Thiếu tướng Hoàng Kiền kiểm tra dự án đường tuần tra biên giới

Chủ Nhật, 05/06/2011, 11:51
Bây giờ, đây đó có hiện tượng cán bộ đi kiểm tra công trình thi công như là đi du lịch. Họ ăn nghỉ ở nhà hàng, khách sạn, phán dăm câu ba điều rồi nhận phong bì, ra về. Với Thiếu tướng Hoàng Kiền và các trợ lý của ông thì khác. Mỗi lần kiểm tra là một lần vượt lên gian khổ, thử thách. Hết nếm mùi xe xóc "lộn" ruột gan, lại xuống đẩy xe sa lầy, rồi cuốc bộ ngủ rừng, cùng ăn bữa cơm công trường với chiến sĩ...

Thiếu tướng Hoàng Kiền, năm nay đã vào tuổi 61. Với 41 năm tuổi quân, trong đó có 6 năm là chiến sĩ công binh Trường Sơn (5 năm học tại Trường Đại học Kỹ thuật quân sự, nay là Học viện Kỹ thuật quân sự; 3 năm học tại Học viện Lục quân), gần 10 năm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn T3 Công binh Hải quân, chỉ huy xây dựng công trình chiến đấu trên các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, gần 7 năm làm Phó Tư lệnh tham mưu trưởng rồi Tư lệnh Công binh và hơn 3 năm làm Giám đốc Ban Quản lý dự án đường tuần tra biên giới (gọi tắt là Dự án 47), ông có thể "gác kiếm", nghỉ ngơi vui vầy cùng người bạn đời hiền thảo và các con cháu. Nhưng, ông vẫn có mặt trên núi rừng để chỉ đạo các đơn vị mở đường.

Biên giới là nhà

Ban đầu, nghe nói đến đường tuần tra biên giới, có người tưởng rằng nó chỉ là con đường nhỏ, rộng chừng 1-2m, phục vụ Bộ đội Biên phòng và lực lượng dân quân địa phương làm nhiệm vụ tuần tra. Nhưng, đó là con đường chiến lược dài hơn 10.000km, nền đường rộng 5,5m, phần đổ bê tông mặt đường là 3,5m, đi qua địa hình rừng núi của 25 tỉnh từ Quảng Ninh tới Kiên Giang. Muốn mở con đường này, bộ đội phải leo đèo, lội suối khảo sát, phác thảo tuyến, làm đường công vụ rồi mới đưa được trang bị kỹ thuật vào thi công.

Khi Thiếu tướng Hoàng Kiền về đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Dự án 47 thì một số công việc đã được Ban Quản lý dự án triển khai. Nhằm tăng tốc độ, ông cùng một số cán bộ trong ban và lính biên phòng cuốc bộ leo đèo, lội suối xuyên rừng, kiểm tra bộ đội thi công như những ngày phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đi tới đâu, thấy tuyến đường thiết kế còn có chỗ vòng vèo, khối lượng đất đá đào đắp lớn, ông quyết định nắn lại cho thẳng vừa để xe và người đi lại thuận lợi vừa đỡ tốn công tốn sức thi công và tiết kiệm kinh phí Nhà nước. Rồi, ông họp với lãnh đạo các địa phương, đề nghị giúp đỡ giải phóng nhanh mặt bằng, đưa bộ đội và trang bị kỹ thuật vào mở đường ở những địa bàn chưa được triển khai.

Dưới sự chỉ đạo của ông và tập thể Ban Quản lý dự án 47, từ cuối năm 2007, việc tổ chức thi công tuyến đường tuần tra biên giới đã được triển khai đồng loạt ở 7 tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Kom Tum, Gia Lai, Bình Phước và Đồng Tháp, với tổng chiều dài 400km.

Để triển khai tiếp việc mở đường ở các tỉnh khác, nhất là các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Thiếu tướng Hoàng Kiền quyết định tổ chức lực lượng Ban Quản lý dự án 47 kết hợp với Bộ đội Biên phòng mang theo trang bị cá nhân, lương khô, nước uống đi khảo sát tuyến và thiết kế vào mùa mưa. Mùa mưa ở Tây Nguyên mưa liên tục, bầu trời sầm sì, muỗi, vắt nhiều vô kể. Thấy người là chúng bâu đến hút máu. Có hôm ông và đồng đội bị vắt cắn, máu chảy đỏ ống chân mà không biết. Song, lo nhất là lạc rừng. Trong năm 2010, một tổ khảo sát đường đã lạc rừng 2 ngày không tìm được lối ra. Đêm đến, anh em phải đốt lửa canh chừng thú dữ. Thiếu tướng Hoàng Kiền vừa cùng đồng đội đi tìm, vừa điện cho Bộ đội biên phòng hỗ trợ, cuối cùng đã đón được anh em về an toàn.

