Tây ăn Tết ta ở bản Mai Hịch

Thứ Bảy, 28/01/2017, 14:44
Những bông hoa đào đã bắt đầu bung những cánh đầu tiên trên những nẻo đường Tây Bắc báo hiệu xuân đã về, càng cận những ngày Tết Nguyên đán đi tới những bản làng, người dân rộn ràng trang trí lại nhà cửa và chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm với mong muốn một năm mới bình an và may mắn.

Tết Nguyên đán là những ngày sum họp đoàn viên của toàn thể gia đình Việt, tuy nhiên có mặt tại xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình trong những ngày Tết đến xuân về không chỉ có người dân trong bản mà còn có những người bạn, những du khách quốc tế. 

Đã mấy năm nay, những vị khách ngoại quốc ăn Tết cùng dân bản đã trở nên quen thuộc, những cái tên, gương mặt đã trở nên gần gũi như những người con đi xa đến Tết trở về với gia đình, sum họp, đoàn viên. 

Đón Tết với gia đình người Thái ở Mai Hịch đã và đang trở thành điểm nhấn hấp dẫn đối với du khách, vào dịp này du khách được thưởng thức và trải nghiệm những sản phẩm đặc sắc nhất về văn hoá, cuộc sống của người Thái. 

Có một điểm đặc biệt tại Mai Hịch là người dân trong bản, có nhà làm "homestay", khi khách đến họ đều chào đón nồng nhiệt và những người khách đến với gia đình trong dịp Tết là người đem lại may mắn cho gia chủ.

Anh Alex 40 tuổi (người Anh) sống và làm việc ở Hà Nội cho biết, anh đến Mai Hịch đã được 5 năm, mọi thứ ở đây vẫn giữ được nét hoang sơ và dân dã. Ở đây, mọi người sống rất nồng hậu, dễ mến. 

Anh Alex chia sẻ: "Cái tình của người dân Mai Hịch đã giữ chân tôi, mấy năm nay tôi đều về nhà bà Vì Thị Chiếu - ông Hà Công Bàng ở bản Hịch 2 để ăn Tết. Là người xa quê, tôi rất ấn tượng với Tết cổ truyền của Việt Nam. Khi đến đây vào dịp Tết, tôi được sống cùng gia đình người dân tộc Thái trắng với nhiều thế hệ, họ rất thoải mái, coi tôi như con cái trong nhà. Vào những ngày cận tết, tôi còn được học gói bánh chưng truyền thống của người Thái, tối ngồi bên bếp lửa hồng canh bánh chưng và múa hát cùng gia đình và bà con dân bản vui lắm".

Du khách trải nghiệm tour đi bộ khám phá bản làng Mai Hịch.

Với người dân Mai Hịch, nụ cười luôn ở trên môi khi gặp du khách, bất kể già hay trẻ đều gửi lời chào tới những người bạn họ gặp trên đường. Đây là những ấn tượng đẹp đối với những du khách quốc tế khi tới vùng đất này, họ cảm thấy mình được chào đón, thấy yêu và quý con người Việt hơn. 

Bà Barbara Vollmar đến từ Đức vui mừng chia sẻ với chúng tôi: "Các bạn ở đây thật tuyệt, trên cung đường 8km đi bộ, qua các bản làng chúng tôi thấy cuộc sống dân bản thật thanh bình, ai cũng hạnh phúc, họ chào đón chúng tôi và khi khách dừng chân tại bất kỳ một nhà dân trên đường đi người dân đều hỏi thăm, mời nước, mời hoa quả. Trong những ngày Tết, ở Việt Nam nhiều nơi hay có sự kiêng kỵ vào đêm 30 và sáng Mùng 1 Tết. Tuy nhiên, ở đây tôi đến từ ngày 28 Tết mà không gặp bất cứ trở ngại nào, ai cũng vui vẻ, đón tiếp nồng hậu và giữ ở lại nhà để cùng giao lưu, ăn Tết. Tình cảm của người dân bản dành cho du khách thật đáng quý và trân trọng".

Mai Hịch là điểm đến mới nổi của du lịch Mai Châu - Hòa Bình nói riêng và trên cung đường Tây Bắc nói chung. Tuy nhiên, khách đến đây có tới 98% là khách nước ngoài và chủ yếu là khách châu Âu, khách nói tiếng Anh… 

Những du khách quốc tế trở lại Mai Hịch cũng khá nhiều. Hướng dẫn viên Đặng Trần Bảo Anh (Bến Thành Tourist) cho biết, khách châu Âu, đặc biệt là khách Pháp, Đức, Hà Lan rất thích tới Mai Hịch, và hài lòng về điểm đến và con người ở đây. Các bản làng vẫn giữ được nét văn hoá và cách sinh hoạt tự nhiên. 

