Thiếu kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em ở vùng cao
- Giải pháp ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em
- Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp
- Góp lời chống lại vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em
Yêu sớm dẫn đến phạm tội
Mùa A Dè, SN 1996, sinh ra và lớn lên ở bản Háng Trở 1, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Do nhà đông anh em (7 anh em) nên Dè học hết lớp 9 thì ở nhà làm nương. Tháng 3-2016, Dè đi làm thuê tại Công ty Xây dựng G6 - Khu công nghiệp VISIP huyện Từ Sơn (Bắc Ninh).
Cũng trong lúc làm việc ở đây, Dè được Sồng A Chọng (xã Mười Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) giới thiệu quen biết cô bé 12 tuổi Cứ Thị D (cùng bản với Chọng). “Vừa gặp đã yêu” khiến Dè thường gọi điện tán tỉnh D.
Từ những cuộc điện thoại của chàng trai hơn mình 10 tuổi đã khiến cô bé dần nảy sinh tình cảm yêu đương. Nhớ nhung khiến Dè bỏ cả công việc ở Bắc Ninh về Sơn La tìm người yêu. Dè về nhà D ở, ăn cơm cùng gia đình D. Cơm nước xong, đôi trai gái đi chơi trong bản.
Một đối tượng xâm hại tình dục trẻ em bị Công an tỉnh Sơn La bắt giữ. |
Trên đường đi, Dè hỏi “đã yêu được chưa?”, cô bé trả lời “yêu được rồi”. Dè lại hỏi tiếp “Anh cho em tình yêu thì em có nhận không?”. Cô bé không ngập ngừng mà trả lời luôn “được, chỉ sợ anh không cho thôi”. “Thế tí vào nhà cùng nhau ngủ nhé”- sau lời rủ rê của người yêu, cô bé đồng ý…
Làm chuyện “người lớn” xong, Dè vẫn tiếp tục ở lại nhà D. Những ngày sau đó, Dè đi làm nương cùng gia đình D. Trong lúc làm nương, mẹ của D hỏi Dè có thích con gái của bà không, nếu thích thì lấy nó về làm vợ. Dè vui sướng đồng ý ngay.
Những ngày sau đó, Dè vẫn ở nhà D và quan hệ tình dục với cô bé. Do loáng thoáng nghe được tin tức nên sau bữa cơm tối, D nói với Dè là lên nương ngủ, nếu ngủ lại nhà thì sẽ có người đến bắt. Dè nói “không sợ đâu, mình không làm gì sai, mình cứ ngủ ở đây”. Sau đó, anh ta tiếp tục trấn an người yêu “đừng sợ, ngày mai, ngày kia mình đi về nhà anh rồi”.
Cho tới tận lúc này, Dè vẫn nghĩ rằng, do yêu nhau nên việc quan hệ tình dục với cô bé 12 tuổi là bình thường. Chỉ tới khi Công an xã Mường Sai đến kiểm tra hành chính, phát hiện Mùa A Dè là người ở địa phương khác nhưng không đăng ký tạm trú và có quan hệ tình dục với trẻ em nên đã lập biên bản, báo cáo Công an huyện. Nghe được giải thích thì Dè mới rõ ràng hiểu mình đã phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Theo cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Sơn La thì đây là một vụ án mà hành vi phạm tội của đối tương một phần do ảnh hưởng bởi phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của đối tượng và bị hại.
Cần năng cao hiểu biết và kỹ năng phòng tránh
Qua điều tra của Công an tỉnh Sơn La thì đối tượng xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Có những vụ án có tính chất nghiêm trọng, đối tượng chủ yếu là người thân quen với nạn nhân, thường cho quà, dụ dỗ nạn nhân đến chỗ vắng vẻ để thực hiện hành vi phạm tội. Nạn nhân chủ yếu ở lứa tuổi từ 4 đến 12, lứa tuổi mà các em chưa nhận thức được nguy hiểm và cũng chưa có kỹ năng để phòng tránh. Vì bị đối tượng đe dọa, nhiều em sợ hãi về nhà không dám nói với ai.
Vụ án đau lòng xảy ra mới đây ở xã Nà Mường, huyện Mộc Châu là một ví dụ. Đinh Văn Cảnh, 15 tuổi, trên đường đi cho trâu ăn để tiếp tục cày ruộng buổi chiều thì nhìn thấy cháu Đinh Thị Linh C (hơn 3 tuổi) đi tiểu tiện ở sau nhà liền nảy sinh ý định tà ác. Sau khi hái hai quả xoài trên cây, Cảnh cho cháu C một quả và bảo cháu đi lấy muối để chấm ăn. Lợi dụng cháu C còn nhỏ, không tự bảo vệ được bản thân nên Cảnh dụ cháu vào trong gian bếp, đe dọa dùng vũ lực để thực hiện hành vi giao cấu với cháu.
Những tổn thương về thể chất và tinh thần với những bé gái bị xâm hại tình dục là không gì có thể bù đắp được. Nhưng nguy cơ bị xâm hại vẫn luôn rình rập trẻ nhỏ bất kể ở đâu và trong tình huống nào. 6 tháng đầu năm 2017, số vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Sơn La gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Điều này đã gây lo lắng không chỉ cho các bậc cha mẹ, nhà trường, mà còn cho cả cộng đồng.
Theo Thượng tá Tòng Văn Siêng, Phó trưởng Phòng PC45 Công an tỉnh Sơn La thì công tác đấu tranh chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không chỉ riêng của lực lượng Công an mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Các ngành chức năng của tỉnh Sơn la cần phải vào cuộc để nâng cao công tác phòng ngừa, đề cao công tác tuyên truyền, nâng cao công tác quản lý giáo dục của gia đình và nhà trường.
Cha mẹ là người gần gũi với con cái nhất, cần quan tâm hướng dẫn và dạy các bé gái kỹ năng nhận biết khi gặp nguy hiểm, đặc biệt là cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ, đe dọa của đối tượng xâm hại để phòng tránh.
Làm thế nào để khi các em nhận biết mình đang bị đối tượng có ý đồ xâm hại dụ dỗ, lôi kéo biết cách thoát thân cũng là cả một kỹ năng mà cần có các chuyên gia mở các lớp tuyên truyền, hướng dẫn để phụ huynh và học sinh được trang bị kiến thức. Đối với người dân vùng cao Sơn La thì để làm được điều này quả là khó, phải dựa vào sự tích cực của chính quyền xã, thôn bản trong công tác tuyên truyền, vận động.
Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em là biện pháp tối ưu nhất hiện nay. Và để làm được điều đó, Phòng PC45 đã tham mưu, hướng dẫn cho Công an các địa phương phối hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở mở các lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng trong nhân dân, trong nhà trường để giảm bớt nguy cơ, phòng tránh hậu quả đáng tiếc.