 10 năm sau đó, thông tin về loài thú này bỗng rộ lên ở các vùng rừng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mới đây, vào tháng 11/2010, đồng bào Cơ Tu ở xã Hương Nguyên (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) khẳng định "chắc như đinh đóng cột" với ngành chức năng rằng, bà con đã không ít lần bắt gặp sao la đang kiếm ăn ở vùng rừng này.

"Lý lịch" sao la ở Huế

Sau hàng trăm năm vắng bóng, đến năm 1992, những phát hiện mới về sao la ở Vũ Quang, Hà Tĩnh đã khiến giới nghiên cứu động vật hoang dã trên thế giới vô cùng ngạc nhiên. Tiếp đó, vào năm 1996, sao la được phát hiện tại thôn Hộ, xã Dương Hoà, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đó là một con đực nặng 52kg đã bị chết. Mẫu vật hiện được lưu giữ tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Với phát hiện trên, từ tháng 11/1996 đến tháng 2/1997, ngành chức năng địa phương đã tổ chức đợt khảo sát thông tin về sao la tại 40 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn tỉnh. Kết quả, sao la có ở 19/40 xã, tập trung ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Hương Thuỷ, Hương Trà và Phong Điền; thu thập được 27 cặp sừng, sọ sao la...

Một năm sau đó (1998), người dân xã Hương Nguyên (A Lưới) phát hiện một con sao la cái nặng 80kg đang mang thai bị mắc bẫy ở khe Ông thuộc Tiểu khu 1097, địa phận xã Hương Nguyên. Sau khi quay lại một đoạn phim tư liệu 10 phút, lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương đã cứu hộ và thả con sao la trên vào rừng... Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, giới chuyên môn đã thực hiện nhiều đợt khảo sát tìm kiếm sao la ở vùng rừng A Lưới này mà không tìm thấy.

Con sao la cái nặng 80kg đang mang thai bị mắc bẫy thòng lọng ở khe Ông, xã Hương Nguyên (A Lưới) được lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương cứu hộ và thả vào rừng.

Già làng Hồ Cu Tích (người Cơ Tu) ở thôn Dòng, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, cho hay: "Trước đây, khi còn sống ở khe Cha Lìng (thuộc khu bảo tồn sao la hiện nay), bố đã bẫy được 2 con thú và giết thịt. Sau này bố mới biết đó là loài sao la quý hiếm. Người miền cao mỗi nơi gọi sao la với những cái tên khác nhau, nơi thì Cha xoor, nơi thì A Ving…".

Con sao la non được phát hiện tại thôn Bụt, xã Hương Nguyên (A Lưới) năm 1999 và đã chết sau 8 ngày cứu hộ.

Trong thực tế, nạn săn bắn và buôn bán thịt thú rừng vẫn diễn ra tràn lan tại nhiều nơi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Riêng khu vực Cầu Tuần, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, nơi nằm sát nách khu bảo tồn sao la, hằng ngày người dân vẫn ngang nhiên bày bán thịt thú rừng. Người mua có thể mua hàng tạ đến cả tấn thịt thú rừng, như: heo, nai, mang…

Theo người dân, thú rừng bị săn bắn ở các huyện A Lưới, Nam Đông rồi vận chuyển về đến xã Hương Thọ thì bày bán. Cứ như thế, ngày nào thú rừng cũng bị giết hại và ai dám chắc trong số thịt thú rừng đó không có thịt sao la? 

Những nỗ lực bảo vệ sao la

Theo giới nghiên cứu động vật hoang dã, trên thế giới sao la chỉ còn khoảng 200 con tập trung ở Trung Trường Sơn - Việt Nam và Xê Sáp - Lào. Nhưng hiện tại loài thú này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Bắt đầu từ năm 2001, với sự tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã thực hiện Chương trình Bảo tồn cảnh quan Trung Trường Sơn - Việt Nam để bảo vệ loài sao la.

Theo đó, kế hoạch bảo tồn sao la Việt Nam giai đoạn 2005-2010 ở 6 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam đã được Cục Kiểm lâm và WWF thông qua. Hành động được thực hiện ngay là tháo dỡ bẫy thú ở tất cả các xã có sao la; tăng cường kiểm tra để xoá bỏ các mối đe dọa trực tiếp ở vùng có sao la. Bên cạnh đó, từ tháng 6/2004 đến cuối năm 2008, WWF và Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã phối hợp thực hiện "Dự án hành lang xanh" tại tỉnh này, nhằm phục hồi cảnh quan rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của rừng để bảo tồn sao la cùng các loài thú quý hiếm khác.

Tiếp đó, vào tháng 4/2010, các đơn vị hữu quan đã đầu tư thành lập hai khu bảo tồn sao la tại xã Hương Nguyên (A Lưới) và Thượng Quảng (Nam Đông). Còn mới đây nhất, vào ngày 22/11/2010, WWF đã tài trợ gần 214 nghìn đô la Mỹ để "Bảo vệ sao la trong nguy cấp" tại Huế. Hiện tại, Chính phủ Đức cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ 2,1 triệu đôla Mỹ để tiếp tục bảo tồn loài sao la.

Với những quan tâm này, hy vọng sao la ở Thừa Thiên - Huế sẽ không bị tận diệt. Tuy nhiên, hiệu quả của những dự án, kế hoạch trên là phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức, trách nhiệm của con người và ngành chức năng.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám Đốc Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế cho biết: "Vùng rừng A Lưới được đánh giá là nơi còn tồn tại Sao la nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, nguy cơ loài này bị diệt chủng là rất cao do nạn săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã của người bản địa và một số thợ săn từ nơi khác đến". "Sao la gần giống với con sơn dương nhưng nó có sừng tròn, thẳng và nằm song song. Ở sao la có những đốm trắng chạy từ mang tai tới tận mũi. Thức ăn của loài thú này chủ yếu là cây môn thục ven bờ suối. Muốn bảo vệ sao la, trước hết phải bảo vệ môi trường sống của nó và triệt xóa mọi vấn nạn săn bắn, bẫy thú rừng", ông Tuấn cho biết thêm.

Thanh Bình - Đài Trang
.
.
.