Sống chung với thú dữ

Thứ Ba, 26/08/2008, 15:22

Nhìn những con báo, hổ đi lại gầm gừ, những rắn hổ mang phì, hổ mang chúa giương cặp mắt và chiếc miệng phun phì phì ai nấy đều thót tim. Thế nhưng, các cán bộ ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn phải sống với chúng 24/24h.

Khi được các cơ quan chức năng đưa về Trung tâm để cứu hộ, nhiều con vật bị thương nhẹ, có con bị thương nặng hoặc mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi…, thế nhưng các kỹ sư chăn nuôi ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Sóc Sơn đã sống cùng với những loài động vật như chúa sơn lâm (hổ), báo, gấu… từ nhiều năm nay.

Chữa chạy cho chúng khỏi bệnh, chăm sóc chúng hồi phục sức khỏe, họ lại phải vất vả đưa chúng về với môi trường tự nhiên để chúng tiếp tục cuộc sống bản năng vốn có. Nhưng đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ, họ luôn phải đối mặt với đầy rẫy nguy hiểm, mang thương tích trên cơ thể để làm tròn bổn phận với tự nhiên.

Tai nạn nghề nghiệp - chuyện thường ngày

Sự kiện "hổ xổng chuồng" ngay trên xe ôtô vào năm 2007 khiến nhóm phóng viên chúng tôi mỗi lần nhắc lại đều thót tim, thế nhưng với các kỹ sư thú y ở Trung tâm cứu hộ lại là chuyện thường ngày. Đó là lần Cục Cảnh sát môi trường và Công an Hà Nội khám phá đường dây buôn bán, vận chuyển và chế biến hổ trái phép. Hôm ấy, họ đưa 3 con hổ lên Trung tâm cứu hộ, nhưng gần đến nơi thì thuốc mê tiêm cho hổ hết tác dụng, 2 con hổ bỗng mở mắt và trở mình. Chiếc ôtô rung lên, tiếng gầm của chúa sơn lâm khiến ai nấy đều hoảng hốt. Và không ai có thể kiểm soát được sự nguy hiểm của những chú hổ này nếu không có cán bộ của Trung tâm cứu hộ. Hai con hổ lại ngoan ngoãn ngủ một giấc dài, cán bộ thú y đo nhịp tim, thăm khám chẳng khác gì con người.

Kỹ sư chăn nuôi thú y Nguyễn Văn Nhung đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu vực nuôi nhốt các loài ĐVHD. Chuồng trại ở đây đã trở nên chật chội khi lượng động vật luôn ở mức quá tải. Anh Nhung nhớ lại, vào năm 1996, Trung tâm tiếp nhận gần 100 con vật, chủ yếu là loài động vật ăn thịt, trong đó có một con báo gấm bị thương nặng. Con báo này bị sập bẫy treo, tay phải bị chấn thương và nhiễm trùng. Nó bị đẩy qua đẩy lại gần 1 tháng mới về được đến trung tâm, sức khỏe gần như suy kiệt.

Anh Nhung cũng như các cán bộ ở tổ kỹ thuật rất khó tiếp cận được con báo này vì nó rất hung dữ, cơ thể bứt rứt ngứa ngáy, nó luôn cắn vào vết thương và nếu dùng ngoại khoa can thiệp thì không có kết quả mà phải tiêm thuốc chống nhiễm trùng toàn thân. Nhưng với con báo này, nếu gây mê sẽ hôn mê sâu và không tỉnh lại. Tình thế buộc các cán bộ phải phun thuốc sát trùng và phun thuốc tím để hạn chế bội nhiễm. Gần 2 tháng sau, con báo mới lành bệnh hoàn toàn.

Theo lời kể của anh Nhung, tai nạn nghề nghiệp đến với cán bộ thú y ở đây là chuyện thường ngày. Nhìn những con báo, hổ đi lại gầm gừ, những rắn hổ mang phì, hổ mang chúa giương cặp mắt và chiếc miệng phun phì phì về phía chúng tôi, ai nấy đều thót tim. Thế nhưng, các cán bộ ở Trung tâm phải sống với chúng 24/24h. Thậm chí, nhiều động vật sau khi tỉnh thuốc mê, chúng giằng xé, cắn chỗ bác sỹ vừa băng bó, có lúc "băng đâu cắn đấy" khiến các anh rất vất vả. Nhìn các anh phân loại động vật, chúng tôi không khỏi giật mình khi họ chỉ có vài chiếc mặt nạ phòng độc, khẩu trang.

Chế độ độc hại trả bằng… cốc nước chanh

Khó ai có thể tưởng tượng nổi, nơi cứu hộ ĐVHD duy nhất của cả nước, nơi mà cán bộ, công nhân viên ở đây phải trực tiếp tiếp xúc với môi trường độc hại không kém gì nhiều ngành nghề khác nhưng chế độ chính sách độc hại thì vô cùng ít ỏi. Phụ cấp độc hại tính bằng 0,1% theo hệ số lương, có khi chi tiền cho người lao động phải trả bằng hiện vật, tức là với số tiền 3 nghìn đồng đến 4,5 nghìn đồng/ngày thì chưa đủ cốc nước chanh. Đó là cách nói ví von hóm hỉnh của cán bộ, công nhân viên Trung tâm cứu hộ.

