Sống thiện ở nhà số 7

Thứ Bảy, 12/02/2005, 07:10
“Tôi nói với lính: Đã làm lính hình sự, dù cậu có tinh quái và sắc sảo đến đâu cũng phải nhớ chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến thầm lặng giữa cái thiện và cái ác, giữa cái hèn hạ và cái dũng cảm. Nếu không có một nhân cách lớn, các cậu khó có thể thành công trong nghề nghiệp của mình”.

Thượng tá Nguyễn Đức Bình, thủ trưởng của nhà số 7 Thiền Quang, vị chỉ huy “phá án lừng danh” của hai cơ quan CSHS và CSĐT Công an thành phố Hà Nội chép miệng nói với tôi, trong một chiều đông sầm sập gió của tiết lạnh đầu năm như vậy. Câu chuyện bắt đầu từ những mảnh ký ức nhập nhòa. Ông không bao giờ nghĩ rằng, một ngày nào đó anh lại giữ cương vị trọng trách ở ngôi nhà “nổi tiếng” ấy.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuổi thơ ấu của anh gắn với hồ Thiền Quang, với con phố Nguyễn Du dày đặc cây hoa sữa. Nhà ở phố Quang Trung, không trưa nào, anh Bình không cùng với lũ bạn ra hồ Thiền Quang chơi trò câu tôm; câu chán lại nhảy ùm xuống hồ tắm. Kết thúc của những trò nghịch ngợm ấy là trèo hàng rào qua công viên Thống Nhất để chơi đá cầu, vặt trộm hoa quả và đánh nhau với lũ bạn.

Mỗi lần đang học bài, hay câu tôm, đùa nghịch với bạn mà thấy mấy chiếc xe xítđơca chạy về đỗ xịch ở nhà số 7 Thiền Quang là run lên. Đứa nào đứa ấy chỉ thập thò từ xa để quan sát mấy người bị còng tay trên xe. Cảm giác choán ngợp với mấy đứa trẻ bặm trợn lúc này là sợ mình cũng bị còng tay như mấy người tội phạm kia.

Sợ hãi là vậy nhưng anh là đứa trẻ tinh nghịch và “cá biệt” nhất khóa học hồi đó. Không thể tin được trong số 600 sinh viên Đại học An ninh chỉ có 20 người chưa được kết nạp đoàn viên, trong đó có Nguyễn Đức Bình.

Thực ra, khi đến lớp 10, anh cũng đã biết xấu hổ với bạn gái việc mình chậm tiến nên đã phấn đấu tin tưởng vào đợt kết nạp vét cuối cùng của năm cuối THPT. Thế nhưng bao nhiêu hy vọng đều tan thành mây khói khi cả đợt vét ấy anh cũng không có tên trong danh sách.

Vậy mà đội viên Nguyễn Đức Bình đi thi đại học đỗ cả 3 nguyện vọng: Khoa Chế tạo máy Đại học Bách khoa, Đại học Kiến trúc, và Trường Thông tin liên lạc. Nhưng bố mẹ anh (đều là cán bộ lão thành cách mạng) sau nhiều đêm thức trắng để suy ngẫm quyết định cậu con trai ngỗ nghịch của họ sẽ phải tuân thủ sự sắp đặt của bố mẹ. Bắt đầu những bài giảng đêm đêm về đạo đức và giáo huấn về chính trị đến nỗi đội viên Bình cảm thấy mình sắp thành kẻ tội phạm đến nơi nếu không đi đúng định hướng của gia đình.

Cuối cùng bố mẹ tuyên bố gửi anh vào Đại học An ninh. Đội viên Bình lúc đó cũng có cảm tưởng chỉ có vào môi trường công an, kỷ luật sắt, may ra bản thân mình mới tu tỉnh nên người được. Vậy là từ giã những mơ ước thành người kỹ sư chế tạo máy, hay kiến trúc sư,  Nguyễn Đức Bình bước vào ngành Công an.

Anh thú nhận: “Có lẽ số phận đã lựa chọn tôi vào ngành Công an. Tôi hiểu rằng, môi trường giáo dục cực kỳ quan trọng đối với việc hoàn thiện nhân cách của con người. Nếu ở môi trường tồi tệ rất có thể anh sẽ trở thành tội phạm. Nếu tôi không được rèn luyện trong một môi trường tốt... Biết đâu tôi đang là đối tượng của... Công an!”.

Tốt nghiệp Khoa Điều tra trinh sát, Nguyễn Đức Bình may mắn có được 10 năm làm giảng viên chuyên môn ở Trường trung học Cảnh sát. Sau này khi rời bục giảng để bước vào cuộc đời của một người lính hình sự điều tra và truy bắt tội phạm, chính quãng thời gian đó đã trang bị cho anh một kiến thức lý thuyết cực kỳ bài bản, và phương pháp luận chắc chắn làm hành trang để anh đi từ thành công này đến thành công khác.

Năm 1988 về Công an quận Hoàn Kiếm, năm 1993 anh được đề bạt lên Phó Công an quận. 10 năm gắn bó và lăn lộn ở cơ sở, năm 1998 anh được điều lên làm Trưởng phòng CSHS - Công an Hà Nội. Từ tháng 10/2004, Phòng CSHS và một bộ phận Phòng CSĐT nhập lại làm một, Thượng tá Nguyễn Đức Bình giữ chức trưởng phòng.

