Sinh viên VIP thời @

Thứ Tư, 07/02/2007, 08:57
Lúc cao hứng, T. tâm sự có tháng mình tiêu xài cả 100 triệu đồng, là tiền của "anh hai", "chị ba" tặng cho để lấy lòng con trai của sếp. Tuy bỏ học nhưng T. vẫn qua môn đều đều. Bí quyết của T. là thuê sinh viên khác… học giùm!

Ở TP HCM có một bộ phận sinh viên con nhà giàu, quyền chức chỉ biết đắm chìm trong hưởng thụ. Tuy mang danh là những người chủ tương lai của đất nước nhưng họ được đánh giá là những công dân "ba không": "Không chịu học hành, không lo nghĩ đến tương lai và không quan tâm đến đời sống của cộng đồng xã hội, nhất là đối với những mảnh đời bất hạnh nhưng sôi sục ý chí vươn lên".

Bạn sẽ hiếm thấy họ cầm tờ báo đọc hay lướt xem những trang web có thông tin bổ ích. “Tài” duy nhất của họ chỉ là những kiểu chơi ngông, ăn xài bạt mạng bằng những đồng tiền không phải bằng mồ hôi nước mắt. Bài viết này thêm một hồi chuông cảnh báo…

Khi em là "công dân Wi-Fi"

Nhiều buổi sáng liền, chúng tôi dạo vòng quanh các quán cà phê sang trọng ở nội thành TP HCM thì thấy lúc nào cũng đầy ắp khách. Họ ăn mặc toàn những loại quần áo model thời thượng (bộ đồ vài triệu đồng là chuyện bình thường); xài điện thoại di động xịn, máy tính xách tay có hỗ trợ kết nối Internet không dây (Wi-Fi); đi xe gắn máy tay ga đắt tiền như SH, Dylan, @...

Điều đáng nói hơn là riêng các cô cậu “tuổi teen”, họ "ngồi đồng" ở quán cho đến trưa, tụm năm tụm ba tán gẫu, truy cập mạng, nói chuyện gái trai mà hoàn toàn không để ý đến thời gian, công việc. Vậy họ là ai?

Tôi vào quán cà phê có lắp đặt mạng Wi-Fi nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3) và cảm thấy choáng ngộp bởi khung cảnh và những con người sang trọng ở đây. Xung quanh tôi, những chiếc laptop, pocket PC, những bộ cánh hở hang, những mái đầu xanh đỏ… như để chứng tỏ đẳng cấp của những tay chơi sành điệu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các quán cà phê có lắp đặt mạng Wi-Fi, các "công dân Wi-Fi" trong quán đều có thể gửi tin nhắn cho nhau. Do vậy, cà phê Wi-Fi đối với những "cậu ấm cô chiêu" hay gái gọi và khách làng chơi chẳng hạn lại trở thành nơi để làm quen, mời mọc, ngã giá nhau. Đây là nguyên nhân chính khiến các cô cậu choai choai tìm vào quán Wi-Fi.

Liếc nhìn màn hình một số laptop, tôi thấy các cô cậu đang nghiền ngẫm những trang web đen hoặc đang say sưa chát với một đối tượng nào đó cũng đang có mặt ở quán này.

Tương tự, những chiếc điện thoại di động O2, Nokia N92… cũng được đem ra sử dụng làm cầu nối giữa những người chưa hề quen biết. Sau khi thấy hợp ý, các đôi trai gái sẽ "xích lại gần nhau" và nhanh chóng kéo nhau đi…

Một nhân viên phục vụ quán cho biết, qua trao đổi giữa họ thì nơi đến có thể là khách sạn, vũ trường hay một quán bar nào đó. Cũng theo lời nhân viên này thì, khách mối của quán này đa phần là các sinh viên con nhà giàu có và quyền lực.

T. - một trong số đó, gần như ngày nào cũng bỏ học và xuất hiện ở quán này để săn tìm các em trẻ, đẹp. Những lúc cao hứng, T. tâm sự có tháng mình tiêu xài cả 100 triệu đồng, là tiền của "anh hai", "chị ba" tặng cho để lấy lòng con trai của sếp. Điều đáng nói là tuy bỏ học nhưng T. vẫn qua môn đều đều. Bí quyết, theo T. nói là thuê sinh viên khác… học giùm!

"Thiếu gia" tỉnh lẻ chìm đắm cơn say

Những năm trước, chuyện con ông nọ, bà kia bỏ học ăn chơi trác táng cũng được mọi người nói đến rất nhiều. Nhưng ăn chơi ở mức độ nào, hậu quả ra sao vẫn còn là chuyện ít người biết đến.

