Sự thật về những bộ hài cốt bên bờ sông Nậm Rốm

Thứ Sáu, 27/05/2005, 15:22

Ngày 10/5/2005, tỉnh Điện Biên đã tiến hành lễ bàn giao 17 bộ hài cốt lính Pháp cùng đồ vật, tư trang cho đại diện Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam. Đây là số hài cốt được phát hiện khi công nhân xây dựng thi công kè hai bên bờ sông Nậm Rốm - vị trí chỉ cách hầm tướng Đờ Cát vài trăm mét. Để có kết quả này phải kể đến sự đóng góp quan trọng của các giám định viên Trung tâm Pháp y - Sinh vật Viện KHHS Bộ Công an...

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao, ông Phó tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp đã cảm ơn các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên và các cơ quan hữu trách, cơ quan giám định pháp y  - Bộ Công an đã làm việc có trách nhiệm, khoa học giúp làm rõ sự thật về số hài cốt lính Pháp này.

3 giờ chiều ngày 25/1/2005, chiếc máy bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay Điện Biên Phủ. Không ai biết trong số gần  80 hành khách hôm ấy có 3 giám định viên cao cấp của Trung tâm Giám định Pháp y – Sinh vật Bộ Công an. Các anh lên Điện Biên theo yêu cầu của Công an tỉnh và Ban Ngoại vụ với nhiệm vụ đặc biệt: Giám định pháp y một số bộ hài cốt chưa rõ nguồn gốc tung tích.

Ngay buổi làm việc đầu tiên vào tối ngày hôm đó, đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng ban Ngoại vụ tỉnh Điện Biên cho đoàn giám định biết: Đầu tháng 1/2005 trong khi xây kè hai bên bờ sông Nậm Rốm, công nhân thi công phát hiện một số bộ hài cốt bị chôn vùi không có quan tài ở vị trí cách cầu Mường Thanh hơn 100 mét và cách hầm Đờ Cát 200 mét. Kèm theo còn có một số đồ vật cá nhân. Theo đồng chí Hạnh và nhân dân địa phương thì nơi đây xưa kia đã từng diễn ra những trận chiến đấu ác liệt giữa bộ đội ta và quân Pháp xâm lược. Khá nhiều lính dù Pháp đã bị bộ đội ta tiêu diệt ngay từ trên không.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Công an Điện Biên Phủ đã quyết định trưng cầu các bác sĩ Trung tâm Giám định Pháp y  - Sinh vật Bộ Công an tiến hành giám định làm rõ nguồn gốc của những bộ hài cốt nói trên, xem đó là hài cốt của người nước ngoài? (cụ thể là lính Pháp) hay người Việt Nam? Điều này quan trọng bởi nếu là của bộ đội hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cần quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Còn nếu là hài cốt lính Pháp ta cũng sẽ có biện pháp xử lý đúng theo phong tục tập quán và truyền thống nhân đạo của người Việt Nam.

8 giờ ngày 26/1/2005, đoàn giám định viên đã có mặt tại hiện trường. Thượng tá Nguyễn Cao Khai, Trưởng phòng KHHS Công an tỉnh Điện Biên và Trưởng ban Ngoại vụ Nguyễn Văn Hạnh giới thiệu cho các giám định viên biết vị trí số hài cốt.  Hiện tại toàn bộ số hài cốt đã được bảo quản trong 13 chiếc tiểu sành phủ vải đỏ. Những đồ vật tìm thấy bên cạnh hài cốt  được bảo quản riêng trong túi nylon, được đánh số thứ tự tương ứng với số tiểu. Công ty Xây dựng thi công kè bờ sông Nậm Rốm, đơn vị phát hiện số hài cốt đã cẩn thận dựng một chiếc lều bạt che mưa nắng, đồng thời còn cử công nhân hàng ngày trông nom thắp hương cho từng chiếc tiểu.

“Chưa biết những bộ hài cốt này là ai, không loại trừ đó là của lính Pháp chết trận ở Điện Biên Phủ xưa kia. Nhưng, “nghĩa tử là nghĩa tận” chúng tôi vẫn thắp hương cho họ. Đó là truyền thống của người Việt Nam!” - Anh cán bộ phụ trách đội công nhân tâm sự. Và, quả thực quá trình làm việc ở đây nhóm công nhân này đã giúp đỡ các giám định viên khá nhiều: từ việc đun nước uống đến xách nước sông lên rửa xương cốt v.v...

Xem xét sơ bộ  13 chiếc tiểu đựng hài cốt, Trung tá giám định viên cao cấp BD thấy di hài lẫn với khá nhiều đất. Cách tốt nhất bây giờ là mua sàng để lọc đất rửa sạch xương, sau đó mới tiến hành giám định từng chiếc tiểu theo thứ tự.

