Sức voi cũng kiệt vì… người

Thứ Năm, 17/08/2006, 08:53

Số voi nhà và voi rừng ở Đăk Lắk đang sụt giảm nhanh chóng, giờ chỉ còn 61 voi nhà và 40 -50 voi rừng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này có liên quan đến yếu tố con người, như nạn tàn phá rừng, nạn săn bắn trái phép, việc buôn bán, cho thuê vì nhiều mục đích khiến voi không được sống trong môi trường của mình...

Trong nhật ký của một cán bộ kiểm lâm tôi được đọc, có đọan: “Ngày 9/4/2006. Vậy là thêm một con voi không sống nổi nữa!...”. Đây là con voi mới chết trong làng voi Đắk Lắk. Tên voi là Ban Nang (52 tuổi), của dòng họ Je ở buôn Ranh B, xã Đắk Liêng, huyện Lắk. Ban Nang được dòng họ Je mua của một dòng họ khác ở xã Yang Tao cùng huyện từ năm 1982.

"Thương lắm Ban Nang ơi!"

Khi chúng tôi tìm về buôn Ranh B thì Ban Nang đã chết được gần một tháng. Dù Ban Nang chết đã lâu nhưng ông Y Nguôt vẫn buồn, chưa chịu đi rẫy, chỉ ngồi nhà uống rượu. Ông vừa là nài voi vừa là người quản lý voi của dòng họ Je. Nói đến Ban Nang nước mắt ông ứa ra.

Trước đó khoảng một tháng, Ban Nang đi kéo gỗ thì bị trượt dốc ngã gãy chân. Lúc này, được sự hướng dẫn của cán bộ thú y dòng họ Je mới lo chăm sóc, đi tìm chuối, tìm mía cho Ban Nang..., nhưng đã quá muộn. Cả một thời gian dài, Ban Nang không được chăm sóc đầy đủ dẫn đến suy dinh dưỡng, lại phải làm việc liên tục, kiệt sức nên cú trượt gãy chân đã khiến Ban Nang phủ phục.

Ngày 7/4, Ban Nang bắt đầu có biểu hiện chậm chạp, lừ đừ. Sáng ngày 9/4, Ban Nang bỏ ăn và bắt đầu khóc. Ban Nang khóc nhiều lắm. Khi nhìn thấy Y Nguôt và mấy người trong dòng họ cũng khóc thì Ban Nang dúi đầu vào bụi tre khóc một hồi nữa rồi chết. Y Nguôt bàn với người trong dòng họ làm lễ chôn cất cho Ban Nang nhưng “bọn ít tuổi” không chịu, chúng muốn bán xác Ban Nang kiếm tiền, cuối cùng thì Y Nguôt cũng phải theo. Da thịt của Ban Nang được bán làm thuốc, xương nấu cao, vòi, đuôi và chân làm đồ mỹ nghệ.

Y Nguôt vừa khóc vừa nói: “Khi voi ở ngàn lúc chết sẽ tìm đến thung lũng giữa núi cao, có nhiều cây rừng rồi nằm xuống chết để bầy đàn của nó lấy đất, lấy cây rừng đắp mộ. Ngày trước voi về ở với người lúc chết cũng được làm lễ cúng, được cả dòng họ thương tiếc, cả buôn đến chia buồn, còn bây giờ... Thương lắm Ban Nang ơi!”.

Tâm sự già làng

Trên đường về buôn M'Liêng với chúng tôi, anh Võ Văn Tụ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lắk cho biết: “Vậy là chỉ 3 năm nay riêng huyện Lắk đã có 3 con voi nhà chết, đều vì suy dinh dưỡng và kiệt sức”. Khi nghe chúng tôi nói chuyện về cái chết của voi Ban Nang, già làng Y Te Ông thở dài, nét mặt lộ vẻ buồn rầu. Rồi không đợi chúng tôi hỏi chuyện, già nói: “Ban Nang chết, ta sợ rồi Khọi Vạc nhà ta cũng thế thôi”.

Già kể: Ngày xưa voi là thành viên trong nhà, trong dòng họ, trong buôn làng. Bây giờ đồng tiền, cái xe máy, cái máy hát... đã làm lũ con cháu quên hết cả rồi, chúng thay nhau làm khổ Khọi Vạc - con voi của ông bà để lại. Từ khi điểm du lịch hồ Lắk được mở ra, có nhiều khách xa khách gần đến thăm bọn con cháu đã xin cho Khọi Vạc đi chở khách kiếm tiền.