Từ đó, đã gần 20 năm, cuộc sống của những người lính như anh ở nhà số 7 Thiền Quang không hề bình thường như muôn vàn cuộc sống khác. Bởi lẽ đặc thù và tính chất của công việc lính hình sự là thường xuyên phải đối mặt với cái ác, với tội phạm nguy hiểm, và phải tìm mọi cách để chiến thắng cái ác, loại trừ cái ác. Những người lính hình sự như anh phải đào luyện mình rất nhiều trong môi trường sống chung với cái ác, để diệt trừ cái ác.

Anh nói về những đồng nghiệp của mình với lời tự bạch chân thành: “Tôi có một đội quân khá tinh nhuệ, thiện chiến và có kinh nghiệm. Bảo họ đóng vai lưu manh, ngay lập tức biến thành tên lưu manh đểu cáng. Bảo họ trở thành ông chủ sang trọng, ngay lập tức thành ông chủ. Có nghĩa là người lính hình sự hóa thân rất nhiều nhân vật và tài nghệ như những diễn viên có hạng.

Thú thật tôi cũng phải thường xuyên trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm mới có thể nắm giữ và điều khiển được đội quân này. Thế nhưng điều quan trọng là họ hiểu được bản chất lưu manh, có kiến thức tội phạm, họ chiến đấu vì mục địch lý tưởng cao cả... Cái đó khác nhau ghê gớm.

Công bằng mà nói trong cuộc sống hiện đại hôm nay, cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác càng vất vả hơn áp lực hơn đối với những người cầm cân pháp luật. Những chiến công thầm lặng của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội trong những vụ trọng án nổi tiếng lừng danh thiên hạ về tính chất phức tạp như vụ Khách sạn Công Dung; vụ giết người ở Thảo Cầm viên Tp.HCM; vụ bắt cóc bé Tarahiko; vụ cướp tiệm vàng Kim Sinh... là những minh chứng sống động nhất về trí thông minh, lòng quả cảm của những người lính hình sự Công an Hà Nội.

Thế nhưng, khi kể cho tôi nghe những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong gần 20 năm tiếp xúc với án từ và tội phạm, lại là những câu chuyện của những vụ án “chìm xuồng”. Đó là những vụ án về mối tình loạn luân trong gia đình, hay những vụ kiện éo le của vợ với chồng, cha mẹ với con cái... hay như việc thuyết phục Nga “chọi” trong vụ án Lương Quốc Dũng ra đầu thú trong lúc nhạy cảm nhất.

Tất cả những câu chuyện ngỡ như vụn vặt và đời thường ấy ẩn chứa trong đó là cả số phận của một gia đình, thậm chí một dòng họ, thể diện của quốc gia. Không phải Thượng tá Nguyễn Đức Bình và những người lính của anh không có khả năng điều tra lấy chứng cứ và đưa họ ra tòa chịu những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng, với một tấm lòng nhân hậu và trái tim đầy trắc ẩn sâu xa, anh và những người lính điều tra, hình sự của mình đã không nỡ làm vậy.

Sau nhiều đêm bạc tóc vì trăn trở, anh đã  mời cả hai bên gia đình của những vụ án éo le ấy đến số 7 Thiền Quang để làm một vị quan tòa anh minh phán xét và khuyên bảo. Và những bản án lương tâm có lẽ sẽ theo họ trong suốt cuộc đời. Những gia đình ấy, dòng họ ấy vẫn được bảo toàn vẹn nguyên danh dự, và không một ai có thể biết được rằng, họ đã từng đứng trước những sóng gió và bão táp có thể làm tan nát cuộc đời.

Nếu không có một tấm lòng sống thiện ở nhà số 7 Thiền Quang, làm sao đủ để giúp người, giúp đời đi qua được cái ranh giới mong manh thiện ác.

Để sống trong môi trường cái ác luôn chiếm lĩnh và ngự trị mà lòng vẫn thiện, vẫn trong; đó là nỗi day dứt tâm huyết nhất của những người ở nhà số 7 Thiền Quang, đặc biệt với thủ lĩnh cầm quân Nguyễn Đức Bình. Có lẽ nỗi buồn lớn nhất, khắc khoải nhất của người đàn ông có ít thời gian để buồn ấy là cái nhìn có phần chưa công bằng của số ít những người dân chưa hiểu đầy đủ nghề nghiệp của Công an và những khó khăn muôn hình vạn trạng của nghề.

Nguyễn Đức Bình bộc bạch: “Thực tế cuộc sống của những người lính hình sự còn quá khó khăn vất vả so với những nghề nghiệp khác trong xã hội. Nhiều khi tôi khắt khe với anh em mà mình phải quay đi để giấu những cảm xúc của mình. Có cái nghề nào hiểm nguy và mệt mỏi hơn lính hình sự.

Một giấc ngủ yên bình cũng hiếm hoi, nói chi đến những ngày lễ tết được đoàn tụ bên vợ con gia đình. Lính hình sự sống bằng đồng lương ba cọc ba đồng, vậy mà khi đứng trước nhiệm vụ, họ sẵn sàng hy sinh quên mình. Nếu không có một tấm lòng thiện, làm sao anh trụ vững được trong những cám dỗ của cuộc đời”

Lê Thị Thanh Bình
.
.
.