Thư ngỏ gửi nhà văn Bảo Ninh: Xin đừng làm tổn thương đến tâm huyết các liệt sĩ

Chủ Nhật, 02/10/2005, 06:47

Giá như nhà văn Bảo Ninh là người đầu tiên tìm được gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để trao lại cho gia đình chiếc đĩa CD có ghi nội dung cuốn nhật ký mà Frederic đã đưa và nhờ cậy thì tốt biết bao.

Vừa qua, qua Báo Văn hóa & Thể thao, Quân đội nhân dân, Tin tức... tôi được đọc một số bài báo phỏng vấn nhà văn hoặc ghi lại phát biểu của nhà văn xung quanh sự kiện cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được xuất bản.

Là một nhà báo, có quan hệ với gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, có khá nhiều tư liệu về "hành trình kỳ lạ" của cuốn nhật ký, và biết khá rõ những sự việc diễn ra gần đây có liên quan đến số phận của cuốn nhật ký này, đọc phát biểu của nhà văn trên báo, tôi thấy mình không thể không viết những dòng dưới đây, như là bức thư ngỏ gửi nhà văn, với mong muốn được trao đổi thêm một số thông tin có liên quan đến sự kiện này.

1. Trong hai bài báo "Đặng Thùy Trâm chuyện không phải chỉ hôm qua" của Hoàng Nguyên Vũ đăng trên Báo Quân đội nhân dân và "Đức hy sinh, lòng vị tha và giọt nước mắt" của Việt Hà và Vũ Nguyên đăng trên Báo Tin tức, các tác giả ghi lại lời kể của nhà văn Bảo Ninh rằng: "Hồi tháng tư năm 2005, nhà văn Bảo Ninh, tác giả cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” sang nước Mỹ tham dự một Hội thảo văn học về đề tài chiến tranh ở bang Texas.

Bên lề Hội thảo, ông có gặp một người Mỹ, ông ta nói rằng, trước đây ông ta từng là một sĩ quan hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, tên ông ta là Robert Whitehurst. Trên tay ông ta là chiếc đĩa ghi lại bản chụp toàn bộ cuốn nhật ký của một nữ liệt sĩ Việt Cộng tên là Đặng Thùy Trâm mà em trai của ông ta là Frederic Whitehurst nhặt được trong một đợt quân Mỹ tiến hành một trận càn. Ông Robert mong muốn trao lại phiên bản cuốn nhật ký cho người thân của tác giả cuốn nhật ký đó trong một ngày gần nhất, còn cuốn nguyên bản đã được bảo quản tại thư viện Texas.

- Ông ta nói chuyện bằng tiếng Việt, câu được câu mất, nhưng kiên quyết không nói tiếng Anh và không cho phiên dịch - nhà văn Bảo Ninh cho biết - Khi ấy, tôi cứ tưởng em trai ông ta là người gây ra tội ác nên tôi khó thấy thân thiện, và cũng không có ý phải trò chuyện nhiều. Tôi chỉ nghĩ, nếu ông có nhã ý như vậy, đó là lương tâm bắt buộc phải làm thế.

Rồi Robert khóc, ông ta mở chiếc đĩa cho tôi xem. Lúc này tôi mới hiểu rằng em trai ông ấy chỉ là người nhặt cuốn nhật ký và giữ nó suốt 35 năm mong một ngày tìm lại người thân của nữ liệt sĩ ấy để báo tin...".

Những ai theo dõi câu chuyện về cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm đều biết rằng: cuốn nhật ký này có số phận kỳ lạ, do một cựu binh Mỹ thu giữ, khai thác như là một tài liệu của "địch" trên chiến trường (chứ không phải nhặt được như lời kể trong bài báo!). Nhưng sau đó, do tác động của những dòng nhật ký này mà người cựu binh Mỹ đã thức tỉnh, gìn giữ nó suốt 35 năm và tìm mọi cách để trao trả cuốn nhật ký cho gia đình. Việc tìm được gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm phải trải qua nhiều gian nan, vất vả, có lúc đã tưởng không còn hy vọng mà sau này được chính người cựu binh Mỹ này, nay là Tiến sĩ Frederic Whitehurst và người anh trai là Robert Whitehurst kể lại trong các bức thư gửi cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Trong bài viết "Câu chuyện về những tấm lòng" in trong cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", chị Đặng Kim Trâm, em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, đã kể lại khá rõ hành trình của cuốn nhật ký về với gia đình.

Tôi xin trích một đoạn: "Trung tuần tháng 3/2005, một cuộc hội thảo thường niên về chiến tranh Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Việt Nam - Đại học Texas, Mỹ...Frederic Whitehurst và Robert Whitehurst đến dự với bài nói về nhật ký của một nữ bác sỹ Việt Cộng mà Frederic nhận được khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam... Nhiều người ngỏ ý muốn giúp Frederic tìm gia đình nữ bác sĩ.