Với cương vị Giám đốc Ban Quản lý dự án 47, có thể nói, Thiếu tướng Hoàng Kiền gánh trên vai một "núi việc" phải giải quyết tại Hà Nội. Hết nghiên cứu phê duyệt dự án thi công từng đoạn đường của các đơn vị, ông lại họp với Bộ Tổng tham mưu, với các bộ, ngành địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, nhưng hằng năm ông vẫn dành 40% thời gian đi kiểm tra đôn đốc các đơn vị thi công.

Bây giờ, đây đó có hiện tượng cán bộ đi kiểm tra cơ sở như là đi du lịch. Họ ăn nghỉ ở nhà hàng, khách sạn, phán dăm câu ba điều rồi nhận phong bì, ra về. Với Thiếu tướng Hoàng Kiền và các trợ lý của ông thì khác. Mỗi lần kiểm tra là một lần vượt lên gian khổ, thử thách. Hết nếm mùi xe xóc "lộn" ruột gan, lại xuống đẩy xe sa lầy, rồi cuốc bộ ngủ rừng, cùng ăn bữa cơm công trường với chiến sĩ.

Tới kiểm tra ở đâu, Thiếu tướng Hoàng Kiền đều không dừng lại ở việc nghe báo cáo của chỉ huy đơn vị mà dành phần lớn thời gian ra công trường. Ông quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của tuyến đường tuần tra biên giới không chỉ có tác dụng góp phần bảo vệ an ninh quốc gia mà còn có tác dụng phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng biên và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Đây là nhiệm vụ phải thực hiện đầy đủ 4 yêu cầu: nhanh, tốt, rẻ và không có tiêu cực.

Có lần, kiểm tra phát hiện một đơn vị đổ bê tông mặt đường chưa đảm bảo kỹ thuật, ông tận tình hướng dẫn rồi yêu cầu làm lại. Và, khi kiểm tra, nghe chỉ huy đơn vị trình bày khó khăn vướng mắc, thấy khó khăn vướng mắc nào thuộc quyền giải quyết của mình, ông quyết ngay tại chỗ để không làm chậm tiến độ thi công. Ông còn chỉ đạo cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án 47 biên soạn tài liệu hướng dẫn đổ bê tông mặt đường phù hợp với địa chất, khí hậu rừng núi, tránh việc sụt lún, nứt vỡ, tập huấn cho các đơn vị thực hiện.

Nét nổi bật nữa ở Thiếu tướng Hoàng Kiền là ông đã cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Ban Quản lý dự án 47 triển khai thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện.

Bản thân ông luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ đối với quân đội là: "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" và sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Được giao quản lý một lượng ngân sách lớn cho 25 đầu mối thi công, nhưng ông không bao giờ cho phép mình duyệt chi "thoáng" hoặc nhận quà cáp biếu xén "tế nhị". Khi đi công tác, Thiếu tướng Hoàng Kiền không bao giờ đi một mình một xe mà thường bố trí trợ lý đi cùng để tiết kiệm xăng dầu cho cơ quan. Nhiều lần đi kiểm tra đường biên, ông còn bảo cán bộ đơn vị dùng xe máy đưa đi để đỡ hại ôtô và dễ gần chiến sĩ.

Hơn 3 năm về công tác tại Ban Quản lý Dự án 47, năm nào Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng được bình bầu là Chiến sĩ thi đua và khi tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ông được công nhận là điển hình tiên tiến của Bộ Quốc phòng, được đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động.

Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai dự án xây dựng đường tuần tra biên giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Ban Quản lý dự án và sự chỉ đạo sâu sát của Thiếu tướng Hoàng Kiền, cùng với sự nỗ lực vượt lên khó khăn, gian khổ của các đơn vị thi công, 1.400km nền đường tuần tra biên giới, trong đó có 650km được đổ bê tông với 3 cầu dài trên 100m, có cầu dài tới 170m đã hoàn thành, bước đầu đưa vào sử dụng, giúp Bộ đội Biên phòng đi tuần tra thuận lợi và góp phần phát triển kinh tế vùng biên. Việc hoàn thành khối lượng công việc trên còn giúp Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích, triển khai tiếp nhiệm vụ, với quyết tâm thực hiện mỗi ngày một nhanh hơn, bảo đảm chất lượng hơn.

"Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng"

Có lẽ Thiếu tướng Hoàng Kiền đã lấy câu thơ của một nhà thơ lớn làm cảm hứng cho đời thơ chiến sĩ của mình.

