Thẻ lậu “đại náo” thị trường

Thứ Năm, 01/06/2006, 14:00

Với giới buôn bán thẻ lậu, chỉ tốn một ít vốn, chuyên môn cùng với - máu liều là có thể kiếm được những món lợi kếch sù từ thị trường này. Chẳng thế mà 80% thị phần thẻ gọi điện đi nước ngoài ở nước ta hiện nay do các đường dây thẻ lậu cung cấp.

Điện thoại Internet hay Internet phone là một loại hình dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet. Tại TP HCM hiện nay, người sử dụng Internet phone không khó gì để tìm một chiếc thẻ gọi điện thoại đi nước ngoài. Tại các khu vực trên các con đường Bùi Thị Xuân, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quang Khải (quận 1, TP HCM), nhiều điểm dịch vụ Internet hay mua bán máy tính đều có bán thẻ Internet phone. Các loại thẻ ăn khách nhất vẫn là các nhãn hiệu nước ngoài Ringvoiz, Usvoiz, Mediaring, Evoiz, Evoiz advanced, e-Evoiz...

Các loại thẻ này sẽ không là hàng lậu nếu như nó được cung cấp một cách hợp pháp vì suy cho cùng nó cũng là một mặt hàng dịch vụ viễn thông. Hơn thế, những công ty cung cấp dịch vụ này là những công ty lớn mang tầm quốc tế (các nhãn hiệu như Ringvoiz, Mediaring...). Thế nhưng, phương thức để những loại thẻ này đến tay người sử dụng là điều đáng nói. Những loại thẻ này xuất hiện tại thị trường TP HCM đa phần không rõ nguồn gốc, không thông qua kênh phân phối chính thức hay chịu sự quản lý của bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào.

Theo T., một tay kinh doanh thẻ Internet phone trên đường Tôn Thất Tùng, chỉ cần lên trang web của các hãng này và đăng ký mua thẻ bằng tiền (thanh toán qua mạng), họ sẽ cung cấp tài khoản (account), mã pin (pin code) và số thẻ (serial number). Tại Việt Nam (VN), người mua sẽ in số liệu này vào những mẫu thẻ có sẵn bằng tiếng Việt và bán ra thị trường. Từ lẽ đó, những chiếc thẻ đang bày bán trên thị trường có hình thức rất xấu và chữ Việt lẫn lộn với chữ nước ngoài trong khi các loại thẻ “chính thống” như Fone VNN (Công ty Tin học Bưu điện) hay Snetfone (Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn - SPT) được in ấn đẹp và lẽ dĩ nhiên với độ bảo mật rất cao. Xét ở góc độ giá cả, cước phí của những loại thẻ lậu có mức chênh lệch so với thẻ của các công ty trong nước thường vào khoảng vài chục đồng/ phút đàm thoại.

Vì sao thẻ lậu có giá cước thấp hơn các loại thẻ cùng chức năng do các nhà kinh doanh trong nước cung cấp? Theo giới đầu nậu và những người am hiểu trong lĩnh vực này, tỉ lệ chiết khấu của các hãng nước ngoài cho các đối tác (là kênh phân phối) tại VN thường lên đến 20 -30%, trong khi chiết khấu của các doanh nghiệp VN chỉ vào khoảng 10% cộng với một số chính sách khác. Điều này cũng dễ hiểu vì thẻ lậu vào VN không thông qua hình thức “nhập khẩu” hợp pháp và dĩ nhiên, không chịu bất kỳ loại thuế nào. Những yếu tố đó đã góp phần làm cho thẻ lậu có giá rẻ.

Hiện nay, giới thẻ lậu đã nghĩ ra “chiêu” mới trong việc tăng lợi nhuận cho mình, “ăn gian” số phút trong thẻ. Cô Hà, phường 2, quận 3, TP HCM có con du học tại Mỹ, cho biết, cô phải trả 30.000 đồng cho 100 phút gọi đi Mỹ thì khi gọi chỉ được vài chục phút, tài khoản trong thẻ này đã hết. Theo một chuyên viên kỹ thuật làm việc trong một công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông tại TP HCM, từ một account mua trên mạng thông qua các website bán dịch vụ Internet phone của nước ngoài thì giới kinh doanh thẻ ở VN có thể “ăn gian” bằng cách in ra nhiều thẻ. Điều này sẽ làm cho số phút gọi của khách hàng trên một thẻ bị mất đi và thường không đầy đủ cho tất cả thẻ. Có khi cùng gọi đi Mỹ thẻ SnetUS của SPT phát hành với giá 70.000 đồng/200 phút, nhưng thẻ lậu có giá bán dao động từ 60.000 đồng đến 65.000 đồng lại chỉ gọi được 189 phút. Mặt khác, vì in trên chất liệu “rẻ tiền”, có khi in bằng máy in và... viết tay nên khi gặp sự cố về thẻ, khách hàng hầu như mất trắng, không đổi lại, không biết nguồn gốc từ đâu, và tất nhiên không ai chịu trách nhiệm chuyện bảo mật.