Ted Engelmann (một phóng viên ảnh người Mỹ-DĐQ) là một trong những người dự hội thảo. Ba ngày sau khi hội thảo kết thúc, Ted sang Việt Nam. Tại Hà Nội, anh đã nhờ một người bạn làm ở Văn phòng Quaker (một tổ chức từ thiện Mỹ- DĐQ) tìm giúp gia đình bác sĩ Đặng Ngọc Khuê. Những nhân viên ở đây rất nhiệt tình, lần theo manh mối ít ỏi có trong cuốn nhật ký, họ đã tìm sang tận Đông Anh, nơi bố tôi làm việc từ gần năm mươi năm trước.--PageBreak--

Nhưng ở đó, người duy nhất làm việc cùng thời với bố tôi cũng đã nghỉ hưu từ năm 2000. Bệnh viện Đông Anh cử người về tận quê ông để hỏi địa chỉ gia đình tôi. Ông lại chỉ sang Trường Đại học Dược Hà Nội, nơi mẹ tôi công tác trước khi về nghỉ hưu từ hai mươi năm trước. Cứ như thế bao trái tim nhân hậu đã chuyển tiếp cho nhau tín hiệu để cuối cùng giúp Ted tìm được gia đình tôi và trao lại chiếc đĩa CD chứa đựng tâm huyết của người viết nhật ký ba lăm năm về trước...".

Tôi được biết, do tế nhị, chị Kim Trâm đã không kể trong bài viết của mình về sự có mặt tại cuộc hội thảo ở Trường Đại học Texas của nhà văn Bảo Ninh, người mà sau này trong một bức thư gửi cho gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngày 4/5, Frederic Whitehurst đã viết: "Tại cuộc hội thảo đó, tôi gặp một người tên là Bảo Ninh, tác giả cuốn "Nỗi buồn chiến tranh". Anh ta là người Hà Nội và là NVA (lính Bắc Việt- ND) trong chiến tranh...

Tôi tìm Bảo Ninh và bảo anh hãy tận mắt nhìn hai cuốn nhật ký, tận tay cầm nó và thấy nó là có thật. Bảo Ninh không nói được tiếng Anh và rất bối rối trước đề nghị của tôi, nhưng anh đã tận tay cầm và tận mắt nhìn cuốn nhật ký và biết chúng là có thật. Anh cũng đã đọc toàn bộ đĩa CD mà tôi đưa. Tôi nghĩ anh sẽ đến gia đình ngay để nói rằng đã tận mắt nhìn thấy hai cuốn nhật ký".

Trong lá thư này, Frederic Whitehurst còn cho biết: "Hôm qua (tức là ngày 3/5/2005) anh (tức Bảo Ninh) vừa viết cho tôi (thông qua con trai đang học ở Boston) muốn tôi gửi thêm thông tin về Thùy Trâm cho anh ấy thật nhanh. Tôi nói với anh ấy rằng chúng tôi đã tìm được gia đình Thùy Trâm".

Tôi đã được xem chiếc đĩa CD ghi lại cuộc Hội thảo tại Trường Đại học Texas, diễn ra vào ngày 19/3/2005 (chứ không phải tháng 4/2005 như nhà văn Bảo Ninh kể).

Trong chiếc đĩa CD đó, tôi thấy nhà văn Bảo Ninh ngồi trong phòng họp Mesquite Room của khách sạn Holliday Inn khi Tiến sĩ Frederic Whitehurst kể về những trận đánh ác liệt ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, về 48 bức ảnh chụp những người nông dân Đức Phổ mà quân Mỹ thu được trên thi thể một phóng viên Việt Cộng, về cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Việt Cộng Đặng Thùy Trâm mà ông còn giữ suốt bao nhiêu năm nay.

Sau khi nghe Robert Whitehurst giới thiệu và đọc nhiều đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được dịch sang tiếng Anh, nghe kể về những tháng năm hai anh em đã cố công tìm kiếm thân nhân các liệt sĩ nhưng vẫn chưa tìm được, nhiều người tham dự Hội thảo đã đặt ra nhiều câu hỏi về hai câu chuyện anh em Tiến sĩ Fred đã kể.

Nhà văn Bảo Ninh đã hỏi Fred qua người phiên dịch "một câu hơi nặng nề" (lời của nhà văn Bảo Ninh) bằng tiếng Việt là ông có tận mắt nhìn thấy xác người bác sĩ đó hay không và nói: "Tôi về Hà Nội tôi sẽ tìm đến địa chỉ này và nếu trường hợp không thể tìm thấy ông có cho phép đăng trên báo không". Tiến sĩ Fred đã trả lời nhà văn Bảo Ninh là rất mong muốn tìm được gia đình để trao lại cuốn nhật ký cho gia đình và cảm ơn Bảo Ninh về lời hứa của anh.

