TP HCM: Người dân đau tim vì… rác thải y tế

Thứ Bảy, 09/12/2006, 07:56

Người dân ở một khu phố TP HCM hoảng hốt khi phát hiện trong bô rác của tổ dân phố có nguyên cả một cẳng chân người đang trong giai đoạn phân hủy. Mọi việc chỉ được ngã ngũ khi cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng TP xuống điều tra và xác định đó chỉ là chất thải rác y tế…

Chỉ có điều khó hiểu là làm sao và bằng cách nào một chất thải nhạy cảm như trên lại "lạc" vào bô rác thải sinh hoạt của người dân thì đến nay vẫn không ai giải thích được.

Nguy cơ phơi nhiễm

Hằng ngày khi hoạt động chữa trị cho bệnh nhân, bệnh viện là nơi thải ra môi trường một lượng rác thải độc hại rất lớn. "Bô rác" của bệnh viện gồm các loại rác vật sắc nhọn: kim tiêm, dao kéo mổ, lưỡi dao cạo, ống thủy tinh vỡ, dụng cụ cắt gọt…; các loại rác phế thải bệnh lý: các mô, các tổ chức phần cơ thể, xương, các phế thải nhiễm khuẩn, các phương tiện lao động phân tích thí nghiệm như áo choàng, găng tay, tạp dề, chưa kể lượng rất lớn chất thải từ buồng bệnh nhân…

Thạc sỹ Nguyễn Thị Ngọc Ngân -ăTrung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP đã đưa ra khá nhiều dẫn chứng để chứng minh nguy cơ phơi nhiễm chất thải rắn trong y tế hiện rất lớn.

Ở Mỹ, theo điều tra mới nhất, có từ 17.700 tới 22.000 trường hợp trong 1 năm bị vật sắc nhọn đâm vào tay, vào người khi đang làm việc. Phổ biến là kim chích chảy máu, bị vỏ chai thuốc đâm vào…

Trong khối bệnh viện, số ca phơi nhiễm cao nhất rơi vào lực lượng nhân viên vệ sinh: 11.000 tới 45.000 trường hợp/năm, trong số này có 96 người không may nhiễm viêm gan. Kế tới là lực lượng kỹ sư: 12.000 trường hợp/năm khiến 24 người trong số này đã bị viêm gan. Tai nạn bị vật sắc nhọn y tế đâm vào tay ở lực lượng bác sỹ ngoài bệnh viện mới "khủng hoảng": Từ 28.000 tới 48.000 trường hợp/năm và trong bệnh viện từ 500-1.700 trường hợp bị phơi nhiễm/năm.

Tại Việt Nam, chưa thống kê đầy đủ nhưng từ đầu năm tới nay, trong Bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh đã có 20 bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên vệ sinh không may bị tai nạn do vật sắc nhọn. Toàn bộ các bệnh viện TP Hồ Chí Minh từ năm 1997-1999 có 56 trường hợp, năm 2000 tiếp tục lên 73 trường hợp, năm 2001 có trên 100 người và năm 2002 có 84 trường hợp bị tai nạn trên. 

Lưu rác nguy hiểm bằng... thói quen

Theo khảo sát gần đây nhất của TTYTDP TP về việc xử lý rác y tế tại các bệnh viện cho thấy, một sai sót phổ biến là sử dụng các vật chứa chất thải rắn (kim tiêm, dây truyền, chai lọ thuốc đã dùng…) rất tùy tiện. Một trong những cách mà các y tá, điều dưỡng hiện đang làm nhất đó là dùng các chai dịch truyền bằng nhựa, bằng thủy tinh đã bỏ để "nhốt" kim, bông băng thải ra sau khi sử dụng.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì khi những chiếc bình thủy tinh và bình nhựa này ra tới "bô rác" bệnh viện để đưa đi tiêu hủy đều trong tình trạng "lộ thiên": chai một nơi, kim tiêm… một nẻo. Có tới 99% các bình "tái chế" này đều đã mất nắp đậy khi tới khu vực thu gom hoặc nhà lưu trữ rác của bệnh viện.

Sự việc chỉ được phản ánh lên TTYTDP từ những thắc mắc của công nhân Công ty Đô thị môi trường thành phố khi bị tai nạn kim tiêm liên tục, họ lo sợ bị lây nhiễm HIV. Chưa hết, trong quá trình đi khảo sát tại các bô rác của bệnh viện, đoàn còn phát hiện không hiếm thùng rác mới chỉ chứa bên trong 2/3 nhưng rất nhiều bịch rác bên ngoài để bừa bãi chất đầy trên nắp những chiếc thùng như bao băng bột chấn thương chỉnh hình, rất nhiều bịch đựng kim tiêm lọt ra khỏi thùng chống nhiễm khuẩn để thoải mái bên ngoài. 

Cũng theo bà Ngân, vào năm 2000 trở về trước, để thu gom và bảo đảm an toàn, những vật thải rắn y tế như trên được bỏ riêng trong một loại thùng nhựa có nắp đậy. Phía trên miệng có thiết kế một tấm lưới có tác dụng ngăn chặn không cho kim tiêm bên trong rớt ra ngoài kể cả khi vận chuyển bị xô lắc mạnh. Tuy nhiên, chất lượng hộp chống nhiễm khuẩn (trước tiên bằng sắt, sau đó bằng nhựa và bây giờ là bằng bìa cứng) ngày càng giảm và không đạt yêu cầu.

Và còn một lực lượng đang phải ngày ngày đối diện với nguy cơ tai nạn phơi nhiễm rất cao nhưng chẳng hề được ai quan tâm. Trước hết là ở những điểm ve chai phế liệu đang tràn lan trong thành phố. Nguy hiểm hơn là những người kinh doanh phế liệu thường làm việc thủ công, bảo hộ lao động duy nhất là một chiếc khẩu trang, găng tay vải cho việc phân loại rác, tiềm ẩn nguy cơ độc hại cho chính họ và cộng đồng rất lớn

Huyền Nga
.
.
.