“Cuộc chơi” còn có mấy ai?

Cô Hồ Mai Thi, đại diện của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn - một trong những nhà cung cấp dịch vụ Internet phone (SnetFone) có nhiều lợi thế về hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại VN hiện nay, cho rằng sự an toàn chính là ưu thế mà thẻ chính thức hiện nay nắm giữ. Nhưng để cạnh tranh với thẻ lậu, giá cước gọi đi các nước thông dụng do các công ty cung cấp thẻ chính thống cũng không hơn các loại thẻ lậu là bao (chênh lệch 20-30 đồng/phút). SPT cũng là một doanh nghiệp cung cấp khá nhiều loại hình dịch vụ viễn thông từ điện thoại Voip, Internet card (snetcard monthly) đến thẻ Internet phone và loại hình nào cũng phải cạnh tranh gay gắt mới đứng được trên thị trường.

Theo cô Hồ Mai Thi, không chỉ đối với Internet phone mà đối với tất cả các dịch vụ đó, khi sử dụng thẻ chính thức của các nhà cung cấp VN, khách hàng được an toàn tuyệt đối về tài khoản của mình vì nếu xảy ra những sự cố kỹ thuật không phải do khách hàng gây ra, nhà cung cấp sẽ bồi thường những trường hợp đó.          

Theo thống kê mới đây của SPT thì nhu cầu của khách hàng đối với dịch vụ Internet phone là rất lớn, nhưng thẻ lậu đang chiếm tới 80% thị trường, 20% còn lại là thị phần của 6 nhà cung cấp chính thức gồm: FPT, VDC, Viettel Internet, SPT, NetNam và OCI. Đến thời điểm này chỉ còn 3 nhà cung cấp đủ tiềm lực bám trụ là SPT, Viettel Internet và VDC, số còn lại đã âm thầm rút khỏi “cuộc chơi”. SPT đã phải tăng cường chất lượng dịch vụ đường truyền, điều chỉnh giá cước linh hoạt nhằm cạnh tranh với thẻ lậu.

Đầu tháng 5/2006, SPT đã chính thức tung ra 2 loại thẻ mới SnetAsia và SnetEU với giá cước còn được cho là “hấp dẫn” hơn cả thẻ lậu, để cạnh tranh. SnetAsia tập trung vào các hướng gọi đi châu Á, với mệnh giá thẻ 35.000 đồng gọi đi Singapore được 100 phút rẻ hơn so với thẻ lậu Usvoiz bán với giá trên dưới 100.000 đồng chỉ gọi được 220 phút. SnetEU ưu tiên cho các hướng gọi đi châu Âu, với  thẻ 35.000 đồng khách hàng có thể gọi đi Anh được 87 phút, rẻ hơn so với thẻ lậu Usvoiz có giá trên dưới 100.000 đồng cũng chỉ gọi được 190 phút.

Cuối năm 2004, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM phối hợp với Công an kinh tế đã bắt một số đối tượng và thu giữ khoảng 45.000 thẻ lậu cùng các tang chứng khác. Đường dây buôn bán trái phép thẻ lậu này bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2002, do Đỗ Long Châu cầm đầu. Kế đó, cũng trong chiến dịch này, cơ quan chức năng đã bắt giữ khoảng 5.000 thẻ lậu khác được chuẩn bị chuyển ra các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, đó là đợt truy quét quy mô lớn nhất đã làm cho thị trường thẻ lậu bớt “tác oai tác quái” nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Hiện nay, thẻ lậu vẫn được bày bán như... hàng chợ.

Thẻ lậu đã làm thiệt hại cho các công ty cung cấp dịch vụ, gây thất thu hàng tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước. Điều đó cần có sự can thiệp tối đa của cơ quan chức năng để thẻ lậu không còn xuất hiện trên thị trường và các doanh nghiệp kinh doanh trong nước thoát khỏi cảnh điêu đứng hiện nay.

Việc chống buôn lậu trong lĩnh vực Internet phone rất khó khăn, vì việc “vận chuyển” hàng lậu chủ yếu vẫn là đường e-mail (dưới hình thức cung cấp mã pin cho khách hàng), không dễ kiểm soát, nhưng nếu cơ quan chức năng không can thiệp mạnh tay hơn bằng những biện pháp dứt khoát đối với nạn thẻ lậu thì các doanh nghiệp trong nước sớm muộn cũng từ bỏ... "cuộc chơi". Lúc đó, thẻ lậu mặc nhiên thống trị... Hơn nữa, khi chúng ta gia nhập WTO, các công ty kinh doanh thẻ Internet phone của nước ngoài sẽ nhảy vào là điều khó tránh khỏi và những nhãn hiệu thẻ Internet phone của doanh nghiệp VN sẽ chỉ là dĩ vãng. Tất nhiên, chuyện đó không ai muốn...

Hoàng Trang
.
.
.