Chuyện tình cảm động của Anh hùng biệt động Bảy Bê
- Cựu biệt động Sài Gòn U90 ba lần đạp xe xuyên Việt
- Người thợ máy biệt động kiên cường
- Xây dựng bia tưởng niệm chiến sỹ Biệt động Sài Gòn trong khuôn viên hội trường Thống Nhất
Hiệp định Paris đình chiến, ông bị địch đưa về bằng trực thăng thả xuống cánh đồng chó ngáp của tỉnh Hậu Nghĩa với thân thể tàn phế do địch tra tấn dã man. Còn vợ ông cũng được trao trả tù binh tại Lộc Ninh cùng với những tử tù chính trị như bà Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thị Hồng Châu…
Cả hai người không gặp nhau, mất liên lạc nhiều năm cho đến một ngày đầu năm 1975, khi tiếng súng quân Giải phóng tấn công Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Năm trước, buổi sáng một ngày trung tuần tháng 8, cựu nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) gọi điện thoại báo tin: “Cuối tuần này mợ làm giỗ đầu của Anh hùng, cậu con đó…”.
Rồi mợ say sưa kể về bao nhiêu năm vất vả đi đòi danh hiệu Anh hùng cho chồng là biệt động Sài Gòn Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) nguyên Đội trưởng Đội 5, F100. Ngay sau ngày tìm gặp lại người vợ biệt động Chín Nghĩa sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lãnh đạo Quân khu đã gọi ông lên đặt vấn đề: chọn danh hiệu Anh hùng hay chọn hai bà vợ? Suy nghĩ một lát, Bảy Bê trả lời gọn lỏn: Tôi chọn hai vợ!!!
Ngày tháng đã trôi qua 42 năm, nhưng với nữ chiến sỹ biệt động Sài Gòn - Chín Nghĩa không thể nào quên những ngày trong vai “tình nhân” với Đội trưởng biệt động Bảy Bê rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn và những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” làm rung chuyển Sài Gòn và Lầu Năm Góc của Mỹ.
Ông Bảy Bê và bà Chín Nghĩa. |
Năm 1965, Chín Nghĩa bước sang tuổi 17 đã gia nhập vào Đội 5 Biệt động Sài Gòn. Ở xã Nhuận Đức, Củ Chi đất thép thành đồng ai ai cũng biết Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đặng có 3 người con là liệt sỹ, 5 người là thương binh trong đó có 3 anh em Chín Nghĩa cùng trong Đội 5 Biệt động Sài Gòn.
Hồi này, Đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) đã 35 tuổi, thường xuyên được tổ chức phân công đóng cặp tình nhân để tiện lợi quan sát, nắm tình hình. Tình yêu bí mật và thầm lặng trong hai trái tim chiến sỹ biệt động cũng nảy nở từ lúc nào, không ai biết rõ ràng. Chỉ cảm thức sâu sắc rằng, ngoài công tác được giao, hễ một ngày vắng nhau là thấy nhớ nhung. Những lần Bảy Bê nhận nhiệm vụ đánh đâu đó là Chín Nghĩa bất an, mất ăn mất ngủ vì lo lắng cho an nguy của Đội trưởng.
Bảy Bê sinh năm 1930, ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận ngày nay) trong một gia đình nông dân nghèo sát bên chân núi Tà Zôn. Từ năm 1947, Bảy Bê đã tham gia đơn vị Trung đoàn 62 Bình Thuận là một chiến sỹ rất gan dạ, mưu trí khiến cho giặc Pháp khiếp vía khi càn quét qua đây.
