Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế – xã hội:

Tái cấu trúc ngân hàng; tăng đầu tư cho vùng khó khăn

Thứ Sáu, 28/10/2011, 12:00
Nếu như ở thành thị, đại biểu đề nghị sắp xếp, tái cơ cấu và “trảm” những ngân hàng thương mại không đủ điều kiện thì vùng nông thôn, các ý kiến khuyến nghị cần có chính sách hỗ trợ mạnh tay hơn với người nghèo, cán bộ cơ sở…

Không thể tăng giá điện để bù đắp thiếu hụt cho Tập đoàn Điện lực

Đi thẳng vấn đề giá điện, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) không tán thành việc ngành Điện thường xuyên đề nghị tăng giá. Tăng giá điện phải chọn thời điểm thích hợp, phải hài hòa lợi ích người dân, không thể tăng giá điện để bù đắp thiếu hụt của Tập đoàn Điện lực. Ông cho rằng, đây là một trong bốn tập đoàn thua lỗ, đầu tư ngoài ngành lớn, cần phải xem xét rõ sự thật việc đề nghị tăng giá.

Tán đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) biểu thị: Quản lý xăng dầu, điện do doanh nghiệp nhà nước độc quyền, điều kiện đó không thể có cạnh tranh, người dân chịu thiệt. “Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ Tài chính quyết liệt công khai lỗ lãi giá xăng dầu và cần phải làm đến cùng” – ông đề nghị.

Giá xăng dầu, điện trước đó cũng được các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị phải minh bạch và công khai lỗ, lãi trong phiên thảo luận ở tổ.

Diệt “sâu” phải giữ “lúa”

Bàn sâu về tình hình lạm phát, Bí thư TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh thừa nhận, đánh giá nguyên nhân chủ quan chủ yếu như báo cáo của Chính phủ là xác đáng. Ông phân tích, lạm phát cao có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm ở chính sách tiền tệ, tài khóa và cơ cấu nền kinh tế. Hàng ít, tiền nhiều, cho ra đời hàng loạt ngân hàng dẫn tới nhiều thiếu sót. Giải pháp “nắn chỉnh” ngân hàng, theo đại biểu Thanh, phải làm thận trọng, bởi “chúng ta diệt sâu nhưng vẫn phải đảm bảo giữ lúa đủ tốt cho vụ mùa bội thu”.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị, tái cấu trúc ngân hàng cần đột phá bằng nguồn vốn tự có như mua lại hay cổ phần hóa chứ không phải huy động từ kênh khác.

Tăng đầu tư công cho vùng khó khăn

Khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhận được sự chia sẻ và khuyến nghị hỗ trợ, đầu tư của phần lớn ý kiến đại biểu Quốc hội. Đây là khu vực tập trung các đối tượng được khẳng định chịu nhiều tác động bất lợi nhất trong điều kiện kinh tế khó khăn, lạm phát ở mức cao. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, tiêu chí nông thôn mới khiến nhiều xã không đạt chuẩn. Các xã bê nguyên tiêu chí xã này áp dụng xã khác, dẫn tới sự trùng lắp trong khi đặc trưng mỗi xã thuộc các vùng miền là khác nhau. “Tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải có đặc trưng vùng miền, không thể bê nguyên một tiêu chí làm kiểu đại trà” – ông đề nghị.

Chia sẻ các khó khăn của nông dân trong điều kiện lạm phát cao, giá nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng vọt, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có sự hỗ trợ mang tính chiến lược như hỗ trợ vốn, ứng dụng công nghệ kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi chứ không chỉ trợ giúp bằng khoản vật chất nào đó.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đặt vấn đề: Thắt chặt đầu tư công trong điều kiện hiện nay là cần thiết, nhưng đối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai cần tiếp tục mở rộng đầu tư. Theo đại biểu, chỉ tiêu người nghèo giảm 2% như mục tiêu đề ra không dễ thực hiện nếu như thiếu hụt đầu tư hỗ trợ. Nhiều tồn tại kỳ họp nào cũng nhắc đến mà chậm khắc phục, thường đổ lỗi cho một ngành nào đó mà chưa nhìn nhận rõ bản chất. 

