Theo chân lực lượng Biên phòng Chi Ma “chống dịch” cúm gia cầm
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm A H7N9 đang ở cửa ngõ biên giới, có thể xâm nhập Việt Nam bất cứ lúc nào, dù thời tiết không ủng hộ, trời đêm mưa phùn, nhiệt độ có thể xuống chừng 10 – 12 độ C, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an vẫn lập chốt chặn tại các đường mòn, cửa ngõ biên giới 24/24h. Gia cầm thịt nhập lậu đã thực sự thưa bóng, chỉ còn vấn đề gia cầm giống, bởi hiện là thời điểm tạo đàn.
Chúng tôi có mặt ở cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) lúc 5h chiều, trời lạnh và đã nhá nhem tối. Trước việc chúng tôi tha thiết muốn lên tận các điểm đường mòn, lối mở gia cầm lậu thường đi qua, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chi Ma ngần ngại: "Đường lên rất khó, thời điểm này có mưa phùn nên rất lầy lội, không có xe gầm cao thì không vào được". Cuối cùng, phải có sự giúp đỡ của lực lượng Bộ đội Biên phòng, chúng tôi mới có thể đến được các khu vực này.
Hàng rào ở cửa ngõ biên giới được lực lượng chức năng dựng lên để chống vận chuyển gia cầm lậu. (Ảnh chụp đêm 10-3). |
Không khí chống dịch ở đây đang lên cao. Suốt dọc đường tuần tra biên giới, cách khoảng 1km lại có 1 chiếc xe máy dựng bên đường - là xe của anh em hải quan hoặc Biên phòng tuần tra đêm. Cách khoảng 2-3km lại có một lán dựng tạm của Biên phòng – Hải quan túc trực ngày đêm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm không có giấy tờ qua biên giới.
Đại úy Lê Văn Chất, Trạm Biên phòng Chi Ma - đang có mặt tại chốt “trọng điểm” bên cánh gà biên giới, nơi có tuyến đường mòn khá lớn, xe cơ giới có thể qua lại cho biết: "Tại các điểm này, anh em đều dựng các hàng rào để ngăn cản phương tiện. Cách hàng rào chừng 100m, anh em còn có sáng kiến cuốc đường lên, chỉ chừa lại một lối nhỏ vừa xe thô sơ và người đi bộ, tránh phương tiện buôn lậu phóng “vù” một cái là qua, không ngăn chặn kịp thời. Các hàng rào và hố đó được anh em kiểm tra thường xuyên, hố bị lấp thì lại đào lên. Cao điểm chống dịch nên phải thế”.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Chi Ma vẫn “nổi tiếng” là khu vực gia cầm lậu hay đi qua. Đại úy Lương Văn Thủy, người đã gắn bó với Đồn Biên phòng Chi Ma được 5 năm cho biết: "Những năm anh mới về công tác ở đây, tình hình buôn lậu phức tạp hơn nhiều. Còn hiện đã giảm đáng kể. Đã lâu, lực lượng chức năng không phát hiện, bắt giữ vụ buôn bán gia cầm thịt nào". Thông tin này cũng được Thượng tá Hoàng Văn Chung, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và ông Mố Quang Đại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chi Ma xác nhận.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn, lên các cửa khẩu cũng rất thưa thớt phương tiện. Trên các cặp cửa khẩu cũng không có cảnh tấp nập phương tiện qua lại, đặc biệt là những chiếc “quan tài bay” (xe tải nhỏ chừng 700kg, 1 tấn, thường dùng để chở hàng lậu và phóng trên đường với tốc độ rất nhanh, nên được dân buôn và người dân địa phương gọi là “quan tài bay”), đặc trưng của khu vực cửa khẩu Lạng Sơn cũng ít.