Đến khi những chuyện lình xình xảy ra như chuyện con trai của một thứ trưởng ăn chơi bậc nhất Hà Nội hay các "quý tử" như Trịnh Sâm Mậu, Nguyễn Quốc Cường, Mai Đăng Khoa… mới 18, 19 tuổi đầu đã tổ chức đua ôtô, đưa hối lộ… thì mọi người mới vỡ lẽ, bọn trẻ ăn chơi dữ dội hơn những gì người ta tưởng.

Và con đường ăn chơi không dừng ở đó khi khoảng giữa năm 2005, cơ quan Công an đánh sập nhiều tụ điểm lắc khỏa thân ở karaoke Song Ngọc, Bin Bo… với phần đông đối tượng là sinh viên "cao cấp". Mà từ "lắc" đến quan hệ tình dục bừa bãi, tiêm chích heroin là khoảng cách rất mong manh.

Trong số những sinh viên ăn chơi trác táng nói chung có sự "góp phần" không nhỏ của lượng sinh viên con nhà giàu đến từ các tỉnh. Tuy nhiên, nếu quý tử ở TP HCM mê Wi-Fi, bar, vũ trường thì "thiếu gia" tỉnh lẻ lại rất mê nhậu và uống bia ôm.

Q. - con trai của một cán bộ chức quyền ở tỉnh An Giang được cha mình mua hẳn cho một căn nhà 2 tầng ở phường 9 (Phú Nhuận) với đầy đủ tiện nghi như một gia đình giàu có thực thụ. Tuy điều kiện quá đủ đầy nhưng sau hai năm kể từ ngày bước chân đến giảng đường, Q. được bạn bè "phong tặng" cho biệt hiệu "hủ hèm" vì lúc nào cũng thấy Q. say khướt.

Đám "đệ tử Lưu Linh" thì ngán nhất ở Q. là chiêu mua bia lon về rồi xếp từng lon dọc theo tường phòng khách và uống khi nào hết bia mới cho bạn bè về. Nhiều lúc, chỉ có 5 đứa nhậu nhưng phải nốc đến 4 thùng bia Heineken!

Dữ tợn nhất là ngày sinh nhật của Q. Sau khi đãi bạn bè ở nhà hàng hết gần 10 triệu, Q. kéo một số bạn về nhà để tiếp tục tăng hai. Tại đây, Q. đổ bia cùng thức ăn vào cái thau rồi dùng chén múc (kiểu uống bạt mạng này thường thấy ở các vùng nông thôn miền Tây) để vừa uống vừa ăn mồi… cho tiện. Một số đứa không uống được, Q. lấy đầu nhận vào thau, sinh ra cự cãi, đánh nhau, hai đứa phải nhập viện cấp cứu.

Nghiện rượu, sự học của Q. cũng chấm dứt khi nhà trường đuổi học. Q. lọ mọ sang công ty bảo hiểm nhân thọ M. để xin làm đại lý.

Với sự ủng hộ của người cha, Q. kiếm được khá nhiều hợp đồng từ người thân và các "anh, chị" ở nhiều ban, ngành của tỉnh nên chẳng bao lâu đã lên làm nhóm trưởng.

Càng có tiền Q. nhậu càng dữ hơn, liên tục bị tai nạn giao thông do lái xe khi đang say rượu. Sợ con mình "chết yểu", cha Q. rút con về tỉnh. Nghe đâu hiện giờ Q. là trưởng phòng của một công ty xây dựng bề thế nhưng chỉ nhậu chứ hiếm thấy làm!

Một "thiếu gia" khác đến từ xứ sở của "công tử Bạc Liêu" là Đ. - con của ông L., một người có vị thế ở tỉnh. Đ. học ở Thủ Đức nhưng thường uống bia ôm ở tận quận 1, quận 5.

Lúc điện thoại di động Nokia 7610 ("chiếc lá lớn") mới "ra lò", sở hữu chúng thường là các "đại gia" vì giá vào thời điểm đó đã hơn 10 triệu đồng nhưng Đ. có liền một lúc 3 cái. Hỏi ra mới biết là do lính của cha Đ. tặng cho con của sếp. Nhờ có những chiếc điện thoại này mà khi hết tiền uống bia ôm thì Đ. đem thế chấp cho chủ quán để thỏa cơn ghiền.

Ngoài chuyện uống bia ôm, Đ. còn rất thích đi câu cá và bắn chim. Nhiều lần, người ta thấy Đ. vác súng hơi men theo suối Cái (chảy qua quận Thủ Đức và quận 9) để tập bắn… chuột! Rồi lúc bạn bè đang học thì Đ. vác cần câu xuống khu vực Bến Đò (Long Bình, quận 9) để câu cá.

Chẳng biết chuyện câu như thế nào nhưng chiều đến bạn bè cùng học thấy Đ. mang về… vài con cá bóng mú mà chẳng thấy miệng cá bị mắc câu! Tính ra số tiền mà Đ. tiêu xài trong 1 tháng bằng cả chi phí trong 2 năm học của một sinh viên nghèo!

Mã Thanh Phong
.
.
.