Đứng bên dòng Đa Nhim, nghe huyền bí Srí Churu

Thứ Bảy, 02/02/2019, 13:02
Tôi may mắn là một trong rất ít người được ông “đặc cách” cho chứng kiến khoảnh khắc đúc Srí Tết đầy thận trọng và linh thiêng. Hai điều kiện cơ bản nhất để được Ya Tuất chấp nhận là phải sạch sẽ và không được quan hệ vợ chồng tối thiểu trước đó một ngày. Điều này để đảm bảo sự trong sạch, thiêng liêng và thuần khiết của những cặp Srí theo quan niệm của người Churu.

Bí mật nhẫn mái, nhẫn trống

Tôi gọi cho nghệ nhân Ya Tuất để “đặt lịch” gặp ông tìm hiểu về nghề làm Srí Mơtal (nhẫn mái) và Srí kră (nhẫn trống) mùa Tết. Đây cũng là mùa đôi lứa trong cộng đồng người Churu sinh sống trên miền thượng nguồn dòng Đa Nhim kết duyên vợ chồng. Ya Tuất thận trọng kiểm tra “lý lịch hôn nhân” của tôi: “Nhà báo chưa có vợ thì không sao, nếu có rồi thì trước ngày xuống phải ở cử, là không được ngủ với vợ đó!...”. Sự nghiêm khắc trong câu nói của Ya Tuất khiến tôi nhận ra đây không phải là chuyện bông đùa.

Hôm sau, tôi thức dậy lúc 2h sáng, tắm rửa sạch sẽ và bắt đầu “xé” màn đêm đặc quánh hơi lạnh cuối năm của Đà Lạt xuôi về miền thượng nguồn dòng Đa Nhim.

Plei (làng) Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) nhiều đời nay vẫn khiêm tốn nép mình bên sườn núi. Đó là nơi người Churu sinh sống thuận hòa và còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền đời hoang sơ bản địa. Theo lời của Ya Tuất, tôi tìm tới căn nhà duy nhất giữa làng có sáng ánh điện. Chưa tới 4h sáng, “xưởng chế tác” của Ya Tuất đặt bên hông căn nhà mới xây đẹp nhất vùng đã bập bùng ánh lửa. Đưa mắt nhìn kỹ tôi, Ya Tuất tỏ ra hài lòng bằng một câu cụt ngủn:  “Được!..”.

Nghệ nhân Ya Tuất là người duy nhất trong cộng đồng người Churu còn giữ được nghề đúc nhẫn Tết.

Tôi may mắn là một trong rất ít người được ông “đặc cách” cho phép chứng kiến khoảnh khắc đúc Srí đầy thận trọng và linh thiêng. Hai điều kiện cơ bản nhất để được Ya Tuất chấp nhận là phải sạch sẽ và không được quan hệ vợ chồng tối thiểu trước đó một ngày. Điều này để đảm bảo sự trong sạch, thiêng liêng và thuần khiết của những cặp Srí Mơtal và Srí kră theo quan niệm của người Churu trước khi đến tay các đôi lứa đính duyên vợ chồng. Suốt mấy mươi năm qua, những cặp Srí do nghệ nhân Ya Tuất chế tác đã xuôi ngược làng gần, bản xa, trở thành sợi dây vô hình gắn kết duyên nợ vợ chồng thủy chung của người Churu.

Nghề làm Srí đã lưu truyền đến đời thứ 7 trong dòng tộc nhà Ya Tuất. Từ nhỏ, mấy anh em nhà Ya Tuất đã được cậu là cố nghệ nhân Ya Grang gọi đến nhà truyền lại nghề sau lễ cúng xin phép Yàng (trời). Không đủ kiên nhẫn, mấy người anh của Ya Tuất lần lượt bỏ cuộc. Năm 15 tuổi, Ya Tuất đã theo cậu rong ruổi khắp các làng gần, bản xa, băng qua dãy Apuh, vượt cả dòng Đa Nhim nước dữ đi đúc Srí cho các thiếu nữ Churu đến tuổi cặp kề làm tín vật cho mùa bắt chồng. Nhờ sự sáng dạ, khéo tay, chẳng mấy chốc anh đã tự tay chế tác được hoa văn trên khuôn đúc Srí, một công đoạn thủ công khó khăn nhất khi làm Srí.