Trên địa bàn hiện nay chỉ còn “nóng” buôn lậu gia cầm giống vào dịp tạo đàn (mỗi năm 2 đợt, vào khoảng tháng 3 và tháng 8, thường rộ lên khoảng 1 tháng rồi lắng xuống). Cái khó nhất của việc chống buôn lậu mặt hàng này là không có đường dây, đầu nậu như thời điểm rộ buôn lậu gà thịt vài năm trước đây, mà phần nhiều do người dân địa phương lẻ tẻ sang bên kia biên giới gánh hàng về, hoặc gánh thuê, hoặc tự mang ra chợ bán.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Đức Bính, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Chi Ma cho biết: "Bà con các thôn biên giới thường gánh gà, vịt giống qua các đường mòn, lối mở. Lực lượng chức năng ở khu vực đã thống kê khoảng 7, 8 lối mở người dân thường qua lại, nhưng chặn lối mở thì người dân đi lối tắt. Việc hình thành các lối này rất đơn giản, cứ rẽ cỏ cây mà đi. Bà con địa phương lại rành đường hơn ai hết. Thế nên, dù đã giăng lực lượng hết cỡ (mỗi đêm có khoảng 40 chục anh em chốt chặn các ngả), nhưng nói ngăn chặn tuyệt đối là không thể".
Ở bên kia biên giới, gà vịt giống có giá hơn 1 tệ/con, tức khoảng 4.000 đồng, về đến chợ biên giới bán được 7.000 – 8.000 đồng, mỗi gánh 100 – 200 con, bà con cũng lãi được vài trăm nghìn đồng, nên việc buôn lậu con giống hấp dẫn với nhiều người. Nếu gánh thuê, mỗi gánh bà con được trả 130.000 – 140.000 đồng.
Nắm được đặc điểm tình hình, lực lượng liên ngành Biên phòng – Công an – Hải quan ở biên giới đã tổ chức cho bà con các thôn giáp biên Nà Quai – Nà Phát ký cam kết không tiếp tay, không vận chuyển, không chứa chấp gia cầm nhập lậu, không mang lồng đựng vịt, gà sang bên kia biên giới, không cản trở khi lực lượng chức năng vào bắt giữ gia cầm lậu...
“Trước đó, anh em vào bắt là bà con cứ miệng nói tay làm: “Cho xin một tí, cho xin một tí” là thò tay vào lồng đánh tháo gà, vịt. Anh em giữ tang vật để mang đi tiêu hủy rất khó khăn”- ông Mố Quang Đại cho biết.
Theo Đại úy Nguyễn Đức Bính: Cách này tuy cũng có tác dụng giúp bà con hiểu vận chuyển loại hàng hóa này là nguy hiểm - trước hết cho mình, nên đã ký cam kết là có nâng cao nhận thức; nhưng vấn đề là chỉ tuyên truyền được cho những người... ở nhà, còn những người thực sự đi buôn hàng bên kia biên giới thì lại không tiếp cận được.
Cái khó trong việc đối phó với người dân địa phương cũng là nỗi trăn trở của Thượng tá Hoàng Văn Chung. “Đối phó với bọn buôn lậu, với đường dây dễ hơn. Đây toàn người dân địa phương. Trừ trường hợp bắt quả tang bà con đang gánh hàng qua biên giới, hoặc bắt được ở điểm tập kết với số lượng lớn, thì kiểm tra giấy tờ không có, có thể bắt tang vật để tiêu hủy. Còn bà con gánh lẻ tẻ hai ba chục con xuống chợ bán hàng thì không phân biệt đâu là gia cầm nhà nuôi, đâu là gia cầm qua biên giới. Như thế, muốn tịch thu của bà con tiêu hủy không phải dễ” – Thượng tá Chung chia sẻ.
Trong khi đó, dịch có thể ẩn mình trên bất cứ con gia cầm nào. Lo thì cũng lo lắm, nhưng ông Mố Quang Đại cũng phải thừa nhận: Vào đợt cao điểm, anh em làm gắt thì buôn lậu giảm đáng kể. Giảm thì giảm thật đấy, nhưng nói triệt để thì không triệt để được đâu. Để ngăn chặn dịch 100%, vẫn còn phải chờ vào một chút may mắn.