“Thiên thần áo trắng” ở trại tù giữa rừng U Minh

Thứ Năm, 07/12/2006, 15:45
Bác sĩ Diệp nhẹ tay đỡ một bệnh nhân trên 80 tuổi lên giường rồi đặt ống nghe và thăm hỏi rất ân cần. Không còn ranh giới giữa người chiến sĩ Công an với phạm nhân. Công việc thầm lặng, đầy ắp tình người này thường xuyên xảy ra giữa chốn rừng tràm sâu thẳm U Minh.

Gỡ khẩu trang, bao tay ra, Thiếu tá Đặng Hoàng Diệp kể cho tôi nghe việc thường nhật của anh và các đồng sự rằng, ngoài việc theo dõi bệnh tình của khoảng 30 phạm nhân nằm lại bệnh xá, cứ sau giờ lao động của phạm nhân (thường là 16h mỗi ngày), các anh tổ chức cấp thuốc cho khoảng 150 bệnh nhân tại cả hai khu của phạm nhân nam và nữ. Xong việc có khi đến 19h, các anh mới lo chuyện cơm nước. Bận rộn là thế nhưng chiều hôm đó, tôi thấy chỉ có mỗi mình anh với một y sĩ khác.

Theo lời kể của Thượng tá Trần Hoàng Thọ - Giám thị, cả bệnh xá của Trại Cái Tàu này hiện có 7 anh em. Khi Bệnh xá trưởng - Thượng úy Lê Việt Hận, đi học chuyên khoa siêu âm, một y sĩ khác đi học bác sĩ tại Hà Nội thì số anh em còn lại phải căng sức ra để hoàn thành nhiệm vụ.

Cụ thể, tại Phân trại K1 (nằm trên địa phận xã Khánh An, huyện U Minh), dù là phân trại có phạm nhân đông nhất nhưng chỉ có Thiếu tá Diệp và 2 cán bộ. Hai phân trại còn lại (K2 ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cách Phân trại K1 60km và Phân trại K3, cùng xã Khánh An, U Minh, cách Phân trại K1 khoảng 15km) mỗi nơi chỉ có một nhân viên y tế.

Thiếu tá Diệp bổ sung: "Bệnh xá của Trại hiện chỉ có 12 giường. Nếu căn theo tỉ lệ trung bình là 200 phạm nhân/giường thì Trại Cái Tàu còn thiếu đến 1/2 quân số có chuyên môn y tế".

Các anh không nói nhưng tôi hiểu được rằng, với sự thiếu người trầm trọng như thế, chỉ cần một người đi học thôi thì trách nhiệm "ở nhà" sẽ đè lên anh em còn lại. Tuy nhiên, cũng chính từ thực tế này, tôi mới có dịp biết đến những nỗ lực đáng ghi nhận của những "thiên thần áo trắng" nơi đây.

Giám thị Trần Hoàng Thọ kể, cách đây chưa lâu, được sự hỗ trợ nhiệt tình của Cục Y tế (Bộ Công an) kết hợp cùng Trung tâm chống lao TP Hồ Chí Minh, đã có trên 1.000 phạm nhân nghi bệnh lao được xét nghiệm. Qua đó đã phát hiện trên 100 ca bị lao.

Sau đợt công tác này, Trại cũng được trang bị 2 máy xét nghiệm đờm, thuận lợi cho việc theo dõi, phòng chống căn bệnh dễ lây lan, nhất là môi trường sống, sinh hoạt tập trung như trại giam. Các phạm nhân rất phấn khởi khi có thêm những phương tiện này.

Có một mảng công việc khá đặc biệt, thể hiện đậm tình thương giữa con người với con người với nhau là việc chăm sóc cho số phạm nhân có HIV/AIDS. Bác sĩ Diệp kể, năm 1998, lần đầu tiên phạm nhân của Trại được xét nghiệm HIV/AIDS, phát hiện trên 30 ca, nhiều anh em cảm thấy lo lắng. Đến giai đoạn 2003 - 2004, tỉ lệ phạm nhân có HIV cao ngất ngưởng - trên 30%. Nguyên do Trại tiếp nhận chủ yếu phạm nhân là tội phạm hình sự nghiện ngập từ địa bàn TP Hồ Chí Minh chuyển đến.