Cuối năm, Nam Tây Nguyên chuyển sang trở rét. Từng đợt sương đặc quánh ùa vào lò lửa đang đốt chảy kim loại bạc. Tôi co ro vì hơi lạnh nhưng trên mặt Ya Tuất vẫn lấm tấm mồ hô, lưng áo ướt sũng, đó là do sức nóng của lửa và sự tập trung cao độ của người đang chế tác Srí linh thiêng. Tôi cố gạn hỏi Ya Tuất về khởi thủy nghề đúc Srí trong cộng đồng người Churu nhưng chỉ nhận được những câu trả lời “nhát gừng”, không có đầu cũng chẳng có đuôi, chỉ có mình Ya Tuất mới hiểu ông đang nói gì.

Vợ Ya Tuất, bà Ma Wel ghé tai tôi thì thào: “Nó đang tập trung làm đó, không nói chuyện được đâu!..”. Ra thế!... Để những chiếc nhẫn Churu thủ công ra lò, đạt đến mức tinh xảo cao, người nghệ nhân phải tập trung cao độ cả tâm và trí, một khoảnh khắc lơ là có thể phá hỏng tất cả.

8h sáng, những giọt nắng đầu tiên vượt qua dãy Apuh xóa dần từng lớp sương đêm ngự trị cũng là lúc công việc làm Srí của vợ chồng Ya Tuất phải dừng lại. Ya Tuất giải thích rằng, theo quan niệm của người Churu, những chiếc nhẫn làm ra sau ánh nắng mặt trời đều trở nên vô hồn. Vẫn ngồi bên bếp lửa hừng hực hơi nóng, Ya Tuất chậm chãi, tỉ mỉ kể lại cho tôi các công đoạn chế tác Srí linh thiêng.

Trong quan niệm tín ngưỡng cộng đồng hoang dã của người Churu, vào các ngày trọng đại như cưới hỏi, hiếu hỉ, không thể thiếu được những chiếc Srí bằng bạc. Srí tượng trưng cho niềm thủy chung, sự biết ơn, lòng hiếu thảo…. Mà Srí phải do chính tay người trong dòng tộc, cộng đồng mình làm ra, được tuân thủ đúng “luật tục” truyền đời linh thiêng và huyền bí.

Nghệ nhân Ya Tuất tạo mẫu nhẫn bằng sáp ong.

Thiêng liêng nhẫn Churu

Công việc đầu tiên để làm ra những chiếc Srí Mơtal và Srí kră, nghệ nhân Ya Tuất phải vào rừng tìm những tổ ong mật lớn để “xin” sáp. Sáp ong được nấu nóng chảy, cuộn vào các mẫu gỗ tròn vừa bằng những ngón tay, khi khô thì tháo mẫu gỗ ra, cắt sáp ong thành từng khoen hình chiếc nhẫn. Tùy vào sở thích của người sử dụng mà Ya Tuất tạo hoa văn trên những Srí bằng sáp ong này. Cộng đồng Churu trên rẻo đất Tây Nguyên có 12 loại Srí ưa thích, như Srí mơ ta h’lat, Srí Chăr, Kra lơ kay… Mỗi loại Srí mang biểu tượng và ý nghĩa khác nhau trong quan hệ cộng đồng, tình cảm nam nữ và tín ngưỡng tâm linh.