Đến năm 1956, tổ chức bố trí cho ông vào Sài Gòn hoạt động bí mật dưới vỏ bọc của một người lao động nghèo tha hương. Công việc mưu sinh trên đường phố ông đã trải qua nhiều nghề khác nhau từ đánh giày, thợ hồ, đạp xích lô, ba gác, bán nước sâm, cà rem…
Năm 1958, địch bắt giam ông ba năm nhưng không tìm được chứng cứ gì buộc tội nên đã phải thả. Ra tù, ông được tổ chức rút về Ban Quân báo Miền, thuộc Trung ương Cục Miền Nam. Đến năm 1964, Bảy Bê được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội 5, F100 do các đồng chí Tư Chu (Anh hùng Nguyễn Đức Hùng), Ngô Thanh Vân (Ba Đen), Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Tư Tăng chỉ huy mạng lưới Biệt động Sài Gòn với những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay giữa nội thành Sài Gòn gây chấn động một thời.
Những trận đánh tiêu biểu như: Ngày 24-10-1964, sau gần 10 ngày đế quốc Mỹ đưa anh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường xử bắn, Biệt động Sài Gòn do Bảy Bê chỉ huy đánh sập 43 phòng của khách sạn Caravelle cao 10 tầng. Hôm đó, Bảy Bê trong vai người lái xe, chở nữ biệt động Trần Thị Minh Nguyệt (Kim Chi) là tình nhân của một viên sỹ quan Mỹ đến khách sạn, với sự hỗ trợ của biệt động Năm Bắc (Nguyễn Nông) đang làm phục vụ tại khách sạn thuê phòng, bí mật đặt 37kg thuốc nổ TNT và kíp mìn hẹn giờ. Vụ nổ đã làm chấn động Sài Gòn và làm xôn xao dư luận nước Mỹ.
Tiếp đến ngày 24-12-1964, Bảy Bê cùng biệt động Tư Mập (Nguyễn Văn Hòa) lái xe chở hơn 100kg thuốc nổ trà trộn vào cư xá Brink 168 phòng là nơi cư trú của sỹ quan Mỹ.
Tiếp đến 10h45 ngày 30-3-1965, Bảy Bê lái xe chở 150kg thuốc nổ cùng đồng đội biệt động Sài Gòn chia thành 3 mũi tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi. Trận đánh đã khiến cho cơ quan đầu não Mỹ CIA phải điên tiết lồng lộn lên vì đội quân biệt động Sài Gòn xuất quỷ nhập thần. Năm 1966, Bảy Bê bị một tên phản bội chỉ điểm và bị địch bắt đày ra Côn Đảo, đến năm 1973 mới được trao trả tù binh.
Gia đình biệt động Bảy Bê - Chín Nghĩa. |
Trong những trận đánh của biệt động Sài Gòn, là nữ chiến sĩ biệt động duy nhất của Đội 5, xuất phát từ căn hầm bí mật của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế trong trận đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 là bà Vũ Minh Chính (Chín Nghĩa), người vợ chưa cưới của Bảy Bê.
Chín Nghĩa cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, sau đó bị địch bắt. Bọn địch đã dùng mọi cực hình tra tấn tàn bạo và dã man nhất, nhưng không thể nào khuất phục được chiến sỹ biệt động Sài Gòn mưu trí, quả cảm. Địch đã đày đọa và giam cầm bà tại các nhà tù Tổng Nha Cảnh sát, Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp; cuối cùng chúng đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo.
Cả hai vợ chồng Bảy Bê, Chín Nghĩa cùng bị địch giam cầm tại Côn Đảo nhưng không hề biết tin tức gì và cho đến năm 1973, cả hai được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris tại hai nơi khác nhau. Bà Chín Nghĩa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh, còn Bảy Bê do địch tra tấn quá dã man khiến cho thân thể tàn phế.
Bọn địch sợ báo giới nước ngoài quy tội tra tấn tù nhân nên cho trực thăng chở ông quăng xuống cánh đồng chó ngáp tỉnh Hậu Nghĩa cũ (nay là Đức Hòa, Long An).
