Tháo gỡ để Chính sách phát triển thủy sản thực sự đi vào cuộc sống

Thứ Hai, 11/09/2017, 07:50
Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ) về một số chính sách phát triển thủy sản là một trong những chính sách quan trọng trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020.


Từ thực hiện Nghị định này, trên cả nước đã hình thành nên những đội tàu công suất lớn hiện đại hoạt động đánh bắt xa bờ, góp phần tích cực phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện NĐ này cũng đã bộc lộ những bất cập, tồn tại, vướng mắc, được đại biểu đại diện Bộ, ngành, tổ chức tín dụng (TCTD), địa phương, ngư dân phán ánh tại Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức.

Cụ thể, mặc dù là TCTD chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, với tổng số vốn cam kết cho vay là 4.605 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 3.883 tỷ đồng, số lượng khách hàng vay vốn là 554 khách hàng, song có tới 92,2% khách hàng vay vốn tại Agribank theo NĐ67 là Hộ gia đình và cá nhân, tỷ lệ khách hàng là doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác rất ít.

Agribank chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67.

Thực tế cho thấy, khách hàng vay vốn chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ vay vốn, lập phương án kinh doanh hoặc chứng minh được khả năng tài chính, nguồn nhân lực chưa đạt trình độ quản lý và vận hành trang thiết bị hiện đại khi chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại.

Do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên nhiều ngư dân còn lúng túng, gặp khó khăn trong việc chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công bởi ở nhiều địa phương thiếu các cơ sở đóng tàu cá hoặc các cơ sở đóng tàu chưa đủ điều kiện để đóng mới và cải hoán tàu cá cỡ lớn…

Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thời gian thẩm định, phê duyệt dự án của ngân hàng bị kéo dài và bị động. Bên cạnh đó, còn một số vướng mắc khác liên quan như, ở nhiều địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được triển khai dẫn đến cảng cá chưa phù hợp với việc neo đậu các con tàu lớn.

Công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ, chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm “tàu 67” vẫn còn bất cập gây khó khăn cho ngư dân và rủi ro cho TCTD…

Những vướng mắc nêu trên về cơ chế chính sách lẫn quá trình tổ chức triển khai nếu không được kịp thời tháo gỡ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Chính sách phát triển thủy sản.

Bởi vậy, để tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn giúp “tàu 67” tiếp tục vững vàng vươn khơi, ngư dân có thể tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay theo NĐ 67 hiệu quả, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất sửa đổi NĐ 67 cho phù hợp hơn với tình hình thực tế triển khai.

Đại diện cho Agribank, bà Nguyễn Thị Phượng – PTGĐ mong muốn nhận được sự chia sẻ của các địa phương, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để có được sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận trong chính sách, đặc biệt là đảm bảo sự minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện.

Agribank đề xuất, kiến nghị áp dụng chính sách ưu đãi có chọn lọc, ưu tiên mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tương tự mô hình sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư như dự thảo sửa đổi Nghị định 67.

Cụ thể, chủ tàu là phải thành viên của tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, doanh nghiệp khai thác thủy sản; tàu phải được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS) kết nối được trạm bờ.

Không khuyến khích đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo mô hình tổ chức sản xuất cá nhân nhỏ lẻ do chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, năng lực quản lý, vận hành khai thác, năng lực tài chính có nhiều hạn chế, không tạo được tính gắn kết giữa các tàu đánh bắt ở ngoài khơi vì mục tiêu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo; Agribank cũng kiến nghị duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại NĐ67 (11 năm đối với tàu vỏ gỗ hoặc tàu được nâng cấp; 16 năm đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới được đóng mới); đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật vận hành thiết bị… đồng thời cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản nhằm bảo đảm ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm…

Tổ chức thực hiện chính sách là khâu đặc biệt quan trọng, cần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và phải được tổ chức triển khai đồng bộ, chặt chẽ mới thành công.

Với vai trò là TCTD chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn và là “mắt xích” quan trọng trong triển khai chính sách phát triển thủy sản, Agribank mong muốn những vướng mắc sớm được tháo gỡ để chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến gần hơn với ngư dân cả nước, góp phần thúc đẩy kinh tế biển ngày càng phát triển.

Nhóm PV
.
.
.