Hòn Đá Bạc mảnh đất nhỏ ghi dấu chiến công lớn

Chủ Nhật, 22/02/2015, 13:58
Chớm Xuân Ất Mùi 2015 tôi về đất Mũi Cà Mau. Nắng sớm đất Mũi tựa màu mật ong xuyên qua vạt rừng đước chạm xuống mặt sông còn gợn hơi sương khiến cô thôn nữ ngại khuấy mái dầm do sợ làm tan nguồn cảm hứng khi thấy tôi đang như nín thở, tập trung mắt qua ống kính chờ thời cơ hợp lý nhất để bấm máy. Đã rất nhiều lần đến mảnh đất thiêng liêng nằm chót cùng cực Nam của Tổ quốc này nhưng mỗi lần đến là mỗi lần trong tôi rộn cảm giác thật khó tả. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp chưa có dịp đến đây, thắc mắc, tôi gỏn gọn: Đất Mũi đẹp. Đất Mũi yên bình.

Trước hôm đi qua vùng đệm rừng U Minh Hạ đầy huyền thoại để đến Di tích Quốc gia Hòn Đá Bạc – nơi từng đặt trung tâm chỉ huy của Kế hoạch CM12, tôi gặp lại Anh hùng LLVTND Trần Phương Thế, tức đồng chí Tám Thậm, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau.

Đây là một cán bộ từng giữ vai trò hết sức đặc biệt, góp nhiều công sức, tài trí trong việc làm thất bại hoàn toàn âm mưu, thủ đoạn, hoạt động đen tối của Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh, hai đồng chủ tịch của cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng giải phóng Việt Nam”.

Ông Tám Thậm kể, khi được phân công vào vai NKA1, ông mới hơn 30 tuổi. Lúc đó ông đang là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh. NKA1 – trên danh nghĩa với Túy – Hạnh là người do K64 đã tuyển chọn, xây dựng trong “quốc nội”.

Bốn năm tham gia Kế hoạch CM12, trực tiếp đón 18 chuyến xâm nhập gián điệp bằng đường biển, Tám Thậm có rất nhiều câu chuyện mà theo ông “tới chết vẫn mang theo”.

Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Khu di tích quốc gia Hòn Đá Bạc.

Với ông và đồng đội, đấy là những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh, khó khăn, gian khổ, thử thách nhưng rất oanh liệt, hào hùng, cả vinh dự và tự hào. 

Tôi rất thích một chi tiết mà ông Tám Thậm kể gắn với lần ông được phân công đón “thượng cấp” C4 (tức Túy) và C5 (Hạnh) từ “cá” (tàu xâm nhập của địch – PV) nằm tít ngoài mép nước. Sình lầy quá, Túy không đủ sức để lội, thế là ông phải gồng mình cõng Túy.

Và khi đưa Túy, Hạnh vô tới chỗ vỏ lãi đậu cách đó cả cây số, cả ông và K64 đã cúi xuống rửa chân cho hai “thượng cấp”, biểu lộ thái độ rất vinh dự được phục vụ “thượng cấp”. “Cả Túy và Hạnh là những tên rất tinh ý. Mình không khéo, nó nghi ngờ ngay” – Tám Thậm kể thêm.

Sau này tổng kết Kế hoạch, lãnh đạo K4/2 từng đánh giá chính những hành động hết sức khôn khéo, tự nhiên như thế đã khiến cho Túy - Hạnh cảm động, đặt nhiều kỳ vọng về sự hiệu quả của những “kinh kha” (được chúng đặt ám danh là “K”) và “kinh kha quốc nội” (ám danh là “NK”) trong việc thực hiện mưu đồ đen tối của chúng…

Nhắc tới những “kinh kha” của Túy – Hạnh, hôm về Cà Mau, tôi đã gặp Phạm Công Danh, một cán bộ của ngành Thủy sản từng tha hóa, biến chất, bị kỷ luật, bất mãn chế độ rồi tìm tàu để… vượt biên sang Mỹ.

Có điều, con tàu ấy có đến 9 lần gặp hải tặc. Và ông Danh bị đưa vào trại tị nạn rồi bị Túy – Hạnh lôi kéo, đào tạo, tin dùng.

Danh với ám danh “K64” thuộc toán “Minh Vương 2”, có nhiệm vụ tổ chức chuyến xâm nhập đầu tiên bằng tàu về bờ biển Cà Mau, ẩn náu vào rừng U Minh, sau đó ráo riết tuyển chọn, móc nối, phát triển lực lượng (các NK), tổ chức tiếp nhận người và vũ khí từ nước ngoài chuyển về; đồng thời tổ chức ám sát cán bộ chủ chốt và phá hoại các công trình, mục tiêu trọng điểm của ta…

Thực tế mãi đến sau này, bọn Túy – Hạnh vẫn không hề biết rằng ngay khi đặt chân đến bãi biển Cà Mau vào đêm 15/5/1981, K64 đã quyết định tìm đến cơ quan Công an tự thú với niềm tin, đó là cách duy nhất để ông có cơ hội đoàn tụ với gia đình.