Phân biệt chế độ phụ cấp tạo tâm lý so bì

Từ thực trạng lạm phát, nhiều ý kiến phân tích sâu hơn những hệ lụy của nó đối với khu vực nông dân, nông thôn và gia đình chính sách, cán bộ cơ sở. Quan sát trong toàn phiên thảo luận ngày 27-10 cho thấy, có sự trùng hợp lớn trong ý kiến đại biểu từ các địa phương khác nhau: chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở (cấp xã, thôn) rất thấp và thiếu công bằng, trong khi đó các phụ cấp, hỗ trợ cho người hưởng lương hưu ít được thay đổi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) chia sẻ: Ở cơ sở hiện có cán bộ chuyên trách như Bí thư, Chủ tịch, trưởng các đoàn thể và cán bộ không chuyên trách giữ các chức trách khác. Đảm nhận khối lượng công việc rất nhiều nhưng chế độ chuyên trách và không chuyên trách quá chênh lệch khiến cán bộ không chuyên trách thường có tâm lý mặc cảm, tự ti về thu nhập, vị trí của  mình. “Tôi cho rằng không nên chia nhiều bậc loại cán bộ cơ sở, tạo sự phân biệt, dễ sinh tư tưởng tiêu cực” – ông đề nghị.

Tán thành quan điểm, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bổ sung: Vừa rồi thực hiện chế độ phụ cấp công vụ, có khối hưởng 30%, khối 10%, thế nhưng nhiều bộ phận không được hưởng, nhất là cán bộ cấp xã. Cùng chính kiến, đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre) khuyến nghị, cải cách tiền lương cần đồng bộ hơn, cán bộ cơ sở thiệt thòi là không công bằng. Quy định cán bộ chuyên trách và không chuyên trách gây so bì…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói về vụ việc liên quan Thứ trưởng Cao Minh Quang

Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 27/10 về các đơn kiện Thứ trưởng Cao Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện vụ việc đang được thanh tra, điều tra, chưa có kết luận. Bộ Y tế đã thành lập một đoàn thanh tra liên ngành giữa Bộ và Ủy ban Quốc gia phòng, chốngAIDS, ma túy, mại dâm. Thứ hai, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng cũng đã vào cuộc làm rõ. Thứ ba, CQĐT Bộ Công an đã vào cuộc. Theo đề nghị của Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ cũng đang thanh tra.
Đối với các đơn kiện Cục trưởng Cục Quản lý Dược, hiện Thanh tra và CQĐT cũng đang làm rõ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng bảo vệ quan điểm thay đổi giờ làm việc

Liên quan đề án thay đổi giờ làm việc do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo, trao đổi bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, đề án này chưa được sự đồng thuận của các cơ quan, ban, ngành. Tại hội thảo do Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến vẫn lo ngại tính khả thi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc thay đổi giờ làm việc là cần thiết bởi đây là giải pháp khả thi để chống ùn tắc nghiêm trọng. Về việc thay múi giờ làm việc nhưng gia đình công chức vẫn phải đón con đi học, “cần phải nhìn nhận rộng hơn vì hàng nghìn công nhân người ta khắc phục được thì công chức cũng cần chia sẻ khó khăn”.

Muốn Bộ trưởng tiếp tục mạnh tay 

Ghi nhận những việc làm mạnh tay, cứng rắn và quyết liệt của một số Bộ trưởng như Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) bày tỏ: Điều đó cho thấy bộ máy Chính phủ đang có nhiều nhân tố mới, một thế hệ Bộ trưởng mới cố gắng tạo những đột phá. Cử tri hoan nghênh, cho rằng đó là những người dám làm, dám chịu trách nhiệm và mong thời gian tới, các Bộ trưởng tiếp tục mạnh tay hơn.

Đ.Trường - K.Quý
.
.
.