Thú rừng ốm dạt về phố

Thứ Hai, 30/03/2009, 12:41
Chú nai to chừng 30kg chết nằm cứng đờ bị chủ hàng ngã giá với giá quá bèo là 300.000 đồng. Cuối cùng cái giá dứt điểm với chú nai chết cứng là 500.000 đồng. Và, như vớ được món hời, chủ quán gọi ngay mấy anh nhân viên ra khiêng chú nai vào để bắt đầu làm thịt, chưng tấm biển "nai rừng" tươi giá cắt cổ cho các thực khách 200.000đồng/kg ngay giữa quán.

Ăn thịt thú rừng để thể hiện đẳng cấp "VIP" từ lâu đã trở thành mốt trong giới những người lắm tiền thừa của. Một bữa ăn thịt thú rừng có giá gần 20 triệu đồng vẫn không hề làm các thực khách run tay khi rút hầu bao. Tuy nhiên, cùng với sự ồ ạt xuất hiện các món thịt thú rừng, không ít nhà hàng lại thực hiện công nghệ "mông má" thú rừng từ thịt thú nhà đã chết; trưng biển thịt thú rừng nhưng thực tế là công nghệ "treo đầu dê bán thịt chó"…

Thú nhà biến thành thú rừng

Khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhiều người tìm đến với món ăn ngon lạ, bổ dưỡng, có tác dụng tăng sinh khí, tinh lực - món thịt thú rừng với nai rừng, tê tê, sơn dương, gấu, hổ, cầy hương, cầy vòi, hon… mặc dù giá cả không phải là thấp. Ăn càng nhiều các con thú quý hiếm càng chứng tỏ đẳng cấp VIP của mình.

Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện bỏ tiền triệu để được thưởng thức những sản vật rừng vẫn có những câu chuyện "dở khóc dở cười" mất tiền mà phải ăn thịt rừng được "mông má" từ thịt thú nhà đã chết.

Tôi bất ngờ được chứng kiến một cuộc thương lượng mua bán con nai đã bị ốm chết giữa người nuôi nai và chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống.

Nhiều thú rừng “dởm” được bán tại hội chùa Hương.

Chú nai to chừng 30kg chết nằm cứng đờ bị chủ hàng ngã giá với giá quá bèo là 300.000 đồng. Người bán kì kèo giải thích để tăng giá: "Con nai này vì thời tiết nóng quá mà chết chứ không phải là ốm. Ban đầu tôi mua con này cũng đã có cái giá hơn 1 triệu đồng. Nuôi được hai năm rồi, chí ít cũng phải trả 1 triệu". Ngã giá đi ngã giá lại, cuối cùng cái giá dứt điểm với chú nai chết cứng là 500.000 đồng.

Và, như vớ được món hời, chủ quán gọi ngay mấy anh nhân viên nấu bếp ra khiêng chú nai vào để bắt đầu làm thịt, chưng tấm biển "nai rừng" tươi giá cắt cổ cho các thực khách 200.000đồng/kg ngay giữa quán. Con nai sau khi được mổ xẻ, vứt bỏ hết nội tạng, xẻ ra và nhanh chóng được cho vào tủ lạnh phục chờ khách.

Không chỉ phải ăn thịt thú rừng ốm, nếu ai đã có dịp đi chùa Hương những ngày đầu năm 2009 vẫn chưa thể quên được hình ảnh của những tảng thịt treo lủng lẳng gắn mác nai rừng, cầy hương, chồn đá… được các chủ quán quảng cáo đều là những món hàng thịt thú rừng tươi ngon vàng xuộm, mùi thơm ngào ngạt từ hương liệu tẩm ướp.

Đếm sơ sơ, số lượng quán hàng trưng những tấm biển thịt thú rừng tại khu vực chùa Hương cũng phải trên dưới hai chục quán. Nhiều khách hành hương vẫn không thể hiểu được từ đâu mà số lượng thịt thú rừng lại nhiều như vậy.

Tuy nhiên, không ít người đã nhanh chóng phát hiện ra công nghệ làm giả thịt thú rừng bằng… thịt bò và thịt chó. Những con vật đã bị cắt mất chiếc đầu gắn mác nai rừng thực chất là thịt bê.

Còn chồn đá, cầy hương lại là con chó, sau khi thịt xong được khéo léo moi hết xương hộp sọ rồi móc câu lên khiến sức nặng cơ thể kéo mõm con vật dài ra, trông giống như loại cầy vòi, cầy hương.

Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên định chụp thì các chủ quầy nhanh chóng gỡ những tấm biển nai rừng, chồn đá, cầy hương… gắn trên các con vật.

Thịt thú rừng vẫn ồ ạt về phố

Không cần phải đi xa, chỉ ngay tại Hà Nội, nếu muốn ăn thịt thú rừng, những người sành ăn đã biết sẵn những địa chỉ cần đến. Tôi theo chân K., một chân dài hay đi với các đại gia trong chốn ăn chơi vào quán T. ngay trung tâm thành phố Hà Nội. Không ồn ào kiểu ngã giá gọi món như các quán bình dân, món tê tê đã được thực khách gọi đặt trước cách đây một tiếng.

Chúng tôi vừa đến, đích thân bà chủ cửa hàng đon đả dẫn lên phòng ăn hạng VIP. Nhóm khách 6 người chúng tôi thưởng thức một con tê tê bao gồm các món: tiết, xào lăn, hấp, xào lòng mề với cái giá cao ngất ngưởng "cắt cổ" 18 triệu đồng.

Để chứng tỏ độ tươi sống cho món ăn quý tộc này, nhà hàng đã mang cho mỗi khách một ly rượu tiết tê tê đỏ tươi. Sau khi uống xong, món ăn tê tê hấp được mang ra nguyên cả con cùng món xào lăn thơm lừng. Trước khi rời quán, mỗi thực khách còn mang về một chiếc vẩy tê tê để ngâm rượu.

Không chỉ riêng cửa hàng T., rất nhiều cửa hàng dành cho các VIP hay ghé qua ăn ngay nội thành Hà Nội đã có sẵn danh sách những món ăn thú rừng thời thượng như cầy hương, cá sấu, rùa vàng…

Theo cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội, hiện nay, để tránh gặp phải những rắc rối khi có lực lượng chức năng kiểm tra, các nhà hàng sẽ không bố trí các loại thú rừng có sẵn trong nhà. Khi có khách đặt, chỉ cần một cú "phôn" là sẽ có ngay người mang thú rừng đến tận quán.

Khi mà thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu ăn uống thức ăn cao cấp như thịt thú rừng ngày càng nhiều. Cung khắc có cầu, những chuyến vận chuyển thú rừng từ miền Nam, ở vùng biên giới vẫn chảy về các thành phố lớn.

Thủ đoạn mà các đối tượng vận chuyển thịt thú rừng sử dụng hòng qua mặt cơ quan chức năng thông thường là cho thú rừng trà trộn cùng hàng hoá trên xe hàng.

Thực tế hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng có kiểm tra nhiều nhưng tình trạng thịt thú rừng chảy về Hà Nội, đặt hàng thịt thú rừng tại các nhà hàng lúc nào cũng có vẫn là một thách thức với các cơ quan chức năng

Nguyễn Hương - An Bình
.
.
.