Rồi K64 đã bị khuất phục bởi tấm lòng nhân ái, bao dung của những cán bộ Công an ngay từ lần hỏi cung đầu tiên.

Và trong suốt quá trình thực hiện Kế hoạch CM12, K64 đã thể hiện rõ thái độ “lập công chuộc tội”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do lãnh đạo Tổ K4/2 chủ động vạch ra.

Tính từ toán gián điệp xâm nhập thứ nhất theo sự chủ động đón bắt của Ban chỉ đạo Kế hoạch CM12 (9/9/1981) đến chuyến cuối cùng (9/9/1984; trong đó có các chuyến Túy – Hạnh vào để kiểm tra “mật cứ” nội địa), K64 giữ vai trò không ai thay thế được.

Tiếp chuyện tôi trong làn gió xuân của đất Mũi, Sáu Danh không giấu được niềm tự hào về những ngày ông “lập công chuộc tội”; kể cả khoảng thời gian hơn 10 năm sau khi CM12 kết thúc, ông tiếp tục có những đóng góp cho ngành Công an.

Cho tôi xem Huân chương Chiến công hạng nhì được Đảng, Nhà nước phong tặng, Sáu Danh bộc bạch: “May mắn nhất trong đời tôi là tôi gặp được những cán bộ Công an tốt bụng, đó là chú Hai Tân, là anh Tám Thậm, anh Mười Lắm,… Họ đã tạo điều kiện cho những người biết ăn năn, hối cải lập công chuộc  tội. Tình người là một trong những nguyên nhân cho CM12 sớm đi đến ngày kết thúc thắng lợi”.

Có một câu chuyện không thể không nhắc đến. Đó là lòng dân với CM12. Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - nguyên Cục trưởng Cục A91, người từng được phân công “vai” NKA2 nói, đến giờ ông vẫn không thể quên được cảm giác nồng ấm từ ly trà gừng của một người dân trong đêm lạnh - lần mà ông cùng K64 đi tìm hỏi mượn xuồng, phục vụ công việc của Kế hoạch.

Ở Vàm Tham Trơi, có bà má Sáu đã cho ta mượn vườn sau nhà để làm kho vũ khí giả khi bọn Túy – Hạnh vào “quốc nội” kiểm tra.

Ở Vàm Rạch Ruộng, ông Phan Văn Tài đã cho mượn vườn lá sau nhà làm “mật cứ” giả. Còn ông Tạ Văn Thạnh ở Rạch Chồn Gầm đã cho mượn nhà để cất giấu vũ khí mà ta thu được của bọn gián điệp… 

“Những con người, những tấm lòng ấy đã lặng lẽ hy sinh mọi riêng tư vì việc chung. Nếu không có sự giúp đỡ tận tình, quý báu ấy của bà con, CM12 khó có được ngày kết thúc thắng lợi hoàn toàn” - Thiếu tướng Hồ Việt Lắm bộc bạch.

“Kế hoạch CM12 là chiến dịch phản gián có quy mô lớn về thời gian, không gian và bố trí lực lượng lớn tham gia đấu tranh của lực lượng CAND.

Trải qua 4 năm, với tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, khắc phục khó khăn, với sự phối hợp của các lực lượng liên quan, sự giúp đỡ to lớn của nhân dân, đặc biệt là nhân dân tỉnh Cà Mau, các lực lượng tham gia Kế hoạch CM12 đã chủ động nắm chắc tình hình từ xa và từ cơ sở, kiểm soát và điều khiển mọi hoạt động của tổ chức phản động lưu vong do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu; thực hiện nhiều trò chơi nghiệp vụ câu nhử, đón bắt toàn bộ các chuyến xâm nhập của chúng vào địa bàn Tây Nam Bộ với hàng trăm tên gián điệp biệt kích, kể cả các tên cầm đầu tổ chức, thu hàng trăm tấn vũ khí và các phương tiện hoạt động gián điệp biệt kích; đồng thời mở ra nhiều hướng tấn công mới,...

Thành tích, chiến công của lực lượng CAND trong thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12 có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, mang tầm chiến lược về nghiệp vụ trong chủ động phòng ngừa và kiên quyết tấn công địch trong điều kiện mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH; là mốc son chói lọi, tô thắm thêm lá cờ truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam Anh hùng”.

Phát biểu của Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại buổi gặp mặt kỷ niệm 30 năm thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12 (9/9/1984 - 9/9/2014, được tổ chức tại Cà Mau).


Thái Bình
.
.
.