“Tay đục vạn năng” Đào Đình Năng

Thứ Hai, 13/02/2017, 11:15
Đôi bàn tay tài hoa và rắn rỏi ngày ngày thổi hồn vào từng thớ gỗ, tạo nên những tượng Tiên Phật, Tam Đa, Di Lặc, Đạt Ma... như thể biết nói, chất chứa một tâm hồn thế nhân, đa cảm, không hề phẳng phiu, với niềm riêng mang tên “Đào Đình Năng”.


Đó là ấn tượng và cảm nhận đầu tiên khi dạo quanh khu vườn hàng trăm tác phẩm được chạm, khắc, trổ, tạc với những hình hài đa dạng của “tay đục vạn năng” Đào Đình Năng, 35 tuổi đời nhưng đã 20 năm tuổi nghề. 

Như thường lệ, cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ, tượng Phật cao cấp Năng Động (quốc lộ 14, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) của anh Năng luôn nhộn nhịp khách hàng. Đó là thành quả của quá trình học tập, lao động, sáng tạo không biết mệt mỏi và luôn nâng niu, trân trọng “chữ tâm, chữ tín” trong từng nhát đục của chàng trai quê Nam Định rất yêu nghề này.

Anh Đào Đình Năng đang thực hiện tác phẩm của mình.

Anh Đào Đình Năng tâm sự: “Vào Bình Phước lập nghiệp cũng hơn 20 năm rồi. Tài sản khi ấy chỉ là những dụng cụ hành nghề như mỏ lê, chàng tách, đục bạt… và một ý chí quyết tâm làm giàu trên vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ. Buổi đầu lập nghiệp gian nan, sản phẩm làm ra ế ẩm vì thị trường khó tiêu thụ, nhiều lúc muốn bỏ nghề. Nhưng mỗi khi nhìn những bộ gốc rễ đẹp, phảng phất những hình ảnh tượng phật, con người, con vật, phù điêu… máu nghề lại nổi lên và những sản phẩm nghệ thuật, giàu cảm xúc được sản sinh ra từ ấy”.

Với anh Năng, nghề chạm khắc gỗ hiện là nghề dân dã, phổ thông nhưng cũng rất nghệ thuật, kỳ công, làm đẹp trên từng centimét gỗ, góp phần nâng cao giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ của gỗ. Nếu yêu nghề, tận tâm tận lực thì người nghệ nhân thỏa sức sáng tạo, cảm tác ra những tác phẩm đẹp, sinh động để cống hiến cho đời. Dù chỉ là những khúc gỗ vô tri vô giác nhưng qua bàn tay tài hoa, khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của nghệ nhân, những khúc gỗ ấy được thổi hồn, truyền cảm xúc, biết cười biết khóc, thậm chí biết nói bằng ngôn ngữ hình ảnh.

Giữa một rừng tác phẩm của “tay đục vạn năng”, có thể cảm nhận được những nét nghệ thuật độc đáo cả về mặt tạo hình, kết cấu, cũng như thủ pháp nghệ thuật qua từng tác phẩm. Tượng phật Di Lặc của Đào Đình Năng tràn trề hạnh phúc, giáo hóa chúng sinh, ngắm phật Di Lặc cười mà cảm thấy vui lây, hả hê trong hoan hỉ. Tượng Đạt Ma sư tổ lại toát ra vẻ siêu thoát oai phong, với trí thông minh và ngộ tính tuyệt vời. Thiềm thừ (cóc vàng 3 chân) cho ta cảm nhận về thần thái tài lộc, sự may mắn về kinh doanh và tiền bạc.

Anh Năng thích nhất là đục tượng “Tam Đa Phúc - Lộc - Thọ” không phải vì bán “cháy hàng”, mà vì muốn thổi hồn mình vào trong tác phẩm, cầu mong cho khách hàng luôn được vạn điều lành, ngàn thịnh vượng, trăm tuổi thọ. Bản tính chất phác và chân tình ấy chất chứa trong từng tác phẩm của Đào Đình Năng và luôn dành được những thiện cảm tốt đẹp trong lòng khách hàng.

Mỗi tiếng đục vang lên, chúng ta cảm nhận được “tiếng nghề” của người thợ tạc tượng cần mẫn. Nhưng với Đào Đình Năng, dường như đó còn là “tiếng lòng” của chàng trai yêu say đắm nghệ thuật tạc tượng.

ĐỨC TRÍ – VĂN ĐOÀN
.
.
.