Tháng chạp ở thung lũng đại ngàn Trường Sơn

Chủ Nhật, 24/01/2016, 09:44
Theo đường Hồ Chí Minh như dải lụa chạy dọc Trường Sơn hùng vĩ, chúng tôi đến với bà con dân bản tộc Khùa, Mày, Rục, Ma Coong, Mã Liềng ở các bản Chà Cáp, Ra Mai, Trung Đoàn, Tân Ly… miền Tây Quảng Bình.

Cách đây không lâu người dân nhiều tộc người nơi đây còn sống nhờ cỏ cây, thú rừng, ngủ trong hang đá. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giờ đây dân bản có cái nhà để ở, có cái ăn, cái mặc, con cái được học hành. Xuân đã đến, Tết đã gõ cửa mỗi gia đình các tộc người ở thượng nguồn Trường Sơn.

Tình người trong đỉnh núi mù sương

Chúng tôi đến Làng Ho anh hùng khi trời đã bảng lảng khói sương. Làng Ho, địa danh đã đi vào lịch sử với những chiến công hào hùng của bà con dân tộc Vân Kiều và bộ đội Trường Sơn. Những ngày giáp Tết, các cán bộ chiến sĩ Công an, Biên phòng đóng ở lưng chừng đỉnh Trường Sơn này đang gấp gáp sửa sang lại nhà cửa cho bà con dân bản để đón Tết, vui Xuân.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp dân bản làm lúa nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi làm nhà đại đoàn kết cho bà con các dân tộc ít người nơi địa bàn đứng chân, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã góp công, góp sức, kêu gọi xây dựng hơn 100 căn nhà tặng bà con dân bản. Ngồi bên bếp lửa bập bùng, cựu binh Hồ Uôi ở bản Trung Đoàn, xã biên giới Kim Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình suy tư về câu chuyện đời mình. Rời quân ngũ khi chiến trường ngưng tiếng súng, người lính Hồ Uôi cùng vợ bám đất, bám rừng lăn lộn gần hết cả đời người vẫn không cất nổi mái nhà. Niềm vui của Hồ Uôi cùng gia đình vỡ oà khi được chính quyền địa phương  tặng căn nhà mới.

Ngày Hồ Uôi vào nhà mới, cả bản đến chúc mừng. Bên bếp lửa hồng, câu chuyện về những người PaKô, Vân Kiều cùng anh bộ đội vượt Trường Sơn ngày nào đánh giặc; chuyện về những người lính thức thâu đêm để dựng nhà cho dân bản; chuyện về người lính biên phòng cõng dân bản qua 3 quả đồi, hai dốc núi để vượt cạn an lành… câu chuyện về tình đời, tình người cứ chảy dài như con suối trong vắt chạy bên sườn núi.

Giữa đại ngàn Trường Sơn cách trở, đời sống của đồng bào Vân Kiều đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, mỗi ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa và công trình dân sinh được xây dựng là niềm vui lớn đối với đồng bào. Cũng từ đây, đồng bào các dân tộc ít người dưới dãy Trường Sơn vững tin và nỗ lực hơn trên hành trình xóa đói nghèo. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Đặng Thái Tôn - Trưởng Ban dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Bình chia sẻ, trên địa bàn có 2 dân tộc chiếm số lượng dân số lớn là dân tộc Chứt và dân tộc Bru-Vân Kiều với nhiều tộc người như Khùa, Mày, Ma Coong, Trì… tập trung sinh sống ở 107 bản ở khu vực miền núi, vùng cao.

Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi ở, nay bà con các dân tộc đã có cuộc sống ổn định nhờ vào các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như chương trình hỗ trợ di dân, định canh định cư, hỗ trợ tín dụng, chính sách về y tế, giáo dục. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm xá, chợ và các công trình phúc lợi khác được đầu tư, xây dựng tạo tiền đề cho bà con các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cả tộc người thay đổi để đón Tết, vui Xuân

“Không có anh Bộ đội Biên phòng thì dân bản miềng chết hết rồi”, lời của ông Cao Chờn, ở bản Mo Ó, Ồ Ồ khẳng định. Từ chỗ chỉ có hơn 30 người được phát hiện ở trong hang đá năm 1959 đang có nguy cơ tuyệt chủng, đến nay đồng bào Rục, Sách ở Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình đã có gần 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó người Rục có hơn 80 hộ với gần 400 người. Người Rục sống định canh định cư ở 3 bản Mo Ó, Ồ Ồ và bản Ón.

Theo tiếng Nguồn, Mo Ó nghĩa là khe suối, Ồ Ồ là tiếng nước chảy và Ón nghĩa là mới, ý chỉ nơi mới định cư. Mặc dù đã được chính quyền địa phương hết sức giúp đỡ, nhưng trong nửa thế kỷ đằng đẵng ấy, đã không ít lần, bà con đồng bào Rục rời bỏ cái nhà để quay lại cái hang khi nhà dột nát do không được chăm chút, sửa sang. Mỗi lần nhận được gạo, tiền trợ cấp, bà con dân bản lại mang đi đổi rượu uống. Thậm chí trâu bò nhà nước cấp cho dân bản cũng bị làm thịt để uống rượu. Cái vòng luẩn quẩn: nhận trợ cấp rồi đổi rượu, hết rượu lại vào hang của đồng bào Rục như vòng kim cô trói chặt cuộc đời, đẩy người Rục sát bờ vực tuyệt chủng chẳng khác gì hơn 50 năm trước.

Tất cả chỉ thay đổi, người Rục bước sang trang mới khi Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đến trú chân cùng người Rục. Dưới rặng rừng già của đỉnh núi Trường Sơn, những lớp học xóa mù đã được mở, đêm đêm bên ánh lửa bập bùng, những thầy giáo mang quân hàm xanh đã dạy cho bà con dân bản bắt đầu từ những chữ A, O, I, T…  ngày một ngày hai, giờ con em đồng bào Rục hầu hết đã phổ cập tiểu học. Dựng lại căn nhà, tặng chiếc áo ấm, chăn mền trong ngày đông giá rét cho bà con dân bản, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã thực sự sưởi ấm cho cả một tộc người. Nhưng không thể để bà con sống dựa dẫm, chờ vào trợ cấp mãi, Bộ đội Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương quyết định giúp bà con trồng lúa nước. Hơn nửa thế kỷ rời hang, giữa thung lũng đá, người Rục chưa một lần nghĩ đến cây lúa nước. Vậy rồi… từ chỗ anh bộ đội bày cho cách cầm cái cuốc, nhổ cây mạ, những năm gần đây, đồng bào Rục đã dần tự túc được lương thực của mình.  

Len lỏi giữa những rặng rừng già, vào mỗi bản làng, chúng tôi như được vui lây với cuộc sống đổi thay của bà con dân bản. Ở góc nhà sàn nhiều bà con dân bản đã sắm sửa cất trữ lương thực, thực phẩm để chuẩn bị đón Tết. Dọc đường thôn, bản, nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện vẫn tiếp tục đến để chung tay cùng lo cái Tết đủ đầy cho bà con. Xuân đã về, hoa rừng đã nở, bà con đang chuẩn bị vào mùa lễ hội đón Tết, vui Xuân.

Dương Sông Lam
.
.
.