Theo chân đội chiếu bóng lưu động

Thứ Sáu, 12/12/2008, 08:05
Chiều đông. Đường rừng. Lúc bản Cốc (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) hiện ra mờ mờ phía trước, thì cũng là lúc tiếng loa phóng thanh vang vọng đến. Lần theo tiếng loa, chúng tôi thật sự bất ngờ khi trước mắt hiện ra đám đông dân bản đang xúm quanh một màn ảnh rộng được căng lên giữa bãi đất trống, vốn là một thửa ruộng bậc thang vừa gặt xong. Đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào vùng cao ...

Đã nhiều năm gắn bó với công việc này nên hai cán bộ của đội chiếu bóng lưu động là anh Thiều Quang Hùng và Nguyễn Văn Quang khá gọn gàng trong việc chuẩn bị cho một buổi chiếu.

Một màn hình rộng 300 inch đã được dựng lên phía cuối bãi. Người thì khẩn trương lắp đặt chiếc máy chiếu hiệu Optoma bên trên chiếc bàn con con đặt trên mặt ruộng còn ngổn ngang rơm ra;. người thì mải mê tăng chỉnh các thiết bị phát thanh, kiên nhẫn đọc vào micro bằng giọng đều đều "Alô, alô, một, hai, ba, bốn…". 

Chẳng mấy chốc, đám trẻ nhỏ của bản Cốc đang vây kín xung quanh đã được mắt tròn mắt dẹt với một rạp chiếu phim ngoài trời mà không phải đứa nào cũng đã may mắn thấy được hơn hai lần trong đời.

Suốt hơn 25 năm gắn bó với công việc này, nên dù trẻ tuổi hơn anh Quang (46 tuổi) nhưng anh Thiều Quang Hùng (45 tuổi) vẫn là Đội trưởng Đội Chiếu bóng số 7 (Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa).

"Đội của chúng tôi có nhiệm vụ đem phim đến phục vụ bà con tại các bản làng của huyện Bá Thước, nơi ít có điều kiện được tiếp xúc với các loại hình văn hóa nghệ thuật. Lồng ghép với các buổi chiếu phim, chúng tôi đều có thêm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách và chủ trương của Nhà nước đến với bà con" - anh Thiều Quang Hùng cho biết.

Hòa trong đám đông những nông dân đi làm đồng về, đám trẻ nhỏ háo hức chờ tối đến xem phim, Trưởng bản Cốc, ông Hà Văn Tuấn, vui vẻ nói: "Bản Cốc nghèo, chưa có nhà văn hóa, cũng không có nhà sàn nào đủ rộng cho cán bộ chiếu phim, đành phải dựng rạp ngoài bãi ruộng này vậy. Vất vả chút, nhưng được xem phim là quý hóa lắm rồi...".

Bữa nay, đội chiếu bóng sẽ chiếu bộ phim "Phi vụ phượng hoàng", nội dung tuyên truyền về hoạt động đấu tranh phòng chống ma túy của lực lượng Công an. Bên cạnh đó là việc lồng ghép các tài liệu tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới.

Trong hành lý của các anh còn có thêm một số phim như "Chuyện xưa ở thung lũng Xi Rồ" nói về phong tục tập quán cưới hỏi của người Mường xưa, vận động bà con hướng tới việc cưới xin theo đời sống mới; phim "Cảnh sát hình sự" phản ánh cuộc đấu tranh của lực lượng Công an, đồng thời nâng cao vấn đề cảnh giác cho bà con trong nạn buôn bán và lừa gạt phụ nữ, trẻ em;  phim "Mùa sen" tuyên truyền về công ơn của các thầy cô giáo…

Bá Thước là một huyện lớn với 23 xã, thị trấn (225 thôn, bản) phân bố rải rác trên khắp diện tích tự nhiên là 777,2km2, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đường sá đi lại rất khó khăn. Một năm làm việc ròng rã, nhưng với việc di chuyển khó khăn, thì các cán bộ của Đội 7 cũng không thể đem phim đến với tất cả các bản trong huyện.

"Với kế hoạch mỗi thôn bản chiếu hai buổi, cố gắng lắm thì chúng tôi cũng chỉ phục vụ bà con được 192 buổi chiếu mỗi năm. Lần lượt chiếu ở hết xã này thì đến xã khác, có khi đôi ba năm chúng tôi mới gặp lại được bà con một lần" - anh Quang cho biết.

Đó là công việc trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Nếu tình trạng thời tiết xấu xảy ra thì dù có nỗ lực đến đâu thì các cán bộ của đội chiếu bóng cũng đành "khất lỗi" với bà con, bởi đường đất bị núi cao sông sâu ngăn trở, không thể đến thôn bản được.

Cả ba người trong Đội chiếu bóng số 7 đều là dân miền xuôi, lên miền núi công tác. Như thường lệ, mỗi chuyến công tác của các anh thường kéo dài cả tháng. Hành trang của những người làm công tác chiếu bóng lưu động thường khá đơn giản với các thiết bị chủ yếu gồm màn hình, máy chiếu, băng đĩa, tài liệu…, tổng trọng lượng ước khoảng 150kg xếp chật ba thùng tôn lớn.

Việc vận chuyển đến các thôn bản thuộc trung tâm xã hoặc thị trấn còn đơn giản, nhưng khi đi đến những thôn bản xa xôi thì là cả một vấn đề lớn. Những thôn bản nằm sâu trong đại ngàn Pù Luông mà đường đi bộ vào còn khó nhọc như Son, Ba, Mười, Eo Kén, Pà Khà…, hành lý thường được bổ sung thêm chiếc máy nổ, vì bản còn chưa có điện lưới, nên việc đem phim ảnh đến với bà con có thể xem là kỳ tích đối với các anh. Việc ăn ở thường thì các anh tự túc, nên mỗi người đều mang theo gạo và mì tôm theo.

"Nếu gặp thôn bản quý cán bộ thì được thêm bữa cơm, nhưng lúc gặp mưa gió hay đến bữa vẫn đang giữa rừng, thì chỉ mì tôm và rau dại là nhanh nhất" - Lê Trung Lương (26 tuổi), thành viên trẻ nhất đội nhưng cũng có 3 năm kinh nghiệm, cho biết thêm.

Hỏi chuyện đời sống riêng, cả ba thành viên của đội chiếu bóng lưu động đều cười ngượng nghịu. Đội có 3 người nhưng chỉ có một người được dùng xe máy cơ quan, có hưởng phụ cấp công tác phí, xăng xe, là đội trưởng. Nhưng nếu tính tổng cộng thu nhập, kể cả phụ cấp, thì nhiều nhất là Đội trưởng Thiều Quang Hùng cũng chỉ được 1,7 triệu đồng/tháng...

Anh Hùng tâm sự: "Nghề chưa nuôi được người làm nghề, nhưng chúng tôi chưa ai từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Anh cứ ở đây, nhìn ánh mắt, tiếng cười của dân bản trong mỗi buổi chiếu phim, anh sẽ hiểu tình cảm, sứ mạng của người làm chiếu bóng lưu động chúng tôi thôi"

Lê Quân
.
.
.