Tăng tốc độ - tăng tai nạn giao thông thảm khốc

Chủ Nhật, 28/05/2017, 06:50
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Đáng chú ý, trong hầu hết các vụ tai nạn trên, lỗi vi phạm về tốc độ chiếm phần lớn, đặc biệt là tại các khúc quanh cua, đèo dốc.

Trực tiếp khảo sát tại một số tuyến đường, đặc biệt là các tuyến QL ở miền núi, chúng tôi nhận rõ thấy việc thực hiện Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31-12-2015 (Thông tư 91), có hiệu lực từ ngày 1-3-2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ đã lộ rõ nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo số liệu của Cục CSGT thì sau 1 năm thực hiện Thông tư 91 quy định về tăng tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ, cả nước đã xảy ra 16.841 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.455 người, bị thương 12.298 người.

Lực lượng CSGT xử lí phương tiện chạy quá tốc độ

So với cùng kỳ năm 2015 thì giảm 502 vụ nhưng tăng tới 112 người chết. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế thì việc tăng tốc độ theo Thông tư 91 đã làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông.

Điển hình như tại Tuyên Quang tăng tới 18 vụ, Lạng Sơn tăng 9 vụ, Bắc Giang tăng 15 vụ, cá biệt như Đắk Lắk đã tăng tới 70 vụ tai nạn giao thông so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, một số địa phương có tuyến quốc lộ trọng điểm đi qua (tiêu biểu là QL 1A) do mật độ giao thông đông, phức tạp nên gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Điển hình như Lạng Sơn tăng 9 vụ, Quảng Bình tăng 13 vụ, Quảng Trị tăng 48 vụ, Ninh Thuận tăng 28 vụ, TP Hồ Chí Minh tăng 54 vụ...

Tại Quảng Ninh, ngay khi Thông tư 91 có hiệu lực, ngành GTVT tháo dỡ các hệ thống biển báo hạn chế tốc độ tối đa cho phép, lập tức trên địa bàn tỉnh, nhất là các tỉnh tuyến miền Đông, tình hình TNGT đường bộ gia tăng.

Đặc biệt, chỉ trong 6 ngày đầu tháng 3-2016 (Thông tư 91 có hiệu lực từ 1-3-2016), sau khi bỏ biển báo hạn chế tốc độ tối đa 40km/h, tại khu vực cầu Hà Tràng, huyện Tiên Yên đã xảy ra 3 vụ lật xe container do không làm chủ tốc độ khi đi vào đường cong cua.

Phải nói rằng, sau 1 năm triển khai và thực hiện Thông tư 91 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tăng tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông trên đường bộ đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường có cơ sở hạ tầng tốt, đáp ứng được các điều kiện chạy xe theo tiêu chuẩn thiết kế.

Tuy nhiên, qua phân tích số liệu tai nạn giao thông sau 1 năm từ khi thực hiện Thông tư 91 so với cùng kỳ thì số vụ tai nạn có giảm nhưng vẫn cao, số người chết tăng, điều này có nghĩa là số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng gia tăng, để lại hậu quả thảm khốc, thiệt hại lớn cho xã hội.

Đặc biệt, Thông tư 91 quy định tốc độ tối đa của xe cơ giới trên quốc lộ và trong khu vực dân cư đều tăng thêm 10km đối với loại đường đôi (có dải phân cách giữa), đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên đã làm cho tình hình TTATGT diễn biến phức tạp.

Tình trạng xe cơ giới phóng nhanh trên một số tuyến quốc lộ, đường có dải phân cách giữa, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên diễn ra phổ biến, làm tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thường xuyên, tình trạng lái xe không làm chủ được tốc độ tự đâm vào dải phân cách gây lật xe có chiều hướng tăng, nhất là tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đại tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng PC67 Quảng Ninh trăn trở: “Ở trong khu vực đông dân cư được cộng thêm 10km/h đối với ôtô chở người đến 30 chỗ ngồi; ôtô có tải trọng dưới 3.500kg trở lên; ôtô sơmi rơmoóc, ôtô kéo rơmoóc, ôtô kéo xe khác, ôtô chuyên dùng là không hợp lý vì đây là những phương tiện có nguồn nguy hiểm rất cao, nếu đi với tốc độ cao, quán tính lớn, khi không gặp tình huống bất ngờ, rất dễ xảy ra tai nạn”.        

Ý kiến của anh Sơn cũng là sự lo lắng của đa số cán bộ CSGT khi trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường, đặc biệt là tại các khu đông dân cư và địa bàn miền núi có vị trí địa lí, đặc điểm địa hình hẹp, cong cua, tầm nhìn hạn chế nên việc quy định tốc độ tối đa phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế đường, đặc biệt là tình trạng mặt đường, độ dốc, bán kính đường cong.

Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: “Việc quy định tốc độ theo Thông tư 91 bước đầu đáp ứng được so với yêu cầu vận tải hiện nay trên tuyến QL đã được cải tạo hạ tầng giao thông tốt, phương tiện tốt.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an các địa phương và phân tích của Cục CSGT thì qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, đã có rất nhiều bất cập, nhất là những tuyến đường đang cải tạo hạ tầng giao thông, đường hẹp ở các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và những khu đông dân cư có nhiều điểm giao cắt đồng mức thì việc nâng tốc độ là không phù hợp. Trong khi đó, nguyên nhân gây TNGT do vi phạm tốc độ là khá cao. Bởi vì, xe phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ rất dễ xảy ra tai nạn”.

Chính vì vậy, để hạn chế tai nạn xảy ra, đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần quy định tốc độ riêng cho từng loại phương tiện. Hạn chế tăng tốc độ cho ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi, ôtô tải có trọng tải 3,5 tấn trở lên, ôtô sơmi rơmoóc, ôtô kéo rơmoóc, ôtô kéo xe khác, ôtô chuyên dùng trong khu vực đông dân cư.

Trong một số trường hợp đặc biệt (điểm đen, điểm phức tạp về TTATGT, TNGT) thì căn cứ vào kết quả khảo sát và thống nhất của các ngành chức năng, có thể đặt biển hạn chế tốc độ thấp hơn 50km/h.

Đặc biệt, việc quy định tốc độ tối đa phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế đường, tình trạng mặt đường, độ dốc, bán kính đường cong để quy định cho phù hợp. Có như vậy mới có thể kiềm chế tai nạn giao thông, giảm tính chất nghiêm trọng, giảm thiệt hại về người, tài sản khi tham gia giao thông.

Phương Thủy
.
.
.