2. Sau khi tìm được gia đình chị Thùy Trâm, Frederic Whitehurst nhờ gia đình chị tìm tên và thân nhân của một phóng viên nhiếp ảnh hy sinh tại Đức Phổ cùng năm hy sinh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Frederic Whitehurst đã lưu giữ được 48 tấm ảnh người phóng viên này chụp trước khi anh hy sinh và đã kể lại với mọi người trong cuộc Hội thảo tại Trường Đại học Texas vào tháng 3/2005, với mong muốn được trao lại kỉ vật cuối cùng của anh cho gia đình, cũng như trường hợp tìm và trao lại nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm.

Được gia đình chị Thùy Trâm tin cậy và giao cho, tôi đã cùng các đồng đội và đồng nghiệp cũ tìm được chân dung của nhà báo - nhà quay phim - phóng viên nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá và gia đình anh.

Do mối quan hệ đó, tôi được đọc các bức thư điện tử của anh em Frederic Whitehurst gửi sang cho các chị Hiền Trâm, Kim Trâm (hai em gái bác sĩ Đặng Thùy Trâm) kể về hành trình kỳ lạ của cuốn nhật ký.--PageBreak--

Khi đọc đến những dòng Frederic Whitehurst kể đã gặp nhà văn Bảo Ninh tại cuộc hội thảo ở Texas tháng 3/2005, và được xem chiếc đĩa CD ghi lại cuộc Hội thảo, được nghe những lời nhà văn Bảo Ninh nói, tôi cứ nghĩ, giá như nhà văn Bảo Ninh là người đầu tiên tìm được gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để trao lại cho gia đình chiếc đĩa CD có ghi nội dung cuốn nhật ký mà Frederic đã đưa và nhờ cậy thì tốt biết bao! Nhưng không phải thế!

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm lại do một người Mỹ khác đem đến cho gia đình sau một chặng đường tìm kiếm khá khó khăn, vất vả, với biết bao sự đóng góp của "bao trái tim nhân hậu", như chị Kim Trâm viết, đâu có phải đã có sẵn địa chỉ cứ thế mà mang đến!

Tôi cũng không hiểu vì sao một khi nhà văn đã biết địa chỉ của gia đình như trong bài báo viết mà lại không mang kỉ vật thiêng liêng của liệt sĩ đến cho gia đình. Sau này, khi một người Mỹ đã đem đến, báo chí đã đưa tin thì lại viết thư đề nghị Frederic Whitehurst cung cấp thêm thông tin về Thùy Trâm cho mình!

3. Hơn nữa, trong bài báo nói trên, theo các tác giả Hoàng Nguyên Vũ, Việt Hà - Vũ Nguyên, nhà văn Bảo Ninh cho rằng: "Trong chiến tranh, không phải ai cũng có điều kiện viết nhật ký. Những người như chị Trâm còn có thời gian, hoặc những anh lính pháo cao xạ cũng thế, còn lính bộ binh chắc họ không có thời gian để viết. Nếu có thời gian, họ sẽ viết, viết nhiều ấy chứ, ai chẳng muốn trong ba lô mình có một bài thơ chép tay hay một dòng nhật ký?...".

Là một người đã từng có mặt tại chiến trường Quảng Đà, Quảng Ngãi trong những năm chiến tranh ác liệt, được sống và từng sát cánh chiến đấu với các chiến sĩ bộ binh ở Mặt trận 4, Quảng Đà và bộ đội địa phương Quảng Ngãi, tôi từng chứng kiến nhiều tấm gương hy sinh rất oanh liệt của các chiến sĩ và cũng từng biết, từng đọc những dòng nhật ký của các chiến sĩ bộ binh ở các chiến trường nói trên. Vì thế, đâu có phải là chỉ những người có điều kiện, có thời gian mới viết nhật ký, như ý kiến của nhà văn Bảo Ninh.

Vấn đề không phải là có thời gian hay không có thời gian để viết nhật ký mà là ở ý nghĩa và cống hiến từ những dòng nhật ký riêng tư của mỗi người, nay đã trở thành tài sản tinh thần chung của mọi người, như nhật ký của bác sỹ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mà chúng ta có được. Vì thế, xin đừng làm điều gì tổn thương đến giá trị của những điều tâm huyết mà các chiến sĩ, liệt sĩ đã để lại cho chúng ta hôm nay! Xin đừng bao giờ xảy ra những nỗi buồn chiến tranh một khi chiến tranh đã khép lại sau lưng chúng ta hàng chục năm nay!

4. Tôi không được hân hạnh quen biết nhà văn Bảo Ninh, và cũng chẳng có ý định viết về những điều này làm gì, nếu như tôi không được đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà văn trên Báo Thể thao & Văn hóa, phát biểu của nhà văn trong các bài viết trên các báo gần đây. Những điều tôi viết trên đây, nếu có gì làm nhà văn phiền lòng, xin được hiểu rằng đó là ngoài mong muốn của tôi

.
.
.