Từ ngôi nhà sàn lợp cỏ tranh, lá cọ, với gỗ mộc tới cuộc sống thường nhật, du khách thích sự tự nhiên đó. Với lại đến đây du khách có nhiều sự lựa chọn từ trải nghiệm đi bộ, chèo mảng, đạp xe đạp… Bình thường đoàn khách thường ở Mai Hịch từ 1-2 đêm rồi đi Ninh Bình, Vịnh Hạ Long… Nhưng có những đoàn khách lại đặt tour vào dịp Tết để cảm nhận sự độc đáo và khác biệt của người dân khi đón Tết cổ truyền tại Mai Hịch.

Chúng tôi tới gia đình bà Vì Thị Chiếu, ngôi nhà sàn của gia đình bà mới dựng ở giữa bản, dưới gầm nhà sàn từ gia chủ tới du khách ai cũng tất bật chuẩn bị đồ gói bánh chưng. Ai cũng háo hức chờ đợi được làm những chiếc bánh đầu tiên. 

Bà Vì Thị Chiếu năm nay đã 72 tuổi, nhưng vẫn còn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn. Bà bảo, ở đây người dân bắt đầu chuẩn bị và ăn Tết từ ngày 27 Tết, nhiều nhà góp nhau mổ trâu, mổ bò, lợn, 29 Tết thì gói bánh chưng gù, đêm 30  và Mùng 1, Mùng 2 Tết cúng tổ tiên, trong mấy ngày Tết các gia đình đi chúc nhau, thăm ông bà thì mang theo 2 cái bánh chưng gù. 

Phóng viên chụp ảnh cùng du khách.

Đêm 30 cúng Giao thừa xong, nghe tiếng kẻng của làng, tất cả các hộ tập trung ra nhà văn hoá, hay sân nhà đội thôn đốt lửa trại đánh chiêng, trống thật rộn ràng, mọi người tập trung để hát, nhảy múa, nướng thịt và phụ nữ thì mặc trang phục truyền thống.

Ông Phì Văn Hoan ở bản Dến vui mừng nói, Tết là ngày hội của dân bản, không khí ngày Tết rộn ràng khắp làng trên, xóm dưới, nhiều du khách cũng tới nhà uống rượu cần và nướng thịt ăn. 

Ngày trước, khách đến nhà là uống rượu để giữ chân khách, tuy nhiên những năm gần đây, người dân đã thay bằng các loại trà thảo dược tốt cho sức khoẻ như trà quế, trà gừng, trà lá dứa, lá nếp… Khách đến nhà có thể trải nghiệm thưởng thức ẩm thực địa phương và uống rượu, uống trà tuỳ ý.

Vợ chồng anh chị Marcelle đến từ Hà Lan phấn khởi cho biết: "Lần đầu tiên tôi tới Việt Nam và điểm đến đầu tiên là tới Mai Hịch, được ngủ chung nhà sàn, một cảm giác thật tuyệt. Gia đình chủ nhà thật vui vẻ, họ đã cho chúng tôi một kỳ nghỉ tuyệt vời, đón một cái Tết Việt đầy ấm cúng và yêu thương. Sau kỳ nghỉ này, có điều kiện vợ chồng tôi sẽ trở lại Mai Hịch".

Ông Hà Công Uốn, Trưởng bản Hịch 2 cho biết, từ khi bản có khách du lịch tới ai cũng vui, vì khách đến đã tạo thêm thu nhập và việc làm cho người dân, một nhà làm được thì có sự bảo ban và chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ khách tạo việc làm chung cho cả cộng đồng. Người dân trong bản ai cũng ý thức được việc làm du lịch cộng đồng và đón khách có ý nghĩa quan trọng tới thu nhập cho chính bản thân họ, nên ai cũng ủng hộ.

Con người Mai Hịch nồng hậu, nhiệt tình đã tạo nên một không gian đầm ấm, chủ vui mà khách cũng vui. Lúc này khoảng cách ngôn ngữ không còn mà là những cái nắm tay thật chặt, điệu nhảy, hay múa sạp được các vị khách quốc tế hưởng ứng nhiệt tình. 

Có thể thấy, nếp sống sinh hoạt của người dân nơi đây đã tạo thành bản sắc riêng, chưa bị thương mại hoá, hay du lịch hoá. Cái tình người, nhịp sống chậm, và nụ cười tự nhiên đã tạo nên sức hút cho mỗi du khách khi đặt chân tới Mai Hịch. 

Lưu Hiệp
.
.
.