Tây Nguyên “gồng mình” gánh dân di cư tự do (kỳ cuối)

Thứ Bảy, 23/03/2019, 07:42
Để sớm ổn định đời sống cho người dân di cư tự do ở Tây Nguyên, những năm qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền của 5 tỉnh Tây Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả. Các vùng di dân tự do bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực.


Kỳ cuối: Cần nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Từ năm 2004 đến 2012, tỉnh Đắk Lắk đãlần lượt xây dựng 5 khu tái định cư tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk. Khu tái định cư buôn Ea Kal, xã Vụ Bổn được đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang, gồm 66 căn nhà cấp 4 cùng hệ thống điện sinh hoạt, đường giao thông, công trình nước sạch với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Ông Nay Lập, trưởng buôn Ea Kal cho biết, năm 2012, có 66 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được đưa về khu tái định cư buôn Ea Kal. Mặc dù còn đó những khó khăn, nhất là vấn đề thiếu đất canh tác, nhưng so với nơi ở cũ, khu định cư mới gần trung tâm, việc đi lại rất thuận tiện, cuộc sống của bà con đã khấm khá hơn rất nhiều. Các em nhỏ đều được đến trường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế được đảm bảo...

Theo ông Bùi Văn Hởi, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, để giúp bà con di dân tự do sớm ổn định đời sống, địa phương đã tính toán mở con đường 12km vào khu vực làng Mông Tây Sơn. “Nếu nhập khẩu được cho bà con thì nay mai sẽ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho chính những hộ này để tăng thêm thu nhập, vừa bảo vệ được rừng. Từ năm 2016 đến nay, không còn tình trạng bà con di cư tự do đến làng Mông Tây Sơn”, ông Hởi cho biết.

Một điểm di dân tự do ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đang dần được nhà nước đầu tư xây dựng để ổn định đời sống cho nhân dân.

Để giải quyết vấn đề di dân tự do ở Lâm Đồng, ông Cil Ha Drang, Phó Ban dân tộc HĐND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, Chính phủ, bộ ngành cân đối, bố trí đủ vốn để thực hiện các dự án bố trí dân cư tại địa phương, sớm cho chủ trương lập dự án định canh, định cư khu Tây Sơn, dự án định canh, định cư ở tiểu khu 179 và dự án định canh, định cư tiểu khu 181, thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông mà Ủy ban dân tộc, Hội đồng dân tộc Quốc hội đã vẽ khảo sát từ năm 2017.

Ông Drang cũng đề nghị, các cấp chính quyền xử lý kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai, các đối tượng kích động, lôi kéo đồng bào di cư tự do, phá rừng, giải quyết kịp thời các khiếu nại, khiếu kiện chính đáng của người dân. Trong đó cần xử lý dứt điểm 28 vụ khiếu kiện về tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn Tây Nguyên.

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về ổn định đời sống dân di cư tự do cho 320 hộ/1.725 nhân khẩu tại các tiểu khu 179, 181, 197 và 198 (khu vực Tây Sơn), xã Liêng SRônh, huyện Đam Rông. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành có các giải pháp, hướng dẫn, thực hiện, cụ thể.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng sớm chỉ đạo các sở, ban, ngành lập, thẩm định, phê duyệt Dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do cho 320 hộ/1.725 nhân khẩu tại các tiểu khu 179, 181, 197 và 198 (khu vực Tây Sơn), xã Liêng SRônh, huyện Đam Rông theo các quy định hiện hành để tổ chức triển khai thực hiện, nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân, không di cư tự do đi nơi khác.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo thành lập Tổ công tác khảo sát, đánh giá tình hình cư trú và đăng ký, quản lý cư trú tại các địa bàn có dân di cư tự do để tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện đăng ký, quản lý cư trú đối với dân di cư tự do.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết, trước mắt đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên sẽ bố trí khoảng 17.000ha đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do từ quỹ đất có nguồn gốc của nông, lâm trường đã giao về cho địa phương quản lý. Trong đó, dự kiến tỉnh Kon Tum sẽ bố trí 2.146ha, Gia Lai là 2.841ha, Đắk Lắk 5.906ha, Đắk Nông 5.224ha và Lâm Đồng là 978ha.

Ông Giàng A Chu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách sắp xếp, ổn định dân di cư tự do. Xây dựng cơ chế đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên để giải quyết dứt điểm các “điểm nóng”, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân di cư tự do, nhất là ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cần có giải pháp cân đối, bố trí tiếp kinh phí để các địa phương hoàn thành cảc dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do theo kế hoạch. Ông Giàng A Chu cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, thống nhất giải pháp khẩn trương xác minh, thực hiện việc nhập khẩu, cấp CMTND, đăng ký tạm trú, thường trú, công nhận các điểm, nhóm dân di cư tự do theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làm ăn sinh sống, hưởng các phúc lợi xã hội, đồng thời quản lý chặt chẽ dân cư, trật tự an toàn xã hội.Ông Giàng A Chu còn đề xuất không giao đất cho doanh nghiệp ở những nơi người dân chưa có đất, đất sản xuất còn thiếu, mà ưu tiên giải quyết cho người dân...

Để tháo gỡ những vướng mắc về đất đai và vấn đề nhập hộ khẩu cho hộ dân di cư tự do, ông Lê Văn Sơn, Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội cho chủ trương để các địa phương rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các loại đất rừng nhưng thực tế không có rừng, đã được các địa phương quy hoạch dự án bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên để tạo thêm quỹ đất thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do.

Tin rằng, với sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương cùng với nỗ lực vươn lên trên miền đất mới, người dân di cư tự do ở Tây Nguyên sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo, cùng chung tay xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp.

Khắc Lịch
.
.
.