“Vấn đề sàng đất còn có ý nghĩa quan trọng khác là tìm được răng của người chết. Căn cứ vào răng, giám định viên có thể xác định được chủng tộc – độ mòn (để xác định độ tuổi)!”, Trung tá bác sĩ HC giải thích với các cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên như vậy. Ngay sau đó, Thượng tá Nguyễn Cao Khải đưa các giám định viên ra chợ Điện Biên mua hai bộ nia – sàng kèm theo chậu nhựa to, bàn chải, túi nilông đựng mẫu vật. Ngày đầu tiên, chiếc tiểu M1 đã được nghiên cứu giám định thận trọng, tỉ mỉ. Ngoài một số đoạn xương ống đùi, xương ống tay, răng, mảnh xương sọ, các giám định viên còn tìm thấy nhiều vật dụng đi liền với hài cốt như cúc áo nhà binh bằng nhựa, cúc áo nhà binh bằng đồng, mảnh kim loại và phù hiệu hình thoi ghi ký hiệu quân binh chủng lính viễn chinh Pháp. Điều đáng quan tâm là 2 đế giày đinh màu đen cỡ chân  45 khá to, một số đoạn dây dù và 106 viên đạn súng tiểu liên đã han gỉ. Căn cứ vào kết quả đo đạc xương, nghiên cứu đặc điểm răng cùng các đồ vật nhà binh kèm theo, bước đầu giám định viên nhận xét bộ hài cốt ở tiểu M1 là của người nước ngoài (người Âu) – khả năng là lính Pháp chết trận tại Điện Biên Phủ năm 1954.

Rút kinh nghiệm buổi làm việc đầu tiên (26/1/2005), những ngày sau 3 giám định viên pháp y đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dứt điểm từng chiếc tiểu. Lãnh đạo công an và Ban Ngoại vụ tỉnh Điện Biên thường xuyên có mặt ở hiện trường động viên các bác sĩ. Thượng tá Nguyễn Cao Khải, trực tiếp đi mua các đồ trang bị bảo hộ lao động giúp các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ giữa những ngày nắng nóng.

Tiếp tục nghiên cứu số tiểu đựng hài cốt còn lại từ M2 đến M13, các giám định viên nhận thấy đa số chỉ có xương ống tay hoặc chân, mảnh xương sọ, xương hàm, răng, nhiều cúc áo nhà binh bằng nhựa, bằng đồng. Xem xét số đồ vật kèm theo đặc biệt lưu ý là chiếc ví da của một bộ hài cốt còn nguyên một số giấy tờ tiếng Pháp và tiếng Việt.  Ví dụ: Lệnh điều động sĩ quan quân đội Viễn chinh Pháp từ căn cứ Sài Gòn lên Điện Biên Phủ, bằng lái xe quân đội Pháp, giấy hẹn lấy ảnh của một hiệu ảnh ở phố Bạch Mai, Hà Nội (viên sĩ quan này chụp ảnh trước khi lên chiến trường Điện Biên Phủ). Tại một địa điểm khác, ngoài xương, răng giám định viên còn tìm thấy vòng đeo tay bằng đồng ghi tên lính Pháp tên là Rodriges Andreas.

Tất cả những đồ vật tìm thấy bên cạnh hài cốt đem so sánh với quân phục lính Pháp còn lưu giữ ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, các giám định viên khẳng định chúng hoàn toàn giống nhau.

Chiều ngày 29/1/2005, sau 5 ngày miệt mài làm việc, công tác giám định đã cơ bản hoàn thành. Các số liệu đo đạc, mô tả kích thước giải phẫu hình thái từng bộ xương, răng và đồ vật nhà binh tìm thấy kèm theo được chụp ảnh, ghi chép tỉ mỉ. Báo cáo kết quả sơ bộ với đồng chí Phó chủ tịch tỉnh và lãnh đạo Ban Ngoại vụ, lãnh đạo Sở Công an, các giám định viên pháp y Bộ Công an nhận định: Qua nghiên cứu giải phẫu hình thái khẳng định, số xương tìm thấy khi thi công kè bờ sông Nậm Rốm là của người châu Âu. Thời gian chôn khoảng 50 năm, phần lớn xương đã mục nát. Số xương đựng trong 13 chiếc tiểu là di hài của 17 người. Các đồ vật, tư trang phát hiện cùng hài cốt hoàn toàn giống với trang phục, vũ khí của quân đội viễn chinh Pháp còn lưu giữ ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trở về Hà Nội ngày 30/1/2005, các giám định viên đã khẩn trương đánh máy bản giám định kịp thời cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác đối ngoại của tỉnh Điện Biên 

Nguyễn Đức Hải
.
.
.