Sinh viên làm thêm

Thứ Ba, 01/08/2006, 08:22
Quá trình thích nghi môi trường mới hoàn toàn xa lạ, sau những lần thất bại, áp lực trong công việc… cũng là yếu tố để SV mới tốt nghiệp chưa từng va chạm thực tế hụt hẫng, chán nản, dẫn đến sa sút trong công việc, thậm chí có nguy cơ bị thôi việc.

Công việc gia sư đối với SV không còn là ưu tiên lựa chọn như trước, đa số SV cho rằng, dạy kèm chỉ mang tính chất giải quyết được những khó khăn và trang trải chi phí tiêu xài hằng ngày. Khảo sát ý kiến của SV tại các "Trung tâm hỗ trợ SV", phần đông đều khẳng định qua những công việc, mong muốn sẽ lĩnh hội được những điều mới lạ, làm hành trang khi tốt nghiệp sau thời gian dài "mài đũng quần" trên ghế giảng đường.

SV Phạm Hoàng Phúc, Trường ĐH Công Nghiệp đang theo học ngành Tin học, tìm đọc những thông tin tuyển dụng về sửa chữa, cài đặt và lắp ráp máy tính bộc bạch: "Nội dung được học, được ứng dụng ở trường quá ít so với nhu cầu cần biết thêm về nghề này".

Được biết, trong khoa Tin học của Hoàng Phúc, đi làm thêm trong hè được xem là trào lưu phổ biến trong giới SV. Trả lời thắc mắc này, Hoàng Phúc vui vẻ nói: "Tin học là ngành luôn cần phải nắm những kiến thức mới, nhu cầu tìm hiểu thêm thực tế. Lắp ráp, cài đặt từ những thiết bị máy tính đơn giản cho đến hiện đại đều phải cập nhật thường xuyên".

Với SV Nguyễn Thành Luân, năm thứ 2 Trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ cho rằng, khi đi dạy đối với các SV thuộc khối ngành Tin học thì không thể tích lũy được gì cho công việc sau khi ra trường. Lần này đi tìm việc, mong muốn của Luân cũng như các SV khác là phải chọn đúng ngành nghề mình đang theo học.

Theo SV Hoàng Công Anh (ĐH Mở Bán Công) đang theo học ngành Marketing: Thời gian làm thêm vào những ngày hè là lúc có thể "trải nghiệm" được những điều đã học tại trường. Song song đó, muốn được áp dụng kiến thức đã học vào công việc bán hàng hoặc nghiên cứu khảo sát thị trường vì công việc trên rất thực tế, sát với những kiến thức trên giảng đường.

Sau những ngày hè làm thêm tại một công ty phân phối sản phẩm sữa lớn của TP.HCM, Công Anh đã rút ra cho mình những bài học quý giá. Như việc tiếp cận và giới thiệu sản phẩm cần hướng đến đối tượng người tiêu dùng nào và hoạch định chính sách của việc phân phối sản phẩm một cách tốt nhất để thu hút nhiều khách hàng nhất. Tiếp đến là phải có tư duy, điều khiển được suy nghĩ của khách hàng trong việc lựa chọn sản phẩm.

Ngoài ra, để giữ chân được khách hàng, Công Anh cho biết thêm: "Qua thời gian làm việc đã được gần 2 tháng, mình hiểu thêm rằng, người tiêu dùng không quá khó tính khi chi tiêu sử dụng một sản phẩm mới, cái khó là đem lại lòng tin cho người tiêu dùng khi tiêu thụ sản phẩm". Vì có những chế độ hậu mãi và dịch vụ sau khi bán hàng tốt, cộng với sự nắm bắt được kinh nghiệm của công ty khi được đào tạo nên Công Anh dễ dàng thuyết phục được các đại lý của mình. Sau khi tiêu thụ hết các sản phẩm, các đại lý đều đặt hàng với số lượng nhiều hơn trước.

Đúc kết từ những kinh nghiệm

Ngoài những kiến thức nhất định mà SV mới tốt nghiệp cần có, đòi hỏi phải khéo léo trong cách giao tiếp với khách hàng, sự năng động khi làm việc, qua đó, thực sự đã mang lại cho SV không ít những thành công.

Nhớ lại thời gian khi làm việc vào những ngày hè, cựu SV Nguyễn Đức Triệu (Trường ĐHBK TP.HCM), nhân viên Công ty Công nghệ phần mềm T.M.A hồ hởi: "Tôi đã từng nhận lập trình những phần mềm nhỏ và đơn giản cho một số công ty, sau đó nâng dần lên với những phần mềm khó hơn, nhờ đó hiểu được rằng giữa việc học và thực tế khi đi làm rất khác xa nhau".

Không chỉ vậy, công việc ngoài giờ học còn giúp SV có tư duy tốt và biết cách lựa chọn hướng giải quyết công việc sao cho hợp lý, không quá đặt nặng vào những giáo trình, chắt lọc và bổ sung thêm những kiến thức mình còn thiếu. Do đó khi ra trường, hầu hết những SV từng làm thêm đều cảm thấy rất tự tin khi bước vào công việc.

Nói về kinh nghiệm công việc giới thiệu và phân phối sản phẩm của mình khi còn ngồi trên ghế giảng đường, cựu SV Vũ Trọng Chinh (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) bật mí: "Tất cả đều là sự thử thách và lòng kiên trì khi thuyết phục khách hàng đến với sản phẩm mình cần giới thiệu". Được biết thêm, rút kinh nghiệm sau những lần thất bại ban đầu do còn bỡ ngỡ, Trọng Chinh đã phân phối sản phẩm cho Công ty Dầu ăn Con Két (Nakydaco) trung bình vài trăm chai mỗi ngày. Và khi ra trường với sự nhạy bén đúc kết được lúc còn đi học, sự tự tin, cùng nghiệp vụ chuyên môn, Vũ Trọng Chinh đã được giữ chức vụ Trưởng phòng Kinh doanh tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện.

Tuy nhiên, những cựu SV từng đi làm luôn nhắn nhủ các SV còn theo học chỉ nên làm thêm vào dịp rảnh rỗi, những ngày hè, "Đừng vì hám lợi trước mắt, phá hỏng cả tương lai". Thực tế cho thấy, các nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi ở SV mới tốt nghiệp song song với trình độ chuyên môn cần phải có được những bằng cấp

Đỗ Hưng

.
.
.