Kể từ năm 2005, việc xét nghiệm HIV được Trại trực tiếp thực hiện. Theo quy định hiện nay, nếu phạm nhân xác định chuyển sang AIDS thời kỳ cuối, sẽ được trở về địa phương. Cũng từ quy định này mà số phạm nhân có HIV/AIDS tại Trại hiện chỉ còn 198 ca (trong đó đã có 34 ca chuyển sang AIDS). Tuy nhiên, tỉ lệ này hiện cũng cao nhất so với các trại giam khác tại miền Tây.

Là một trong những người nằm trong tốp "lão làng" của Trại với 34 năm tuổi ngành và đặc biệt là 28 năm gắn bó với công việc của người thầy thuốc, bác sĩ Diệp cho biết, có nhiều lúc anh và đồng đội vì quá chú tâm vào việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân mà chẳng thấy ranh giới giữa Công an và phạm nhân.

Vào thời điểm số phạm nhân có HIV/AIDS đông, có khi chỉ trong một tuần, anh và các đồng nghiệp rơi nước mắt khi chứng kiến gần cả chục người ra đi. Anh chỉ tay về phía sau Trại nói: "Đấy là nghĩa địa dành cho những con người xấu số như thế. Hiện nghĩa địa này đã có trên 100 ngôi mộ. Thỉnh thoảng người nhà họ đến xin được thắp nén nhang và xin cho họ nằm vĩnh viễn lại đây".

Bác sĩ Diệp kể cho tôi nghe trường hợp có HIV/AIDS khiến anh và rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Trại Cái Tàu không thể nào quên. Đó là phạm nhân M., quê ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi biết mình có HIV, anh M. đã có nhiều biểu hiện tiêu cực. Có hôm hàng chục phạm nhân cùng hốt hoảng chạy tứ tán vì thấy anh ta tự cắt da thịt mình rồi đòi tự sát.

Có lần, đích thân giám thị cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ bất chấp máu của anh M. đang chảy mà lao vào khống chế, ngăn chặn thái độ liều mạng của anh. Anh em bệnh xá đã dùng những lời khuyên chân thành, nhất là khi nghe kể có rất nhiều người dù bị HIV nhưng vẫn sống có ích cho đời, anh M. dần tỉnh ngộ và có thái độ sống tốt hơn. Năm 1999, anh này được về nhà, ba năm sau thì chết.

Theo lời kể của Giám thị trại, do trang thiết bị y tế trong Trại hiện chưa đủ điều kiện nên trung bình mỗi năm, Trại phải chi trên dưới 200 triệu đồng để đưa các phạm nhân bị bệnh ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị. "Suốt năm, gần như lúc nào tại bệnh viện cũng có cán bộ, chiến sĩ Trại Cái Tàu trực chiến" - bác sĩ Diệp nói.

Vất vả nhất là việc điều trị ngoại trú đối với những bệnh nhân bị tim mạch. Anh kể: "Có trường hợp chỉ trong vòng một tuần, chúng tôi phải chuyển, cho nhập và xuất viện đến 6 lần nhưng rồi rốt cuộc cũng không qua khỏi". Hiện nay, các anh đang hết sức vất vả với một trường hợp bệnh nhân 24 tuổi nhưng bị suy tim độ 3. Còn công việc lao động hàng ngày của phạm nhân tại cả 3 phân trại, có khi chỉ là một vết trầy xước rớm máu, các nhân viên y tế cũng phải có mặt kịp thời.

Giám thị Trần Hoàng Thọ nói, sự quan tâm chăm sóc sức khỏe, y tế này đã góp phần thay đổi nhận thức của rất nhiều phạm nhân. Có phạm nhân đã khóc khi thấy được chăm sóc tử tế và đầy nhân hậu như thế. Vì vậy, họ có thái độ bảo vệ sức khỏe của mình để lao động, cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình.

Trại Cái Tàu hiện vẫn là trại nằm cuối cùng ở cực Nam Tổ quốc. Xa xôi, cách trở, khắc nghiệt... phạm nhân luôn thường trực ở con số vài ba ngàn; tuy nhiên các đồng chí giám thị cho đến hàng trăm cán bộ, chiến sĩ luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao

Bình Huyền
.
.
.