Tại đây, ông đã được bà Võ Thị Tránh, ở ấp Bàu Tra, xã Tân An Hội, Củ Chi là vợ một đồng chí bộ đội Củ Chi hy sinh năm 1965 có một con gái nhỏ, nhận cưu mang, chăm sóc để ông dần phục hồi sức khỏe.
Sau khi hồi phục sức khỏe, Bảy Bê tìm mọi cách liên lạc với gia đình Chín Nghĩa nhưng không có tin tức gì. Ông trở lại tiếp tục chiến đấu và hoạt động nội thành cùng Đội 5 Biệt động Sài Gòn.
Đầu năm 1974, Bảy Bê báo cáo tổ chức xin phép lập gia đình với bà Tránh như một hành động tri ân, nghĩa tình với người vợ liệt sỹ đã cứu sống ông và lúc này bà Tránh cũng tham gia biệt động Sài Gòn.
Riêng nữ biệt động Chín Nghĩa, sau khi trao trả tù binh bà đã về công tác tại Ban Quân báo Miền, tiếp tục công việc của một cán bộ biệt động.
Đầu năm 1975, trong không khí sục sôi của quân dân cả nước đang từng ngày giải phóng miền Nam, Bảy Bê và Chín Nghĩa đã gặp lại nhau trong cánh rừng cao su Dầu Tiếng. Bao nhiêu buồn đau, vui sướng, nghẹn ngào của hai người đã dồn hết cho nước mắt, nghẹn ngào khó nói thành lời. Bà Chín Nghĩa đã kể lại: Oái ăm làm sao, bà Tránh là chị em bạn dì với Chín Nghĩa. Dù bà Tránh được tổ chức cho phép cưới hỏi chính thức, nhưng Chín Nghĩa từng là vợ không thể cưới của Bảy Bê từ những ngày hoạt động tại Sài Gòn năm 1965.
“Đàn bà mà, nghe việc không chung tình, máu ghen muốn trào ra miệng… giận lắm, nhưng thấy ổng gãi đầu, bứt tai cũng không giải thích gì hết”. Lúc này chiến dịch Hồ Chí Minh đã vào cao điểm, tất cả mọi việc riêng tư đành phải gác lại, tất cả dành cho giải phóng miền Nam…
Đất nước hết chiến tranh, Chín Nghĩa được giao tiếp quản khu công cụ tại Gò Vấp, còn Bảy Bê tâm trạng đêm ngày rối bời. Lúc này Chín Nghĩa còn rất trẻ, bà có quyền chọn lựa cho mình một tương lai cuộc đời mà không ai có quyền bắt buộc. Nhưng chữ tình sinh ra trong chiến tranh, ly loạn lại nặng vấn vương trong lòng. Tất cả đã may mắn còn sống trong ngày độc lập, hòa bình, thì không lý do gì có thể làm quên đi mối tình rất đẹp của những ngày hoạt động trong lòng địch giữa đô thành Sài Gòn.
Trong khi Bảy Bê lầm lỳ xuất hiện suốt ngày, rồi hai người chở nhau đi thăm đồng đội, thăm cơ sở nội thành. Những kỷ niệm của một thời xuân trẻ lần lượt nối nhau ùa về trong gió chiều lồng lộng thổi trên bến Bạch Đằng, trên ghế đá công viên, rồi những quán hàng ăn uống tại những góc phố Sài Gòn… Tất cả là do chiến tranh, do kẻ thù gây ra còn tình yêu thì không hề có lỗi gì…
Ông biệt động Sài Gòn có hai bà vợ và các con riêng chung sống rất vui vẻ, hạnh phúc cho đến ngày 16-8-2006, ông đã trút hơi thở sau cùng trong vòng tay hai người vợ biệt động và các con cháu. Hơn 10 năm sau, người vợ biệt động Chín Nghĩa đã nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Nhà nước truy tặng cho chồng - Đội trưởng Đội 5, F100 Nguyễn Thanh Xuân, tức Bảy Bê.