Tháng Năm ở Ba Đình

Chủ Nhật, 17/05/2015, 10:10
Tháng Năm, quảng trường Ba Đình trong xanh hơn, nắng vàng như rót mật, người nối người vào Lăng viếng Bác. 46 năm sau ngày Bác mất, niềm tiếc thương, lòng tôn kính Bác của con dân đất Việt và bạn bè quốc tế luôn hiển hiện.
46 năm cũng là ngần ấy thời gian các cán bộ ở Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vượt qua bao khó khăn, thử thách, âm thầm làm công việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác cũng như gìn giữ, bảo quản những kỷ vật thiêng liêng đã gắn bó với Người lúc sinh thời...

Bài 1: Những người làm nhiệm vụ thiêng liêng

“Ơ… sáng tháng 5 trời trong xanh quá, bốn phương tụ về Ba Đình. Hãy nhè nhẹ bàn chân, Bác chưa tròn giấc mơ…” – lời bài hát vang lên trong một sáng tháng Năm, khi chúng tôi đến Viện 69 của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ít ai biết rằng, đây là đơn vị suốt 46 năm qua âm thầm làm công việc thật thiêng liêng: giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Câu chuyện của chúng tôi với những người nhận nhiệm vụ thiêng liêng ấy diễn ra thật xúc động…

47 năm trước, tháng 6/1968, Tổ y tế đặc biệt được thành lập gồm 3 đồng chí là Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý Quân y viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô có nhiệm vụ cùng với đoàn chuyên gia y tế Liên Xô thực hiện việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác sau khi Bác mất. Và suốt hơn 30 năm qua, Tổ y tế đặc biệt đã làm tròn trách nhiệm “Bảo vệ Bác” đến ngày họ nghỉ hưu. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, vì yếu tố bí mật, họ đã hy sinh tất cả, lặng lẽ với công việc thiêng liêng nhất của mình là được ở bên Bác.

Những cán bộ, chiến sỹ của Viện 69 đang nghiên cứu khoa học về hình thái bảo quản.

Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Viện 69, Đại tá Nguyễn Cao Vũ kể lại: Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng mộ của Người”.

Quyết định của Bộ Chính trị vừa phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng đáp ứng nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam được tận mắt trông thấy Người, được thường xuyên thăm viếng Người, đặc biệt là tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm đối mặt với quân thù, chưa một lần được gặp Bác.

Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn như Người vừa nhắm mắt trong một giấc ngủ thanh thản, vĩnh cửu, các chuyên gia và Tổ y tế sát cánh bên nhau, tập trung trí tuệ tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỉ mỉ gìn giữ những nét đặc trưng của Người lúc sinh thời. Đặc biệt là các chi tiết nhỏ đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu. Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc đều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành nhằm đạt kết quả cao nhất, sao cho toát lên thần thái thường ngày của Bác.

Một trong những yếu tố thành công của việc giữ gìn lâu dài thi hài là phải tiến hành đúng thời điểm trái tim vừa ngừng đập, nếu không sẽ khó giữ được thần thái đặc trưng của nét mặt, Và suốt 46 năm qua, nhân dân trong nước và khách quốc tế về bên Người đều cảm nhận rõ nét nhất sự ung dung, giản dị của Bác như vừa chợp mắt sau một ngày làm việc.

Đại tá Nguyễn Cao Vũ chia sẻ rằng, để giữ gìn thi hài Bác trong suốt thời gian qua, đặc biệt ở thời điểm đất nước chiến tranh (liên tục trong 6 năm (1969-1975), Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sát cánh vượt qua sự khắc nghiệt để bí mật tiến hành 6 lần di chuyển thi hài Bác đến địa điểm an toàn) là sự tập trung công sức, trí tuệ cao độ của cán bộ, nhân viên Đoàn 69 với các chuyên gia Liên Xô trong việc thực hiện quy trình làm thuốc nghiêm ngặt thường xuyên và làm thuốc lớn thi hài Bác. Với những người trong Tổ y tế đặc biệt thì việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác đã trở thành cuộc sống của họ.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Cao Vũ tự hào cho biết, từ việc tham gia cùng các chuyên gia y tế Liên Xô giữ gìn thi hài Bác trong những ngày đầu tiên, dù bạn luôn giữ bí mật về công nghệ, pha chế hóa chất, nhưng đến nay tất cả các khâu như làm thuốc thường xuyên vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần, pha chế thuốc, vận hành các thiết bị để giữ nhiệt độ, độ ẩm… đến các nghiên cứu giữ gìn lâu dài thi hài đã được các nhà khoa học, bác sĩ, cán bộ của Viện 69 chủ động thực hiện. Viện đã 12 lần pha chế thành công dung dịch đặc biệt, đảm bảo giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trạng thái tốt nhất. Điều này đã khiến các chuyên gia y tế đầu ngành của nước bạn cũng phải khâm phục về sự nỗ lực học hỏi, đầu tư trí tuệ và nhanh chóng nắm bắt công nghệ tiên tiến của các bác sỹ Việt Nam.

Dưới tán cây xòe bóng mát, chúng tôi tìm đến Khoa Hình thái để gặp những bác sĩ trẻ, là những thế hệ nối tiếp lớp cha anh làm công tác nghiên cứu khoa học để giữ gìn thi hài Bác trong thời hiện tại. Nói như Đại tá Nguyễn Cao Vũ thì những bác sĩ, nhà khoa học của Viện 69 hiện nay đều được tuyển chọn từ Học viện Quân y và Trường ĐH Y Hà Nội về đào tạo.

Thiếu tá, TS Tưởng Phi Vương, Phó Chủ nhiệm Khoa Hình thái, nguyên là sinh viên của Học viện Quân y được cử sang Nga đào tạo y khoa và nghiên cứu sinh trong 10 năm cho biết, được làm nhiệm vụ đặc biệt bên Bác, anh cảm thấy mình thật may mắn. Ngoài niềm tự hào thì đó còn là trách nhiệm lớn lao của anh và những chiến sĩ trẻ. Một môi trường làm việc đặc biệt với những trang thiết bị hiện đại là những yếu tố quyết định để anh và đồng đội cống hiến hết khả năng của mình cho những nghiên cứu khoa học hình thái bảo quản. Anh và đồng đội đang áp dụng phương pháp hiện đại mới như kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang bằng kính hiển vi laze quét đồng tiêu, nghiên cứu sâu ở tốc độ tế bào phân tử, hướng đến kỹ thuật mới để áp dụng vào việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối thi hài Bác.

46 năm Bác đi xa nhưng hình ảnh của Bác vẫn thật gần gũi, giản dị. Và ngày ngày, những người làm nhiệm vụ thiêng liêng giữ gìn thi hài Bác vẫn thầm lặng với công việc vinh quang của mình để đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế mỗi khi vào Lăng viếng Bác được gặp Người như vừa chợp mắt sau một ngày làm việc.

Trần Hằng
.
.
.