Chị Dương Thị Ngân cho biết, công việc chăm sóc khá vất vả, làm theo ca. Sáng các chị làm việc từ 7h30' đến 17h mới kết thúc. Còn chị Nguyễn Thị Duy Hinh, cán bộ kỹ thuật kể, đợt chăm sóc con hổ đưa từ Đồng Nai về rất gian truân. Con hổ bị rụng lông, phải chăm sóc theo phác đồ điều trị riêng. Nó rất hay gầm gừ khi có người đến gần.

Qua thời gian chăm sóc, sau này, khi hổ đã khoẻ mạnh, chị Hinh đã có thể đến gần, nhẹ nhàng vuốt bộ lông, vuốt ve nói chuyện mà không sợ bị cắn. Chị bảo: "Con vật cũng có tình cảm, mình chăm sóc nó bằng tấm lòng, nó sẽ cảm nhận được nên không hại mình đâu". Đến Trung tâm có vài tiếng mà mùi khó chịu từ xác động vật chết, từ những con vật còn khỏe mạnh quyện vào nhau khiến chúng tôi cũng thấy rất khó chịu, nhức đầu. Thế mới biết, sức chịu đựng của cán bộ, công nhân ở đây thật bền bỉ. Chuyện cán bộ, công nhân ở đây bị viêm phổi là thường. Những người làm ở tổ chăn nuôi đã từng lo lắng, tâm sự: "Chim hoang dã là loài mang đến siêu vi trùng, sợ nhất là chúng truyền bệnh cúm gia cầm".

Thế nhưng, vượt lên mọi khó khăn, dù chưa học qua trường lớp nào, dù tất cả đều trái nghề, nhưng giờ đây họ đều thấy gắn bó và thân thuộc với từng loài động vật, với từng căn bệnh "trái nắng trở trời" của chúng.  Chuyện chăm sóc, chữa bệnh đã là kỳ công, nhưng chuyện họ thả chúng về với môi trường tự nhiên quả cũng đáng ghi nhận. Đầu năm 2008, Trung tâm thả 130 con khỉ về rừng quốc gia Bù Gia Mập. Dọc đường rất vất vả, nhiều người không biết tưởng họ đi buôn chuối vì thức ăn của khỉ là chuối, xe ôtô phải cõng thêm vài chục buồng chuối đi theo.

Hay chuyện thả rắn hổ mang chúa về Vườn quốc gia Tam Đảo, có lần vừa thả xuống rắn quay đầu lao về phía mình khiến các anh phải chạy lên ôtô đóng chặt cửa. Chuyện thả ĐVHD về rừng nguy hiểm không kém việc chăm sóc, nhưng không hề có bảo hộ lao động. Hơn 4.000 cá thể, nhưng quy mô chuồng trại chỉ đáp ứng được một nửa, nhà bảo quản lạnh không có, đang là những khó khăn chưa được tháo gỡ hiện nay.

Theo Giám đốc Ngô Bá Oanh, Trung tâm đã có những buổi họp liên ngành, Chi cục Kiểm lâm và Trung tâm đề xuất xin UBND TP Hà Nội xây dựng nhà bảo quản lạnh, nhưng chưa được giải quyết. Hiện tại, Trung tâm đang đề xuất xây dựng chuồng trại bán hoang dã nuôi nhốt sau cứu hộ. Bởi sau khi cứu hộ, phục hồi sức khoẻ, việc tạo cho các loài động vật hoang dã được sống trong môi trường gần giống như tự nhiên để khi đã bình phục sức khỏe ra sinh sống, chúng sẽ phục hồi bản năng tự nhiên, khi thả chúng về rừng chúng sẽ thích nghi được với điều kiện tự nhiên, tỷ lệ sống cao.

Một lĩnh vực riêng, một nghề riêng, những khó khăn cũng rất đặc thù, thế nhưng, hơn 20 cán bộ, công nhân viên ở Trung tâm cứu hộ vẫn nhiệt huyết với công việc, một công việc không hề giản đơn. Trung tâm hiện chỉ có 5 biên chế, còn lại là hợp đồng, mức lương thấp từ 1,3 đến 1,4 triệu đồng/tháng.

Chia tay các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm cứu hộ, chúng tôi cảm nhận rằng, dù phía trước là những khó khăn, nhưng họ đã làm được những chuyện lớn lao, đó là trả về tự nhiên những gì vốn có của tự nhiên, bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, giúp cân bằng hệ sinh thái, cho rừng mãi mãi màu xanh, cho muôn loài được sống trong tự nhiên theo đúng bản năng gốc

Anh Hiếu-Trần Hằng
.
.
.