Là một người yêu thơ và tập làm thơ từ thuở binh nhì (1971), bẵng đi hàng thập kỷ, Thiếu tướng Hoàng Kiền không làm được bài thơ nào. Khi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án 47, được đi tới nhiều vùng, miền tươi đẹp, giàu có của đất nước, tiếp xúc thường xuyên với đồng chí, đồng đội, nhân dân luôn luôn lạc quan, yêu đời, cần cù chịu khó lao động, công tác, hồn thơ đã trở lại với ông. Bên cạnh mảng thơ trữ tình tặng quê hương Giao Thủy, Nam Định, tặng đồng đội cùng nhập ngũ, Thiếu tướng Hoàng Kiền còn viết mảng thơ chỉ huy. Đây là những bài thơ lục bát có tính khái quát, cô đọng, dễ thuộc, dễ nhớ, tặng các đơn vị thi công đường tuần tra biên giới đọc rút kinh nghiệm, phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn yếu kém, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Trong năm 2010, tới kiểm tra các đơn vị thi công đường tuần tra biên giới tỉnh Lạng Sơn, Thiếu tướng Hoàng Kiền viết: "Đường tuần tra tỉnh Lạng Sơn/ Khởi công xây dựng sớm hơn mọi miền/ Với ba dự án đường biên/ Trăm mười cây số nối liền núi mây/ Thi công tích cực đêm ngày/ Mỗi đơn vị mỗi cánh tay tuyệt vời/ Giám sát thực nghiệm kịp thời / Giúp cho chiến sĩ nơi nơi tiến hành"…

Khi thấy đơn vị triển khai nhiệm vụ có phần chưa đáp ứng tiến bộ thi công, ông trăn trở: "Có đơn vị vẫn chưa nhanh/ Thời gian thúc giục hoàn thành sao đây". Rồi ông chỉ đạo: "Nổ mìn phá đá cho thông/ Tận dụng vật liệu gia công nghiền sàng/ Thông nền cầu cống chuyển sang/ Thi công móng, mặt sẵn sàng làm ngay/ Bê tông kiểm tra đêm ngày/ Chất lượng kém phải sửa ngay kịp thời/ Tranh thủ mọi lúc mọi nơi/ Vận chuyển đào đắp, mưa rơi cũng làm/ Chỉ huy lãnh đạo quan tâm/ Hoàn thành nhiệm vụ xứng tầm được giao".

Tới kiểm tra các đơn vị thi công đường tuần tra biên giới khu vực phía Bắc, Thiếu tướng Hoàng Kiền ghi lại cảm xúc của mình: "Tây Bắc rừng núi điệp trùng/ Hè về nắng cháy, đông cùng buốt xương/ Yêu anh người lính công trường/ Dãi dầu mưa nắng mở đường tuần tra/ Lai Châu, Điện Biên, Sơn La/ Con đường biên giới thật là gian nan".

Hiểu và cảm thông với những khó khăn vất vả của cán bộ, chiến sĩ, nhưng với tinh thần trách nhiệm của người giám đốc khi thấy có hiện tượng làm dối, làm ẩu, ông thẳng thắn phê bình và chỉ đạo biện pháp khắc phục: "Thi công, giám sát có nơi/ Làm sai, làm ẩu hỏng rồi sửa sao?/ Tiến độ thi công chưa cao/ Mọi đơn vị phải đưa vào thi đua/ Cùng nhau khắc phục sớm trưa/ Hoàn thành nhiệm vụ nắng mưa không sờn".

Đến các tuyến đường biên giới ở các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Phước, Long An…, Thiếu tướng Hoàng Kiền đều có thơ nhận xét cụ thể. Tại Đồng Tháp ông viết: "Đồng Tháp làm đường tuần tra/ Cửu Long sông nước bao la hiền hòa/ Hướng về vùng sâu, vùng xa/ Một dự án với đường ra ba đồn (đồn biên phòng)". Sau khi chỉ rõ những khó khăn về thời tiết, địa chất, sông nước, Thiếu tướng Hoàng Kiền lưu ý: "Thời gian gấp rút từng giờ/ Phải lo tháo gỡ không chờ, không trông/ Coi trọng chất lượng bê tông/ Tiến độ xây dựng phải đồng bộ cao/ Mọi mặt đảm bảo đưa vào/ Tranh thủ trời nắng nêu cao tinh thần/ Chủ động vượt mọi khó khăn/ Hoàn thành nhiệm vụ chuyên cần sớm hôm".

Kết thúc đợt kiểm tra, ông viết bài thơ dài "Con đường mơ ước", nêu bật tầm quan trọng của tuyến đường tuần tra biên giới, biểu dương các đơn vị thi công đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, bước đầu hoàn thành nhiệm vụ. Bài thơ được kết thúc với lời hứa đầy quyết tâm của những người chiến sĩ trên tuyến đường: "Hoàn thành nhiệm vụ quang vinh/ Vì dân vì nước quên mình sá chi".

Cảm phục trước ý chí và tinh thần trách nhiệm của Thiếu tướng Hoàng Kiền với Dự án đường tuần tra biên giới, nhiều cán bộ và người dân đã làm thơ tặng ông. Xin trích mấy câu thơ của ông Nguyễn Văn Trung ở xã Giao Thịnh, Giao Thủy trong bài thơ "Vị tướng nhà thơ" tặng Thiếu tướng Hoàng Kiền để kết bài báo này: "Trân trọng, cảm phục trong tôi/ Mấy câu mừng chúc con người yêu thơ/ Sống mà lãng mạn ước mơ/ Vị tướng như thế thật vừa lòng dân"

Duy Thủy
.
.
.