Theo Ya Tuất, trong 12 loại Srí thì Srí Chăr là khó làm nhất vì loại nhẫn này có hoa văn rất tinh xảo, đòi hỏi người tạo khuôn nhẫn mẫu phải tỉ mỉ, lành nghề và khéo tay. Dù là nghệ nhân bậc thầy hiếm có về làm Srí nhưng mỗi ngày Ya Tuất cũng chỉ tạo được 10 chiếc Srí Chăr mẫu bằng sáp ong.

Khi đã có nhẫn mẫu, Ya Tuất ghép từng chiếc nhẫn lại thành một chùm 3 chiếc, tất cả được gắn vào từng cọng cây nhỏ, ngoài cùng dùng lá dứa cuốn thành hình phễu để đổ bạc vào. Công đoạn tiếp theo, Ya Tuất đem nhúng vào một thứ dung dịch lạ được pha chế theo tỉ lệ phù hợp tạo thành từ phân trâu và đất sét nghiền mịn.

Theo Ya Tuất, phân trâu phải lấy từ con trâu đực 3 tuổi “chưa vợ” và vào buổi sáng sớm. Đất sét phải lấy ở nơi “trời sập” (nơi bị sét đánh trúng) trong rừng thiêng. Những chiếc nhẫn mẫu bằng sáp ong này được nghệ nhân nhúng 4 lần vào chậu đựng dung dịch, mỗi lần cách nhau 30 phút, sau đó đem phơi nắng hai ngày thì hoàn thiện phần khuôn của Srí. Việc tiếp theo chính là chờ lúc rạng sáng, thời khắc âm dương giao hòa để nổi lửa đốt chảy thỏi bạc từ cây ka siu rồi đổ vào những khuôn nhẫn mẫu đã tạo sẵn.

Nhưng trước khi thực hiện công đoạn này, Ya Tuất hơ các mẫu khuôn vào lửa nóng để nhẫn mẫu bằng sáp ong bên trong tan chảy, ngấm vào khuôn tạo nên độ bóng và lúc này trở thành khuôn nhẫn âm. Một phút sau khi đổ bạc vào, nghệ nhân Ya Tuất nhanh tay nhúng tất cả vào chậu nước lạnh đã để sẵn bên cạnh. Gặp nước, khuôn nhẫn tạo thành từ đất sét và phân trâu tơ tan rã, lộ ra từng chiếc nhẫn bạc óng ánh.

Một cặp mẫu Srí Mơtal và Srí kră (nhẫn trống, nhẫn mái) làm bằng sáp ong.

Tùy theo sở thích và phù hợp với từng nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng người Churu mà nghệ nhân Ya Tuất có thể tạo ra những chiếc Srí có mặt đính hạt cây ka réh màu đỏ tươi giống như mặt đá hồng ngọc, hay đính các loại đá bán quý vốn sẵn có ngoài tự nhiên.

Cận Tết, khi từng bầy chim ch’rao, kơ tia vượt qua dãy Apuh xa xa về làng hoan hỉ đón chào mùa xuân cũng là lúc vợ chồng Ya Tuất hầu như không đêm nào được nghỉ. Công việc lao động hằng ngày được chuyển ngược về lúc rạng sáng theo đúng lời nguyền linh thiêng của Yàng (trời). Từng chiếc Srí lần lượt ra đời không đơn thuần là sính vật làm quà tặng hoặc trang trí mà ẩn chứa cả một tập tục, ràng buộc vô hình về mặt tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng hoang sơ. 

Bây giờ đã vào mùa Tết, mùa sánh đôi của những thiếu nữ Churu đến tuổi bắt chồng. Đơn đặt làm Srí đến từ khắp nơi trong cộng đồng ngày càng nhiều, Ya Tuất làm không xuể. Tôi ra về, ông mới bắt đầu cho đôi mắt nghỉ ngơi bằng một giấc ngủ ngày.

Sáng mai, đúng 4 giờ, lửa lại nổi lên!..

Ngô Khắc Lịch
.
.
.