Đem Khọi Vạc đi kiếm tiền nhưng chúng không “chia phần” cho Khọi Vạc, không chăm sóc Khọi Vạc để thưởng công, chúng chỉ thích kiếm tiền thôi. Mỗi tiếng đồng hồ cho Khọi Vạc đi chở khách kiếm được cả trăm nghìn đồng. Từ những đồng tiền này mà 2 đứa con và mấy đứa cháu của Y Tê Ông sinh ra cãi cọ, chửi nhau, có lần suýt đánh nhau nữa.

Những việc ấy khiến Y Te Ông rất buồn lòng, nhưng biết làm sao được. Ông già phải đứng ra phân chia thời gian của Khọi Vạc cho từng đứa con và cháu, nhưng chỉ được một thời gian ngắn họ không chịu. Đó là vào mùa du lịch, nhiều khách có “đứa trúng” kiếm được nhiều tiền và ngược lại, vậy là họ lại cãi nhau.

Già Y Tê Ông lại phải phân chia thời gian để người nào cũng có phần lợi, phần thiệt. Nhưng chính điều này đã sinh ra tình trạng không ai chịu chăm sóc Khọi Vạc cho tử tế, nói như người Kinh là “cha chung không ai khóc”. Chỉ qua mấy mùa đi chở khách đã khiến Khọi Vạc gầy rộc, bước đi không còn dũng mãnh như ngày xưa.

Già Y Tê Ông thở dài: “Chúng mờ mắt vì tiền hết cả rồi. Chúng đã quên, đã lờ luật tục đi rồi. Luật tục nghiêm cấm mọi hình thức hành hạ voi. Ai không cho voi ăn ngủ từ lúc mặt trời lặn ở núi Tây và mọc lên ở núi Đông thì bị phạt thật nặng... Giờ chúng không còn biết nghe lời nữa rồi”.

Những con số giật mình

Ông Lê Cước - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết: Theo điều tra mới nhất thì đàn voi nhà ở Đắk Lắk còn 61 con, trong đó có 21 voi đực và 40 voi cái, được phân bố ở 5 huyện là Buôn Đôn: 21, Lắk: 21, Ea Súp: 9, Krông Ana: 6 và Krông Bông: 4. Nếu so với số liệu điều tra năm 1979 là 502 con thì con số 61 bây giờ thật đáng giật mình.

Không chỉ voi nhà mà voi rừng cũng phải chịu số phận thảm hại.Theo điều tra năm 1979 thì có khoảng 400-500 con nhưng đến năm 2000 thì chỉ còn khoảng 40-50 con! Số lượng voi rừng còn lại tập trung dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc các huyện Ea Súp, Buôn Đôn (Đắk Lắk), Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Rlấp (Đắk Nông) và vùng chân núi Chư Yang Sin thuộc các địa bàn huyện Lắk, Krông Bông và M'Đrắk.

Nguyên nhân của sự sụt giảm giật mình này đều có liên quan đến yếu tố con người, như nạn tàn phá rừng khiến môi trường sống của voi ngày một bị thu hẹp, nạn săn bắn trái phép, việc buôn bán, cho thuê vì nhiều mục đích khiến voi không được sống trong môi trường của mình, không được chăm sóc...

Các nhà quản lý, các nhà khoa học đã lên tiếng từ rất lâu về nguy cơ tuyệt chủng của voi và đưa ra những biện pháp trước mắt, lâu dài nhằm bảo vệ loài voi như: nghiên cứu làm tăng khả năng sinh sản của voi nhà, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với việc chăm sóc và bảo vệ voi, đào tạo nâng cao nghiệp vụ về công tác bảo tồn voi nhà, xây dựng các khu bảo tồn voi hoang dã... Nếu không được bảo vệ ngay từ bây giờ thì “ông đại ngàn” sẽ biến mất là điều khó tránh khỏi.

Một sớm rời Buôn Ma Thuột, tôi bỗng nghe trên đài phát thanh phát nhạc hiệu bài “Chú voi con ở Bản Đôn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bỗng dưng tôi nhớ đến lời Giáo sư Võ Quý - Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong một cuộc hội thảo: Bất cứ việc săn bắt voi rừng với mục đích nào đều vi phạm các quy định của thế giới và Việt Nam về bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm. Nếu voi nhà đã già không còn giá trị sử dụng, phải chăn nuôi tốn kém,... thì nên thả lại vào rừng.

Nhưng... “từ rừng già voi đến với người”. Đến với người rồi còn về nổi nữa không?

Lê Duy Cường
.
.
.